Quan niệm của Phan Bội Châu về bản tính của con người - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 4, 2012

Quan niệm của Phan Bội Châu về bản tính của con người

Nguyễn Văn Hòa - Trong truyền thống tư tưởng của dân tộc Việt Nam, vấn đề con người luôn gắn liền với vấn đề dân tộc. Đặc biệt, mỗi khi Tổ quốc bị lâm nguy thì sự cố kết đó càng trở nên bền chặt hơn bao giờ hết. Bởi lẽ, con người là yếu tố quyết định trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối và phát huy truyền thống đó, Phan Bội Châu - nhà tư tưởng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam trong khoảng hai chục năm đầu của thế kỷ XX đã để lại dấu ấn khá đậm nét về vấn đề con người trong lịch sử tư tưởng của dân tộc. "Cùng thời với Phan Bội Châu, không thấy ai đả động tới vấn đề con người nhiều bằng Sào Nam, riêng điều ấy cũng chứng tỏ rằng tư tưởng của cụ Phan rõ cao hơn tư tưởng nhiều bạn đồng chí của mình". 

Một nội dung có ý nghĩa quan trọng trong vấn đề con người là vấn đề bản tính của con người. Vấn đề này đã được đặt ra từ thời cổ đai. Là nhà Nho yêu nước thấm nhuần truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, Phan Bội Châu cơ bản nhất trí với quan điểm của Mạnh Tử về vấn đề bản chất của con người, đó là: "Bản tính con người là thiện", là "thiên lương". Tuy thống nhất với Mạnh Tử như vậy, nhưng không phải Phan Bội Châu không có cách kiến giải độc đáo riêng của mình về vấn đề đó. Khi đưa ra căn cứ để lý giải tính bản thiện của con người, Phan Bội Châu cũng nêu ra bốn thuộc tính bẩm sinh vốn có hay bốn đầu mối của thiện, đó là: lòng thị phi (biết phải, trái), lòng tu ố (biết hổ thẹn), lòng tự nhượng (biết cung kính), lòng trắc ẩn (biết xót thương). Bốn thuộc tính đó được gọi là "tứ đoan", hay "thiện đoan” để giải thích bản tính của con người. Điều đáng quý là cách lý giải của Phan Bội Châu chứa đựng một tấm lòng yêu nước thiết tha, một khát vọng cháy bỏng vì độc lập, tự do cho đất nước, một niềm tin mãnh liệt vào lương tâm và trí tuệ của con người Việt Nam mỗi khi nó được đánh thức bởi nghĩa lớn của quốc gia. Ở Phan Bội Châu, bốn đầu mối của thiện luôn luôn hướng đến nghĩa lớn. Bởi thế, vì một lý do nào đó mà chúng ta đau thương nhất, vì lòng thiện mất thì nghĩa lớn không thành và nước sẽ mất. Phan Bội Châu viết: “Vì lợi ích chăm đua riêng để quên người khác mà lòng thị phi chế! Vì cầu an nhịn nhục mà lòng tu ố chết. Tranh nhau từng sợi tơ tóc mà lòng tự nhượng chết. Quên cái vạ chủng tộc mà lòng trắc ẩn chết. Mà mỗi khi lòng đã chết rồi thì đoàn thể làm sao có thể kết được? Nghĩa lớn làm sao có thể nêu cao được? Quyền công do lợi riêng mà phá hoại. Cái lo xa do lợi gần nước mắt che đậy". 

Theo Mạnh Tử, bản tính của con người là thiện, vì ai cũng có tâm. Tâm là cái chủ đạo điều khiển mọi hành vi của con người. Tâm ta tỏ là nhờ có "lương năng" (cái người ta sinh ra không cần học mà hay và "lương tri " (cái người ta sinh ra không cần suy nghĩ mà biết). Do đó, con đường, biện pháp và mục đích của nhận thức là tận tâm, tri tính, tri thiên. Còn đối với Phan Bội Châu thì sao? Ông không đề cập đến "lương tri, lương năng" mà nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục, rèn luyện, đến sức mạnh của sự đoàn kết vì lợi ích chung của dân tộc, để tồn tầm dưỡng tín. Phan Bội Châu cho rằng chữ "tâm" phải luôn luôn đi liền với chữ “đồng” và điều cốt yếu của tâm là đồng lòng đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông nhắc nhở mọi người rằng: "Chữ "tâm" cốt phải ai ai cũng đồng". Đồng tâm vì nghĩa lớn của dân tộc trở thành một yêu cầu ghi lòng tạc dạ đối với mọi người Việt Nam và hơn thế nữa, ai ai cũng phải có tránh nhiệm vun đắp cho sự đồng tâm đó. 

Theo Mạnh Tử, bản tính của con người được toát ra 'từ các hành vi xử sự lấy nhân, nghĩa, lễ, trí làm gốc. Bốn chuẩn mực này là cái vốn có do trời phú cho nên còn gọi lả "thiên lương". Phan Bội Châu cũng thừa nhận bốn chuẩn mực đó có trong nhân tính. Nhưng đối với Phan Bội Châu, phạm trù "nhân" không chỉ là yêu thương người, coi người như mình, tôn trọng nguyên tắc của xã hội, mà còn bao chứa nhiều mặt, nhiều yếu tố phong phú và mang một ý nghĩa tích cực, sâu sắc. Bởi lẽ , lòng yêu thương con người phải hướng đến lòng yêu nước thương nòi. Lông yêu nước chẳng những là phẩm chất cao quý của con người mà còn là trách nhiệm và mục đích của mọi suy nghĩ và hành động của con người. Trong "Hoà lệ cống ngôn" (1907), Phan Bội Châu viết: "Lấy nhiệt thành làm chính, lấy yêu nước làm mục đích, nhóm họp đoàn thể, trao đổi tri thức, phục tùng công lý, sứa đạo đức công dân, lập giao ước công dân, xướng quyền lợi công dân, giúp đỡ nhau, thương yêu nhau, không ghét nhau, không lừa dối nhau, không khinh khi nhau”. 

Trong tác phẩm "Tạp ký", ông còn tiếp tục vạch rõ lòng yêu nước thương nòi là mục đích, bởi nó là nguồn gốc của tự do, độc lập, bình đẳng và tự cường. Như chúng ta đã biết, vấn đề tự do, bình đẳng là mục tiêu của giai cấp tư sản đã nêu lên nhưng không thực hiện được. Ở đây, Phan Bội Châu đã đưa ra mục tiêu đó và cho rằng nó trở thành yêu cầu và khát vọng không thể thiếu được trong mỗi con người Việt Nam. Điều đó chứng tỏ rằng trong khi phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, Phan Bội Châu còn biết tiếp thu những yếu tố tích cực trong các trào lưu tư tưởng phương Tây, trong đó có tư tưởng tự do và bình đẳng. Sẵn có một tấm lòng yêu nước thiết tha, Phan Bội Châu đã sớm có cảm tình và say mê với những tư tưởng của Môngtexkiơ và Rútxô. 

Đối với Phan Bội Châu, lòng yêu nước không phải là một cái gì hư vô, trừu tượng, mà nó được bắt nguồn từ những cái rết gần gũi, rất cụ thể và rất đỗi chân thật đối với mỗi người. Chính ông dã tự đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đó một cách tự nhiên và giản dị như mạch sống của chính mình: "Ôi! Nước là gì? Là họp người mà thành, họp ức triệu người lại mà thành. 

Yêu nước là tính gì? Là suy cái lượng yêu mình, yêu nhà mà thành vậy. 

Nước còn thì nhà còn, nước mất thì nhà mất. Nước vốn là đầu não của mình ta, nền tảng của ta vậy... 

Người biết có mình thì ắt yêu mình, yêu nước tức là cái hình ảnh yêu mình phóng đại ra vậy. 

Người đã có mình, có nhà thì đều có trách nhiệm yêu nước”. 

Như vậy, yêu người là cơ sở nền tảng của yêu nước, yêu mình, yêu nhà. Chúng gắn bó chặt chẽ với nhau, hoà nhập vào nhau một cách tự niên. Chúng vừa đồng nghĩa với nhau, lại vừa là nguyên nhân và kết quả của nhau. Vì thế, triết lý của cuộc sống là nước mất thì nhà tan, cứu nước cũng là cứu nhà và cũng là tự cứu lấy mình, giải phóng dân tộc thoát khỏi gông xiềng nô lệ cũng chính là tự giải phóng cho mình. Lòng yêu thương con người đến mức như thế quả là đặc sắc và thấm đẫm tinh thần nhân văn cao cả trong truyền thống dân tộc Việt Nam. Quan điểm này có tác dụng kích thích tính năng động chủ quan của mỗi con người và củng cố thêm những giá trị bền vững, những tinh hoa vun đắp nên qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc. 

Từ lòng yêu thương phát triển thành lòng yêu nước thương nòi cũng là vì nghĩa cả của dân tộc. Phan Bội Châu viết: "Hiểu được nghĩa đồng bào thì quốc gia càng thêm đầy đủ, mà ngày càng mạnh thêm. Đã biết đồng quốc là đồng bào thì biết hạnh phúc của người cùng nước, tức là hạnh phúc của đồng bào ta, tức là hạnh phúc của bản thân ta. Hạnh phúc của bản thân ta, chỉ khi nào tất cả đồng bào đều sung sướng, khi đó mới có thể nói hạnh phúc chân chính của ta được. Vì cả đồng bào mà mưu hạnh phúc thì dù có hy sinh bản thân cũng không nên tiếc. Không phải như thế lả không thương tiếc thân ta, mà chính ra rất thương tiếc thân ta đấy. Vì hạnh phúc đã khắp đồng bào thì bản thân ta khoái lạc và vinh quang mới rất mực vậy. Bởi thế cho nên những người đã rất yêu bản thân thì rất yêu đồng bào, mà đã rất yêu đồng bào tất yêu quốc gia, mà đã thật yêu quốc gia tất hy sinh vì quốc gia mà bỏ hết sự tư lợi của mình, đem hết sức mình ra bảo vệ tổ quốc. Nghĩa đồng bào thực là nguyên khi của quốc gia vậy. Ở đây, yêu nước là yêu đồng bào, yêu mình, lợi ích của quốc gia phải gắn liền với lợi ích của đồng bào và của bản thân. Như vậy, trong quan niệm của Phan Bội Châu, con người vừa có trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Tổ quốc và đồng bào, lại vừa tự ý thức được về mình - để tự mình quan tâm và giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra, tự mình vươn lên thích ứng với hoàn cảnh. 

Coi trọng nhân nghĩa là đạo lý truyền thống Việt Nam. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa của giá trị truyền thống đó, Phan Bội Châu, một mặt, khuyến khích mọi người làm những điều nhân ngay đối với mình, đối với gia đình và đối với xã hội, mặt khác, ông còn khuyên mọi người phải có trách nhiệm thực hiện tốt nghĩa vụ của mình vì lợi ích chung, vì hạnh phúc của dân tộc, trong đó có cả gia đình và cá nhân. Người có nghĩa lớn là người dám chấp nhận hy sinh cho sự sống còn của dân tộc. Đối với Phan Bội Châu, nghĩa đồng bào chẳng những là nguyên khí của quốc gia mà còn là thiên chức của con người Việt Nam. Đó là vốn quý của con người Việt Nam và là một trong những nguồn cội tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam. 

Nhân tính là yêu nước, nhân tính là nghĩa đồng bào, nhân tính là trí tuệ , nhân tính là bình đẳng. Ngay trong tác phẩm "Tạp ký", Phan Bội Châu đã giải thích sự bình đăng là một thuộc tính tự nhiên vốn có của con người, nên mọi người sinh ra đều có địa vị như nhau, do đó, không ai được tự đặt mình lên trên người và phân biệt đối xử giữa các hạng người. Ông viết: “Trời sinh ra người, có hình thể như nhau, có tính tình như nhau, ta không dám cậy mình là thánh thần mà bỏ những lời nói hay của người, ta không dám cậy khôn ngoan mà bỏ những nết tốt của người. Đấy là bụng nghĩ bình đẳng đã có mầm mống rồi đấy, duy người ta giẫm đạp lên mà không biết đấy thôi". 

Như vậy, ta thấy rằng, tư tưởng trên của Phan Bội Châu đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của quan niệm dân chủ tư sản phương Tây. 

Theo Phan Bội Châu, nguồn gốc và tôn chỉ của tự do là lòng yêu nước thương nòi. Vì thế, tự do là lẽ phải, là nhu cầu chính đáng của con người, tự do là cái lý mà không một thế lực nào có thể ràng buộc và ngăn cản nổi.

Nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được tự do vì đó là một việc làm đầy nhân tính và hợp với đạo lý. Còn những kẻ đi tước đoạt tự do của người khác thì sớm hay muộn sẽ bị tiêu diệt vì đó là những kẻ nát nhân tính, phi đạo lý. Với Phan Bội Châu, tự do vừa là đạo lý, vừa là khát vọng của con người, nên lẽ đương nhiên là người Việt Nam không bao giờ chấp nhận làm thân phận của kẻ nô lệ, mà trái lại, phải vùng dậy đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc. Có thể nói rằng tư tưởng về tự do như vậy đã góp phần thắp sáng lên niềm tin mãnh liệt và tinh thần quật cường của dân tộc, vào sức mạnh của chính nghĩa và làm bùng lên khát vọng tự do vốn âm ỉ, nung nấu trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Nho giáo nên Phan Bội Châu thường nhấn mạnh tự do là hành động theo các quy tắc, chuẩn mực đạo đức - gần với khuôn phép của lễ giáo phong kiến. 

Đến đây, chúng ta có thể thấy rõ nội hàm của khái niệm "thiên lương" trong quan niệm của Phan Bội Châu không chỉ bó hẹp trong chuẩn mực nhân, nghĩa, lễ , trí, mà nó được mở rộng, đào sâu và được nâng lên bởi các chuẩn mực giá trị mới trên cơ sở tiếp thu những yếu tố tích cực của tư tưởng tư sản phương Tây, của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam và của Nho giáo. Bên cạnh con người cộng đồng, còn có con người cá nhân. Giữa con người cộng đồng và con người cá nhân có quan hệ mật thiết với nhau. Quan niệm này đã có ý nghĩa tích cực trong việc phát hiện và huy động sức mạnh vốn có của con người Việt Nam vào sự nghiệp cứu nước giải phóng dân tộc. Song, đáng tiếc là Phan Bội Châu chưa đủ điều kiện để vươn lên tiếp nhận ánh sáng của quan điểm macxít về bản chất của con người, mà trong "Luận cương về phoiơbắc", C.Mác đã viết: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”. Phan Bội Châu chưa lý giải được bản chất xã hội của con người, chưa vạch ra được nguyên nhân xã hội là nguyên nhân sâu xa nhất, cơ bản nhất tạo ra nỗi bất hạnh của con người, hay chưa thấy đấu tranh giai cấp là để đi đến giải phóng loài người thoát khỏi áp bức và là một trong những động lực thúc đây sự phát triển của xã hội có giai cấp. Cũng qua đầy, chúng ta nhận thấy: "Thuyết thiên lương của Phan Bội Châu phản ánh lòng tin mãnh liệt vào tinh thần dân tộc của đồng bào, vào khả năng cách mạng của nhân dân. Nhưng đây cũng là một nhược điểm của Phan Bội Châu: cụ không biết hay không muốn biết rằng nếu có những tầng lớp xã hội triệt để yêu nước và cách mạng nào cũng có những tầng lớp xã hội khác lừng chừng đối với kẻ xâm lược, và lại còn kẻ dù là người Việt Nam vẫn ôm chân bọn thực dân ngoại quốc. Cụ không biết giai cấp và đấu tranh giai cấp là gì, quan hệ với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc như thế nào, cho đến đỗi cụ cho rằng bọn Hoàng Cao Khải, Nguyễn Thân "cũng còn có lương tâm yêu nước". Dưới góc độ ấy thuyết ‘thiên lương" trở thành hàm hồ, nguy hiểm". Chính điều này đã được Phan Bội Châu thừa nhận trong "Lời tự phán": Đối đãi với người quá chừng thật, thường bảo trong thiên hạ không một người nào không tin được. Đó là tội vì không cơ cảnh quyền thật”. 

Những hạn chế trên đây không làm mất đi nét riêng biệt đặc sắc trong tư tưởng của Phan Bội Châu về bản tính của con người. Xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước Việt Nam là truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, trên cơ sở tiếp thu những yếu tố tích cực trong các trào lưu triết học phương Tây, P han Bội Châu cho rằng, bản tính con người là "thiên lương". Hàm chứa trong khái niệm "thiên lương" là những dấu hiệu cơ bản mà ở đó, ngoài dấu hiệu trước đây Nho giáo đã từng nêu lên, còn có những dấu hiệu mới như tự do, bình đẳng... Tất cả những dấu hiệu đó đều thấm đượm chủ nghĩa yêu nước, đều hướng tới một mục đích chung là khơi đậy và phát huy nguồn sức mạnh của con người Việt Nam vào sự nghiệp cứu nước giải phóng đồng bào. Bởi vậy "thiên lương" ở đây vừa mang đậm giá trị truyền thống, lại vừa phong phú và hiện đại hơn so với quan niệm trước đây. 

Nguồn: Tạp chí Triết học
Quan niệm của Phan Bội Châu về bản tính của con người Reviewed by Hoài An on 4/16/2012 Rating: 5 Nguyễn Văn Hòa - Trong truyền thống tư tưởng của dân tộc Việt Nam, vấn đề con người luôn gắn liền với vấn đề dân tộc. Đặc biệt, mỗi khi T...

Không có nhận xét nào: