Ghi Chép Chi Tiết Cuộc Tọa Đàm Do Hội Khoa Học Lịch Sử Tổ Chức 9.3.2014 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
10 tháng 3, 2014

Ghi Chép Chi Tiết Cuộc Tọa Đàm Do Hội Khoa Học Lịch Sử Tổ Chức 9.3.2014

Tễu Blog: GHI CHÉP CHI TIẾT CUỘC TỌA ĐÀM DO HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ TỔ CHỨC 9.3.2014
TỌA ĐÀM
"Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảovệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại"

Sáng nay, 9.3.2014, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm chủ đề: "Bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử cùa các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hải đảo và chủ quyền quốc gia thời hiện đại".
Đến dự có đông đảo các giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia và nhà quản lý và một số phóng viên báo chí: Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Trần Đức Cường, Nguyễn Thị Hậu, Bùi Văn Tiếng, Lê Mã Lương, Lê Mậu Hãn, Bùi Đình Thanh, Vũ Dương Ninh, Dương Trung Quốc, Lê Mạnh Hà, Trần Trọng Hà, Trịnh Vương Hồng, Lưu Trần Tiêu, Nguyễn Xuân Diện...Tổng cộng khoảng hơn 30 người.

Chủ tọa cuộc tọa đàm là các vị: Phan Huy Lê, Vũ Minh Giang, Dương Trung Quốc. Nhà sử học Dương Trung Quốc phát biểu mở đầu tọa đàm. GS. Vũ Minh Giang điều khiển tọa đàm.

Mời xem thêm các video phát biểu tại đây:
http://basamnews.info/2014/03/09/2079-hoi-khoa-hoc-lich-su-vn-toa-dam-ve-cac-cuoc-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-hai-dao/#more-128507

________________________

Dưới đây là ghi chép trực tiếp tại cuộc tọa đàm:

GS Phan Huy Lê:
Đây là vấn đề rất nhạy cảm, nhưng chúng ta cũng rất quan tâm.
 
Ông Dương Trung Quốc:
Có 2 vấn đề quan tâm nhất là Hoàng Sa-Trường Sa và Chiến tranh biên giới 1979.

Ông Lê Mạnh Hà – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng:
Trước ngày 17.2 đã có cuộc trao đổi với Viện Nghiên cứu TQ và VAAS về chủ đề này. Và sau đó, có cuộc gặp và ghi hình với Carl Thayer, song chưa được phát.
Đây là sự thật và là 1 trong 17 cuộc chiến tranh xâm lược mà chúng ta từng chống lại... Diễn ra ngắn, trong vòng 18 ngày cho đến khi TQ tuyên bố rút hết quân vào 18.3.

Nguyên nhân:
-Sâu sa: Đã manh nha từ đầu những năm 70 khi Nixon thực hiện đột phá ngoại giao, chia rẽ giữa LX-TQ-VN. Từ sau đó, lợi ích của TQ được thể hiện rõ bằng việc đặt điều kiện cho việc viện trợ cho kháng chiến của VN. Song VN kiên quyết đi theo con đường giành được độc lập tự do. Từ đó dẫn đến những bất đồng trong ứng xử nội bộ 2 bên. Sau khi kháng chiến chống Mỹ kết thúc, mâu thuẫn này ngày càng đẩy lên với biểu hiện rõ nhất là TQ đứng sau Khmer Rouge, tổ chức các cuộc gây hấn xâm nhập biên giới ở Tây Nam. Điều này không phải diễn ra sau 1975, đang tham gia viết lịch sử VN-Cam, sau khi ký hiệp định Paris 1973, bộ đội VN ở Cam đã bị lực lượng Khmer Rouge ngấm ngầm, công khai giết hại. Các kho tàng của bộ đội VN ở đông bắc Cam bị phá, các toán lẻ bị phục kích. Vì vậy, thời loạn từ 1970-1975 rất tế nhị trong quan hệ với Cam, một mặt ta vẫn phải giữ quan hệ với ông hoàng Shihanouk, mặt khác vẫn phải giữ quan hệ với Khmer Rouge. Song ta vẫn cho nó chỉ là sự kiện đơn lẻ. Kể cả sau 1975, khi các vụ tấn công biên giới ngày càng thường xuyên. Cho đến giữa 1977, ta vẫn chỉ nhận định đây chỉ là xung đột biên giới. Tháng 10.1977, sau khi tốt nghiệp ĐHTH về Viện Khoa học Quân sự, (tôi) được đ/c Lê Trọng Tấn cho biết đây đã là cuộc chiến (tranh) biên giới rồi. Đ/c nói đã báo cáo TƯ đây là cuộc chiến biên giới và phải công nhận nó để có được những ứng xử xác thực hơn với cuộc chiến này.
Còn trước đây, chúng ta biết rất nhiều lần TƯ Đảng ta và Pol Pot đã gặp về những xung đột biên giới, và lần nào Pol Pot cũng hứa sẽ chấm dứt. Chúng ta phải thừa nhận đã có những nhận thức chưa đến nơi, và có bất ngờ về thái độ chính quyền Cam Dân chủ (Khmer Rouge). Từ sau đó, Khmer Rouge đã có nhiều lần kích động mạnh mẽ, và có lần tấn công giết hại hàng trăm đồng bào ở biên giới Tây Nam. Sau đó, thể theo yêu cầu của Mặt trận Yêu nước Cam ta quyết định tấn công theo yêu cầu của người dân Cam. Ngày 7.1.1979 giải phóng Phnom Penh và sau đó đánh đổ chính quyền Pol Pot về biên giới Thái Lan. Chỉ 40 ngày sau, TQ đã mở cuộc tấn công trên toàn tuyến biên giới.
Xem lại mới thấy nguyên nhân sâu xa là do TQ không đồng tình với ta trong mối quan hệ với LX. Trong suốt kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tổng viện trợ của tất cả các nước giúp VN thì TQ chiếm 52% và LX và các nước khác 48%. TQ giúp ta nhiều và trực tiếp. Đây là lý do khi ta ký Hiệp định Hữu nghị hợp tác với LX năm 1978 thì TQ cho là giọt nước tràn ly. Vì hiệp định này cho biết khi có nước thứ 3 tấn công, thì nước cùng ký có trách nhiệm giúp đỡ. TQ xác định VN ngả hẳn về LX mà họ gọi là quan hệ nhất biên đảo.

Có 5 nguyên nhân TQ tấn công VN::
1. Quan hệ VN-LX-TQ thì giai đoạn cuối VN hướng về LX. Ảnh hưởng ý đồ tiến xuống ĐNA của TQ, trong lúc LX-TQ có bất đồng.
2. TQ muốn phân tán lực lượng của VN tại Cam. Ta có 2 quân đoàn chủ lực (khi đó VN có 4 quân đoàn, 1 ở miền Bắc, 3 ở Tây Nguyên và 2,4 tham gia vào trận chiến Tây Nam).
Vào thời điểm các lực lượng chủ lực tập trung ở biên giới Tây Nam thì TQ đánh sang, nhằm buộc VN rút lực lượng ở Cam về, tạo điều kiện cho Pol Pot quay trở lại để chiếm những vùng mà quân chủ lực của ta đã giải phóng.
3. TQ muốn răn đe các nước ĐNA, trực tiếp là Lào. TQ sẵn sàng có hành động cứng rắn.
4. TQ muốn chứng tỏ với Mỹ và phương Tây rằng sẵn sàng vì lợi ích dân tộc để trừng phạt những người không theo họ, dù đó từng là đồng minh thân thiết.
5. Phá hoại, tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực VN và nền kinh tế còn chưa hồi phục sau chiến tranh.
 
Lý do cụ thể:
Trong lịch sử ngoại giao TQ đương đại, xuất bản năm 2006, họ nêu tiến hành phản kích tự vệ chống VN:
- TQ thực hiện “cuộc chiến chính nghĩa” để chống lại làn sóng phản Hoa, bài Hoa, tiến hành khiêu khích vũ trang TQ 705 lần. Lãnh đạo VN sử dụng vũ trang lớn xâm chiếm Cam, chủ nghĩa bá quyền VN liều lĩnh đến mức không rút lại được.
- Lực lượng biên phòng TQ phản kích tự vệ 17.2.1979. Lập trường TQ nhất quán “ngươi không đụng đến ta, ta không đụng đến ngươi. Ngươi đụng đến ta, ta sẽ cho ngươi một bài học”. Sau khi tiến hành phản kích đích đáng với kẻ xâm lược VN, TQ sẽ tiến hành bảo vệ nghiêm túc biên giới.
Việt Nam thời kỳ đó đặt nặng vấn đề đội quân thứ 5, đẩy hết người Hoa về biên giới. Sau này lịch sử sẽ nhìn nhận. Khi ra biên giới, tôi có biết đã có những cuộc vận động người Hoa về nước, song có phải chủ trương hay không thì cần xem xét.

Diễn biến sơ lược:
- TQ không có một đơn vị thường trực nào sát biên giới đánh VN, mà toàn từ nội địa TQ đánh sang VN. Tổng lực lượng theo thống kê là khoảng 60 vạn, đánh trên toàn tuyến biên giới (toàn tuyến dài 1.400 km thì khu vực diễn ra chiến sự khoảng 600 km).
- Đối phó của VN: Vấn đề đặt ra là ta có chuẩn bị hay không. Ta có sự chủ động, không bất ngờ về việc TQ có đánh hay không. Hội nghị Ban chấp hành TƯ Đảng lần thứ 5 (6.1.1979) đã ra chỉ thị tăng cường chuẩn bị cho cuộc chiến biên giới phía Bắc, đảm bảo sẵn sàng đánh bại quân xâm lược trong bất cứ tình huống nào. Ngày 8.1 ra chỉ thị sẵn sàng chiến đấu, các quân chủng phòng không, không quân, pháo mặt đất, chiến xa phải sẵn sàng.
- Song vấn đề đặt ra là ta bất ngờ về thời điểm tấn công, và về không gian của cuộc tấn công. Vì, từ ngày 11.1 toàn quân của ta ở phía Bắc chuyển sang trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất, căng 24/24. Song ngày 15.2 có chỉ thị hạ cấp, tức hơn 1 tháng căng sức để chuẩn bị TQ đánh sang, thì ngày 15.2 thì hạ cấp. Thậm chí có lực lượng cho một nửa về phía sau. Thì chỉ 1 ngày sau (17.2) bị tấn công.
- Bất ngờ về không gian cuộc chiến là quá lớn. Quy mô, lực lượng rất lớn.
- Còn bất ngờ về TQ sẽ đánh hay không là hoàn toàn không. Có thông tin khách đến nhiều tháng, Lê Duẩn khẳng định có 1,5 triệu quân TQ sẽ đánh ta. Song về thời điểm quân TQ đánh sang chiếm được 4 thị xã, phá hủy gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai và Phong Thổ. Nơi đánh vào sâu nhất là 40 km, còn thường là 5-6km. Có nơi đánh sang 2 ngày thì rút lui.
- Điều này gây nhiều thiệt hại. Năm 2013, tôi đi Pò Hèn cả đồn biên phòng chỉ có 1 người sóng sót, do đi về đặc khu Quảng Ninh để họp. Hôm trước còn đánh bóng chuyền với nhau, thì tối họ luồn sau đồn và sáng hôm sau câu pháo cối và đánh từ hai mặt, tiêu diệt toàn bộ đồn.
- Đối phó lại, ta thành lập gấp rút nhiều trung đoàn, lực lượng vũ trang địa phương và quân khu. Dự báo cuộc chiến tranh kéo dài thì đã chuyển quân đoàn 2 ra Bắc Giang. Sau đó, quân đoàn 3 từ Tây Nguyên cũng cơ động ra Thái Nguyên. Khi đó, chủ lực của ta mới tiếp cận. Đúng lúc ta bài binh bố trận để đánh thì TQ tuyên bố rút quân vào 15.3 và họ tuyên bố “đã dạy cho VN một bài học”.
- (Như thế) có nghĩa chủ lực quân đội VN chưa đánh với TQ, mà mới chỉ là chủ lực quân khu. Vì các lực lượng chủ lực của VN, và được biết ta đã bài binh bố trận rất kỹ và trên mà cho lệnh đánh thì ta sẽ tiêu diệt rất nhiều. Nhưng sau khi nghe tin TQ rút quân thì ta chủ trương không đánh mà để họ rút. Đây là chủ trương đúng, vì có trường hợp ta bài bố có thể tiêu diệt 2 sư đoàn TQ. Việc này giúp hạ nhiệt chiến tranh. Vì nếu TQ rút mà ta tiếp tục đánh, thì sẽ có hành động phản ứng lại.
- Ngày 5.3, Chủ tịch nước ký lệnh tổng động viên. Nó rất khác với thời kháng chiến Pháp và Mỹ vì do TQ rút quân nên ta không thực hiện nữa. Theo thống kê của chúng tôi, số quân và người VN chết và bị thương là 36.000, còn TQ là 62.500. Có người kể đây là lực lượng địa phương TQ đánh sang, nên chiến thuật kém, chiến thuật biển người. Tuy nhiên, 1,7 triệu người ở phía Bắc VN bị ảnh hưởng. Nền kinh tế bị suy sụp. Soát xét lại, TQ đề ra 5 mục tiêu tiến công, thì họ không thực hiện được mục tiêu nào.
Vì, mục tiêu 1 là phá quan hệ VN-LX thì không diễn ra mà ngày càng vững chắc hơn. LX giúp VN nào, từ ảnh vệ tinh, xe, máy bay trực thăng, rồi dàn quân biên giới Mông Cổ - TQ để hỗ trợ VN.
-Mục tiêu 2: Pol Pot không quay trở lại được, dù ta đưa binh chủng 2 về.
-Mục tiêu 3: Lào và ĐNA không run sợ mà đi vào ảnh hưởng TQ.
-4: Không làm phương Tây và Mỹ ủng hộ TQ nhiều hơn. Năm 2010, tôi có sang Mỹ, gặp GS Calatino hơn 90 tuổi hỏi về việc VN đưa quân sang Cam, ông ấy nói: Tôi (là người) bảo thủ, tôi phản đối và yêu cầu TT phải trừng phạt VN. Nhưng sau này, nhận thức lại thấy VN có lý do đưa quân sang. Từ đó, có thể thấy, ban đầu Mỹ phản ứng mạnh nhưng sau có thấy ta có lý do đưa quân sang. Khi hỏi TQ đưa quân sang VN, ông ấy nói: Cái đó là sai rồi, vì TQ không có lý do gì để đánh VN. Tôi muốn nói như vậy để thấy chính Mỹ cũng hiểu việc TQ xâm lược VN. Đặng Tiểu Bình trước khi đánh VN đã sang Mỹ gặp Jimmy Carter và bóng gió nói sẽ đánh cho VN một bài học, nhưng Mỹ không đồng tình.
-5: Phá hủy các mục tiêu quan trọng của VN. Ta khôi phục lại nhanh, nhưng đời sống của dân bị ảnh hưởng nặng nề. Song việc họ có dạy cho ta một bài học không, và lấy tiêu chí nào để dạy ta thì cần bàn thêm.

* Những vấn đề đặt ra của cuộc chiến tranh này
- Để rút kinh nghiệm, có bài học cho tương lai, trong ứng xử quan hệ sau này không chỉ với TQ mà các nước khác, cần nhận thức tỉnh táo hơn về bối cảnh quan hệ quốc tế. Chẳng hạn quan hệ VN-TQ, VN-LX, VN-Mỹ. Nhiều học giả Mỹ nói thời kỳ đó Mỹ đã chìa tay, nhưng VN làm cao nên không chìa tay, vì suy nghĩ của ta khi đó là đã đánh được Mỹ thì không kẻ thù nào dám xâm lược.
- Còn có những suy nghĩ cá nhân, nếu ta mềm dẻo hơn thì vấn đề sẽ khác.
- Nhận thức về các nước lớn và bản thân chúng ta ở thời kỳ đó
- Song nếu hỏi có tránh được chiến tranh không, xin thưa không tránh được, vì TQ đã có ý đồ từ lâu để tấn công VN và sử dụng một quy mô lực lượng rất lớn đánh VN.
-Phải hiểu chiến lược các nước lớn. vì họ nói không bao giờ quan tâm chiến lược các nước nhỏ là gì mà các nước nhỏ phải hiểu chiến lược các nước lớn để ứng xử và tồn tại. Đây là câu mà các học giả nước ngoài nêu ra. Vào bối cảnh sự kiện khi đó, cần có nhận thức mềm dẻo hơn.
-Bài học cho thời kỳ này: Có những điều ta cần kiên quyết và lịch sử phải là lịch sử. Đây là cuộc chiến không mong muốn xảy ra và ta sẽ rút nhiều bài học từ cuộc chiến tranh này để ứng xử

2. Ông Vũ Minh Giang
Trình bày báo cáo: “Sự nghiệp bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường sa từ góc nhìn lịch sử”.
- Hoàng Sa, Trường Sa: Tập trung sự nghiên cứu của nhiều giới khác nhau. Tôi xin đưa ra góc nhìn lịch sử thôi, còn hiện có nhiều nghiên cứu về kiến tạo của quần đảo này. Đặc điểm của đảo này khác là cứ lớn dần và nổi dần lên mặt nước. Vì vậy, câu chuyện các đảo liên quan đến 2 quần đảo này còn là trong tương lai sẽ còn nổi lên các đảo khác nữa do đặc điểm kiến tạo.
Có một phát hiện lý thú là 2 quần đảo này được nuôi dưỡng nên phát triển nhanh hơn các đảo khác ở Pacific là nhờ phù sa từ sông Hồng ... , giúp nối dài tài nguyên của VN.
Trong nguyên tắc về lãnh thổ, khi thể hiện hay có được một vùng đất nào đó thì cần là vô chủ, hoặc bị bỏ hoang, hoặc có khoảng trống.
-Có cử chỉ, hành vi để thể hiện chủ quyền chứ không phải chỉ trông thấy là bảo của tôi
-Không có tranh chấp, nếu sau 1 thế kỷ thì sẽ hoàn tất là của tôi.
-Muộn nhất là từ TK 17, người Việt đã phát hiện, đặt tên, vẽ bản đồ. Cái hay là đặt tên rất Việt Nam là Bãi Cát Vàng sau đó được phiên ra ở nhiều bản đồ của Phương Tây là Paracel.
-Cũng từ Tk 17, chính quyền VN đã thực thi chủ quyền, thành lập các đội Hoàng Sa, song trên thực tế là ra các quần đảo gồm Hoàng Sa, Trường Sa để thực hiện quyền quản lý của mình nhằm khai thác, bảo vệ. 2 thế kỷ ta đã thực hiện việc thực hiện chủ quyền của mình, và xác lập đầy đủ, không có tranh chấp nào.
-Hành động điển hình là năm 1816, Gia Long cho quân ra cắm mốc, kéo cờ.
-1835: Có cả quy định chế độ thưởng phạt với các sĩ quan và binh lính. Thời Nguyễn chủ quyền VN với 2 quần đảo này đã được xác lập đầy đủ.
Nguyên tắc trong khoa học lịch sử là cái gì càng gần với nghiên cứu khách quan, thì càng tìm càng thấy phong phú, dày đặc hơn. Càng khẳng định điều này là chân lý.
Tính liên tục của chủ quyền VN trên hai quần đảo cũng có khúc quanh. Có những lúc hổng quyền lực. Nhưng giai đoạn đầu không có tranh chấp. Đầu TK 20, người Pháp quay trở lại đây và lập các trạm quan sát thiên văn, nghiên cứu địa chất, thủy văn. Có sự kiện quan trọng là quân Nhật chiếm một số đảo làm căn cứ tàu ngầm, nhưng sau 1945 người Pháp lại tiếp quản.
Tham vọng của người TQ với quần đảo này xuất hiện rất muộn. Sự kiện Lý Chuẩn chỉ được tô vẽ sau này, còn ban đầu chỉ là đi tuần quanh đảo Hải Nam vào năm 1909. Tận năm 1951 ở hội nghị San Francisco, có người nêu đưa quần đảo này cho TQ thì chính quyền Bảo Đại đã tuyên bố VN có chủ quyền lâu đời với quần đảo này. Không có ai phản đối cả.
Sau 1954, chính quyền Sài Gòn quản lý các đảo này. Đến 1975, bộ đội VN đã tiếp quản các đảo.

Các bằng chứng khách quan:

-Bản đồ do phương Tây vẽ ghi rõ quần đảo ghi rõ Paracel tức Cát vàng
Hay Pierre Poivre đã viết đến Phú Xuân và thấy nhiều pháo???? bày rất nhiều trên thành và được biết đây là pháo lấy từ đảo Paracel, Hoàng Sa.
-Tư liệu từ phía TQ tự phủ nhận chủ quyền điển hình Lý Lệnh Hoa
-TQ đưa yêu sách lưỡi bò: Đường 9 đoạn được đưa vào vị trí các đảo TQ khi Trung Hoa Dân quốc chạy ra Đài LOan và muốn tuyên bố chủ quyền các đảo.
- TQ dùng vũ lực chiếm đảo. 1946, Trung Hoa Dân Quốc chiếm Ba Bình.
1974: TQ dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa, và 1988 chiếm một số bãi đá

Đề xuất và kiến nghị:
-Luận chứng khoa học về chủ quyền VN ngày càng tăng. TQ đuối lý, song họ lại viện đến sức mạnh.
Khuyến nghị: Cần làm bài bản, hệ thống, ai cũng nói HS-TS, nhưng toàn lặp lại, và manh mún, chứ không hệ thống, nhất quán. Căn cứ khoa học là ta thấy của ta, song để đấu tranh ngoại giao cần có áp vào luật nào, bộ luật gì, thông lệ nào.
-Để bảo vệ chủ quyền HS-TS là gồm đòi lại cả đảo đã mất, thì cần củng cố lực lượng toàn diện, phát triển kinh tế, mua máy bay, tàu ngầm. Nhưng quan trọng nhất là củng cố đoàn kết toàn dân. Ai có tấm lòng với đảo HS-TS phải xem là thuộc khối đoàn kết toàn dân, chứ không kỳ thị.
Phải đẩy mạnh hơn nữa giáo dục truyền thống, ý thức của dân. Ta còn ngại ngần trong việc đưa vào SGK, thì tôi nghĩ không nên ngại ngần nữa. Rất mừng là Thủ tướng đã tuyên bố dứt khoát tới đây sẽ đưa vào SGK, một cách có lợi nhất cho VN.
Việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền thì sự ủng hộ quốc tế là rất quan trọng. Trong các khúc quanh lịch sử của VN, sự ủng hộ quốc tế luôn giúp làm tăng vị trí của VN. Nếu không có sự ủng hộ quốc tế, trong tương quan lực lượng sẽ là yếu. Có rất nhiều nhà VN học muốn được viết để ủng hộ ta. Tiếng nói của một nhà khoa học nước ngoài sẽ quan trọng hơn rất nhiều so với ta tự nói với ta.
-Sớm có giải pháp phát huy và bảo vệ di sản, lịch sử văn hóa để phục vụ sự kiện bảo vệ biên giới, hải đảo quốc gia.
-Những phong tục, tập quán phải được duy trì và bảo vệ. Còn nếu không, sẽ mai một, thất thoát dần.
 
Ông Dương Trung Quốc:
Về vấn đề biển đảo, trong thời gian gần đây Nhà nước đã có nhiều những hỗ trợ để thu thập và công bố tài liệu.
Trong một sự kiện 15 năm trước, có Phó Thủ tướng đến dự và chúng tôi hỏi về thái độ với những người lính VNCH đã ngã xuống, ông nói họ là những người đáng vinh danh. Song để thực hiện nó trên thực tế, có lẽ cần một khoảng thời gian.
-Hiện VN đang rất thiếu các tài liệu. Có những nhà trường phải lấy các bộ phim để chiếu, nhưng nó không mang tính sách giáo khoa. Các trường học khi trình bày cho học sinh rất lúng túng vì khôgn có tài liệu chuẩn.

* Bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Muốn trao đổi về hoạt động của bảo tàng sau 40 năm hoạt động. Được chuyển tên từ Nhà trưng bày tội ác chiến tranh thành Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chỉ 1 tuần lễ trước khi Bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ. Hiện là một trong những bảo tàng có lượng khách tham quan lớn nhất. Năm 2012 là 700.000 lượt khách và 2013 là 740.000 khách. hiện là thành viên của Bảo tàng Hòa bình Thế giới.

Ông Dương Trung Quốc:
Phải chăng cuộc chiến Việt-Trung đang bị né tránh, không trở thành chủ đề tại các bảo tàng.
 
Ông Trần Trọng Hà – Hội lịch sử Quảng Ninh:
- Cần gấp rút tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu về 1979 một cách tổng thể. Hệ thống ảnh, tư liệu và hiện vật về cuộc chiến này chưa được làm toàn diện. Nhất là các bảo tàng thiếu ảnh sự kiện mà chỉ có ảnh hội nghị, thăm viếng, di tích hậu quả mà thôi. Tôi thống nhất ý kiến của anh Hà và anh Giang, vì sự kiện này kéo dài trước 1979 và kéo dài đến 1984. Bảo tàng ở Quảng Ninh chưa trưng bày, nhưng xem những ảnh này thấy sống lại sự kiện đó. Tôi thích không khí trong các bức ảnh đó.
- Tôi đề nghị hiện vật rất quý. Vừa rồi sưu tầm dược 4 cột mốc biên giới Việt Trung tranh chấp từ thời nhà Thanh. Khi sưu tầm, về trưng bày tập trung vào những sự kiện quan trọng như Pò Hèn... Những hệ thống hiện vật và tư liệu phải được sưu tập bài bản.
- Phải tập trung di sản hóa các tư liệu, hiện vật này để có thể giữ lâu được. Hôm nay giữ lại trưng bày, nhưng khi di sản hóa thì sẽ dược trưng bày trong các bảo tàng và gìn giữ được lâu cho thế hệ sau. QN có kinh nghiệm nơi xảy ra trận Pò Hèn đã dược công nhận di tích cấp tỉnh và hy vọng sau này công nhận di tích quốc gia. Nay hai bên đã bình thường hóa quan hệ, thì các thế hệ sau cũng thấy đây chỉ là di tích mà thôi. Cần tập trung xây dựng thành di sản. Hồ sơ cũng cần thành dữ liệu di sản. Tại sao không? Vì hệ thống cột mốc của mình chỉ còn rất hiếm giữ được.

Ông Vũ Minh Giang: Khi xây dựng hệ thống cột mốc mới thì cột mốc cũ thế nào?
- Theo quy định ta phải rào đi. Và TQ khênh đi. Dân TQ sưu tầm về như cổ vật. Trong khi Bảo tàng Quảng Ninh có từ 2006 và chính quyền QN rất ủng hộ mới sưu tầm được vì liên quan đến Ban Biên giới chính phủ. Phải từ 2006-2011 mới sưu tầm được những cột mốc này. Những cột mốc khác thì Ban Biên giới thu về hết, tập hợp ở một chỗ, nhưng họ chỉ lưu trữ với tính chất nhà nước, chứ không phải di sản. Nếu ta làm được điều này, sau này ta có thể trưng bày, giới thiệu được. Còn nếu không thể, sau này sẽ không có gì để trưng bày.
- Sở dĩ ta có các tư liệu về HS-TS là vì các cụ đã tư liệu hóa cho ta. Vì vậy, giờ đây ta cần phải tư liệu hóa về cuộc chiến biên giới.
- Những vấn đề liên quan đến vấn đề biên giới, 1979 nên kéo dài và xâu chuỗi như quá trình lịch sử. ví dụ về cột mốc Bạch Đằng sẽ giới thiệu về văn hóa biển, giao lưu trên biển, rồi các hệ thống di tích bảo vệ trên biển rồi cuộc chiến chiến gần nhất là 1979, và tạo ra thể thống nhất để bảo vệ được hệ thống di sản của ta.
- Khi trưng bày 4 cột mốc, khi giáo dục HS sẽ giới thiệu cột mốc nằm ở đâu. Tại đây, những người làm cột mốc đã khắc tên cả người Pháp, người Việt, rồi những chiến sĩ biên phòng hy sinh ở đây. Khi đã làm thành một quá trình, lịch sử sẽ được trả về đúng vị trí của lịch sử.

Ông Dương Trung Quốc:
Nhiều bảo tàng nói không còn hồ sơ về cuộc chiến biên giới, hay như trường học mang tên Lê Hồng Chiêm cũng bị đổi tên?

Ông Trần Trọng Hà – Quảng Ninh
Hiện vật về chiến tranh biên giới có nhiều. Cả các vũ khí mà anh hùng đã chiến đấu, chiến lợi phẩm của TQ, mũ áo, súng phun lửa, cả những bức ảnh từ lúc sự kiện qua trong đó có cả những ảnh nhà nước tổ chức cho người Hoa sang bên kia biên giới. Cả những bức ảnh sự kiện tổ chức cho người Hoa di chuyển thế nào cho tốt, rồi những sự kiện va chạm giữa hai bên. QN rất may là thời gian nổ ra chiến sự không dài, TQ đánh không sâu nên chiều dài sự kiện không nhiều, nhưng để thành chuyên đề sẽ rất dày đặc và điển hình (11:00:00)
Về việc đổi tên trường (Lê Hồng Chiêm), tôi không trả lời được vì đột xuất. Sẽ kiểm tra lại.
 
Ông Vũ Minh Giang:
Tập trung ý kiến, giải pháp bảo tồn, phát huy trên nhiều phương diện, tập trung vào ý nghĩa lịch sử của sự kiện này.

Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự VN; là nhân chứng sống, là Chính ủy Trung đoàn ở Vị Xuyên trong thời gian tương đối dài từ 1979-1986
Năm 1978, tôi được đưa 500 học viên của Học viện Chính trị lục quân đi rải khắp vùng biên giới QN đến Lai Châu hơn 600 km chỉ để tuyên truyền nghị quyết Bộ Chính trị. Khi đó kết luận 2 kẻ thù, là Mỹ là cơ bản, lâu dài, còn TQ là kẻ thù nguy hiểm, trực tiếp. Anh Mạnh Hà có nói khái quát, nhưng có một số điểm anh Hà nói không chuẩn. Vì thông tin có thể chưa đầy đủ.
Tôi là một trong những người chứng kiến thời kỳ oanh liệt của Quảng Ninh, đẩy người TQ về TQ. Người thành công nhất tiên phong là Vũ Đức Tâm, Vũ Mão là Bí thư tỉnh đoàn. Địa bàn khi chiến tranh xảy ra là sạch, nếu không rất nguy hiểm. Khi tôi trực tiếp tham gia chiến đấu, dẫn đầu các đơn vị toàn là người Trung Quốc ở 6 tỉnh biên giới, nên đánh đâu trúng đó. Không gian chiến trường ta dự kiến được, vì Lê Duẩn nói TQ sẽ đưa sang hàng triệu quân. Có nghĩa BCT đã dự kiến được không gian chiến trường rất rộng. Vấn đề ta không chủ động và không nắm được là thời điểm TQ phát động cuộc chiến đánh vào lúc nào. Ngày 17.2 khi chúng tôi đang ở HN thì đúng thời điểm đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn cưới vợ cho con, Bộ trưởng Quốc phòng VN sang Lào. Ta có 4 cấp chiến đấu thì hạ xuống mức từ toàn bộ xuống thường xuyên, tức không hạ được hơn nữa và sau 2 hôm thì TQ đánh.
Ta có 2 sư đoàn mạnh gồm sư đoàn 3 từ miền Trung ra Lạng Sơn từ 1978 và sư đoàn 36 thành lập 1951 ở Lào Cai, gồm Lê Quảng Ba và Chu Huy Mân, thuộc loại thiện chiến ở vùng Tây Bắc và Việt Bắc. Nên khi TQ tấn công ta có 2 sư đoàn.
Song khi đánh trực tiếp thấy quân TQ ô hợp. Cũng là cơ động, nhưng chất lượng chiến đấu kém, trang bị kém và TQ không diệt được đại đội nào của VN, trong lúc ta tiêu diệt cấp tiểu đoàn của TQ. Tổ chức chỉ huy của quân đội TQ, ý đồ hiến thuật của TQ, nếu chiến tranh xảy ra là lấy thịt đè người, biển người. Đánh như vậy nên quân TQ thiệt hại rất lớn.
Một số người có kinh nghiệm chiến đấu ở miền nam, khi đó đưa sư đoàn 312 để đưa vào đánh rút kinh nghiệm, tiêu diệt 1 sư đoàn TQ ở Lạng Sơn. Chuẩn bị từ 2-4, và chuẩn bị đánh rồi. 312 rất háo hức, song mùng 5 quyết định dừng có nguyên nhân của LX, áp sát 83 sư đoàn cùng lực lượng rất mạnh ở biên giới Mông Cổ với TQ. Nếu TQ không rút quân ngày 5.3 thì LX đánh thật. Biết ơn người LX, nếu không TQ sẽ không dừng 5.3 và ta sẽ đưa 312 vào đánh.
Đau nhất là mất 1050, không sao lấy được. Tôi sở trường là chiến đấu phòng ngự. Đã đánh chốt hay giữ trung đoàn phòng ngự thì không ai đánh được, kể cả Mỹ, hay Ngụy hay TQ. Tôi giữ địa bàn ở Quảng Ninh, Bình Lưu hướng chủ yếu của Quảng Ninh và không mất. Khi tôi lên Vị Xuyên thì tôi giữ không mất, vì tôi có kinh nghiệm.
TQ vừa nhát, vừa sĩ diện. Ngày 28.2.1986, khi chúng tôi đập nát sư đoàn tấn công vào trận địa phòng ngự của VN trước điểm cao 1050, suốt từ 5h30 sáng đến 4h30 chiều thì kết thúc. Có những điểm lộ lút giày vì đá và đất nghiền thành bột vì pháo TQ bắn khủng khiếp. Cứ mỗi tiểu đoàn phụ trách một ô. Trong khi VN bắn một viên cối 120 ly là phải báo cáo tư lệnh mặt trận là Vũ Lập hoặc là Phó Tư lệnh. Còn TQ thì khủng khiếp.
Đánh xong thì 53 xác TQ phơi ngay trước trận địa. 2 ngày có vẻ thối, tôi báo cáo, trên điện về Tổng Cục Chính trị đưa anh em dân vận nói thời điểm này đến nhận xác lính TQ, nhưng 3 ngày không nhận. Đến ngày thứ 7 mới đề nghị Tư lệnh Vũ Lập và Lê Duy Mật cho tôi sang dồn xuống để đốt chứ cứ để như vậy thì không chịu nổi và ta phải đốt 53 xác TQ. Để thấy TQ nhát và sĩ diện nước lớn.
Sau những năm tháng ở biên giới, tôi làm nghiên cứu khoa học và vì thời gian nên tôi trôi vào Khoa Sử, ĐH Tổng hợp HN. Cuối cùng, trên bảo tôi về làm Giám đốc Bảo tàng. Và 12 năm, có lần Dương Trung Quốc - ông bạn tôi chả nể tôi, nói giữa MTTQVN là Bảo tàng lịch sử quân sự VN trưng bày về biên giới TQ rất nhạt. …Trưng bày chỗ chúng tôi nhạt nhưng không có nghĩa là không có gì. Ngay giữa sân để khẩu Kachiusa 12 nòng thu ở Lạng Sơn, và có chú thích đàng hoàng, dù không chỉn chu và có bài cho thật sâu. Nhưng có đề cập, vì nếu làm sâu thì sẽ bị dẹp. Và thế thì không biết sẽ đi đâu. Số lượng hiện vật đưa về Bảo tàng Lịch sử (quân sự) nếu được trưng bày rất phong phú, rất hay.

Đề nghị:
Bảo tồn thì thi thoảng có tư vấn về bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử VN tôi rất quan tâm ở 6 tỉnh biên giới phía bắc. Rất buồn là di tích thời chống Pháp còn, chống Mỹ còn vài dấu vết, nhưng di tích thời TQ đánh sang thì hầu như mất dạng. Buồn hơn nữa là một lần giúp bảo tàng ở Pắc Pó để trưng bày thì lại vào hang để ngắm nghía hang Pắc Pó, khi ra có cháu ở bảo tàng Pắc Pó hướng dẫn cho khách của Hải Hưng, không hề nói đến TQ phá sập hang này. Sau đó, tôi hỏi tại sao không nói thì bạn đó nói trên không cho nói. Tôi đặt câu hỏi vì sao? Vì có vấn đề gì đâu. Ta phải nói với bà con mình, mà tại sao không nói, Nếu không, thì sao người dân hiểu TQ đã mang bộc phá đánh tan hang mà khi ta khôi phục vẫn không thể giống như trước được. Đây là điều đáng buồn. Mỗi lần đi lại, nhìn thấy giờ thành bãi đất trống trơn và nhà dân dựng lên là buồn lắm.
Ngã ba Lũng Phề (?) nơi pháo binh ta tập trung đánh sư đoàn TQ diệt mấy nghìn lĩnh TQ. 2 hôm sau còn chưa dọn hết, mùi hôi thối lan tỏa không gian rộng. Giờ ở đó không còn gì. Dân đã chen vào ở hết. Không có dấu vết gì. Không có văn bia. Tại sao không có đến một cái bia không nói sâu nhưng phải ghi để biết nơi đây diễn ra cái này, và thêm một cái gì đó không nói bao nhiêu lính TQ nhưng phải ghi công. Nhân cuộc tọa đàm, cái gì khôi phục được phải khôi phục. Tư liệu còn, nhân chứng còn. Nêu không làm, sau này rất tốn kém, vất vả.
-Trưng bày hiện vật: Một số bảo tàng như Lịch sử VN phe bình nhạt, nhưng còn hơn là không đã có phương án trưng bầy sâu hơn. Sẽ có một nội dung một chuyên đề về cuộc chiến biên giới. Có nhiều tài liệu, hiện vật để ta nói. Làm gì để không gây hận thù, kích động. Nhưng lịch sử là lịch sử. Lịch sử rất sòng phẳng. Đến khi có thể bàn sâu hơn thì cần làm rõ để thế hệ sau hiểu được. Cái gì cần tránh thì tránh, nhưng đã là bảo tàng thì cần cố gắng.
Vừa qua Thủ tướng có phát biểu, nhưng khi triển khai làm thì quay lại đúng như cũ. Vừa rồi tôi có những bài viết hoặc công bố, thì ĐTH VN cũng không đưa được. Ban đầu Ban Tuyên giáo nó quyết làm, nhưng sau cũng dẹp. May hôm nay có cuộc này, dù khiêm tốn nhưng cũng rất tốt. Mọi cái cũng phải từ từ.
Việc đưa cuộc chiến xâm lược TQ đưa vào SGK đàng hoàng. Trước chữ nghĩa ít lắm, và HS không hiểu. Ngoài việc Thủ tướng đồng ý đưa vấn đề biển đảo vào, thì cuộc chiến biên giới cũng phải đưa vào.

Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng:
Tôi thấy may được dự cuộc này. Lâu nay mình nói tiếp cận lịch sử nước nhà qua trận đánh và hiến công. Rồi việc ông cha ta nỗ lực xây dựng đất nước trên mọi phương diện thì còn nhạt. Song cái ta cho là thừa thì vẫn còn rất thiếu. Nhất là cuộc chiến tranh này. Phía Đà Nẵng được giao quản lý về HS từ nửa thế kỷ nay. Cố gắng dành con đường đẹp nhất để đặt tên HS-TS. Trước theo Nghị quyết QH từ trên núi Sơn Trà được đặt TS. Khi nối con đường dọc ven biển thì quyết định đặt là HS-TS. Sau khi Đại tướng mất, cuối cùng lấy đoạn giữa HS-TS đặt là Võ Nguyên Giáp. Khi đặt tên quyết thể hiện chủ quyền,. Còn khi đặt tên Võ Nguyên Giáp quyết tâm đòi lại chủ quyền, gồm HS-TS.
Tổ chức cuộc thi thiết kế mẫu nhà HS-TS và đặt tại đường này. Sẽ trao giải, trưng bày lấy ý kiến nhân dân để trưng bày bằng chứng lịch sử với HS-TS.
Con đường TS trước đó trong nội thành có con đường gần Gạc Ma hy sinh 64 hải quân (16:00).
Ngày 19.1 làm triển lãm chủ quyền HS và bằng chứng lịch sử. Đà Nẵng 2013 có gửi về Viện Nghiên cứu Phát Triển Kinh tế, xã hội. Đà Nẵng có 3 tập hoàn chỉnh, 2013 tổ chức 3 cuộc triển lãm. Bộ TTTT tổ chức 1 số tỉnh thì cuối 2013 làm ở Đắc Lắc, Quảng Ngãi và khi Đà Nẵng làm kỷ niệm 40 năm TQ cưỡng chiếm HS thì có đề nghị đưa về Đà Nẵng và diễn ra đúng tháng Giêng.

Dương Trung Quốc
Tế nhị ngoại giao rất cần thiết, nhưng cũng cần tế nhị với dân. Chúng ta không chỉ tế nhị với người ngoài, sức đoàn kết của dân còn có sức mạnh hơn cả tên lửa, tàu ngầm.

Vũ Minh Giang: Tiếp theo lắng nghe GS Sử học về câu chuyện này.

Vũ Dương Ninh:
Ta gọi cuộc chiến tranh này là gì. Học giả phương Tây thế giới gọi đây là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 3. Hay là cuộc chiến tranh giữa những người anh em đỏ VN-TQ-Cam. TQ gọi là cuộc chiến phản kích tự vệ.
Còn ta là gì. Đợt 1 là kháng chiến chống thực dân Pháp. Đợt 2 kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đợt 3 là gì, ta chưa thống nhất, Với chúng tôi rất quan trọng vì liên quan đến SGK. Đợt vừa rồi có nhiều người nói SGK không nói, xin được minh oan là SGK có đề cập, nhưng SGK còn nhạt hơn Bảo tàng. Nhạt lắm. Chỉ có 12 dòng thôi. Nhưng đây là sự cố gắng rất lớn của chúng tôi. Riêng vấn đề này đã phải thảo luận 1 buổi chiều và 1 buổi sáng hôm sau, có nên đưa SGK không, hay đưa như thế nào. Có một sự tế nhị vô hình nào đó luôn ngăn cản vấn đề này, Còn với chúng tôi, lịch sử là lịch sử, phải đưa vào. Song cuối cùng, quyết định đưa vào có mức độ. Ban đầu 3-4 trang, sau co lại còn 12 dòng. Đây là cố gắng rất lớn của chúng tôi, nhưng cuối cùng có ai hiểu được khi chỉ thấy có 12 dòng. Nhưng trong bối cảnh đó, cả bảo tàng cũng bị ảnh hưởng. Cho đến nay, cái gọi là tế nhị đó cũng chưa kết thúc. Tất cả đều thấy cần đưa vào SGK, nhưng đưa thế nào thì còn bàn đấy.
Tên gọi sự kiện này nên gọi là cuộc chiến bảo vệ biên giới. Đây là cách gọi tế nhị, Vì cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, kháng chiến chống thực dân Pháp. Còn ở đây ta không chống ai, ta chỉ bảo vệ biên giới. Thực chất ta có 3 cuộc: 1 Tây nam, 2 Biên giới và 3 là Hải đảo.
Nhưng quan trọng nội dung. Bảo vệ vì có kẻ xâm lược, và ai xâm lược. Nhưng cái đó còn tùy. Ta phải khẳng định đây là cuộc chiến bảo vệ biên giới và bản chất là cuộc chiến xâm lược và nhân dân VN đã đứng lên đánh đuổi quân xâm lược. Như vậy, ta có những tấm gương anh hùng. Có như vậy mới đi vào được thế hệ học sinh ngày nay. Ngày đó nào Lê Đình Chinh. Người tôi dùng chữ anh Quốc là “lịch sử vô nhân sự” vì chả có ai. Ta cần phải đưa những tấm gương tiêu biểu của cuộc chiến tranh đó thì mới đi được vào lòng các cháu.
1 Khẳng định đây là cuộc chiến tranh
2. Đây là cuộc chiến xâm lược và bảo vệ đất nước
3. Giới thiệu tấm gương các anh hùng chống xâm lược

Vũ Minh Giang: GS Vũ Dương Ninh đang chủ biên cuốn sách về lịch sử biên giới Việt Trung à được dịch sang tiếng Anh

GS Bùi Đình Thanh:
Tôi năm nay 90 tuổi, nghỉ hưu 13 năm, sống cuộc đời phó thường dân nhưng rất quan tâm tình hình đất nước. Tôi khẳng định vai trò quan trọng của các viện bảo tàng, ở mức độ thể hiện hành trình dân tộc ta từ sơ khai đến lúc trưởng thành.
Tôi thấy rằng ta đang có sự tế nhị rất lớn trong vấn đề HS-TS và cuộc chiến biên giới. Khi sống trong nhân dân, tôi nắm được tâm trạng mọi người băn khoăn vì sao Điện Biên Phủ kỷ niệm huy hoàng, mà chiến tranh biên giới rõ ràng là cuộc chiến xâm lược lại không thấy có tuyên bố gì về chính thống. Cũng không có ngày kỷ niệm xứng đáng. Anh hồn của các liệt sĩ hy sinh nghĩ gì? Họ chiến đấu vì tinh thần dân tộc, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi chiến tranh biên giới nổ ra, con tôi học cấp 3 mà rủ nhau đăng ký nhập ngũ để kháng chiến. Đó là điều xúc động.
Người dân băn khoăn, thì từ trên xuống dưới giải đáp là vì ổn định chính trị, vì không muốn căng thẳng. Vì đại cục quốc gia. Tôi suy nghĩ mãi. Vậy làm rõ, đại cục quốc gia là gì? Vì đại cục quốc gia là trói gọn trong 10 chữ “Độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ”. Từ ông cha ta cho đến kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và sau này nữa cũng vì 10 chữ này. Chiến đấu vì độc lập, vì chủ quyền đất nước.
Một trưởng đoàn TQ từng sang VN có nói Đặng Tiểu Bình có công rất lớn, nhưng có một số sự kiện sai lầm. Tôi hỏi có nhiều người TQ nghĩ như bà không? Bà ấy đáp, cái đó không thống kê được
Cần có thống nhất giữa sự lãnh đạo chính trị và giới khoa học trong những vấn đề nước sôi lửa bỏng, gồm vấn đề Biển Đông vốn còn lâu dài, phức tạp. TQ còn nhiều bài trong hồ lô của họ lắm, nên đừng hy vọng xử lý được trong một thời gian ngắn.
Ta cần nói rõ sự thật. Khi người dân TQ biết, mọi chuyện sẽ khác. Khi được nhân rộng ra, thì lịch sử sẽ được trả lại vị trí. Ta cần phải nhằm vào giới khoa học chính trị, những giới nghiên cứu, hoạch định chính sách. Sẽ có những người hiểu rõ sự việc. Nước sẽ thấm dần.

Cần tăng cường đào tạo
Rất mừng khi biết đến cuối tháng 3 ra mắt Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông. Chứ giờ ai cũng nghiên cứu HS-TS thì phải tập trung vào đầu mối, phương tiện, cán bộ vào dứt điểm từng tiêu chí một.

Vũ Minh Giang: Nhận được 7 ý kiến đăng ký, nhưng thời gian không thể hết. Mời Thượng tướng, GS Trịnh Vương Hồng – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự
Mục tiêu là tiến tới một bản kiến nghị mang danh Hội KH Lịch sử VN đến những người có trách nhiệm.

GS Trịnh Vương Hồng – nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự
Việc tổ chức hôm nay là cực tốt và cực đúng. Có những nơi không bằng lòng. Với mùa xuân này là một trong những người đầu ngành của đất nước nói đối ngoại có 3 nguyên tắc: Vừa hợp tác vừa cạnh tranh vừa thỏa hiệp
Có 6 điểm hết sức chú ý, gồm 5 điểm tránh và 1 điểm cần: Tánh căng thẳng nước lớn, tránh bị kích động, liên minh đơn phương, cô lập... và phải giữ hòa bình. Vì vậy, việc đề xuất sẽ bị vướng. Tha thiết đề nghị phải kiến nghị có chỉ đạp với liều lượng nhất định cho phép được nói. Tôi thấm đòn. Có 2 kháo thường vụ Quân ủy TƯ thời bác Kiệt, bác Trà, giao tổng kết 2 cuộc chiến bảo vệ biên giới phía bắc và nam. Nếu gọi có nơi nói chiến tranh biên giới. Vừa rồi nói bảo vệ biên giới tổ quốc mà phải là bảo vệ hai đầu biên giới phía bắc và phía nam tổ quốc. Vì Pol Pot định tấn công hẳn vào Tp Hồ Chí Minh.
-nên cho nói, vì kinh nghiệm cho thấy hội thảo Điện Biên Phủ thì nói trước hội thảo họ ghét mình lắm. Họ viết trên báo là ăn cháo đá bát, vô ơn. Cuối 2003 đã dịch 6 cuốn TQ viết về ta. Họ chỉ trừ cụ Hồ, còn từ cụ Văn xuông chỉ là cái đinh. Sau khi thầy Lê trình bày, các nhà khoa học của ta nói thì ta chỉ rõ LX, TQ giúp cái gì, cụ thể ra sao thì họ giãn ra. Chỉ có điều là mức độ thế nào.
Trong quân đội đã được giao nhiệm vụ tổng kết tất cả các đơn vị trực thuộc bộ. Có 7 quân khu thì có 6 quân khu dính chiến tranh biên giới và cấp Bộ. Xin ý kiến khoảng 30 tướng lĩnh, các nhà cách mạng liên quan đến vấn đề này. Được chỉ đạo phải đóng dấu tuyệt mật và chỉ được in 5 cuốn A4. Khi đang làm cuốn này, mượn sổ tay Trung tướng Lê Hai, thẩm chí ngồi cùng bàn mà các anh lấy tay che che không cho xem. Không cho mượn để pho to. Nên khó lắm,
Không thể chỉ là bảo tồn, mà cần Hội KHLS và các nhà khoa học lớn kiến nghị tạo quỹ và có địa chỉ chỉ đạo tổ chức để làm về 2 cuộc này. Chứ các nhân chứng, nhất là lãnh đạo, chết nhiều lắm. Mất quá nửa rồi. Không nhanh là không còn nhân chứng. Còn tài liệu thành văn có những lần bị hủy. Rất khó, không đơn giản.

GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia của Thủ tướng và Chủ tịch Hội Di sản Quốc gia
Cái gì đã bình thường, nên để được tác nghiệp bình thường. Lịch sử là vấn đề sự thật. Hãy cứ để nó diễn ra bình thường, chỉ có liều lượng, cách đưa như thế nào thì nên tính toán. Có những sự việc lẽ ra bình thường, nhưng ta lại làm nó không bình thường. Ví ụ ở bảo tàng, trong sách,. ta đã nói mãi về Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, rồi chống Páp, chống Mỹ và cuối cùng các nước đó vẫn là đối tác chiến lược của ta. Ta đâu có sợ họ gây khó khăn cho ta. Vì vậy, với tư cách là người làm công tác di sản tôi ủng hộ.
Trước hết, bảo tồn tri thức của người dân VN về cuộc chiến này. Phải tích hợp vào tri thức đó thể hiện những vấn đề mà ta thảo luận. Ngay cả trong giới nghiên cứu cũng có người chưa hiểu về vấn đề này. Người dân ta phải trang bị cho họ , họ mới hiểu. Ta phải thực hiện những công việc bình thường mà pháp luật cho phép. Trước hết, Viện Bảo tàng Lịch sử QG, Viện Bảo tàng Lịch sử QS là đưa vấn đề này, đề tài về chiến tranh biên giới phía bắc, phía nam và HS vào trưng bày. Đó là việc thứ1. Thứ 2 là các đơn vị đó, và các bảo tàng liên quan phải tiến hành nghiên cứu, sưu tầm tư liệu kịch sử. Ta không chỉ có trách nhiệm với lịch sử, mà cả những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh này.
Các địa phương có liên quan phải tiến hành kiểm kê cả những di tích phi vật thể có liên quan, và phải xếp hạng di tích như đã từng làm với Hai Bà Trưng, Lý Trần, Điện Biên Phủ thành di tích cấp tỉnh, quốc gia... tùy mức độ.
Nhiều cựu binh Mỹ sau khi về nước đã mắc phải căn bệnh trầm cảm sau chiến tranh. Và khi họ sang, được chứng kiến những di tích chiến tranh được bảo tồn, được nói chuyện với người dân sống sót, sự trầm cảm của họ đã giảm đi.
Trong khi đó, TQ đưa tài liệu suốt ngày bằng cả Tiếng Trung và TA ra thế giới. Còn ta thì phân tán quá.

Nguyễn Thị Hậu:
4 đề nghị cụ thể
-Tư liệu muốn nghiên cứu cần có khối nguồn tư liệu chính thức và tập trung. Những gì công bố được thì CP cần cho cơ chế để công bố. Ví dụ ở đây mới biết bên quân đội có tư liệu, song bảo tàng khôn có thì làm sao công bố được. Tập trung vào những đơn vị, ví dụ các tư liệu có 3 cơ quan cần có lưu trữ bản gốc Gồm Viện Sử học VN, Viện Hán Nôm và Viện Khoa học Quân đội lịch sử???, các cơ quan khác cần dùng bản sao
-Giáo dục: Con đường để SGK đưa tất cả sự thật lịch sử cho các cấp cần từng bước, lâu dài. Về góc độ TƯ và địa phương thì thấy, sang TQ mỗi lớp học từ mẫu giáo đến đại học đểu có 2 bản đồ TQ: TQ trên thế giới to, hoành tráng, giúp học sinh có tự hào dân tộc. Và mỗi lớp học có bản đồ lãnh thổ trung quốc, có đường lưỡi bò.
Vì vậy, đề nghị mỗi lớp học VN phải có bản đồ Vn có HS-TS. Đây là vấn dề trực quan cho học sinh. Hoặc mỗi trường ít nhât ở phòng truyền thông só bản đồ từ thời Nguyễn, dù in rất tốn kém. Hội Sử học VN và ở các tỉnh có thể phát động phong trào.
-TQ có ít nhất 8 cơ quan TƯ đặc trách về Biển Đông, Họ công bố dồn dập tư liệu đúng sai ta không kiểm định được. Nếu ta thành lập một Viện nghiên cứu quốc gia về biển Đông thì cũng nên có một viện đặt ở Đà Nẵng, tập hợp những nhà khoa học nghiên cứu về biển. Tính liên kết của ta rất khó. Cần thì có trang web để đưa thông tin lên lập tức. TQ lên tiếng ở các diễn đàn rất nhiều, nên tiếng nói của mình trong giới khoa học yếu về số lượng.
-Đề nghị có chính sách truyền thông rõ ràng. Nếu các tờ báo chính thống chưa được phép nói, thì NN nên để tờ báo các hội ngành có tiếng nói nhất định. Ở TQ nếu theo dõi mạng thấy các hội ngành nói thoải mái. Ngay tờ Hoàn Cầu nói rất ghê. Rõ ràng, những tổ chức xã hội dân sự lên tiếng nhiều ở TQ. Tôi đồng ý có tế nhị ngoại giao chính trị, song với dân cũng cần tế nhị, vì dân là người giữ nước. Nếu  không có chính truyền thông rõ ràng, nhất quán thì gây bức xúc trong dân rất lớn sẽ ảnh hưởng đến tinh thần đoàn kết dân tộc. Chính sách truyền thông vừa cứng nhắc, vừa có chút không tôn trọng người dân.

Vũ Minh Giang:
-TƯ có chủ trương các hội, NGOs được tổ chức những hoạt động theo chức năng, hoạt động của mình nhân năm chẵn.
Mục tiêu tọa đàm tiến tới kiến nghị chính thức của Hội Khoa học Lịch sử Vn nên không tổ chức rình rang theo hướng tuyên truyền. Mà mục tiêu đặt ra là thảo luận thực chất, cởi mở, hướng đến bảo tồn các giá trị tinh thần, văn hóa, di sản.

GS Phan Huy Lê:
Cuộc tọa đàm trao đổi thẳng thắn, cởi mở. Mời từ nhiều góc độ, chuyên môn, khoa học, nhân chứng và cái mà ta nhằm tới không phải là những ý kiến riêng lẻ mà đúc kết lại thành văn bản có ý nghĩa trung thực, thẳng thắn, đầy tinh thần trách nhiệm và xây dựng. Mọi thảo luận ở đây là cơ sở tiến tới văn bản đó.
-Tất cả phát biểu tại đây từ nhiều góc độ khác nhau từ lịch sử khoa học, hiện đại, nhân chứng... đểu hoàn toàn nhất trí coi cuộc chiến bảo vệ HS 1974 và Gạc ma 1988 và 2 cuộc chiến biên giới Tây Nam và phía bắc là cuộc chiến bảo vệ biên giới, lãnh thổ đất nước. Chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới. Đây là cuộc chiến bảo vệ chủ quyền, bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn của VN. Đối với một cuộc chiến tranh như vậy, ý đồ như thế nào, diễn biến như thế nào sẽ cần tiếp tục nghiên cứ.
Đây là sự kiện lịch sử trọng đại trong dòng lịch sử VN, tiếp nói việc bảo vệ đất nước sau cuộc kháng chiến chống Pháp và Chống Mỹ.
Trên cơ sở xác lập nhận thức như vậy, ta thống nhất 100% để rõ ràng xác lập cách ứng xử nhu thế nào, không phải giải pháp nhất thời có tính ứng phó. Vấn dề nghiên cứu, nhận thức, quản bá, bảo tồn, phát huy và tiếc thời gian quá ngắn nên chưa thảo luận nên ứng như thế nào với những người dã hy sinh trong cuộc chiến/
Rõ ràng, đây là sự kiện lịch sử thì cần đối xử sòng phẳng như tất cả các sự kiện lĩvchj sử khác, khôn hci8r suốt chiều dài lịch sử VN mà cả cận đại và hiện đại. Lúc nàu, lúc khác ta khôgn công bố hay hạn chế. Cần đặt ra việc nvhieen cứu một cách bức xúc và không nên chậm trễ. Vì nghiên cứu trước hết là tư liệu. Có những tư liệu tới đây ta cần khai thác từ đối phương nữa, các nhân chứng lịch sử là vô cùng quan trọng. Rất nhiều tướng soái, chiến sĩ và người dân địa phương đều là nhân chứng lịch sử.
Những chứng tích của chiến tranh còn được bảo tồn ở chiến trường cần được nghiên cứu/ Vì vậy, việc thu thập tư liệu cực kỳ quan trọng, đặt ra càng chậm càng gây tổn thất nhiều.
Nếu nghiên cứu mà nguồn tư liệu ít ỏi rất khốn khổ.Trong lúc sự kiện mới xảy ra gần đây, vẫn còn nhiều người còn sống và đây là nguồn tư liệu cực kỳ phong phú. Cần được tổ chức và thống nhất. Trong cuộc gặp tháng 12.2013, đề xuất xây Trung tâm tư liệu quốc gia về TS-HS và đã được Thủ tướng chấp nhận giao Bộ Nội vụ và Ngoại giao xây dựng đề án để báo cáo Thủ tướng sớm.. Nhiều cơ quan thu thập, và nguy hiểm hơn là nhiều tư liệu không được xác định nên nếu sử dụng không tốt sẽ phản tác dụng. Ví dụ tài liệu ở Quảng Trị, có dải đất gọi là Trường Sa. Đó là dải cát ở tỉnh Quảng Trị giờ vẫn còn. Và họ cho đó là quần đảo Trường Sa của chúng ta, Điều đó rất nguy hiểm vì phù hợp với luận điệu của Trung Quốc. Cuốn kỷ yếu HS cũng có nhiều sai lầm về tư liệu. Cần có một trung tâm quản lý để tập hợp tất cả các tư liệu này. Ghi rõ xuất xứ về tư liệu.
Trên cơ sở nghiên cứu cần quảng bá trong nhân dân và ở tầm quốc tế. Đây là cuộc đấu tranh trên phương diện quốc tế, để đấu tranh chống lại các luận điệu của đối phương. Những công trình nghiên cứu chuyên sâu cần được công bố. Phần câu hỏi và trả lời sẽ dễ đi vào dân.
SGK đã đọc lại hết từ phổ thông, riêng về chiến tranh biên giới tây nam và phía bắc là có, nhưng rất ngắn. Đến mức tôi đọc cũng không hiểu nổi. Vậy các học sinh sẽ học như thế nào. Còn riêng với HS-TS không có chữ nào về chủ quyền.
 
T.P.T ghi tại hội trường

Ghi Chép Chi Tiết Cuộc Tọa Đàm Do Hội Khoa Học Lịch Sử Tổ Chức 9.3.2014 Reviewed by Unknown on 3/10/2014 Rating: 5 Tễu Blog: GHI CHÉP CHI TIẾT CUỘC TỌA ĐÀM DO HỘI KHOA HỌC LỊCH SỬ TỔ CHỨC 9.3.2014 TỌA ĐÀM "Bảo tồn và phát huy những giá tr...

Không có nhận xét nào: