TS. Phạm Huy Thông: Năm Con Ngựa đã phi qua, năm Con Dê đã gõ sừng trước cổng mỗi nhà. Ngắm cành hoa đào phai chúm chím những sắc hồng lấp ló bên những chiếc lá xanh non, tôi lại thấy đây đó những tín hiệu vui trong giới Công Giáo khi từ giã năm Nhâm Ngọ và bước vào năm Ất Mùi.
. Từ Tòa thánh Vatican
Tin vui đầu tiên không chỉ đối với người dân Cu Ba và Hoa Kỳ mà có lẽ cả thế giới khi tổng thống Hoa Kỳ Barak Omaba và Chủ tịch Cu Ba Raun Castro thông báo, Hoa Kỳ đã gỡ bỏ lệnh cấm vận Cu Ba sau hơn nửa thế kỷ phong tỏa theo học thuyết Monroe dưới thời Tổng thống Kennedy từ tháng 2-1962, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 78 của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 17-12-2014. Ngay sau đó, Tổng thống Hoa Kỳ đã gọi điện cảm ơn Giáo hoàng Phanxicô, người đã dày công dàn xếp vụ hòa giải này, kế tiếp công cuộc đã được vun xới lên từ khi Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đến thăm Cu Ba vào năm 1998. Báo chí còn loan tin, chính Đức Phanxicô đã cử các chuyên gia làm việc với hai phái đoàn Cu Ba và Hoa Kỳ ròng rã 2 tháng trời tại Canada và Ngài còn gọi điện trực tiếp cho 2 vị nguyên thủ hãy làm một việc ý nghĩa để dâng lên Chúa Hài Đồng dịp Giáng sinh năm 2014. Còn 2 nguyên thủ đã chọn ngày sinh nhật của Giáo hoàng trước dịp Giáng sinh để đưa ra thông báo lịch sử trên.
Xem ra, Tòa thánh không chỉ muốn làm trung gian hòa giải một vụ cấm vận này mà còn muốn hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn , xung đột khá trên thế giới như ở Trung Đông. Ixrael và Palestin cũng là tử thù của nhau từ nhiều năm qua vì tranh chấp thánh địa Jerusalem. Đây là thành phố xinh đẹp đã được hình thành từ 1400 năm trước công nguyên có tên là Urusalem, nghĩa là thành phố hòa bình. Người ta vẫn nói rằng, trong 10 vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã giành cho trái đất thì có 9 phần cho Jerusalem và trong 10 đau khổ giành cho loài người thì lại chia cho Jerusalem 9 phần. Nỗi đau khổ đó chính là cuộc xung đột dai dẳng giữa người Ai Cập và Do Thái từ năm 1948 khi người Anh cuối cùng rút khỏi Palestin và David Ben Guinon lập nên nhà nước Ixrael. Vậy mà bằng uy tín và sự chân thành của mình, Giáo hoàng Phanxicô đã mời được cả Tổng thống Simon Peres của Ixrael và Tổng thống Mahmoud Abbas của Palestin đến Vatican để cầu nguyện chung cho hòa bình vào ngày 8-6-2014. Giáo hoàng nói: “ Phải kiên quyết theo đuổi hòa bình, dù mỗi bên có phải hy sinh một phần nào. Vì lợi ích của mọi người, cần phải gia tăng nỗ lực và sáng kiến nhằm tạo điều kiện cho nền hòa bình ổn định được trên cơ sở công bằng, công nhận các quyền của mỗi cá nhân và an ninh hỗ tương” (ảnh trên).
Đối với các tôn giáo bạn, Tòa thánh cũng đang nỗ lực để xích lại trên con đường hiệp nhất và đại kết. Ngày 29-11-2014, Giáo hoàng Phanxicô đã đến viếng đền thờ Hồi giáo Su Ivanabmet (đền thờ Xanh) ở Istalbul của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngài đã cầu nguyện với Đức Thượng phụ Bartholomaios I của Chính Thống giáo. Sau khi đọc kinh Lạy cha, hai vị đã ôm hôn nhau và cùng ký Thông cáo chung, cố gắng đối thoại để tìm về hiệp nhất. Khi đọc kinh Truyền tin với 7.500 thành viên cộng đoàn Gioan Phaolô 2 và 5.000 nhân viên Ủy ban Olympic hồi đầu tháng 12-2014, Ngài đã khuyến khích Công Giáo và Tin Lành tiến đến sự hiệp nhất.
Ngài mạnh mẽ cải tổ Giáo triều Vatican từ ngành truyền thông đến Tài chính, Ngân hàng. Trong buổi gặp gỡ 60 Hồng y, 50 Giám mục và nhiều giám chức, linh mục, giáo dân trước lễ Giáng sinh, ngày 22-12, qua bài huấn dụ dài 30 phút, Ngài đã thẳng thắn chỉ ra 15 căn bệnh của Giáo triều. Nào là căn bệnh luôn coi mình là bất tử, bệnh thần thánh hóa Giáo triều, bệnh chai cứng tâm trí và tâm thần, bệnh tích trữ, bệnh tìm kiếm lợi lộc và phô trương…Theo Đức Hồng y Giovanni Lajolo- nguyên Ngoại trưởng Tòa thánh nói rằng, đây là điều chưa từng có ở Giáo triều. Đó là bản xét mình của Tòa thánh trước Giáng sinh. Đài RFI ngày 10-7-2014 loan tin, Giáo hội đã hạ bệ 90 Giám mục, giáng chức 848 giáo sĩ, sa thải 2572 linh mục trong đó có Giám mục giáo phận Limburg (Đức) vì tội mua sắm xa hoa và TGM J. Wesolows (Ba Lan) vì tội lạm dụng tình dục trẻ em. Bản thân ngài là chứng nhân khi vẫn ở nhà trọ Matta, đi xe bus và không dùng giày đỏ, nhẫn vàng của Giáo hoàng. Trong Thông điệp Giáng sinh Urbi et Orbi 2014, Ngài kêu gọi cầu nguyện cho nhân dân Iraq, Syria, Ucraina, Nigieria, Sudan vì “ những người dân ở đây đã phải chịu quá lâu cuộc xung đột và phải chịu những cuộc bách hại tàn bạo”. Nhưng Ngài cũng tế nhị, từ chối gặp Đức Dalai Lạt Ma vì không muốn gây sóng gió trong quan hệ với Bắc Kinh hồi đầu tháng 11-2014.
Năm 2014, Giáo hội gọi là năm Đức Phanxicô vì Ngài đã để lại dấu ấn cho Giáo hội và thế giới. Các hãng thông tấn lớn như AFP, tạp chí Forbes bình chọn Ngài là 1 trong 10 nhân vật tên tuổi trên thế giới có uy tín và ảnh hưởng nhất toàn cầu. Hàng ngàn đứa trẻ sinh ra được đặt tên là Phanxicô và nhiều người đã quay trở lại Công giáo sau thời gian bỏ đạo. Các nhà thờ Âu- Mỹ đã có đông tín hữu hơn chứ không vắng lặng như trước nữa. Hãng tin Fides ngày 31-12-2014 nói năm 2014, giáo hội Công giáo đã tăng thêm 15 triệu tín đồ đạt con số 1,2 tỷ trên toàn cầu.
…đến Việt Nam
Ngày 4-1-2015, trong buổi đọc kinh trưa chủ nhật, Đức Phanxicô đã thông báo vinh thăng 15 vị Hồng y trong công nghị trung tuần tháng 2-2015. Đây là một tin vui vì đã có 6 người Việt Nam được phong tước hiệu này. Năm 2014 cũng có hàng trăm tân linh mục được truyền chức ở các giáo phận. Giữa tháng 1-2015, một tin vui đến với người Công giáo Việt Nam là Đức Hồng y Fernando Filoni- Tổng trưởng Bộ Rao giảng Phúc âm của Tòa thánh sẽ đến Việt Nam. Ngài sẽ đến Hà Nội ngày 19-1, rồi đi thăm giáo xứ Hòa Bình (Hưng Hóa), La Vang (Quảng Trị), Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài mục đích thăm mục vụ, gặp gỡ quan chức Việt Nam, chắc chắn sẽ có những bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam- Vaican.
Giáng sinh năm nay, ngoài phần lễ trọng thể, trang trí đẹp hơn ở các nhà thờ thì nhiều nơi đã chú ý đến chia sẻ với các số phận kém may mắn. Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh đã gặp gỡ và đón tiếp 3.148 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Trung tâm mục vụ Đại chủng viện Thánh Giuse. Giáo xứ Thanh Hóa tặng 361 phần quà cho người nghèo ở làng chài An Lộc. Các nữ tu dòng Mến Thánh giá và Con Đức Mẹ vô nhiễm Phú Xuân lo cho hàng trăm trẻ em nghèo có bữa ăn Giáng sinh. Các nữ tu dòng Mân Côi (Bùi Chu) lại đến với các bệnh nhân phong Vân Môn (Thái Bình), mang 274 phần quà và chương trình văn nghệ Giáng sinh đặc sắc cho các bệnh nhân. Caritas Hà Nội tổ chức hội chợ Giáng sinh cho trẻ em nghèo và nhiễm HIV/AIDS đồng thời mổ miễn phí mắt cho 180 bệnh nhân…Tất cả những việc làm đó đang biến Thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam 2014 thành hiện thực: “Tình hiệp thông đó còn được mở rộng ra bên ngoài qua việc cộng tác với mọi người thiện chí thực hiện những việc đem lại phúc lợi chung như thăm viếng nhau trong cộng đồng, cùng nhau xây một cây cầu, cùng đào một cái giếng, dựng một mái nhà tình thương. Những việc tưởng chừng như nhỏ bé đó lại chính là những hạt giống âm thầm của Tin mừng vĩ đại” (số 4).
Quan hệ đạo đời thấy ngày càng có dấu hiệu tốt đẹp hơn. Không chỉ là những cuộc viếng thăm của các cán bộ cấp cao đến các Tòa Giám mục dịp Giáng sinh, năm mới mà có những hành động thiết thực. Công an thành phố Hà Nội đã cho xe cảnh sát dẫn đường xe chở Thánh giá giới trẻ từ Phát Diệm về Hà Nội an toàn và nhanh chóng hồi cuối tháng 11-2014. Đêm Giáng sinh năm nay, đòan thanh niên công an Hà Nội đã cử hàng trăm cảnh sát đến giữ xe miễn phí cho hàng vạn người đi lễ đến khuya ở nhiều giáo xứ trên địa bàn.
Nhà nước cũng đang tích cực soạn thảo Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay cho Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ban hành năm 2004. Bởi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo là thể chế hóa Hiến pháp 1992, trong đó quy định “ Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Thật ra, ở Việt Nam cũng đã từng phần thực hiện quyền con người về lĩnh vực này như các trẻ em gia nhập tôn giáo không hề bị cấm đoán, cản trở khi Hiến pháp chỉ quy định công dân mới có quyền đó. Hiến pháp 2013, điều 24 quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”. Như vậy, bây giờ không chỉ trẻ em có quyền đó mà người đi bộ đội, bị can, tù nhân, người nước ngoài cũng có quyền đó. Theo Nghị định 92/2012/NĐ-CP thì người nước ngoài vào Việt Nam có quyền tham dự các sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở thờ tự hợp pháp ở Việt Nam nhưng các chuyên gia dầu khí Nga theo Chính thống giáo hay các kỹ sư Ixrael theo Do thái giáo thì họ đi đâu khi Việt Nam chưa có tôn giáo đó? Rồi các tôn giáo muốn tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực y tế, giáo dục…Vậy là Luật tín ngưỡng, tôn giáo phải xử lý các vấn đề này để không những đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu của các tín đồ mà còn để Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới.
Về phía Giáo hội, tinh thần đồng hành cùng dân tộc được cụ thể hơn. Khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển của Việt Nam hồi đầu tháng 5-2014, trong Bản lên tiếng về tình hình Biển Đông, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã kêu gọi: “Với người Công giáo Việt Nam, đây là lúc chúng ta cần biểu lộ trọn vẹn lòng ái quốc của mình theo lời Đức Giáo hoàng Benedicto XVI huấn dụ: “Là người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”. Lòng yêu nước thể hiện ở việc chúng ta không thể thờ ơ với tình hình của đất nước trong hiện tại cũng như tương lai, chuyên cần hy sinh cầu nguyện cho quê hương đất nước với tất cả tấm lòng của mình, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng đáp lại mời gọi cứu nguy Tổ quốc”. Theo lời kêu gọi này, ít lâu sau, Đức Giám mục Nguyễn Văn Khảm, Phó Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đã trao 3 tỷ đồng, số tiền quyên góp của 5 giáo phận cho đại diện Hải quân Việt Nam.
Ngày 9-11-2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng, thay mặt Chính phủ đã ký giao ước với Đức TGM Bùi Văn Đọc về thực hiện an toàn giao thông. Ngay sau đó, nhiều giáo phận đã có Thư chung triển khai vấn đề này. Như vậy, bây giờ người Công giáo ra đường, họ vừa chấp hành luật giao thông theo tư cách công dân vừa phải làm tốt bổn phận người Kitô hữu. Thân thể của họ là do cha mẹ sinh ra nhưng lại là hình ảnh của Chúa. Họ gây thương vong cho họ hay người khác là xúc phạm đến hình ảnh của Chúa. Vì vậy, người Công giáo càng phải ý thức hơn khi tham gia giao thông.
Rất mong có nhiều chương trình như vậy được ký kết, thì việc triển khai nơi người Công giáo sẽ hữu hiệu hơn. Đây đó cũng còn có chuyện chưa hài lòng như ngăn cản linh mục dâng lễ Noen ở miền núi hay làm từ thiện ở miền Trung . Nhưng năm 2015 sẽ bắt đầu với nhiều tín hiệu vui.
Hà Nội, đầu năm 2015
TS Phạm Huy Thông - Gửi TNCG
Không có nhận xét nào: