Do Năng Lực Yếu Hay Thích Rối Rắm Để Dễ Kiếm Phong Bì? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 9, 2014

Do Năng Lực Yếu Hay Thích Rối Rắm Để Dễ Kiếm Phong Bì?

Thảo Vy, VNTB: Ở Việt Nam có cái lệ: văn bản ban hành nếu vấp phản ứng mạnh mẽ, thì dứt khoát không nhận ra những cái sai đã được chỉ. Cơ quan công quyền sẽ tiếp tục ban hành văn bản để “hướng dẫn” thực hiện lại những điều luật trước đó đã khiến công luận la làng.

Tệ hại nhất cho những chuyện này, là nghi vấn phải chăng cứ để rối rắm vậy thì những “đày tớ” mới thể hiện được quyền “ban phát”, sau khi… nhận phong bì. Nếu chẳng phải vậy, có lẽ cần coi lại năng lực của cấp quản lý.

Những rắc rối đầu tiên (giới kế toán cho rằng hiện có ít nhất đến 5 cái rối) của Thông tư 119/2014/TT-BTC mới nhất về thuế là một ví dụ.


Tiếp tục “đội sổ”

Thời gian làm thủ tục về thuế, vốn của doanh nghiệp (DN) VN được đánh giá tiếp tục vị trí “đội sổ” trong khu vực.

Mặc dù ngay phần đầu thông tư, những quan chức bàn giấy của Bộ tài chính khẳng định nội dung tiếp theo đây sẽ cải cách biểu mẫu kê khai thuế, gồm thuế GTGT, thuế TNCN, lệ phí trước bạ theo hướng bỏ bớt một số biểu mẫu trong hồ sơ khai thuế và bỏ bớt một số cột trong các bảng kê gồm cột “ký hiệu mẫu hóa đơn”, “ký hiệu hóa đơn”, “mặt hàng”, “thuế suất”.

Thoạt nghĩ với hàng loạt “bỏ bớt” sẽ giảm được thời gian kê khai, nhưng thực tế lại làm tăng thời gian đối chiếu, soát xét “hậu kê khai”.

Làm luật bằng… tưởng tượng?

Thủ tục hiện hành là bảng kê hàng hóa dịch vụ mua vào và bán ra do DN nộp trong hồ sơ khai thuế hàng tháng (quý), đối chiếu với hồ sơ chứng từ lưu lại DN để cơ quan thuế xác định số thuế GTGT được khấu trừ, được hoàn.

Căn cứ chủ yếu để xác định số thuế đó là cột “mặt hàng” trên bảng kê mua vào. Bây giờ, nếu bỏ cột “mặt hàng”, cơ quan thuế buộc phải yêu cầu DN giải trình những hóa đơn này. Việc lục lại hồ sơ chứng từ để giải trình sẽ ngốn của DN rất nhiều thời gian, thậm chí nhiều hơn so với thời gian bỏ ra để kê khai cột “mặt hàng” nói trên. Lẽ ấy nên thời gian còn tăng hơn ban đầu do tăng thêm khâu “lọc lại bảng kê cho hợp quy định”.

Tương tự còn là chuyện của cột “ký hiệu hóa đơn” trong bảng kê mua vào. Việc lục lại dữ liệu và hóa đơn gốc thì mới biết cụ thể thông tin về các loại hóa đơn càng không đơn giản, khi cơ quan thuế thường kiểm tra sau khi giao dịch mua bán giữa các bên vốn đã hoàn thành trước đó... vài năm.

Cái cần thì giả bộ quên

Cái cần quy định rõ thì lại làm lơ. Đơn cử là chuyện tài khoản Ngân hàng phải đăng ký với cơ quan thuế.

Quan chức Bộ tài chính cho hay chủ trương của việc ban hành Thông tư 119/2014/TT-BTC còn là để nhằm ngăn chặn việc DN trốn thuế. Khi cơ quan thuế phát hiện DN trốn thuế thì sẽ có biện pháp chế tài, một trong số đó là được quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản của DN, tránh DN “tẩu tán” hết tiền. Để thực hiện điều đó, DN buộc phải đăng ký và thông báo tài khoản ngân hàng của mình với cơ quan thuế.

Điều oái oăm là, thông tư quy định rằng chi phí được trừ khi tính thuế TNDN phải đảm bảo nhiều điều kiện, trong đó có việc “thanh toán qua ngân hàng mà tài khoản bên mua và bên bán phải được đăng ký/ thông báo với cơ quan thuế”.

Mấy ông quan bàn giấy do chưa hề thả bộ ra chợ nên không hiểu thực tế, người mua hàng khi chuyển khoản cho người bán không hề biết rằng tài khoản mình chuyển tiền đến có được người bán đăng ký với cơ quan thuế hay chưa. Để tự bảo vệ mình, người mua chẳng đặng đừng phải yêu cầu người bán xuất trình giấy đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế. Điều này sẽ gây ra nhiều chuyện bi hài mà vốn dĩ không đáng có.

Thử kể nghe qua: trên giấy đăng ký tài khoản, người bán phải đăng ký tất cả các tài khoản Ngân hàng mà mình có. Chẳng hạn là ACB, VCB, HSBC. Người mua (mở tài khoản tại VCB) thấy người bán có tài khoản tại ACB và VCB nhưng chỉ yêu cầu trả tiền vào tài khoản ACB thì không chấp nhận, yêu cầu được quyền chuyển vào tài khoản VCB cho “cùng hệ thống, tiết kiệm phí chuyển tiền”; trong khi người bán vì nhiều lý do, nhất định không chịu => hai bên tranh cãi vì chuyện không đáng có.

Chấm, phẩy để… kiếm phong bì?

Nhiều quy định mà DN cho rằng, chỉ cần xác định nguyên tắc thôi, không nên đi vào chi tiết. Ví dụ như quy định dùng dấu chấm hoặc dấu phẩy trong dấu phân cách của chữ số hiện nay khá phức tạp, các tỉnh thành khác nhau có hướng dẫn khác nhau. Trong khi chỉ cần quy định nguyên tắc, nếu hóa đơn ghi giá trị bằng đồng ngoại tệ thì áp dụng cách ghi theo nguyên tắc quốc tế, còn giá trị VNĐ ghi theo nguyên tắc số của Việt Nam.

Ngay việc quy định gạch chéo phần trống trong hóa đơn cũng không cần thiết, bởi vì bên dưới có ghi tổng số tiền bằng số và bằng chữ thì dù hóa đơn có ghi thêm cũng không có giá trị. Chính việc quy định quá chi tiết, không thống nhất nên nhân viên đi công tác xa rất ngại phải lấy hóa đơn, vì khi thanh toán rất dễ bị kế toán không đồng ý theo hướng dẫn của từng cơ quan thuế.

Xin đừng… làm cho có

Thay vì quản lý DN bằng mã số thuế (cán bộ chỉ cần nhập mã số thuế là có tất cả thông tin tên, địa chỉ DN), thì thông tư lại quy định theo từng mục nên chỉ cần người lập hóa đơn ghi sai một nét ký tự về tên, địa chỉ là cán bộ thuế không chấp nhận hóa đơn đó hoặc xử phạt. Trong khi, các thông số tên, địa chỉ là thông số động, dễ bị thay đổi, còn mã số thuế mới là thông số ổn định, quy định tư cách pháp nhân xuyên xuốt của một DN.

Phải chăng có lẽ nhiều quan chức VN thích thời trang? Công tác cải cách hành chính như một thứ mốt. Hết ống loe, ống túm, hở rồi kín, rồi lại loe… Cứ xoay vòng như đèn cù vậy nên chẳng trách DN cứ phải bấm bụng rút hầu bao để “bôi trơn” từ cửa quan trên đến những vị quan be bé. Thật xót cho đồng thuế của DN và người lao động đã đóng để góp phần nuôi mấy “quan – đày tớ” đó.

Nói vậy không có nghĩa VN tham nhũng tăng. Báo cáo của chính phủ hôm 15-9 cho biết trong năm qua ngành thanh tra đã phát hiện chỉ có 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Còn trong 6 tháng đầu năm nay, con số báo cáo của bộ công an cho hay, vỏn vẹn 162 vụ phạm tội tham nhũng bị phát hiện.

Do Năng Lực Yếu Hay Thích Rối Rắm Để Dễ Kiếm Phong Bì? Reviewed by Unknown on 9/19/2014 Rating: 5 Thảo Vy, VNTB : Ở Việt Nam có cái lệ: văn bản ban hành nếu vấp phản ứng mạnh mẽ, thì dứt khoát không nhận ra những cái sai đã được chỉ. ...

Không có nhận xét nào: