VRNs (25.04.2014) – Đồng Tháp – Theo một nguồn tin mà VRNs biết, trong vài ngày gần đây, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Lấp Vò đã gởi Giấy triệu tập cho hầu hết các nạn nhân/nhân chứng (18 người) để yêu cầu đến làm việc. Hầu hết những anh chị em vùng Lấp Vò đã từ chối nhận giấy triệu tập.
Hôm qua, ngày 24/4, ông Võ Văn Thanh Liêm đã đi một mình theo giấy triệu tập của công an và làm việc cả ngày hôm qua. Ông Liêm hẹn với công an sẽ làm việc tiếp vào ngày 28/4. Trong quá trình làm việc, ông Liêm yêu cầu công an hỏi thẳng vào việc công an đánh người, những câu hỏi “gài bẫy” đều bị ông Liêm từ chối trả lời. Mọi câu hỏi hiện nay của công an huyện Lấp Vò nhắm đến việc buộc tội bà Bùi Hằng.
Tại Sài Gòn, anh Phạm Nhật Thịnh và anh Lưu Trọng Kiệt cũng nhận được Giấy triệu tập làm việc vào ngày 28/4/2014. Những người này quyết định gửi thư phúc đáp cho công an huyện Lấp Vò để yêu cầu làm rõ tư cách tham gia tố tụng trong Giấy triệu tập. Và nếu tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng thì công an Lấp Vò phải thanh toán chi phí đi lại, ăn ở, tiền lương… để anh xuống Lấp Vò làm việc với cơ quan điều tra.
Giấy triệu tập viết sai tên và số nhà của anh Phạm Nhật Thịnh do công an Lấp Vò đưa cho công an Phường 6, Q. Tân Bình mang tới nhà cho anh Thịnh. Công an cấp huyện mà làm việc quá cẩu thả!
VRNs đăng tải thư phúc đáp của anh Phạm Nhật Thịnh đã gửi đi hôm nay:
Sài Gòn, ngày 25/4/2014
Kính gửi: Cơ quan CSĐT Công an huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp
Tôi là Phạm Nhật Thịnh, sinh năm 1973
Thường trú: 81/18 Nghĩa Hòa, P.6, Q. Tân Bình, Sài Gòn.
Tôi có nhận được Giấy triệu tập lần 2, số 31, yêu cầu tôi có mặt vào ngày 28/4/2013 do ông thượng tá Lê Hoàng Dũng ký, để “Trả lời một số việc có liên quan đến vụ gây rối trật tự công cộng”.
Tôi trình bày như sau:
1. Theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) ngày 12 tháng 01 năm 2006 của Bộ Công An, điều tra viên có quyền “triệu tập và hỏi cung bị can; triệu tập và lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án”. Điều này phần nào thể hiện rõ ở mặt sau Giấy triệu tập khi đề cập đến nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng.
2. Thông tư số 01/2006/TT-BCA(C11) cũng qui định: nghiêm cấm lợi dụng việc sử dụng giấy triệu tập để giải quyết các việc không đúng mục đích, đối tượng, chức năng, thẩm quyền như lợi dụng việc ký, sử dụng giấy triệu tập gọi hỏi nhiều lần về các vấn đề không quan trọng, không liên quan đến vụ án hoặc hỏi đi hỏi lại về một vấn đề mà họ đã trình bày, v.v… làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Giấy triệu tập số 31 nêu trên không thể hiện rõ: tôi được triệu tập với tư cách nào? Tôi là đối tượng nào trong các “người tham gia tố tụng” của “vụ gây rối trật tự công cộng” nêu trong Giấy triệu tập này?
4. Trong khi đó, để tìm chứng cứ gian, nhằm hợp thức hóa hành vi “vô cớ hành hung người khác” và “bắt giam trái pháp luật” ba người cùng đi với tôi xuống nhà vợ chồng anh Nguyễn Bắc Truyển vào ngày 11/2/2014 là chị Bùi Thị Minh Hằng, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh (cả 3 người hiện vẫn còn bị các ông giam giữ), công an huyện Lấp Vò đã đưa lên truyền hình những “nhân chứng” không rõ nguồn gốc, không phải là những người biết rõ vụ việc từ đầu… Để “thuyết phục” hơn, các ông đã triệu tập lấy lời khai 5 người gồm: anh Phan Đức Phước, anh Nguyễn Vũ Tâm, ông Tô Văn Mãnh, chị Bùi Thị Diễm Thúy và chị Đỗ Thị Thùy Trang, là những người cùng đi và chứng kiến hành động trái pháp luật của công an, côn đồ sáng ngày 11/2/2014. Sau khi làm việc với công an, cả 5 người đều tố cáo nhân viên điều tra có hành động mớm cung và ép cung, tự tiện ghi thêm trên biên bản những điểu mà nhân chứng hoàn toàn không nói tới. Thêm nữa những điều họ chứng kiến, khai ra thì nhân viên điều tra không ghi vào biên bản.”
5. Giả như tôi được triệu tập theo tư cách “người làm chứng”, thì theo qui định tại điểm c khoản 3 Điều 55 Bộ luật TTHS, người làm chứng có quyền đòi “cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo qui định pháp luật”. Cụ thể, căn cứ Điều 45 Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội “Cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập người làm chứng có trách nhiệm trả chi phí cho người làm chứng. Chi phí cho người làm chứng được lấy từ kinh phí hoạt động hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.”. Mức chi phí cho người làm chứng “Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, chi phí cho người làm chứng do cơ quan tiến hành tố tụng triệu tập bao gồm một hoặc một số chi phí sau đây:
a) Chi phí tiền lương, thù lao cho người làm chứng;
b) Chi phí đi lại;
c) Chi phí lưu trú;
d) Các chi phí khác theo quy định của pháp luật”.
Được biết, Bộ Tài chính đã đề xuất chi phí “tiền lương cho người làm chứng được hưởng bằng 200% mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, tính theo ngày lương do Nhà nước quy định.”.
Như vậy, nếu tôi được triệu tập với tư cách người làm chứng, thì yêu cầu cơ quan điều tra thanh toán chi phí đi lại, ăn ở, tiền lương… cho tôi và gửi về theo địa chỉ thường trú của tôi. Chỉ sau khi nhận được chi phí này tôi mới có điều kiện đến công an huyện Lấp Vò làm việc theo giấy triệu tập với tư cách người làm chứng.
PHẠM NHẬT THỊNH
Không có nhận xét nào: