Ngươi người Hôi Bia - Hình Đất Việt |
Song Chi: Khi những hình ảnh và thông tin về vụ chiếc xe tải chở bia bị lật tại vòng xoay Tam Hiệp, Biên Hòa vào chiều ngày 4 tháng 12 làm 1, 5 ngàn thùng bia Tiger bị đổ xuống đường, hàng trăm người lao vào hôi của, có người mang cả xe ba gác ra chở bia, mặc cho tài xế kêu khóc, van xin…được đưa lên mạng, lên báo, dư luận xã hội đã thực sự sốc.
Mà làm sao không sốc, buồn, phẫn nộ, xấu hổ, kể cả nhục nhã cho được khi là người Việt Nam, phải chứng kiến đạo đức xã hội ngày càng xuống thấp đến thế, khi hiện tượng hôi của này không phải mới diễn ra lần đầu tiên cũng như hàng loạt những hành vi “xấu xí” khác của người Việt cứ “vô tư” phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật và “ngẫu nhiên” được báo chí ghi lại: Nào hàng ngàn người chen lấn nhau, chửi bới dọa nạt nhau để được thưởng thức sushi miễn phí tại một cửa hàng mới mở ở Hà Nội, chen lấn giành giựt để được một cái áo mưa miễn phí do Đại sứ quán Hà Lan tài trợ cũng tại Hà Nội, tranh giành đổi mũ bảo hiểm mới tại Trung tâm Hội chợ triển lãm TP.Đà Nẵng v.v…
Trở lại vụ “hôi bia”, những ngày sau đó hàng chục bài báo liên tục viết về vụ hôi của không khác nào một vụ cướp cạn giữa ban ngày này khiến cảm xúc của mọi người càng tăng. Người dân theo dõi câu chuyện, thương cảm cho người lái xe thuê có hoàn cảnh khốn khó sắp phải đền cho hãng bia một số tiền xấp xỉ 400 triệu, nếu không sẽ bị tù. Nhiều người đề nghị phải tìm ra những người hôi bia để xử lý và tỏ ý tán thành khi công an vào cuộc, điều tra…
Nhưng hóa ra câu chuyện lại không đến nỗi bi kịch đến thế. Đầu tiên là hành động treo băng rôn xấu hổ vì hành động “hôi bia” của một người dân với nội dung "Là dân Biên Hòa, là người Việt Nam, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã "cướp vài lon bia" ở đây trưa ngày 4.12" được lan truyền rộng rãi trên mạng, sau đó một vài tờ báo cũng đưa lên.
Theo báo Thanh Niên, “tác giả của nội dung băng rôn nói trên là một nữ sinh viên đang học năm thứ 2, ĐH FPT. Còn người giúp treo băng rôn là cha của cô” (“Tác giả tấm băng rôn 'xấu hổ' về hành động 'hôi bia' ở Đồng Nai là ai?”). Một bài báo trên Dân trí gọi đó là“tấm băng rôn của lòng tự trọng” (“Vụ hôi bia ở Đồng Nai: Tấm băng rôn của lòng tự trọng”).
Rồi chính người trong cuộc lên tiếng. Một người mẹ cũng theo đám đông hôi bia đã xấu hổ trước câu hỏi của đứa con gái nhỏ:“Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?”. Và khi vụ “hôi bia” bị các phương tiện truyền thông và dư luận lên án, bà mẹ đã phải khóc, tâm sự với báo chí: “Con gái tôi đã tận mắt nhìn thấy hình ảnh mẹ nó và hàng trăm người khác tham gia “cướp bia”. Tôi thật sự nhục nhã và thấy mình không còn tư cách để giáo dục con nữa. (“Mẹ lấy bia làm gì khi nhà mình không ai uống?”, Kiến thức)
Bên cạnh đó, từ những lời kêu gọi trên mạng, qua các tờ báo…nhiều người đã có những hành động cụ thể, gửi tiền giúp đỡ người tài xế bồi thường cho hãng bia. Tuy nhiên, sau một thời gian im lặng, có lẽ là để bàn bạc, hãng bia Tiger tuyên bố không bắt người lái xe phải đền. Là một thương hiệu lớn, hãng bia Tiger chắc chắn thừa hiểu rằng trong vụ “tai nạn” này, việc giành được thiện cảm của mọi người, cái đó lớn hơn số tiền 400 triệu bị mất nhiều. Cái nhạy bén của dân làm kinh doanh là vậy.
Cuối cùng là hành động hoàn trả lại toàn bộ số tiền hơn 200 triệu được nhận từ những người hảo tâm của anh tài xế với suy nghĩ đơn giản, chân thật: “Bây giờ ai cũng biết tôi không phải đền bù số bia bị thiệt hại nữa nên nếu cứ lấy số tiền này thì mọi người lại bảo tôi tham lam”.
Câu chuyện tưởng đáng buồn đã có được cái kết có hậu. Niềm tin lại nhen nhóm trong lòng chúng ta rằng vẫn còn đó sự tử tế, cảm giác biết xấu hổ, lòng tự trọng trong nhiều người VN.
Giá mà bao giờ người Việt chúng ta cũng biết xấu hổ, tự trọng, biết hối hận khi làm sai, biết chia sẻ trước hoạn nạn của người khác. Giá mà những hành vi “xấu xí”, vô cảm trong xã hội sẽ ngày càng ít đi.
Nhưng qua vụ này, cũng phải thấy rằng một phần do tác động của truyền thông, của dư luận xã hội. Trong một môi trường báo chí không thực sự tự do và nhiều khi “lá cải”, “lá ngón” khá nhiều như ở VN, không phải bao giờ báo chí truyền thông cũng tạo ra được những hiệu ứng tốt đẹp, tích cực cho xã hội, nhưng ít nhất báo chí đã làm được điều đó qua những vụ như “hôi bia” hay vụ ông Chủ tịch phường 25 quận Bình Thạnh, TP.HCM trước đó bao che cho cấp dưới, phủi bay việc đám trật tự đô thị đánh một người bán hàng dạo đến ngất xỉu, trước sự phản ứng của dư luận đã phải xin lỗi và thừa nhận mình sai …chẳng hạn.
Và sau đó ít ngày, khi một chiếc xe tải khác cũng bị lật ở Quảng Ninh, hàng ngàn thùng sữa cô gái Hà Lan rơi xuống đường nhưng không ai giành giật, tranh cướp. Có phải vì dân Quảng Ninh “tử tế, có lòng tự trọng” hơn dân Đồng Nai hay một phần, cũng từ dư âm của vụ “hôi bia” bị lên án nặng nề?
Câu hỏi đặt ra là nếu hành vi “hôi của” không bị chụp ảnh, quay lại, đưa ra công luận và bị lên án, liệu những sự thức tỉnh, tử tế như vậy có xảy ra? Hay mỗi người sẽ ung dung vì việc làm của mình không bị ai nói gì, và tự nhủ: “Nhiều người cũng lấy chứ đâu riêng gì mình, vài lon bia hay vài két bia thì nhằm nhò gì, nhiều “thằng” quan to quan nhỏ còn “ăn” hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng, “ăn bẩn” không chừa bất cứ cái gì thì sao?".
Cái nguy hiểm là ở chỗ đó. Con người sống trong một xã hội, thường soi chiếu mình với những người xung quanh và rất dễ có những suy nghĩ, hành động giống với người khác. Đó là chưa kể “tâm lý bầy đàn”, hay hiệu ứng dây chuyền, khá mạnh nơi người Việt, cứ nhìn những vụ nào truyền thông làm ầm lên người dân cũng quan tâm hơn thì rõ.
Một xã hội lành, được điều hành bởi một cơ chế minh bạch, công khai, công bằng, thượng tôn pháp luật thì con người cũng lành, hiền lương hơn và ngược lại.
Mặc khác, đúng là người dân dù có tham, cũng chỉ nhỏ như …con muỗi nếu so với cái tham của các quan. Ở một cái xứ độc tài, tham nhũng từ lâu đã được xem là quốc nạn như VN, các quan to quan nhỏ mà đã tham thì hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng VN cũng biến mất, đất nước khánh kiệt, nợ nần chồng chất, dân lại phải è cổ ra trả hết đời này sang đời khác. Cứ nhìn vụ Vinalines, Dương Chí Dũng và đồng bọn bị xử mấy hôm nay thì thấy mức độ tham nhũng kinh hoàng như thế nào. Nhưng khác với vụ “hôi bia”, người dân tỉnh thức, tự dạy nhau, tự dạy mình, ở đây các quan đã bị lộ và chưa bị lộ lại chả có được những phẩm chất ấy!
Một dân tộc không biết xấu hổ thì đất nước không bao giờ thoát phận nhược tiểu, đói nghèo.
Không có nhận xét nào: