Đức Phanxicô Đã Qua Một Năm Làm Giáo Hoàng (2) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
11 tháng 3, 2014

Đức Phanxicô Đã Qua Một Năm Làm Giáo Hoàng (2)

VRNs (11.03.2014) – Sài Gòn – Hôm qua, VRNs đã giới thiệu đến quý vị phần đầu của bài phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô do báo Corriere della Sera (Ý) thực hiện. Hôm nay, kính mời quý vị đọc tiếp phần còn lại.

Trong thời gian gần đây, lời kêu gọi về ‘giá trị không thể thương lượng’ là chuyện bình thường, đặc biệt là trong vấn đề đạo đức sinh học và luân lý tính dục. Ngài đã không chọn công thức này. Các nguyên tắc tín lý và luân lý thì không thay đổi. Vậy có phải sự lựa chọn [của Ngài] muốn thể hiện một phong cách ít giáo điều hơn và tôn trọng lương tâm cá nhân hơn ?

Tôi chưa bao giờ thực sự hiểu về lối diễn tả ‘giá trị không thể thương lượng’. Giá trị là giá trị, và nó là thế. Tôi không thể nói rằng, trong các ngón tay của một bàn tay, có một ngón kém hữu ích hơn so với phần còn lại. Vì thế, tôi không thể hiểu được người ta muốn nói gì khi cho rằng ‘có những giá trị có thể thương lượng được’. Tôi đã viết trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) những gì tôi muốn nói về chủ đề sự sống.

Nhiều quốc gia đã quy định việc kết hợp dân sự. Đây có phải là một cách thức mà Giáo Hội có thể hiểu được ? Và nó sẽ đi được đến đâu ?

Hôn nhân là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Các quốc gia thế tục muốn biện minh cho việc kết hợp dân sự, để quy định những tình huống khác nhau của việc ‘sống chung’, việc này cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu nhằm quy định về khía cạnh kinh tế giữa những người [sống chung], chẳng hạn như vấn đề được bảo đảm chăm sóc sức khỏe. Đó là về các khế ước sống chung có bản chất khác nhau. Tôi không biết làm thế nào để liệt kê các con đường khác nhau. Người ta phải xem xét các trường hợp khác nhau và đánh giá trong tính đa dạng của chúng.

Vai trò của người phụ nữ trong Giáo Hội sẽ được thúc đẩy như thế nào?

Ngay cả ở đây nữa, lý lẽ ngụy biện (casuistry) sẽ không giúp ích gì. Đúng là phụ nữ có thể và phải hiện diện hơn nữa trong những vị trí ra quyết định trong Hội Thánh. Nhưng tôi sẽ gọi đó là sự thăng tiến chức năng. Chỉ bằng cách này, bạn mới không đi quá xa. Thay vì chỉ nghĩ rằng Giáo Hội cũng có một mạo từ đầy nữ tính: ‘La’. Chúng ta [nên biết rằng], Giáo Hội là nữ tính trong chính nguồn gốc của mình. Nhà thần học lớn Hans Urs von Balthasar đã có nhiều công trình về chủ đề ‘nguyên tắc Đức Maria hướng dẫn Giáo Hội bên cạnh thánh Phêrô’. Đức Trinh Nữ Maria quan trọng hơn mọi giám mục và mọi tông đồ. Nền thần học này đang được đào sâu. Đức Hồng Y Rylko, với Hội đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân, đang hành động theo chiều hướng này, với rất nhiều chuyên gia nữ trong các lĩnh vực khác nhau.

Một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) của Đức Phaolô VI, Giáo Hội có thể tiếp tục nhắc đến chủ đề ngừa thai chăng ? Đức Hồng Y Martini, một người anh em của ngài, nghĩ rằng thời điểm đó đã đến.

Tất cả những điều đó phụ thuộc vào cách mà thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) được giải thích. Chính Đức Phaolô VI cuối cùng đã khuyên các cha giải tội, nên thể hiện nhiều lòng thương xót hơn, và chú ý đến những tình huống cụ thể. Tuy nhiên, trí tuệ của ngài đã mang tính tiên tri, ngài can đảm đặt mình vào vị trí chống lại đa số để bảo vệ kỷ luật đạo đức, để làm một cái phanh văn hóa nhằm chống chủ nghĩa neo-Malthusianism (thuyết tiết chế sanh dục) trong hiện tại và tương lai. Vấn đề đặt ra không phải là thay đổi học thuyết, nhưng đi sâu hơn và tính đến các tình huống trong việc mục vụ, đó là điều chúng ta có thể làm. Chúng tôi cũng sẽ bàn về điều này trong quá trình tiến tới Thượng Hội Đồng Giám mục.

Khoa học làm mở rộng và tái thiết kế ranh giới của sự sống. Việc kéo dài cuộc sống với phương pháp nhân tạo, trong tình trạng thực vật có ý nghĩa chăng? Sống sẽ là một giải pháp ?

Tôi không phải là một chuyên gia trong các vấn đề đạo đức sinh học. Và tôi lo sợ rằng mình sẽ trả lời sai. [Tuy nhiên] Giáo lý truyền thống của Giáo Hội nói rằng, không ai bị buộc phải sử dụng các phương tiện đặc biệt khi đã biết rằng, các bệnh nhân đang trong giai đoạn cuối. Theo cách mục vụ của tôi trong những trường hợp như thế, tôi luôn khuyên nên sử dụng các biện pháp nhằm xoa dịu cơn đau bệnh. Trong trường hợp cụ thể hơn, tốt hơn là nên tìm kiếm các chuyên gia để nhận lời khuyên (nếu cần thiết).

Chuyến đi đến Đất Thánh sắp tới [của Ngài] liệu sẽ mang lại một thỏa thuận về sự liên lạc với Chính thống giáo như Đức Phaolô VI, 50 năm trước, đã ký kết với Đức Athenagoras?

Tất cả chúng tôi đều nôn nóng để có được một mối liên hệ ‘thân mật’ (‘closed’ results). Tuy nhiên, con đường dẫn đến sự thống nhất với Chính thống giáo có nghĩa là, tất cả phải đi cùng nhau và làm việc với nhau. Trong các buổi học giáo lý ở Buenos Aires, đã có một số người Chính thống đến tham dự. Tôi đã dành dịp Giáng sinh và ngày 6 tháng 1 cùng với các giám mục của họ, đôi khi họ cũng đề nghị văn phòng giáo phận của chúng tôi cho lời khuyên. Tôi không biết có phải ông muốn nói về chuyện Đức Athenagoras, người đã đề nghị Đức Phaolô VI rằng, họ sẽ đi cùng nhau và gửi tất cả các nhà thần học đến một hòn đảo, để họ thảo luận với nhau xem ai đúng. Đó là một câu chuyện đùa, điều quan trọng là chúng tôi đi cùng nhau. Thần học Chính thống rất phong phú. Và tôi tin rằng họ có những nhà thần học lớn vào thời điểm này. Tầm nhìn của họ về Giáo Hội và về tính hiệp đoàn giám mục (synodality) thật tuyệt vời.

Trong một vài năm nữa, Trung Quốc sẽ là nước có quyền lực nhất trên thế giới, vậy mà Vatican không hề có mối quan hệ ngoại giao nào [với đất nước này]. Cha Matteo Ricci cũng là một linh mục dòng Tên giống ngài.

Chúng tôi có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc. Tôi đã gửi một lá thư cho chủ tịch Tập Cận Bình khi ông được bầu sau tôi ba ngày. Ông ta trả lời tôi rằng, [chúng ta] có mối liên hệ ngoại giao. Họ là những người tuyệt vời, những người mà tôi yêu.

Tại sao Đức Giáo Hoàng chưa nói gì về châu Âu? Điều gì không thuyết phục ngài về châu Âu?

Ông có nhớ cái ngày tôi nói về châu Á không? Tôi đã nói những gì? Tôi không nói gì về châu Á, châu Phi hay châu Âu cũng không. Tôi chỉ duy nhất nói về châu Mỹ Latinh khi tôi ở Brazil, và khi tôi tiếp đón Ủy ban châu Mỹ La tinh. Hiện tại chưa tới dịp để tôi nói về Châu Âu. Nó sẽ đến.

Ngài đang đọc những quyển sách nào trong những ngày này?

Phêrô và Maria Madalena (Peter and Magdalene) của Damiano Marzotto. Đó là một cuốn sách hay, nó nói về khía cạnh nữ tính của Giáo Hội.

Ngài đã từng xem một bộ phim nào hay chưa? “La Grande Bellezza” đã đoạt giải Oscar. Ngài sẽ xem nó chứ?

Tôi không biết nữa. Bộ phim gần đây nhất mà tôi xem là “Life is Beautiful” của Benigni. Trước đó tôi có xem “La Strada” của Fellini. Một kiệt tác. Tôi cũng thích Wajda …

Thánh Phanxicô đã có một thời tuổi trẻ vô tư. Đã có bao giờ ngài yêu đương ?

Trong cuốn sách “Il Gesuita,” tôi có kể câu chuyện khi tôi có bạn gái vào năm 17 tuổi. Và tôi cũng nói về điều đó trong quyển “Trên Trời và dưới Đất”, một cuốn sách tôi đã viết với Rabbi Abraham Skorka. Tại chủng viện, một cô gái đã làm tôi mất trí trong một tuần.

Và nó kết thúc như thế nào, nếu tôi không quá hớ hênh?

Đó là những chuyện thời trẻ. Và tôi đã nói chuyện đó với cha giải tội của mình (cười lớn).

Cám ơn Đức Giáo Hoàng.

Cám ơn ông.

Chí Thiện, VRNs
Đức Phanxicô Đã Qua Một Năm Làm Giáo Hoàng (2) Reviewed by Unknown on 3/11/2014 Rating: 5 VRNs (11.03.2014) – Sài Gòn – Hôm qua, VRNs đã giới thiệu đến quý vị phần đầu của bài phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Phanxicô do báo Corriere ...

Không có nhận xét nào: