Ts Nguyễn Sĩ Dũng - Thị Trường Và Dân Chủ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 3, 2014

Ts Nguyễn Sĩ Dũng - Thị Trường Và Dân Chủ

Ts Nguyễn Sĩ Dũng, Blog Kim Dung: Triết lý của thị trường là kẻ mạnh phải thắng. Triết lý của dân chủ là kẻ yếu phải có cơ hội. Thị trường là một cơ chế chọn lọc tự nhiên. Thiếu cơ chế này, tất cả các doanh nghiệp được thành lập đều trở thành bất tử. Các doanh nghiệp ăn nên, làm ra bất tử đã đành.

Nhưng các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ cũng “không chịu chết”. Và rủi ro là những doanh nghiệp “không chịu chết” lại ngày càng trở nên trùng trùng điệp điệp. Điều này làm cho “những tế bào ung thư” tích tụ lại quá nhiều trong nền kinh tế. Sự di căn tất yếu sẽ xảy ra. Ngoài ra, một nền kinh tế không được thay máu thường xuyên sẽ rất nhanh chóng trở nên trì trệ, già cỗi và sụp đổ trước những biến động lớn của thời cuộc.

Nền kinh tế của Liên Xô cũ và các nước Đông Âu trước đây đã sụp đổ một phần cũng vì sự trì trệ. Với tư cách là cơ chế chọn lọc tư nhiên, thị trường sẽ bảo đảm cho nền kinh tế có được “những cá thể” giàu sức sống và năng động, “những cá thể” có thể chiếm lĩnh không gian kinh tế ngày càng rộng lớn hơn.

Tất nhiên, thị trường là cạnh tranh. Những doanh nghiệp mạnh hơn sẽ chiến thắng. Để tiếp tục chiến thắng, tất cả các doanh nghiệp đều phải duy trì được sức sống mãnh liệt của mình, nghĩa là phải thường xuyên thay đổi để thích nghi với thời cuộc.

Vẫn có những doanh nghiệp sẽ không thích nghi được. Và điều gì sẽ xảy ra thì chắc chúng ta đều đoán được. Nếu sự tuyệt chủng có thể xảy ra được với loài khủng long hùng mạnh thì tại sao lại không thể xảy ra được với những doanh nghiệp yếu kém? Điều này thật là tàn nhẫn.

Tuy nhiên, áp lực liên tục về sự bắt buộc phải biến đổi để thích nghi thì vẫn nhân đạo hơn là sự yên bình giả tạo trước ngày “thảm họa băng hà” xảy ra. Dẫu sao chăng nữa, trong thế giới mà chúng ta đang sống, mọi sự bất tử đều trái với quy luật của tự nhiên.

Khác với loài khủng long, con người sống thành xã hội. Và các quy luật xã hội chi phối hành vi của con người. Dân chủ là một quy luật và một thành tựu của phát triển. Từ góc độ kinh tế chính trị học, đây là cơ chế bảo đảm được sự công bằng về lợi ích.

Về mặt lý thuyết, mọi công dân đều có quyền lực chính trị như nhau: Mỗi người một lá phiếu. Người dân có thể tác động lên chính sách, lên sự tái phân phối thu nhập thông qua lá phiếu của mình. Công bằng không có nghĩa là chia đều của cải, mà có nghĩa là chia đều cơ hội. Ai cũng có quyền trở nên giàu có là một chuyện. Ai cũng có cơ hội để trở nên giàu có là một chuyện khác.

Và ai cũng có năng lực để trở nên giàu có lại là một chuyện khác nữa. Công bằng đòi hỏi chúng ta phải bảo đảm được hai chuyện đầu trong ba câu chuyện nói trên. Đồng thời, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục và y tế. Vì đây là những lĩnh vực có thể tác động sâu sắc đến câu chuyện thứ ba. Mà cụ thể là: Tạo ra được sự công bằng nhiều hơn về năng lực.

Cơ hội cho những người nghèo là một vấn đề rất lớn của mọi chính sách phát triển. Sự bao cấp về kinh tế và điều kiện vật chất, không thay thế được cơ hội tham gia vào đời sống kinh tế và chính trị của đất nước. Một sự tham gia tích cực không chỉ làm cho những người nghèo trưởng thành hơn mà còn làm cho chính sách được đề ra đúng đắn hơn.

Thị trường có thể làm cho kinh tế phát triển, nhưng dân chủ mới có thể làm cho sự phát triển đó trở nên bền vững.
Ts Nguyễn Sĩ Dũng - Thị Trường Và Dân Chủ Reviewed by Unknown on 3/11/2014 Rating: 5 Ts Nguyễn Sĩ Dũng, Blog Kim Dung : Triết lý của thị trường là kẻ mạnh phải thắng. Triết lý của dân chủ là kẻ yếu phải có cơ hội. Thị trườ...

Không có nhận xét nào: