Bộ Trưởng Mỹ Thăm VN, Phát Thông Điệp Tới Trung Quốc? - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
28 tháng 5, 2015

Bộ Trưởng Mỹ Thăm VN, Phát Thông Điệp Tới Trung Quốc?

VOA: Tin cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ tới Việt Nam ngay sau khi dự Đối thoại Shangri-La.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter dự kiến sẽ tới Việt Nam cuối tuần này, sau khi tham dự diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore, trong bối cảnh bùng ra khẩu chiến Mỹ - Trung về vấn đề biển Đông.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius vừa tiết lộ về chuyến công du của ông Carter với hãng tin Bloomberg, đồng thời nói thêm rằng những hành động tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ của Trung Quốc ở biển Đông đã đẩy Mỹ và Việt Nam lại gần nhau hơn.

Chính quyền Hà Nội chưa có thông báo chính thức về chuyến thăm mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về quan hệ Việt – Mỹ tại Đại học George Mason, Hoa Kỳ, nói là có “tầm quan trọng khá đặc biệt” này.

Ông Hùng nhận định tiếp: "Ông Carter sang Shangri-La rồi mới tới Việt Nam. Trong khi đó, có một phái đoàn quốc hội của Thượng, Nghị viện Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi Chủ tịch Ủy ban quốc phòng lại sang đó trước khi ông Carter sang. Dĩ nhiên hai người đó sẽ thảo luận ở Shangri-La rồi ông Carter mới sang Việt Nam".

Ông nói thêm: "Vấn đề gì đặt ra? Ông Bộ trưởng Quốc phòng sang thì chỉ nói chuyện quốc phòng thôi, và báo chí còn nói thêm là sẽ nói chuyện biển Đông. Chuyện đó nó quan trọng là bởi vì, thứ nhất, đang có chuyện biển Đông xảy ra, và thứ hai là cả hành pháp và lập pháp họ đều đến đó, để họ có lẽ có một lập trường thống nhất giữa hai bên, để họ thăm dò xem Việt Nam thế nào. Tôi nghĩ rằng ngoài việc báo chí nói biển Đông thì tôi chắn chắn là họ sẽ thảo luận những nội dung chuyến thăm của ông Trọng sắp sang đây".

Học giả này nhận định thêm rằng tình hình biển Đông hiện nay “rất căng thẳng”, và có thể tiến tới “nguy hiểm”, sau khi Bắc Kinh và Wasington lời qua tiếng lại về các hoạt động cấp tập lấp biển, xây đảo của Trung Quốc.

Tranh chấp trên biển được coi là một trong những vấn đề nằm cao trong nghị trình năm nay tại cuộc đối thoại Sangri-La kéo dài từ ngày 29 tới 31/5.

Tin cho hay, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, dẫn đầu đoàn đại biểu nước này tới tham dự hội nghị thượng đỉnh về an ninh khu vực.

Trong khi đó, tới ngày 27/5, vẫn chưa rõ quan chức nào của Việt Nam tham dự diễn đàn, và hiện nay chỉ có ông Lương Lê Minh xác nhận tham gia trên cương vị Tổng thư ký ASEAN.

Tin cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ tới Việt Nam ngay sau khi dự Đối thoại Shangri-La.

Thông điệp mạnh mẽ

Dù Hà Nội và Washington đang xích lại gần nhau, Giáo sư Hùng nhận định về các trở ngại còn tồn tại trong quan hệ quân sự giữa hai nước.

Nhà nghiên cứu này nhận xét: "Việt Nam vẫn còn nghi ngờ Mỹ. Một số người vẫn sợ cái gọi là diễn biến hòa bình. Họ cho là Mỹ có thể sử dụng vấn đề nhân quyền để làm xói mòn chế độ của họ. Dạo này bớt đi nhưng vẫn còn một số người tin như vậy. Đó là một trở ngại chính".

Ông Hùng nói thêm: "Việt Nam muốn cộng tác với Mỹ nhiều hơn, nhưng một mặt lại phải nhìn đến Trung Quốc. Việt Nam lại không muốn mất lòng Trung Quốc. Một đằng thì bực tức vì nó bắt nạt mình, một đằng thì lại không muốn làm mất lòng nó. Cái đó là một trong những trở ngại chính để quốc phòng hai bên có thể tiến xa được".

Ông Hùng nói thêm rằng chuyến thăm của người đứng đầu Ngũ Giác Đài sẽ phát đi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc về sự hợp tác quân sự giữa Hà Nội và Washington.

“Chính sách quyết liệt hay không nó sẽ thể hiện bằng hành động của Việt Nam trong chuyến thăm của ông Carter”, giáo sư này nói.

Trước khi ông Carter đặt chân tới Hà Nội, các thượng nghị sĩ Mỹ là John McCain và Jack Reed cũng sẽ tới thăm Việt Nam, và dự kiến sẽ gặp, thảo luận các vấn đề an ninh, kinh tế khu vực với quan chức chủ nhà.

Sau đó, đoàn thượng nghị sĩ thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện của Hoa Kỳ sẽ sang Singapore để dự Đối thoại Shangri-La.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã đón tiếp nhiều phái đoàn cấp cao của cả hai ngành lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ.

Phát biểu tại Đại học Quốc gia Hà Nội hồi tháng Ba vừa qua, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng “việc tiến hành thường xuyên các chuyến thăm quân sự cấp cao giúp cả hai bên hiểu và trở nên thoải mái với nhau hơn”, và “sự hiểu biết lẫn nhau này đang biến lời nói thành hành động”.

Nhà ngoại giao kỳ cựu này nói thêm rằng quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Hà Nội và Washington “đóng vai trò quan trọng đối với sự trỗi dậy của Việt Nam là một quốc gia vững mạnh, thịnh vượng và độc lập”.

---------

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích các hành động của TQ ở Biển Đông

 
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay những hoạt động xây đảo nhân tạo và quân sự hoá những bãi cạn ở Biển Đông. Ông nói thêm rằng những hành động của Bắc Kinh trong vùng biển có tranh chấp này “không phù hợp” với các chuẩn mực quốc tế.

Phát biểu ngày hôm nay ở Hawaii trong buổi lễ bàn giao quyền chỉ huy tại Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của quân đội Hoa Kỳ, Bộ trưởng Carter hô hào cho việc tìm kiếm một giải pháp hoà bình cho những vụ tranh chấp ở Biển Đông và kêu gọi các nước có yêu sách chủ quyền gấp rút ngưng chỉ trong thời gian dài những hoạt động lấp biển lấy đất trong vùng biển này.

"Chúng tôi cũng chống lại việc quân sự hoá thêm nữa các thực thể có tranh chấp. Điều thứ nhì và điều mọi người nên nhớ kỹ là Hoa Kỳ sẽ bay, lái tàu và hoạt động tại bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm như vậy ở khắp nơi trên thế giới. Và sau chót là, với những hành động của họ ở Biển Đông, Trung Quốc không phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, những chuẩn mực làm nền tảng cho kiến trúc an ninh của khu vực Á Châu Thái Bình Dương, và sự đồng thuận trong khu vực là nên theo đuổi một phương pháp giải quyết không có tính chất cưỡng ép đối với vụ tranh chấp này và những vụ tranh chấp lâu đời khác."
 
Tàu nạo vét của Trung Quốc trong vùng biển quanh đảo Đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Các chuyến bay trinh sát của Mỹ gần những bãi cạn mà Trung Quốc đang cải tạo cho thấy mấy mươi chiếc tàu đang ráo riết tiến hành hoạt động lấy đất lấp biển.

Tuần trước Trung Quốc đã chính thức kháng nghị với Washington về việc một máy bay trinh sát của Mỹ bay trên quần đảo Trường Sa, nơi Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự qui mô lớn. Hồi đầu tháng này, Ngũ Giác Đài cho biết Trung Quốc đã lấp biển để tạo ra 800 hécta đất tại 5 bãi cạn và hầu hết những đảo nhân tạo này được hoàn thành trong năm nay.

Trong bài phát biểu ngày hôm nay, người đứng đầu Ngũ Giác Đài cũng cho biết thái độ hung hãn của Trung Quốc nhất định sẽ gặp phải sự kháng cự.

"Những hành động của Trung Quốc đang đưa các nước lại gần với nhau trong những cách thức mới và họ đang gia tăng những yêu cầu đòi Hoa Kỳ chủ động giao tiếp ở Á Châu Thái Bình Dương. Và chúng tôi sẽ thỏa mãn những yêu cầu này. Chúng tôi sẽ tiếp tục là cường quốc an ninh chính yếu ở Á Châu Thái Bình Dương trong nhiều thập niên tới đây."

Bộ trưởng Carter đã họp tại Hawaii với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin và tái khẳng định là cam kết của Mỹ đối với công cuộc phòng vệ của Philippines là vô cùng mạnh mẽ. Hai nước có một hiệp ước phòng chung và Manila đang kiện Trung Quốc trước toà án trọng tài quốc tế về những yêu sách của nước này ở Biển Đông.

Ông Ralph Cossa, một chuyên gia an ninh của Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii, cho rằng những phát biểu của bộ trưởng Carter không có gì mới. Ông nói rằng những phát biểu này phù hợp với Tuyên bố của các bên ở Biển Đông, gọi tắt là DOC, mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002. Ông Cossa nói thêm như sau.
 
Máy bay trinh sát P8 Poseidon của Mỹ chụp được các hình ảnh cho thấy hành động 'lấp biển lấy đất' của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngày 21/5/2015.

"Phát biểu này đưa tất cả mọi thứ vào một tuyên bố khá thẳng thừng, và chắc chắn là rất mạnh mẽ, từ vị bộ trưởng quốc phòng để nêu bật sự thật là Hoa Kỳ muốn mọi người ngưng vi phạm DOC. Như quí vị đã biết, năm 2002, tất cả các bên đồng ý không làm gì để thay đổi hiện trạng nhưng sau đó mọi người đã làm những chuyện để thay đổi hiện trạng. Do đó, lập trường của Hoa Kỳ là “Chớ làm như vậy nữa!” Theo tôi, điều hợp lý duy nhất để làm là quay lại với năm 2002. Đó là lúc mọi người hứa sẽ hành động một cách tử tế, đàng hoàng và chúng ta cần đòi hỏi họ thể hiện lời hứa đó. Và dĩ nhiên Hoa Kỳ đang nói với mọi người “Phải ngưng thay đổi hiện trạng; thôi làm những việc khiến cho tình hình xấu đi.”

Ông Cossa cho biết ông cảm thấy thích thú khi nghe ông Carter nói về việc binh sĩ Iraq thiếu ý chí chiến đấu và thái độ mỗi ngày một hung hăng hơn của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Cossa cho rằng trong cả hai trường hợp sự bộc trực của ông Carter là cần thiết.

Ông Denny Roy, một nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Đông-Tây, cho rằng tuyên bố của ông Carter là một cách khác để nói là Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ mưu toan nào của Trung Quốc nhằm tạo ra một khu vực đặc quyền kinh tế hoặc hải phận quốc gia quanh những hòn đảo nhân tạo. Ông cho rằng Trung Quốc hầu như chắc chắn sẽ không ngưng những công trình lấp biển lấy đất ở Biển Đông và điều đó có thể gây phương hại cho mục tiêu của Mỹ là duy trì vị trí lãnh đạo trong khu vực. Ông Roy cũng cho rằng điều này làm tăng mối rủi ro xảy ra những vụ việc ngoài ý muốn giữa máy bay và tàu bè của Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Ông Carter đang thực hiện chuyến công du thứ nhì tới vùng Á Châu Thái Bình Dương kể từ khi lên giữ chức bộ trưởng quốc phòng hồi tháng hai. Trong chuyến đi 10 ngày này, ông sẽ đến dự một hội nghị an ninh khu vực ở Singapore (Đối thoại Shangri-La) và tới thăm Ấn Độ và Việt Nam.

Theo: VOA Tiếng Việt - 28.05.2015
Bộ Trưởng Mỹ Thăm VN, Phát Thông Điệp Tới Trung Quốc? Reviewed by Unknown on 5/28/2015 Rating: 5 VOA: Tin cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ tới Việt Nam ngay sau khi dự Đối thoại Shangri-La. Bộ trưởng Quốc phòng Ho...

Không có nhận xét nào: