"Mỹ Kiểu Gì Cũng Phải Vào 12 Hải Lý, Chiến Lược Họ Tập Chẳng Thể Lâu Dài" - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
29 tháng 5, 2015

"Mỹ Kiểu Gì Cũng Phải Vào 12 Hải Lý, Chiến Lược Họ Tập Chẳng Thể Lâu Dài"

Hồng Thủy: Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong buổi họp báo ra mắt sách trắng quốc phòng nước này năm 2015. Ảnh: BBC tiếng Trung Quốc.

Trình độ năng lực cũng như chiến lược quân sự Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình cũng chẳng khác nhau là mấy so với thời kỳ Hồ Cẩm Đào.

Xung quanh việc Trung Quốc công bố sách trắng quốc phòng năm 2015 đúng lúc Biển Đông căng thẳng, nguy cơ đối đầu Trung - Mỹ gia tăng, BBC tiếng Trung Quốc ngày 26/5 đã dẫn bình luận của học giả gốc Hoa Steve Tsang (Tăng Duệ Sinh) cho rằng, chiến lược cứng rắn của họ Tập (tức ông Tập Cận Bình) chẳng phải kế lâu dài cho Trung Quốc.

Giáo sư Steve Tsang là chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc đại học Nottingham nói với BBC tiếng Trung, sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2015 một lần nữa thể hiện tư thế và chiến lược đối ngoại cứng rắn của ông Tập Cận Bình và bộ máy lãnh đạo Trung Quốc. Nội dung sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm nay không liên quan trực tiếp đến căng thẳng Trung - Mỹ ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam - PV) vì nó được soạn thảo từ 1 năm trước.

Mặc dù sách trắng quốc phòng Trung Quốc có nhắc đến cái gọi là "mối đe dọa từ Mỹ - Nhật" và nhấn mạnh phải tăng cường chiến lược ngoài khơi, nhưng trình độ năng lực cũng như chiến lược quân sự Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình cũng chẳng khác nhau là mấy so với thời kỳ Hồ Cẩm Đào. Chỉ có điều Tập Cận Bình nói rõ hơn, chiến lược quân sự của ông Bình ưa khoe cơ bắp, thích dọa "rút kiếm" hơn người tiền nhiệm, ông Steve Tsang lưu ý.

Học giả gốc Hoa bình luận: "Chiến lược của họ Tập tuy trong thời gian ngắn có thể nhận được sự ủng hộ từ người dân Trung Quốc, thậm chí mang lại cho Bắc Kinh những lợi ích nhất định trên trường quốc tế, nhưng về lâu về dài rất có khả năng tạo ra sự mất lòng tin chiến lược của các nước Đông Nam Á đối với Trung Quốc, khiến Mỹ và các nước ngoài khu vực hoài nghi và tìm cách phản chế. Điều này chưa chắc đã có lợi cho Trung Quốc".

Bình luận về hoạt động bồi lấp, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông, Steve Tsang cho rằng: "Mặc dù Philippines và Việt Nam lâu nay cũng có hoạt động xây dựng kiến trúc ở các đảo trên Biển Đông, nhưng nói cho cùng đều là hoạt động xây dựng sửa chữa quy mô nhỏ, không thể thay đổi bản chất các đảo, bãi đá, rặng san hô tranh chấp và không ảnh hưởng gì đến phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế."

"Còn đối với các quốc gia Đông Nam Á cũng như Mỹ có lợi ích liên quan (ở Biển Đông) mà nói, hoạt động xây dựng bồi lấp đảo nhân tạo của Trung Quốc có tính chất hoàn toàn khác. Một khi các đảo nhân tạo này xuất hiện trên bản đồ hoặc (cái gọi là) hiện thực chủ quyền, các nước liên quan rất khó có thể giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hoặc tài phán. Do đó Mỹ sẽ không chấp nhận sự áp đặt này của Trung Quốc lên các bên khác. Dù Mỹ không muốn cũng phải tiến vào (phạm vi 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây bất hợp pháp). Dù rằng điều này có thể dẫn đến đối đầu quân sự", Steve Tsang bình luận.

Bởi vậy Steve Tsang cho rằng, sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc đang trong thời kỳ gia tăng và sớm hay muộn cũng sẽ trở thành một "đại ca" khu vực, do đó Bắc Kinh không phải dùng thủ đoạn dọa nạt người khác để tìm kiếm lợi ích lâu dài của mình. Tốt nhất Trung Nam Hải hãy tiếp tục chính sách "thao quang dưỡng hội" - giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình.

Trong một động thái có liên quan, ngày 26/5 Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, bình luận của Thời báo Hoàn Cầu về chiến tranh sớm muộn cũng xảy ra trên Biển Đông nếu Bắc Kinh bị Washington ép dừng bồi lấp, xây đảo nhân tạo chỉ là "quan điểm riêng" của tờ báo này, đài CNN của Hoa Kỳ cho biết.

Bình luận trên tờ Telegraph của Anh ngày 26/5, giáo sư Robert Dujarric - Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á đương đại tại đại học Temple, Nhật Bản cho rằng, vấn đề đáng quan tâm chỉ có thể là Bắc Kinh đánh giá sai tình hình. "Không bên nào muốn một cuộc chiến tranh nếu nó có thể tránh được. Nhưng có những giới hạn đỏ cho cả hai bên. Tôi lo ngại rằng, nếu Bắc Kinh nhận định Mỹ là một sức mạnh đang suy giảm và giả định Washington sẽ lùi bước, họ có thể (liều lĩnh) bắn hạ một máy bay giám sát Mỹ (ở Biển Đông)."

Giáo sư Dujarric nói ông mong chờ một phản ứng khác với quyết định "xuống thang khủng hoảng" của Washington tháng 4/2011 khi một máy chiến đấu cơ Trung Quốc đâm vào máy bay do thám Mỹ ngoài khơi đảo Hải Nam. Mỹ cần có phản ứng khác nếu máy bay của họ bị bắn hạ ngay trên không phận quốc tế ở Biển Đông, giáo sư Dujarric nói.

Hồng Thủy
Nguồn: Theo GDVN
----------

Nhà Trắng: Biển Đông tối quan trọng với an ninh quốc gia Mỹ

Trọng Giáp 

Nhà Trắng tuyên bố tình hình Biển Đông có ý nghĩa "tối quan trọng" đối với lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ.
Hình ảnh Trung Quốc hôm 21/4 cải tạo trái phép Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chụp từ máy bay trinh sát P8 của Mỹ. Ảnh:Reuters

Phát ngôn viên Nhà Trắng hôm qua cho hay Tổng thống Mỹ Barack Obama coi tình hình an ninh ở Biển Đông là vấn đề "tối quan trọng" đối với an ninh quốc gia Mỹ và kinh tế toàn cầu.

Ông Earnest cho biết dòng chảy tự do thương mại ở Biển Đông cần được gìn giữ và Mỹ cam kết phối hợp với các nước khác trong khu vực để bảo vệ nó. "Bởi đây là một ưu tiên, quý vị có thể mong đợi tổng thống đã được nghe báo cáo về diễn biến mới nhất và sẽ liên tục được cập nhật", ông Earnest trả lời một câu hỏi.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke hôm qua cho biết việc Trung Quốc cố cải tạo đất ở Biển Đông "góp phần gây ra căng thẳng" và rằng Mỹ đang giám sát "cẩn thận" hoạt động quân sự của Trung Quốc trong khu vực.

"Chúng tôi tiếp tục hối thúc Trung Quốc thể hiện sự minh bạch hơn khi nói về năng lực và ý đồ của họ", ông Rathke nói. "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc sử dụng năng lực quân sự theo cách có lợi nhằm duy trì hoà bình, ổn định trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Lầu Năm Góc hôm qua cũng lên tiếng bảo vệ việc các phi cơ bay qua Biển Đông. "Tất cả các chuyến bay và tất cả hoạt động của tàu chúng tôi đều nằm ở không phận, hải phận quốc tế", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steve Warren nói. "Đây là một phần chiến dịch của chúng tôi trong việc bảo vệ tự do đi lại".

Trung Quốc đang ngang nhiên xây đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Trong những tháng gần đây, Mỹ tăng cường các chuyến bay trinh sát ở gần những dự án xây dựng Trung Quốc đang tiến hành. Hải quân Trung Quốc tuần trước phát cảnh báo, xua máy bay trinh sát Mỹ bay gần các đá nước này bồi đắp. Bắc Kinh cáo buộc Washington can thiệp vào các vấn đề khu vực và cố tình gây căng thẳng ở Biển Đông.

Giới quan sát tin rằng chính sách tái cân bằng nguồn lực quân sự của chính quyền Obama sang châu Á - Thái Bình Dương và sự hiện diện trong khu vực của nước này là nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Trọng Giáp (Theo Press TV)
Nguồn: Theo VNEXPRESS
 
"Mỹ Kiểu Gì Cũng Phải Vào 12 Hải Lý, Chiến Lược Họ Tập Chẳng Thể Lâu Dài" Reviewed by Unknown on 5/29/2015 Rating: 5 Hồng Thủy: Dương Vũ Quân, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc trong buổi họp báo ra mắt sách trắng quốc phòng nước này năm 2015. Ản...

Không có nhận xét nào: