Dân Dương Nội bị tấn công lúc cưỡng chế |
Theo Điều 257: “Tội chống người thi hành công vụ”, tại khoản 1 qui định: “Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Như vậy, phải có đủ các dấu hiệu sau đây, mới có thể xem xét, xử lý “chống người thi hành công vụ”:
Thứ nhất, phải có dấu hiệu “chống người thi hành công vụ”, tức là người đang thực hiện nhiệm vụ công, người này phải “đang thực hiện”. Nếu trước hoặc sau khi “thực hiện công vụ” mà bị tấn công chẳng hạn thì không phải là “chống người thi hành công vụ”. Công vụ phải đúng pháp luật, mọi “trình tự, thủ tục…” thi hành phải đúng pháp luật. Ví dụ như thực thi công vụ “cưỡng chế thu hồi đất…” nếu người thi hành công vụ thực hiện không đúng nội dung, kế hoạch… đã được duyệt, thì cũng không phải “đang thi hành công vụ”. Những ai xem video công an và côn đồ đánh đập dã man người dân Dương Nội, kể cả những người phụ nữ lớn tuổi đã chắp tay lạy… đều nhìn thấy rằng chắc chắn trong kế hoạch không thể có nội dung “đánh đập dân, dù không có hành vi chống đối”! Trường hợp này, người chống trả lại công an, côn đồ… chỉ là “phòng vệ chính đáng” để bảo vệ mình, bảo vệ người khác “một cách cần thiết” tương xứng với hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự người dân…
Thứ hai, người bị qui kết phạm tội phải “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực…” nhằm “cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ…”. Trở lại vấn đề trên, chẳng hạn, nếu sau khi nhà cầm quyền đã thu hồi được đất, người thi hành công vụ ra về và bị tấn công thì không được xem là “cản trở… thực hiện công vụ”. Cũng vậy, video quay công an, côn đồ tấn công người dân Dương Nội không rõ được quay vào thời điểm nào, nhưng nếu những người thi hành công vụ sau khi đã “thực thi xong kế hoạch…” mà họ quay ra tấn công người dân, hoặc bị người dân tấn công… thì không phải là “chống người thi hành công vụ”.
Thứ ba, một vấn nạn mà nhà cầm quyền hay dựa vào để xử lý các hành vi “chống lại công an” là “để làm gương”, “để răn đe”, là “án điểm…”. Từ quan niệm này dẫn đến “tát công an” một cái thì bị tù giam 9 tháng; còn công an đánh chết dân thì …án treo. Việc làm này chống lại chính câu nói cửa miệng của các quan chứ, khi có thuộc hạ vi phạm pháp luật là “tội đến đâu xử lý đến đó… không bao che…”.
Từ những nội dung kể trên, gia đình Bà Thêu cần tìm đến Luật sư để nhờ giúp đỡ, đòi hỏi có Luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra để tránh bị ép cung, bức cung… thậm chí bị đánh đập, tra tấn…và “tự tử”…
Anh Tư, con trai vợ chồng dân oan Cấn Thị Thêu cho hay, gia đình đã thuê Luật sư Trần Thu Nam tham gia bào chữa nhưng cơ quan cảnh sát điều tra vẫn chưa cấp giấy bào chữa cho luật sư.
Anh Trịnh Bá Tư cho biết thêm, hiện nay, khu đất của bà con đã bị nhà cầm quyền san bằng và không cho ai ra vô khu vực này.
Mặc dù bà con dân oan Dương Nội đã đi khiếu nại các cấp chính quyền hơn 6 năm nay nhưng họ vẫn tiếp tục đi đòi quyền lợi chính đáng của họ.
Xin nhắc lại, hồi ngày 25.04 vừa qua, hàng ngàn lực lượng công quyền đã tràn vào ruộng đất của bà con Dương Nội và xô đẩy, đánh đập bà con một cách dã man.
Được biết trong đợt cưỡng chế lần này, họ đã bắt đi gần 7 bà con Dương Nội, trong đó có vợ chồng bà Cấn Thị Thêu, ông Trần Văn Tuyên. Bà Thêu bị côn đồ đánh chảy máu đầu và trong tình trạng nguy kịch nhưng công an đã đưa bà về trại giam Số 3, Quận Hà Đông – Hà Nội.
HT. VRNs
Không có nhận xét nào: