VRNs (08.10.2012) – Ephata – Hôm qua có người nhắn tin vào máy điện thoại của tôi, nội dung tin nhắn báo cho tôi biết các người làm bếp của Nhà Dòng đi chợ mua thịt có tẩm formol về để nấu cho các cha các thầy ăn. Người nhắn tin đã không cho biết họ là ai và có thêm một bằng chứng nào (mua của ai ngoài chợ, hay cửa hàng nào, dấu hiệu nào để biết thịt có formo ) để tôi có lý nói chuyện với mấy người nhà bếp, nhắn chung chung như vậy rất khó nói chuyện.
Tôi vẫn cứ hay bị nhắn tin như vậy, đủ mọi vấn đề, có những tin đọc biết được thiện chí tốt lành của người nhắn, nhưng có những tin vu vơ không biết từ đâu, không có lý lẽ gì quan trọng, thậm chí có khi là ác ý. Mặt trái của truyền thông là vậy.
Nhưng nếu có thêm chi tiết về cái vụ thịt có formol thì tôi có lẽ cũng không dám nói với nhà bếp, nói cái gì bây giờ? Mấy ngày nay trên các báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, có những phóng sự về vụ thịt thối, thịt heo chết, nội tạng bẩn… tràn lan khắp nơi (báo Tuổi Trẻ số ra ngày 4, 5 tháng 10 năm 2012). Công nghệ kinh doanh tinh vi đến mức sau khi đã chế biến không ai còn phân biệt được nữa. Báo Tuổi Trẻ số ra ngày hôm qua (thứ bảy 6 tháng 10) còn có phóng sự về chả cá và giò thịt nữa. Không phải hôm nay, giai đoạn này, nhưng nhiều năm nhiều tháng trước, báo chí cứ phanh phui những vụ như thế được một thời gian rồi lại bặt tăm hơi, đâu vào đó. Thịt thối, thịt heo chết, nội tạng bốc mùi, cứ tiếp tục chế biến, cứ tiếp tục kinh doanh, cứ tiếp tục tung ra thị trường, len lỏi vào khắp nơi khắp chốn, leo lên từng mâm cơm gia đình.
Đâu chỉ có thịt, cả rau và trái cây. Chuyện rau xanh nói đi nói lại hoài, tìm mỏi mắt không có rau sạch. Ngay siêu thị là nơi tạm gọi là đáng tin cậy thì rau vẫn không sạch, trái cây càng không sạch và cả cái vụ thịt không sạch cũng lấn chiếm ê hề. Câu chuyện gà phế bỏ dùng cho chăn nuôi gia súc, lại nhập từ Đại Hàn về làm thực phẩm cho… người, bày bán công khai trong các siêu thị là môt câu chuyện điển hình, cũng vẫn là báo chí (báo Tuổi Trẻ) phanh phui mấy ngày nay. Trái cây thì cho đến Sầu Riêng, Mít, và cả Chuối nữa cũng không thoát khỏi hóa chất, ngay cọng giá nhỏ nhắn đến tội nghiệp cũng được… ướp hóa chất. Còn chuyện trái cây Trung Quốc thì hết thuốc chữa! Nói ra không biết tính làm sao, cứ hỏi nhau: “Tẩy chay không ăn nó nữa thì ăn cái gì bây giờ?”
Đọc báo Tuổi Trẻ, những bài phanh phui về đường đi nẻo đến của thịt heo chết, ký giả ghi địa chỉ các lò mổ heo chết và chế biến trên trang phóng sự làm tôi ngờ ngợ, toàn những địa chỉ rất quen, rất đặc trưng của khu vực người có Đạo thuộc tỉnh Đồng Nai. Tôi gọi điện nhờ người quen ở vùng đó xác minh về tên tuổi chủ nhà cũng như địa chỉ ghi rõ trên báo, các gia đình ấy có phải dân Đạo mình không? Câu trả lời làm tôi choáng váng: “Thưa cha, số người buôn heo chết ở GK đông lắm, toàn là dân Công Giáo. Như vợ chồng H.P. là Giáo Dân của Giáo xứ PN; M. là người của VD, vợ chồng Th. thì người ở GY, H. người xứ KT… Sáng nay báo Thanh Niên đưa tin phát hiện thịt thối ở Giáo xứ GM Thuộc xã GT 1” ( bản tin nhắn vào máy ngày 5.10.2012 ).
Nếu người tôi nhờ kiểm chứng cho tin sai thì những cái tên và địa danh trên mặt báo xem ra lại là đúng, đúng là vùng có Đạo, Đạo gốc toàn tòng, nơi đó tập kết heo chết để mổ thịt, là nguồn phát xuất heo chết và thịt thối chế biến lừa gạt người mua về ăn.
Hôm sau, ngày 6 tháng 10 tôi nhận thêm được tin từ GK: “Cha ơi, những người buôn heo chết đa số là ân nhân của các Giáo xứ. Riêng vợ chồng anh Th. Giáo Xứ GY thường xuyên làm công quả cho… Họ là ân nhân nhiều chỗ lắm đấy!” Tôi lặng người đi!
Cha mẹ sinh con trời sinh tính, chuyện ai làm người ấy chịu, nhưng những chuyện thất đức công khai như vậy lại cứ tồn tại nhiều năm nhiều tháng trong các Xứ Đạo truyền thống cổ kính và sầm uất thì thật khó nghĩ, khó coi, khó trả lời với công luận và khó trả lời cả với Chúa nữa. Càng khó trả lời khi người ấy nghiễm nhiên dùng đồng tiền của mình kiếm được bằng phương cách làm ăn như vậy để trở nên ân nhân Giáo xứ thì… khó coi thật! Ta có dám trả lời với công luận và lương tâm của chúng ta là: chúng tôi không biết không? Những chính quyền địa phương ăn hối lộ, dung túng cho những sai phạm tại địa phương mình, khi bị báo chí công khai cũng hay trả lời cái kiểu như vậy. Người dân đã coi thường và phỉ báng kiểu trả lời trốn trách nhiệm, thậm chí thể hiện sự cấu kết thỏa hiệp với tội ác.
Tôi có quen một gia đình chăn nuôi heo ở Bảo Lộc, anh chị chủ trại tâm sự với chúng tôi, chính những mối mua thịt lại đặt hàng nhà trại nuôi heo bằng hóa chất siêu nạc chứ chẳng phải nhà trại chủ đích nuôi siêu nạc, tiền kiếm được do cách làm ăn này không hơn bao nhiêu, nhưng lương tâm áy náy nên anh chị nhà trại ấy quyết định không làm thế. Điều làm ngăn cản hành vi tồi tệ chính là lương tâm mỗi người. Một lương tâm nhạy bén với sự công bằng và sự lương thiện.
Ngày nay, đạo đức đảo điên, đồng tiền lên ngôi soán đoạt xã hội, những con người có tiền đang khuynh đảo mọi người. Điều tệ hại là những người nhân danh sự lương thiện, nhân danh sự công bằng bác ái, nhân danh người nghèo lại để cho những lợi nhuận khuynh đảo chính mình, khuynh đảo lập trường quan niệm sống, khuynh đảo cả hành vi và những quyết định liên quan đến phần rỗi đời đời của chính mình và của người khác. Sự công bằng và lương thiện không hề làm quy chuẩn để phán đoán lương tâm, đánh giá hành vi sống, nhưng là tiệc tùng, các phương tiện hiện đại, ra vào rành rẽ các chốn ăn chơi sa hoa phù phiếm, những chuyến du lịch nước ngoài và bây giờ thêm những chuyến… “hành hương” Đất Thánh nữa!
Đạo đức xuống cấp, luân lý suy đồi, không cần chứng minh nữa, một đứa trẻ con cũng biết, không cần thí dụ nữa, nhan nhản hàng ngày trước mắt, không cần phải im lặng nữa, im lặng là chết nhát khi không cần và không đáng chết nhát, và càng không nên rống to lên hòa âm với một luận điệu học tập về một thứ đạo đức mà không còn ai công nhận nữa. Điều cần hôm nay là huấn luyện lương tâm Công Giáo cho người tín hữu, những nguyên tắc cơ bản về công bằng, lương thiện phải được thực thi ngay trong sinh hoạt của gia đình, Giáo xứ và cộng đồng người có Đạo. Nếu không thì đừng mong gì nữa, đừng mong truyền giáo cho bất cứ ai, đừng mong góp phần vào Ơn Gọi cho bất cứ Chủng Viện nào, bất cứ Dòng Tu nào.
Đức Gioan Phaolô II trong Thông điệp “Sứ vụ Đấng cứu chuộc, 8.12.1990” đã chỉ ra là “Làm chứng là hành vi nền tảng và cũng là hành vi thứ nhất trong công cuộc truyền giáo” (số 42 và 43).
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 7.10.2012
Nguồn: Ephata 530
Không có nhận xét nào: