Dân quyền Thụy Ðiển chọn Ðiếu Cày là nhân vật của tháng - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 4, 2012

Dân quyền Thụy Ðiển chọn Ðiếu Cày là nhân vật của tháng

Trang web của tổ chức “Civil Rights Defenders”
 tại Thụy Ðiển, hoạt động 30 năm nay trên
 khắp thế giới, chọn Ðiếu Cày là “nhà bảo
 vệ nhân quyền” của tháng. (Hình:
 civilrightsdefenders.org/Người Việt)
SÀI GÒN (NV) - Ngay trong lúc chính quyền cộng sản tại Việt Nam đang chuẩn bị đưa các blogger Ðiếu Cày, Anh Ba SG và Tạ Phong Tần ra tòa với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước,” một tổ chức báo vệ dân quyền tại Thụy Ðiển nêu gương blogger Ðiếu Cày là “nhà bảo vệ nhân quyền” của tháng.

Ba nhân vật làm trang web “Câu lạc bộ Nhà báo Tự do” sẽ bị đưa ra tòa sắp tới đây. Một thân hữu của ba blogger này cho báo Người Việt biết ngày xử được cho là 17 tháng 4, nhưng tới nay vẫn chưa có thông báo chính thức theo luật định. 

Trong khi đó, Tổ chức Bảo vệ Dân Quyền “Civil Rights Defenders” tại Thụy Ðiển vinh danh Ðiếu Cày, tên thật Nguyễn Văn Hải, là “Human rights defender of the month.” Tổ chức này viết: 

“Ông Nguyễn Văn Hải được coi là một trong những blogger có ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam. Với bút hiệu ‘Ðiếu Cày’, ông là người tiên phong khi phong trào viết blog bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam năm 2007. ‘Ðiếu Cày’ là vật dụng thường ngày dùng để hút thuốc của nông dân, và ông đã mượn tên này như để đại diện cho tầng lớp nông dân, những người nghèo và thiệt thòi nhất tại Việt Nam.” 

Tổ chức này, hoạt động 30 năm nay trên khắp thế giới, cũng nhắc tới việc ông và thân hữu sắp bị đưa ra tòa. Họ viết: 

“Họ đã giam giữ ông sau song sắt từ năm 2008, và trong 18 tháng qua, gia đình và luật sư của ông đã không được tiếp cận với ông. Tháng 4 này, ông sẽ bị đưa ra xét xử lần thứ hai với tội danh về an ninh quốc gia do việc ông đã viết blog một cách ôn hòa.”

Blogger Ðiếu Cày (thứ tư từ trái) và Anh Ba SG (thứ nhì từ phải) biểu tình chống Trung Quốc trước cửa Nhà hát Thành phố, tại Sài Gòn, tháng 1, 2008. (Hình: Blog cũ Nguyễn Tiến Trung)

 
Cả ba người đều cùng tham gia làm trang web Câu lạc bộ Nhà báo Tự do, quy tụ nhiều người viết. Hầu hết các tác giả trên trang web này đều có quan điểm bảo vệ chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa - một điều khiến họ bị chính quyền nghi ngờ, theo dõi và hạch sách. 

Ðể chuẩn bị truy tố ba blogger này, Sở Văn Hóa tại Sài Gòn làm giấy “giám định” các bài viết trên trang mạng Câu lạc bộ Nhà báo Tự do và cho rằng nhóm này “cố thể hiện mình như là thế lực mới đang được hình thành và từng bước trưởng thành trong lòng chế độ Cộng sản ở Việt Nam,” theo kết luận giám định được trích trên báo Người Lao Ðộng. 

“Thế lực mới” này, Sở Văn Hóa viết thêm, có “âm mưu diễn biến, lật đổ trước mắt và lâu dài.” 

Bài báo Người Lao Ðộng cũng tiết lộ thêm lý do mà 3 blogger này bị cho là chống nhà nước: 

“Ngoài ra, 3 bị can còn lợi dụng các sự kiện chính trị, tổ chức và tham gia các cuộc biểu tình vơ i danh nghi a chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa-Trường Sa và tẩy chay Olympic Bắc Kinh khi rước đuốc qua TPHCM,” báo Người Lao Ðộng viết. Bài báo Người Lao Ðộng cũng cho rằng hai ông Ðiếu Cày và Anh Ba SG từng tham dự cuộc huấn luyện của đảng Việt Tân tại Thái Lan. 

Các blogger Ðiếu Cày, Anh Ba SG, Tạ Phong Tần nằm trong số những người hăng hái nhất trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc khi nước này thiết lập hệ thống hành chánh cho quần đảo Hoàng Sa năm 2007. 

Tại Sài Gòn, cuộc biểu tình thu hút hàng ngàn người xuống đường chật hết khu vực gần nhà thờ Ðức Bà, đối diện tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc khi đó tọa lạc tại góc Nguyễn Thị Minh Khai (Hồng Thập Tự cũ) và Phạm Ngọc Thạch (Duy Tân cũ). 

Sau đợt biểu tình năm 2007, chính quyền bắt đầu siết dần. Nhiều người bị an ninh chính trị tới gặp tại chỗ làm, khiến chủ nhân sợ mà phải cho nghỉ việc. Nhiều người bị ép đuổi học. 

Blogger Anh Ba SG thi đậu bằng hành nghề luật sư nhưng Bộ Tư Pháp từ chối không cấp bằng hành nghề mà cũng không cho biết lý do. 

Tới năm 2008, chính quyền dựng lên một vụ án “trốn thuế” và tuyên án ông Nguyễn Văn Hải tức Ðiếu Cày 2 năm rưỡi tù. Các công điện của tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ báo cáo về Washington DC, và sau này bị Wikileaks tiết lộ ra, đánh giá phiên tòa này là “trò đùa” và cho rằng Ðiếu Cày bị vu cáo. 

Tổng Lãnh Sự Kenneth Fairfax, trong công điện đề ngày 11 tháng 9, 2008, miêu tả Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do là viết những sự thật mà báo chí nhà nước chưa tường thuật, hoặc tường thuật chưa đầy đủ. Ông nêu thí dụ: “Vụ sập cầu Cần Thơ, đình công, Công Giáo đòi lại đất ở Hà Nội và các đề tài khác.” 

Chính vì vậy, Ðiếu Cày và bạn hữu trong nhóm CLBNBTD bị chính quyền soi mói,” TLS Fairfax viết. 

Hạn tù vì tội danh “trốn thuế” kết thúc vào tháng 10 năm 2010 nhưng chính quyền Việt Nam tự tiện tiếp tục giam Ðiếu Cày, và cho tới gần đây không đưa ra lý do gì và cũng không cho gia đình gặp mặt. 

Công điện của tòa Tổng Lãnh Sự cũng nhắc tới trường hợp Luật gia Phan Thanh Hải “vợ ông có lần bị an ninh thường phục dọa sẽ cho 'tai nạn chết người.'” Ông bị bắt tháng 10 năm 2010 mà không có lý do, bị giam cho tới nay. 

Blogger Tạ Phong Tần, ngoài trang blog Công Lý & Sự Thật, cũng viết nhiều bài phóng sự về người nghèo, về người dân quê, cho BBC Việt ngữ và cho báo Người Việt. 

Cô cũng là một tín đồ Công Giáo mới theo đạo và viết nhiều bài tường thuật những việc xảy ra tại giáo xứ Thái Hà và những sinh hoạt ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn. 

Báo Người Lao Ðộng nói Nguyễn Văn Hải và Tạ Phong Tần “chống đối quyết liệt, không khai báo, không thừa nhận hành vi của mình.”

Dân quyền Thụy Ðiển chọn Ðiếu Cày là nhân vật của tháng Reviewed by Hoài An on 4/15/2012 Rating: 5 Trang web của tổ chức “Civil Rights Defenders”  tại Thụy Ðiển, hoạt động 30 năm nay trên  khắp thế giới, chọn Ðiếu Cày là “nhà bảo ...

Không có nhận xét nào: