Là một tổ chức được thành lập để không ngừng làm cách mạng, Đảng Cộng sản Trung Quốc mỉa mai thay lại sợ điều đó. Nhưng cách mạng lại đang được tiến hành ở Trung Quốc, và đây là xu thế không thể đảo ngược.
Một trong những mâu thuẫn chủ yếu của chế độ hiện nay là mối quan hệ giữa hệ tư tưởng nền tảng và thực tế xã hội. Học sinh Trung Quốc phải tham gia vào những bài học chính trị về tư tưởng Mác xít (hoặc ít nhất là sự vận dụng tư tưởng Mác xít của Đảng Cộng sản Trung Quốc), Tư tưởng Mao Trạch Đông, học thuyết của Đặng Tiểu Bình và của những lãnh đạo khác của Đảng.
Thực tế, tầng lớp giàu có và nắm quyền ở Trung Quốc được đảm bảo đặc quyền khi duy trì hệ tư tưởng của Mác và Mao Trạch Đông. Đó là một dạng bảo hiểm chính trị cùng với Đảng Cộng sản, và là điểm tựa cho tính chính thống của chế độ.
Nhưng với người nghèo – chiếm khoảng 60% trong 1,4 tỉ dân của Trung Quốc – học thuyết của Đảng mang lại những lợi ích hết sức hạn chế. Và khoảng cách giàu nghèo sẽ luôn tăng khi những tỉ phủ tiếp tục tước đoạt vô độ của cải của xã hội, trong khi người nghèo bị ngăn cản tiến lên những bậc thang xã hội – và đây là một cấu trúc bất biến trong gần 20 năm qua.
Theo học thuyết Mác xít chính thống, Đảng Cộng sản Trung Quốc từ lâu đã biến chất thành giai cấp tư sản bóc lột, vốn là mục tiêu chính của cách mạng vô sản. Người dân ở dưới đáy xã hội giờ đây có quyền lật đổ Đảng Cộng sản, tổ chức chuyên chế tệ hại nhất trong lịch sử.
Trong khi học thuyết tư tưởng của Đảng hiện có tác dụng như một con dao hai lưỡi, Trung ương Đảng sẽ không bao giờ từ bỏ nó. Cựu lãnh đảo Đảng Đặng Tiểu Bình mở cửa nền kinh tế và tiến hành những cải cách khác nhưng ông ta chưa bao giờ chối bỏ chủ nghĩa Mác và Tư tưởng Mao Trạch Đông.
Mong muốn có một lãnh đạo cách mạng
Người dân Trung Quốc muốn một cuộc cách mạng nhưng không phải kiểu cách mạng của chủ nghĩa Mác. Họ đã từ bỏ vũ khí lý luận của chủ nghĩa Mác, và thay thế bằng những giá trị dân chủ phổ quát.
Một số tìm kiếm cách mạng dân chủ toàn diện: tự do ngôn luận, tự do hội họp phải được công nhận ngay lập tức. Những người khác hi vọng lật đổ Đảng Cộng sản, cho phép mọi người tiếp cận bình đẳng với của cải, và muốn giữ hiến pháp của đảng dưới danh nghĩa duy trì “sự ổn định xã hội”. Nhóm sau thể hiện nguyện vọng với khẩu hiệu “ cách mạng dân chủ”, nhưng gần như chắc chắn họ là những người có liên hệ với chế độ.
Mặc dù ngày càng có nhiều học thuyết cách mạng và nhiều nhóm quần chúng có tiềm năng tham gia – chỉ cần lướt qua Twitter và Weibo là đã có thể tìm thấy nhiều bài viết bày tỏ mong muốn cách mạng – vấn đề còn lại là chưa có một tổ chức hay một lãnh tụ nào có thể lãnh đạo cuộc cách mạng này. Vì nếu tra cứu lịch sử thành lập của Đảng Cộng sản thì có thể thấy rằng Đảng có sự nhạy cảm một cách cực đoan với các tổ chức.
“Theo dõi, giải tán, bắt giữ” – đó là chính sách mà Đảng Cộng sản kiềm chế bất kỳ tổ chức nào ở Trung Quốc. Để đạt được mục đích này, những kẻ báo tin được cài vào những câu lạc bộ sách, các tổ chức phi lợi nhuận, trường đại học; các tổ chức dân sự và tổ chức hỗ trợ phi chính phủ của nước ngoài, ví dụ tổ chức Sáng kiến Mở rộng Hiến pháp và Thư viện Nông thôn Trung Quốc, đã bị đóng cửa; và các nhà hoạt động – thậm chí còn ít được biết đến như Hứa Chí Vĩnh, Ngô Cam, và những người khác – bị bắt giữ, và bị hạn chế tự do sau khi được phóng thích.
Không thể ngăn cản
Bất chấp mọi kiểm duyệt nghiêm ngặt, Đảng Cộng sản vẫn thất bại trong việc ngăn chặn một nhà lãnh đạo chính trị khởi xướng một cuộc cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Cựu quan chức Bạc Hi Lai từng là một nhân vật nổi tiếng của đại chúng khi ông ta điều hành Trùng Khánh từ năm 2007 đến 2012. Ông Bạc tuyên truyền tư tưởng cánh tả của Mao Trạch Đông và khởi xướng những chiến dịch theo phong cách của Cách mạng Văn hóa như “hát những ca khúc đỏ và đập tan các băng đảng đen”, nhất thời chấn hưng tinh thần cộng sản bị trì trệ trong quần chúng nhân dân ở Trùng Khánh. Nhiều Đảng viên và người dân bị thuyết phục bởi tài hùng biện của ông Bạc và tin rằng ông ta là vị lãnh đạo sẽ bảo vệ lợi ích của họ.
Bởi vì Đảng Cộng sản không chấp nhận đấu tranh nội bộ, nên khi danh tiếng của ông Bạc đang đi lên lãnh đạo Tập Cận Bình đã thanh trừng ông Bạc vì có “ hành vi vô tổ chức” và tham nhũng.
Nhưng ông Tập không thể dập tắt hi vọng này một cách triệt để. Quần chúng nhân dân đã trải qua cảm giác đi theo một nhà lãnh đạo nổi tiếng và có sức hút, và phong trào cách mạng này đã sẵn sàng xuất hiện tại bất cứ thời điểm nào.
Cuối triều Thanh
Kể từ khi giải Nobel Hòa bình được trao cho nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo) năm 2010, Đảng Cộng sản khước từ triệt để mọi cải cách, và Bắc Kinh đặc biệt nhạy cảm với bất cứ ám chỉ nào liên quan đến “cách mạng”.
Ấn phẩm ngày 14 tháng 6 năm nay của Nhân dân Nhật báo có 5 bài viết nhấn mạnh mối nguy hại sâu sắc của “những cuộc cách mạng màu” – là những phong trào dẫn đến sự lật đổ những chính phủ áp bức nhân dân – và cho rằng hệ thống dân chủ không thể cưỡng bức áp dụng vào Trung Quốc. Các bài viết nói rằng Trung Quốc phải cảnh giác với sự xâm nhập và lan rộng của “cách mạng màu”, của các lực lượng phương Tây “thù địch” chưa bao giờ từ bỏ ý định phá hoại và lật đổ Đảng Cộng sản Trung Quốc, và Trung Quốc phải xóa bỏ niềm tin “mê tín” vào chế độ phương Tây và Tây phương hóa.
Chính quyền Trung Quốc vẫn duy trì chiến lược sử dụng tiền để mua và tăng cường “ổn định xã hội” nhưng nó sẽ không hiệu quả khi kinh tế Trung Quốc bị trì trệ và thất nghiệp đang trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội. Thực tế, cụm từ “ cách mạng” bắt đầu xuất hiện trên mạng Internet của Trung Quốc với tần suất tăng dần.
Một xu hướng cách mạng đã bắt đầu. Tình hình vẫn chưa tiến xa vì sự cảnh giác cao độ của Đảng trong việc theo dõi và đàn áp những ý kiến bất đồng
Đảng Cộng sản Trung Quốc nên nhún nhường để bảo đảm sự an toàn và nếu họ suy nghĩ cho lợi ích tương lai của đất nước. Nếu không, Đảng sẽ đối mặt với hai cuộc cách mạng có khả năng xảy ra: một cuộc cách mạng màu được lãnh đạo bởi tầng lớp trung lưu và trí thức lãnh đạo, hoặc một cuộc cách mạng bạo lực, bạo động vô sản với nòng cốt là tầng lớp nhân dân nghèo.
Liệu Trung Quốc có còn cơ hội để cải thiện? Có lẽ là không. Tình hình hiện tại sẽ phát triển nhanh chóng và diễn biến tương tự như những năm cuối của triều Thanh khi cách mạng đã lật đổ chế độ phong kiến cai trị.
Trước những diễn biến tiếp theo
Chế độ sụp đổ khi có đảo chính, khủng hoảng tài chính, một xung đột nghiêm trọng giữa quan chức và người dân, bạo lực thường xuyên, phản kháng gây chết người hoặc một cuộc xâm lăng. Đôi khi những nhân tố này xảy ra cùng một lúc.
Nhân tố dễ thúc đẩy cách mạng nhất ở Trung Quốc là khủng hoảng tài chính. Trung Quốc đã ban hành một vài chính sách tài chính để cứu vãn thị trường chứng khoán, nhưng hiệu quả từ những chính sách này vẫn cần được xem xét. Tình trạng nền kinh tế thế giới là cực kỳ khó đoán, và có thể gây ảnh hưởng lớn đến Trung Quốc.
Trong khi đó, xu thế cách mạng vẫn tiếp tục – chậm rãi nhưng chắc chắn. Xã hội Trung Quốc đang bị xói mòn, vì nhà nước sử dụng bừa bãi những nguồn lực xã hội, tạo ra mâu thuẫn giữa các tầng lớp, và suy đồi đạo đức. Theo thời gian, cách mạng trong nhân dân lớn dần lên, và chờ cơ hội để bùng phát.
Ai là người chịu trách nhiệm cho tình trạng này? Tất nhiên là Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trật tự xã hội bình thường bị đảo lộn khi Đảng Cộng sản xóa bỏ sự tư hữu, chuyển từ tư hữu sang công hữu. Sử dụng tài nguyên quốc gia để thúc đẩy công hữu, những gia đình “đỏ” và các quan chức nhanh chóng trở thành những triệu phú và tỉ phú, trong khi Trung Quốc trở thành quốc gia có nhiều người sống trong nghèo khổ nhất và cũng là quốc gia có nhiều người giàu có dựa trên bóc lột người nghèo nhất.
Lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc là những năm tháng nô dịch và lừa dối nhân dân, cũng như đàn áp và tiêu diệt những ý kiến bất đồng. Đảng không muốn bất cứ ai dùng bạo lực cách mạng để lật đổ nó, cho dù học thuyết của Đảng Cộng sản là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng bạo lực cách mạng. Và bất chấp Đảng mong muốn như thế nào, cách mạng ở Trung Quốc đã bắt đầu.
H. Q.
He Qinglian
DK Lam dịch
DK Lam dịch
* Hình: Khách du lịch mặc đồng phục Hồng quân khi thăm căn cứ du kích Mao Trạch Đông từng hoạt động tại Tỉnh Cương Sơn, miền trung Trung Quốc, vào ngày 21 tháng 9, 2012. (Peter Parks / AFP / Getty Images)
Không có nhận xét nào: