Phạm Ninh: Những bất đồng trong quan hệ Trung - Triều cùng hàng loạt biểu hiện "thoát Trung" của Triều Tiên đã khiến quan điểm "từ bỏ Triều Tiên" ngày càng nổi lên mạnh mẽ tại Trung Quốc.
Bài phân tích của Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) hôm 27/11 cho biết, trong những năm gần đây, tại Trung Quốc đã xuất hiện những luồng ý kiến phủ nhận quan hệ Trung - Triều.
Lời kêu gọi về "thuyết từ bỏ Triều Tiên" cũng nổi lên và thậm chí đã trở thành kiến nghị của một số học giả chiến lược Trung Quốc.
Tính đến nay, 65 năm kể từ khi Trung - Triều thiết lập quan hệ ngoại giao, tại Trung Quốc, các luồng quan điểm về việc nhìn nhận mối quan hệ này ngày càng mâu thuẫn sâu sắc - Hoàn Cầu bình luận.
Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái) và lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành trong thời kỳ quan hệ Trung - Triều tốt đẹp.
Thuyết từ bỏ Triều Tiên
Hoàn Cầu cho hay, những người theo đuổi chủ trương "từ bỏ Triều Tiên" đưa ra 2 lý do.
Thứ nhất, quan niệm địa - chính trị truyền thống đã lỗi thời, chiến tranh hiện đại không cần lá chắn địa lý, dẫn đến Triều Tiên đánh mất vai trò lá chắn chiến lược đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, giả sử quan điểm này chính xác, vậy việc Mỹ không những không rút quân khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn không ngừng tăng cường sự hiện diện quân sự tại hai quốc gia này là không hợp logic.
Như vậy, chắc chắn bán đảo Triều Tiên vẫn còn nguyên giá trị địa lý - bài phân tích của Hoàn Cầu nhận định.
Lý do thứ hai là giữa Trung Quốc và Triều Tiên tồn tại quá nhiều mâu thuẫn, xung đột và bất đồng, có thời điểm Triều Tiên không "vâng lời" Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế và trở thành gánh nặng đối với nước này.
Hoàn Cầu đánh giá, lý do này chỉ mang tính chất biểu hiện bề nổi, chứ không hề có giá trị thực tế.
Theo Hoàn Cầu, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Triều Tiên chỉ là bề nổi và hoàn toàn có thể thỏa hiệp.
Vì sao Trung Quốc không thể "từ bỏ" Triều Tiên?
Theo Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc và Triều Tiên là hai quốc gia có chủ quyền độc lập, lợi ích của mỗi quốc gia không thể hoàn toàn tương đồng, do đó việc Trung - Triều không thể nhất trí tuyệt đối trong mọi sự vụ cũng là điều dễ hiểu.
Mặc dù giữa hai quốc gia đồng minh này cũng tồn tại mâu thuẫn và bất đồng nhất định, nhưng mấu chốt vấn đề là phân biệt bản chất của bất đồng và kiểm soát tốt những bất đồng đó - Hoàn Cầu nhận định.
Bên cạnh đó, Hoàn Cầu cho rằng, bản chất sự bất đồng giữa Trung Quốc và Triều Tiên hiện nay khác hoàn toàn với Trung Quốc và Nhật Bản.
Bất đồng Trung - Nhật liên quan đến vấn đề lãnh thổ lãnh hải, nhận thức lịch sử và cục diện địa - chính trị Đông Á, thuộc về cấp chiến lược, là bất đồng không thể thỏa hiệp.
Theo Hoàn Cầu, quan hệ Trung - Triều sẽ không "đi vào vết xe đổ" Trung Quốc - Liên Xô, bởi vì Trung Quốc không muốn và không thể kiểm soát Triều Tiên. Đồng thời, Triều Tiên cũng không đủ sức mạnh quân sự như Trung Quốc từng có khi đối đầu Liên Xô.
Quan hệ hữu nghị Trung - Triều là điều cần thiết đối với cả hai phía, chứ không chỉ riêng Trung Quốc - Hoàn Cầu cho biết.
Một nguyên nhân khác là bản chất vấn đề Triều Tiên nằm ở tàn dư của Chiến tranh Lạnh, chúng bị ràng buộc bởi "2 tảng băng Chiến tranh Lạnh" ở bán đảo Triều Tiên, tức - “hiệp định đình chiến” và "liên minh Mỹ - Hàn".
Hoàn Cầu khẳng định, khi vẫn còn "2 tảng băng" trên thì vấn đề nội tại của Triều Tiên cũng sẽ duy trì dai dẳng, qua đó ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Triều.
Tuy nhiên, Thời báo Hoàn Cầu chỉ ra, Trung Quốc và Triều Tiên vẫn nhất trí về lợi ích cốt lõi trên bình diện địa - chính trị.
Chí ít, trước khi cục diện địa - chính trị tại Đông Bắc Á xuất hiện những biến đổi mang tính cốt lõi, thì lợi ích cốt lõi của 2 quốc gia này cũng sẽ không biến đổi.
Trung - Triều không có xung đột về lợi ích cốt lõi, chưa kể việc "từ bỏ Triều Tiên" sẽ chỉ đem lại bất lợi cho Trung Quốc.
"Hậu quả" thế nào nếu Trung Quốc buông tay Triều Tiên?
Hoàn Cầu đặt giả thuyết, nếu Trung Quốc thực sự “buông tay” Triều Tiên, có thể dẫn đến 3 khả năng.
Thứ nhất, Triều Tiên cũng sẽ từ bỏ Trung Quốc để "ngả vào vòng tay của kẻ thứ ba".
Thứ hai, Triều Tiên sẽ không chống đỡ nổi trước sự bao vây về chính trị, kinh tế, quân sự của các nước đối địch.
Khả năng thứ ba là động thái của Trung Quốc sẽ đẩy Triều Tiên đến ngõ cụt và buộc phải "tử chiến đến cùng", dẫn đến chiến tranh bùng phát trở lại trên bán đảo liên Triều.
Thời báo Hoàn Cầu nhận định, dù là hậu quả nào trong 3 khả năng trên cũng đều bất lợi cho Trung Quốc, chưa tính tới khả năng các thế lực khác sẽ nhúng tay kiểm soát cả bán đảo Triều Tiên.
Lịch sử Trung Quốc viết rằng, nguyên nhân nổ ra trận hải chiến Giáp Ngọ (1894) mà Trung Quốc thua thê thảm, chính là do Nhật Bản và triều đình Thanh tranh chấp bán đảo Triều Tiên.
Tờ báo của Trung Quốc cho rằng, hiện tại, Mỹ chính là thế lực trên biển, thay thế vai trò của Nhật để "duy trì trật tự bán đảo".
"Từ bỏ Triều Tiên" đồng nghĩa với việc Trung Quốc hai tay dâng tặng "lợi ích chiến lược" cho Mỹ - điều mà Mỹ rất mong muốn nhưng không thể thực hiện nổi trong suốt cuộc chiến tranh Triều Tiên - Thời báo Hoàn Cầu kết luận.
Nguồn: Soha.vn
Không có nhận xét nào: