“Của César, trả César”
Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - Tháng Tư về, những “anh chàng” Giải phóng, Ngụy lại bị tới tấp lôi ra hành tả tơi. Đã 36 mùa Tháng Tư với “triệu người vui cùng triệu người buồn”. Mỗi “mùa” sau, người buồn càng nhiều hơn mùa trước. Nay đang vào “mùa” thứ 37, “hàng triệu người vui” ngày nào đã nhảy tót hay nhảy lón lén hết sang hàng ngũ người buồn--người đây là người thiệt, “người cho ra cái giống người”, chứ không phải người sâu người bọ, xây nhà họ bằng máu xương đồng bào, cào một lá bài hàng chục tỷ bạc, khạc một cái nhe ngà voi lòi trống đồng quốc cấm, và những “con” tương cận - khiến cu Bí hoảng hốt phát quàng quơ thanh gươm và lá chắn CA để bảo vệ đảng của cu ấy.
Thiên hạ xưa nay biết “bất quá tam ba bận”. Xạo, ngừng lại đúng lúc. Cách Mạng đùa dai, chơi luôn một mạch 36 cái, nay đang loay hoay chuẩn bị cờ phướng băng rôn phim ảnh báo đài loa phương nghịch cú 37, “quá tam thập lục”. Cái gì quá cũng xấu - tout excès est mauvais - huống hồ cái sự ngược ngôn, trấn từ lột ý, tráo trở nội dung. Tuy quá muộn, nhưng trễ còn hơn không, chịu khó chịu đau làm người lương thiện một tý thôi. Trả về cho chữ cái ý nghĩa đích thực của nó.
Trước hết là anh chàng “Giải Phóng” trong xâu chữ “giải phóng Miền Nam”; “Giải phóng Sài Gòn”; “Miền Nam được hoàn toàn giải phóng”... Khỏi cần phải dông dài, mọi người dân Miền Nam, sau ngày 30 tháng Tư, 1975 đều cảm thấy mình bị kìm kẹp trăm bề, tước đoạt mọi thứ, tang thương khắp nẻo. Thực tế đã khiến đồng bào Miền Nam gọi một cách chẳng đặng đừng đó là ngày “phỏng dá...i”, ngày nay người ta đắc ý với tên gọi mới: “ngày khốn nạn”.
Khốn nạn của người này nhưng là hạnh phúc của người kia. Người này là 25 triệu người dân Miền Nam bị “phỏng”; người kia là mấy chục triệu dân Miền Bắc XHCN, và đoàn “giải phóng” quân.
Hạnh phúc đối với người anh em, bởi vì trong thực tế, không ai chối cãi được rằng ý nghĩa đích thực của chiến thắng 30 Tháng Tư là, người anh em đã tự giải phóng cho chính người anh em, chứ không phải anh em đã giải phóng cho ai khác. “Có vào đây rồi mới biết dân ngoài Bắc khổ quá" (lời một quân y sĩ nói với gia đình người cậu tại Phú Nhuận đầu tháng 5/75); “cái mô hình xã hội của cái miền đất bại trận mới chính là mô hình của nền văn minh, và chúng tôi là người trong đội ngũ chiến thắng thì thực ra chúng tôi đã chiến đấu cho một mô hình xã hội man rợ”. (Dương Thu Hương (1)
Nói, vào giải phóng đồng bào miền Nam ruột thịt “đói khổ đến cái chén sành cũng không có mà dùng”, nhưng sau 30/4/75, người anh em lại làm từng đoàn xe Molotova nối đuôi tấp nập nhộn nhịp hồ hởi phấn khởi chạy suốt đêm ngày hàng tháng này sang tháng khác, năm này qua năm nọ vào vơ vét về Bắc đủ thứ thượng vàng hạ cám của người ta. Người ta đang ăn cơm trắng từ thời “kìm kẹp” bỗng chuyển sang cơm độn củ sắn mì, thậm chí bo bo thay gạo... mà cứ bô bô 30/4 là ngày “giải phóng” thì đại tiếu vương nhị vị Ba Giai Tú Xuất cũng đành phải chào thua (cái sự hài hước), bàn giao vương miện như Tướng Dương Văn Minh “bàn giao cái các ông đã không còn”.
Nhưng nói đi rồi cũng nên nói lại, nếu không chấp nhận gọi 30 tháng Tư 75 là ngày khốn nạn, vẫn muốn ôm khư khư hai chữ Giải Phóng thì phải dùng đúng chỗ của nó. Tức là, thay vì “Ngày Giải phóng Miền Nam”, phải gọi là Ngày Miền Nam Giải phóng (Miền Bắc)
Bây giờ kế đến là anh chàng “Ngụy”... trong “Ngụy quân, ngụy quyền, bọn Ngụy, Mỹ Ngụy, đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào...” Chao ôi !
Ai cũng biết chữ Ngụy có nghĩa là xạo, giả dối, bố láo, sai trái, gian manh...; đại khái là không thật, không chính nghĩa, là đồ xấu xa phải “lật nhào” rồi “quét sạch nó đi” (trích bài hát Giải phóng Miền Nam). “Cách Mạng” gọi Quân đội Miền Nam là “Ngụy quân”, và Chính quyền Miền Nam là “Ngụy quyền”; “Bọn ngụy quân ngụy quyền”.
Sao lại gọi là “ngụy quân” khi quân đội ấy được đào tạo nơi các quân trường dưới lá cờ màu da nòi giống Tiên Rồng, chứ không phải màu máu rập khuôn từ cờ của một nước ngoài “sư tổ”; trong phòng học không treo hình ông Tây ông Đông nào ngoài ảnh của vị nguyên thủ quốc gia cũng hiếm hoi; bài học chỉ dạy người lính mục đích của hy sinh chiến đấu là bảo vệ tổ quốc, chứ không phải để làm lính đánh thuê kiểu “ta đánh Miền Nam là đánh cho Liên Xô” (2). Sao lại gọi là “ngụy” một Quân đội Miền Nam chỉ chiến đấu trong tư thế tự vệ, chống lại Bộ đội Cụ Hồ giả danh lẫn giả dạng “Giải phóng” vượt vĩ tuyến 17 làn ranh giới phía bắc của quốc gia có chủ quyền được hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận, vào Nam quấy nhiễu đời sống thanh bình của đồng bào Miền Nam. Sao lại gọi là “ngụy” khi Quân đội Miền Nam, từng đơn vị có tên gọi rõ ràng, theo luật quốc tế, đường đường chính chính; và người lính VNCH mang trên áo ngay trước ngực cái bảng tên của mình, chẳng cần bí danh này nọ...
Sao lại gọi là “ngụy quyền” một chính quyền được dựng nên qua lá phiếu của người dân được tự do tới hay không tới phòng phiếu, tự do muốn bầu ai thì bầu; người ứng cử thì ai muốn thì cứ việc, trái ngược với cái thói “đảng cử dân bầu” nhưng đảng cử mà dân không đi bầu là cái hộ khẩu tức thì hậu khổ, khốn nạn với đảng. Sao lại gọi là “ngụy” một chính quyền trong đó không một ai, không một đảng phái nào được phép ngồi trên Luật Pháp, như cái kiểu Thủ tướng chỉ thị cho tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng, Hải Phòng xử thế này thế nọ với anh em Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Qúy...(3); Sao lại gọi là “ngụy” một chính quyền chẳng những cho phép mà còn cổ vũ, yểm trợ người dân bày tỏ lòng yêu nước khi họ xuống đường chống xâm lược; chẳng những thế cho luôn cả phép người dân biểu tình chống lại, thậm chí đòi lật đổ mình...
Trong khi một bộ máy nhà nước mà người đứng đầu đảng chỉ biết dựa vào lực lượng CA làm “thanh kiếm và cái thuẩn để bảo vệ” không phải Dân nhưng Đảng; dùng CA để đạp vào mặt, đánh đập, bắt giam những người chống Tàu xâm lược; giả dạng côn đồ vào nhà thờ chùa chiền để hành hung cha thầy, giật áo ni sư; một nhà nước mà cán bộ kết bè cướp của dân không xong, buộc lòng phải “làm rõ sự cố” lại đem tên tướng cướp ra làm trưởng đoàn điều tra vụ cướp. Một nhà nước hô hoán nay mua tàu ngầm nọ, mai mua tàu nổi kia và máy bay đủ thứ để "quan sát và bảo vệ hải phận", nhưng ngư dân cứ tiếp tục bị tàu lạ vào tận bờ bắn giết, cướp của, bắt người về nước đòi tiền chuộc khi nào chẳng hay. Túm lại một... đống không lương thiện một ly một ông cụ nào lại được gọi là “chính quyền”, lại là “chính quyền nhân dân”.
Thôi thì, như anh dân chơi dai sức, giỏi lắm cũng lết được tới kiểu cuối cùng của 36 modes. Đã 36 mùa gian dối. Hãy trả lại nghĩa nào cho chữ nấy. Ai giải phóng ai; anh nào ngụy anh nào ngay. Có giỏi hề lắm cũng có lúc phải khép lại cái mồm; có anh hề nào giữ được đuôi mép đứng lại mãi ở dưới vành tai. Để cho thiên hạ phải mất công... cười mãi, mỗi độ Tháng Tư về .
Nguyễn Bá Chổi
Không có nhận xét nào: