Ngày 25/3/2013 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội, Tập đoàn Nam Cường (doanh nghiệp được giao đất) mời Công an huyện Từ Liêm cùng lực lượng 113 phối hợp, cưỡng chế GPMB phần đất được giao trong Dự án Khu đô thị mới Cổ Nhuế, xảy ra xô xát với những người dân có mặt tại hiện trường. Cùng ngày một số hộ dân có quyền lợi đất đai tại Dự án, gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Chung tố cáo hành vi của một số công an gây xô xát với dân.
Đại diện một số hộ dân, bà Chu Thị Thanh tố cáo, trên thực tế không có chuyện Tập đoàn Nam Cường phải cưỡng chế giải phóng mặt bằng, vì diện tích này Tập đoàn Nam Cường đã quây tôn giữ đất, trong khi đó khoảng 40 hộ dân chưa nhận tiền vì đền bù không đúng quy định của Nhà nước. Người dân được cấp sổ đỏ có quyền bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình theo pháp luật quy định. Các cơ quan bảo vệ pháp luật (ở đây Công an huyện Từ Liêm) phải căn cứ pháp luật để thực thi bảo vệ, không vì quyền lợi của doanh nghiệp, mà vi phạm quyền làm chủ của người dân hiện đang là chủ nhân, có sổ đỏ hợp pháp, trên diện tích đất đai của mình. Người dân chỉ yêu cầu Tập đoàn Nam Cường đối thoại và thực hiện đúng chính sách đền bù của Nhà nước ban hành. Ngày xảy ra xô xát giữa một số công an, lực lượng 113 với người dân tại hiện trường, không có quyết định cưỡng chế, không có thông báo cho người dân, chính quyền xã và huyện không can thiệp (coi đây là chuyện nội bộ giữa Tập đoàn Nam Cường với dân). Bài học lớn xảy ra vụ cưỡng chế gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Dự án Eco Park ở Văn Giang (Hưng Yên) làm ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của lực lượng Quân đội và Công an, theo đó lực lượng 113 nhiệm vụ là trấn áp tội phạm, không phải trấn áp dân. Từ đó rất ít vụ cưỡng chế có hình ảnh người chiến sĩ Quân đội, Công an mặc cảnh phục, dùng súng, dùi cui, tham gia bảo vệ doanh nghiệp cưỡng chế dân.
Hai Cảnh sát 113 “chăm sóc” ông Chu Văn Tú.
Dự án đô thị mới Cổ Nhuế của Tập đoàn Nam Cường nằm ven đô, gần Bộ Công an (trên đường Phạm Văn Đồng), xảy ra sự việc một số chiến sĩ, cán bộ Công an huyện Từ Liêm và lực lượng 113 mặc cảnh phục, xô xát với dân là hình ảnh phản cảm, rất đáng tiếc. Có thể do Tập đoàn Nam Cường yêu cầu Công an huyện Từ Liêm và lực lượng 113 đến hiện trường bảo vệ cho thi công. Vậy những người dân có quyền lợi tại Dự án Nam Cường, chưa được bồi thường thoả đáng, cũng có yêu cầu Công an đến hỗ trợ dừng thi công của Tập đoàn Nam Cường, thì Công an huyện Từ Liêm có cử lực lượng về bảo vệ dân? Tại biên bản giải quyết đơn thư của bà Nguyễn Thị Cường ngày 25/6/2013, ông Đặng Hoàng Dương, Giám đốc Chi nhánh Bắc (Hà Nội) Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Cường kí, có nội dung nhận khuyết điểm giải phóng mặt bằng ngoài mốc giới 450m2 gây ảnh hưởng đến gia đình bà. Tập đoàn đã đền bù hoa màu cho gia đình bà Cường trên diện tích này. Khi nào Tập đoàn đền bù diện tích 359m2 (đất chia cho dân theo Nghị định 64 và 123m2 công tôn tạo, hoa màu trên đất), đất thu hồi theo quyết định của Nhà nước thì Tập đoàn Nam Cường mới được thi công. Vì lẽ đó ông Chu Văn Tú (chồng bà Cường) có mặt tại hiện trường, phân bua với lực lượng Công an về sự thực phần đất của gia đình mình. Ông Tú không lăn xả vào gây rối, hay chửi bới gây mất trật tự an ninh, lẽ ra Công an phải kiềm chế không dùng vũ lực với dân, nhưng sự việc đáng tiếc đã xảy ra. Hình ảnh một ông già ốm yếu, được Cảnh sát 113 và Công an huyện Từ Liêm xốc nách “chăm sóc” như bức ảnh người dân đã chụp được, không biết nên khóc hay cười? Trường hợp bà Chu Thị Lạc đứng cạnh người thợ hàn nói: “Đất chưa trả tiền thì không được hàn”. Người thợ hàn cứ hàn. Bà Lạc quát anh thợ hàn “thôi đi!”. Người công an đứng cạnh anh thợ hàn, giằng que hàn đang có điện, dí vào mặt bà Lạc, đẩy bà ngã ra. Bà Lạc bị bỏng nặng ngất xỉu. Người dân gọi xe cấp cứu 115 đến hiện trường, nhưng ông Phương, Phó trưởng Công an huyện chỉ đạo Công an “bốc” bà Lạc ra khỏi hiện trường, mang đến Bệnh viện 198 Công an rồi bỏ về. Bà Lạc bị bỏng nặng phải vào viện điều trị.
Nam Cường là tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, được giao nhiều dự án xây dựng ở Hà Nội. Tuy nhiên có không ít dự án của Tập đoàn này do kéo dài, có lí do bồi thường cho dân chưa đúng với quy định Nhà nước, gây khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng đến GPMB. Có lí do một số dự án không thi công, thi công chậm tiến độ, dự án không đúng quy hoạch… đã bị thu hồi, năm 2012 – 2013 Tập đoàn Nam Cường bị thu hồi gần 1.700ha đứng đầu các doanh nghiệp bị thu hồi nhiều đất ở Hà Nội.
Đinh Quyết Thắng
Theo Người Cao Tuổi
Không có nhận xét nào: