GNsP (18.5.2015) – Giới chức hai huyện Mường Nhè và Nậm Pồ thuộc tỉnh Điện Biên, đã không chấp thuận đề nghị cho các linh mục Công giáo tổ chức lễ Chúa về trời hôm 17/5 tại một số nhà dân trên địa bàn, với lý do “đảm bảo tình hình an ninh trật tự”.
Trong khi phía đề nghị coi đây là hành động “quy kết cách gián tiếp cho tổ chức tôn giáo là thành phần gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.”
Linh mục chánh xứ Sapa, Phạm Thanh Bình, hôm 24/4 đã gửi chuyển phát nhanh văn bản đăng ký ‘tổ chức lễ ngoài cơ sở tôn giáo’ đến Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé và Nậm Pồ, trang mạng Giáo phận Hưng Hóa dẫn thông tin từ trang mạng Giáo xứ Sa Pa cho biết.
Đến giữa tháng 5/2015, linh mục Bình nhận được công văn trả lời từ giới chức hai huyện nói trên. Theo đó, chính quyền huyện không chấp thuận đề nghị tổ chức lễ Chúa về trời cho người Công giáo trên địa bàn, tại một số nhà dân vào Chúa nhật 17/5.
Lễ Chúa về trời là lễ trọng đối với người Công giáo. Trang mạng Giáo xứ Sapa cho biết, “anh chị em các cộng đoàn [Công giáo] tại hai huyện Mường Nhé và Nậm Pồ thuộc tỉnh Điện Biên những ngày qua rất hồ hởi chuẩn bị cho ngày lễ này.”
Tuy nhiên, giới chức huyện Mường Nhé cho rằng, “để đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” giữa thời điểm “tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp”, huyện chưa chấp thuận việc tổ chức cuộc lễ.
Giới chức huyện Nậm Pồ cũng lập luận, đây là “huyện biên giới, tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp như: tội phạm ma túy, hình sự, vượt biên”, nên đề nghị tổ chức lễ “vào thời điểm này là chưa phù hợp.”
Ngoài ra, việc tổ chức lễ còn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của nhân dân, khiến học sinh nghỉ học và ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các học sinh này.
Phản ứng trước hai công văn trên, phía đề nghị tổ chức lễ cho biết họ chỉ nhằm “phục vụ nhu cầu cầu tôn giáo của giáo dân”, và rằng chính quyền còn mang nặng tư tưởng xin cho.
Trang Giáo xứ Sa Pa viết: “Tổ chức tôn giáo chỉ mong được đáp ứng quyền lợi theo luật pháp quy định, chưa hề mong một sự bố thí, ban ơn”, “nội dung công văn trả lời [huyện Mường Nhé] còn mang tính ân huệ, ban ơn.”
“Qua nội dung văn bản trả lời, tổ chức tôn giáo bị quy kết (hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp) là thành phần gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội, tác động xấu tới đời sống của nhân dân, và đặc biệt ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục…”
Các Giám mục Công Giáo Việt Nam trong bản góp ý Hiến pháp 2013 (3/2013), đã từng đề nghị Hà Nội cần quy định việc “tự do thực hành các nghi lễ tôn giáo, cá nhân hoặc tập thể.”
Hồi 4/5 vừa qua, các Giám mục tiếp tục nhận định về bản dự thảo mới của Việt Nam về luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, cho rằng “ bản dự thảo tạo ra quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều cơ chế khắt khe, ràng buộc, khiến các sinh hoạt tôn giáo bị cản trở.
Tòa Giám mục (TGM) Bắc Ninh, Vinh, Kontum, Xuân Lộc cũng ra những thông cáo riêng nhận định, “dự thảo mang nặng tính xin-cho”, “muốn tái lập cơ chế xin-cho trong các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo.”
“Biến quyền tự do của con người thành những thứ quyền Nhà nước nắm trong tay và ban lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép”.
Văn bản trả lời của huyện Mường Nhé
Văn bản trả lời của huyện Nậm Pồ
Đức Thiện, GNsP tổng hợp từ giaophanhunghoa.org và sapachurch.org
Không có nhận xét nào: