Việt Nam Thừa Nhận Xã Hội Dân Sự Trước Năm 2020? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
4 tháng 3, 2015

Việt Nam Thừa Nhận Xã Hội Dân Sự Trước Năm 2020?

Nam Nguyên: Ảnh bên: Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 4 tháng 7 năm 2014.

Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 nêu ra khái niệm mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhận thức mới sẽ là cơ hội để Nhà nước thay đổi cách nhìn về các tổ chức xã hội dân sự độc lập đã và đang hình thành trong thời gian qua.


Nhận thức bắt đầu chuyển biến?

Lần đầu tiên sau một phần tư thế kỷ thực hiện lý thuyết mù mờ và mâu thuẫn gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 đã nêu ra khái niệm mới về vấn đề này.

Theo đó, “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các qui luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.” Mặc dù Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định quyền lãnh đạo, nhưng nền kinh tế thị trường của Việt Nam được mô tả là hiện đại và hội nhập quốc tế.

Theo Báo Tuổi trẻ Online, nhận thức được cho là mới mẻ này được tiết lộ trong buổi tọa đàm do Hội đồng Lý luận trung ương và Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28/2/2015 tại Hà Nội.

Tuy đã thực hiện điều gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từ cuối thập niên 1980 đầu những năm 1990, nhưng theo mục tiêu của Đảng Cộng sản Việt Nam thì “đến năm 2020 phấn đấu cơ bản hoàn thiện đồng bộ hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; bảo đảm tính đồng bộ giữa thể chế kinh tế và thể chế chính trị, giữa Nhà nước và thị trường…”

Nhận thức mới sẽ tiến tới việc Nhà nước phải thừa nhận xã hội dân sự, ý nói xã hội dân sự độc lập không phải các tổ chức hội do Nhà nước lập ra và được khoác chiếc áo xã hội dân sự. Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế ở Hà Nội từng cho rằng nhận thức của Việt Nam đã bắt đầu chuyển biến. Ông nói:

“Ba trụ cột lớn của kinh tế thị trường là nhà nước, thị trường và xã hội dân sự, như thế xã hội dân sự là một trong ba trụ cột quan trọng, muốn chuyển qua nền kinh tế thị trường thì phải thừa nhận điều đó.”
Các vận động viên và thành viên của nhóm
“Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam”.

Bất kỳ một nền dân chủ nào cũng đều có sự góp sức của xã hội dân sự. Sách vở có nhiều định nghĩa về xã hội dân sự, nhưng có thể hiểu đó là xã hội trong đó hiện hữu các đảng phái, hội đoàn, nghiệp đoàn, hiệp hội thực hiện mối liên hệ giữa công dân với nhà nước, bảo vệ quyền lợi của công dân, của hội viên…những tổ chức dân sự này có thể tham gia hình thành chính sách, phản biện chính sách và giám sát sự thực hiện chính sách.

TS Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, một tổ chức xã hội dân sự không được nhà nước chấp nhận, từ Saigon nhận định:

“Vai trò độc lập của các tổ chức xã hội là đương nhiên. Tại vì chỉ có thế đứng độc lập thì mới tác động một cách độc lập, không thể có những thế đứng phụ thuộc vào nhà nước và gọi là “phản biện trung thành” mà có thể có những tác động độc lập và tiếng nói hiệu quả nghiêng về phía dân chúng được. Đầu năm 2013 nhóm 72 đã dự thảo cả một bản Hiến pháp thay đổi chỉnh sửa bổ sung, trong đó đặc biệt nêu ra những vấn đề độc tài về chính trị, độc quyền về kinh tế và đòi hỏi thay đổi. Đó chính là những vấn đề cần phải thay đổi về cơ bản, thứ hai nữa là thay đổi quyền sở hữu đất đai, trước giờ là nhà nước hóa đất đai còn bây giờ phải biến quyền sở hữu cho tư nhân.”

Phải tôn trọng quyền lập hội của công dân

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam hình thành khoảng vài chục nhóm xã hội dân sự độc lập trong đó có Trang mạng Bauxite, Hội dân oan, Hội Phụ nữ nhân quyền, Hội Cựu tù nhân chính trị, No U, Diễn đàn xã hội dân sự và gần đây nhất là Hội nhà báo độc lập. Những tổ chức tự phát này không được chính quyền nhìn nhận, nhưng có vẻ chính quyền cũng không trấn áp nặng tay, bởi vì trên không gian mạng luôn có thông tin về hoạt động của những nhóm này. Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:

“Các phong trào xã hội dân sự và các nhóm xã hội dân sự thì họ hoạt động cũng công khai không hoạt động gì gọi là kín cả. Nhưng cũng nói thành thật là hiện nay phong trào đó hoạt động rất là yếu, họ rất yếu tuy rằng nói nhóm này nhóm kia nhưng mà chưa khởi động bám rễ sâu vào trong nhân dân, trong lòng dân. Cho nên họ chỉ hoạt động trong nhóm, có thể tạm gọi là nhóm trí thức nhỏ cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhóm anh em trẻ, nhóm tự do báo chí… Nhưng mà tôi cho rằng, tôi cũng nhìn thấy là chính quyền không có ngăn cản gì, hiện giờ chưa thấy có dấu hiệu gì ngăn cản. Dĩ nhiên là những hoạt động hơi mạnh quá thì họ tìm cách chặn lại. Còn những hoạt động bình thường thì tôi thấy vẫn diễn ra hội họp trao đổi hội đàm cà phê sáng… thì đâu có thấy bị ngăn cản gì đâu. Hy vọng họ chủ động hơn, có phương thức hoạt động tích cực hơn và tập họp được quần chúng đông hơn, chứ còn chỉ họp lại một nhóm quan tâm, am hiểu thời sự thì có lẽ khó mà phát triển.”

Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, một nhà hoạt động xã hội dân sự ở Đà Nẵng từng nhiều lần bị công an là khó dễ trong đời sống thường nhật, cho rằng vai trò của các tổ chức xã hội dân sự tự phát đã có tác dụng nhất định:

“Một dân tộc nô lệ là một dân tộc bị mất các quyền tự do, một dân tộc tự do là một dân tộc được đảm bảo các quyền tự do. Dưới góc nhìn đó thì hiện nay Việt Nam không có tự do, rất nhiều quyền được hiến định như không áp dụng trên thực tế. Điều này cũng có bản chất lịch sử trên thực tế, ví dụ như là quyền lợi của giới lãnh đạo chính trị, giới kinh tế mạnh nhất hiện nay trong xã hội. Nhưng mà tôi thấy một quá trình nảy mầm mà ở đó tháo gỡ những cái vỏ hạt rất cứng. Tất cả những tổ chức xã hội dân sự đã đóng góp tiếng nói, người ta phản biện, đòi hỏi, phê phán để thức tỉnh người dân. Điều này đã làm cho mầm tự do bắt đầu đâm chồi nảy lộc và đó là một quá trình không thể đảo ngược được và sớm muộn gì sẽ thành cây và thành cây cổ thụ.”

Việt Nam chọn con đường hội nhập quốc tế tích cực để phát triển kinh tế như được xác định trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng khóa 12 sắp tới. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nước sẽ phải càng sớm càng tốt nhìn nhận xã hội dân sự thực chất. Nhưng để có xã hội dân sự đúng nghĩa thì quyền lập hội của công dân cũng như các quyền cơ bản khác phải được tôn trọng.

Việt Nam Thừa Nhận Xã Hội Dân Sự Trước Năm 2020? Reviewed by Unknown on 3/04/2015 Rating: 5 Nam Nguyên: Ảnh bên: Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chính thức ra mắt hoạt động vào ngày 4 tháng 7 năm 2014. Dự thảo báo cáo chính trị ...

Không có nhận xét nào: