Nguyễn Gia Kiểng: Kinh tế không phải là mối nguy lớn nhất của Trung Quốc. Hai mối nguy lớn hơn nhiều là sự hủy hoại của môi trường và tiềm năng bất ổn chính trị vì bất công và tham nhũng. Suy sụp kinh tế có thể châm ngòi cho một sự bùng nổ toàn diện làm Trung Quốc tan vỡ
Ngày 27/7/2015, ngay sau khi Bắc Kinh vừa công bố tỷ lệ tăng trưởng kinh tế 7% cho sáu tháng đầu năm, thị trường chứng khoán Thượng Hải đã mất 8,5%. Hôm sau nó mở ra với tỷ lệ giảm sút hơn 4% và kết thúc ở mức -1,7% sau khi chính quyền Bắc Kinh tung ra một số tiền lớn để yểm trợ. Trong bối cảnh Trung Quốc hiện nay đây là một biến động lớn bởi vì trước đó không đầy haituầnlễ Bắc Kinh vừa mới can thiệp rất mạnh sau khi thị trường chứng khoán sụt hơn 30%. Tại sao một tỷ lệ tăng trưởng ngoạn mục, mà hiện nay không một nước nào có được, lại có thể kéo theo sự tuột dốc của thị trường chứng khoán?
Điều này trước hết có nghĩa là không còn ai tin những con số của Bắc Kinh nữa. Nhưng không phải chỉ có thế. Biến cố này cũng có nghĩa là người dân Trung Quốc giờ đây cũng đã thấy được điều mà nhiều chuyên gia đã tiên liệu từ lâu và giới kinh doanh cũng đã ý thức được, đó là Trung Quốc chắc chắn sắp lâm vào khủng hoảng lớn.
Cho tới năm 2007 kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng đều đặn ở mức độ hai con số trong gần ba thập niên, gây kinh ngạc và thán phục cho rất nhiều người. Thực ra chính quyền Bắc Kinh chỉ làm một điều rất giản dị là bóc lột công nhân tối đa và tàn phá môi trường để sản xuất thật nhiều với giá thật rẻ. Nói cách khác chính quyền cộng sản Trung Quốc xuất khẩu sự nghèo khổ mà chính họ là nguyên nhân đồng thời phá hoại đất nước theo nghĩa đen, làm cho đất khô cằn, nước và không khí bẩn và độc. Chính sách tệ hại đó dù nhất thời có thể gây ấn tượng nhưng sau cùng chỉ làm Trung Quốc kiệt quệ lâu dài, như những kim tự tháp tại Ai Cập và Vạn Lý Trường Thành tại chính Trung Quốc trước đây. (*)
Năm 2008 thế giới lâm vào khủng hoảng lớn và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ vì hoạt động xuất khẩu sút giảm mạnh. Thay vì thắt lưng buộc bụng để thích nghi với tình huống mới và trực diện đối đầu với khó khăn chính quyền Bắc Kinh đã chạy trốn sự thực trong một cuộc phiêu lưu mới: xây dựng. Các ngân hàng được lệnh cấp tín dụng thả cửa cho các công ty địa ốc trong khi chính quyền tung ra những chi tiêu khổng lồ cho các công trình cơ sở hạ tầng không cần thiết. Mặt khác các công ty công nghiệp cũng được lệnh tiếp tục sản xuất dù không bán được hàng để giữ chỉ tiêu kế hoạch. Chính sách chạy trốn về phía trước này có lúc đã được một số nhà báo, như Fareed Zakaria, ca tụng hết lời. Nhưng lạm dụng xây cất và chi phí công cộng là một công thức rất cũ và bao giờ cũng dẫn tới những hậu quả tai hại. Sự thất bại dần dần hiện rõ. Cái bong bóng địa ốc ngày càng lộ liễu với hàng triệu căn phố không người mua và những thành phố ma; khối nợ xấu của các ngân hàng trở thành báo động; hàng hóa ứ đọng trong kho tại các doanh nghiệp sản xuất và khối nợ công lên tới 300% GDP theo nhiều ước tính. Trung Quốc cũng đã cố gắng tăng cường tiêu thụ nội địa bằng cách tăng lương công nhân nhưng chính sách -đúng trên nguyên tắc- này đã thất bại bởi vì người công nhân Trung Quốc chỉ dùng phần thu nhập mới này cho việc để dành phòng khi đau yếu. Kết quả là thay vì kích thích tiêu thụ nó khiến Trung Quốc mất đi ưu thế nhân công rẻ và nhiều công ty đa quốc đã chuyển các dự án đầu tư sang các nước khác.
Từ một năm qua, khi tất cả mọi chuyên gia đều đã đồng ý là kinh tế Trung Quốc đã hoặc đang khủng hoảng, chính quyền Bắc Kinh lại lao vào một trò chơi mới: đầu cơ chứng khoán.
Đặc tính của cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là nhà nước dành toàn quyền thao túng thị trường và Bắc Kinh đã tận dụng đặc quyền này. Tất cả mọi phương tiện, ngân hàng cũng như báo chí, được sử dụng để thổi phồng trị giá các cổ phiếu, đề cao các anh hùng chứng khoán vừa đột ngột trờ thành triệu phú nhờ mua bán cổ phiếu, và lôi kéo thật nhiều người vào cuộc. Người ta đổ xô nhau đi chơi chứng khoán, vay tiền để mua cổ phiếu và tiếp tục vay để mua thêm nữa thay vì bán ra bởi vì cổ phiếu tiếp tục lên giá. Chỉ trong tháng 5/2015 - hai tuần trước khi thị trường chứng khoán tuột dốc hơn 30% - đã có hơn 20 triệu trương mục mới. Tổng số người chơi chứng khoán lên tới 90 triệu người vào ngay 15/6, tuyệt đại đa số là những người mới nhập cuộc. Trong một năm qua thị trường chứng khoán Trung Quốc -Thượng Hải cũng như Thẩm Quyến - trở thành một sòng bài khổng lồ, một sự điên dại trên qui mô quốc gia. Vào tháng 8/2014 tổng trị giá của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán là 500 tỷ USD, chỉ mười tháng sau con số này lên tới 6.500 tỷ USD, tăng gấp 13 lần vì có rất nhiều công ty mới đăng ký. Ở các nước phương Tây một công ty muốn đăng ký vào thị trường chứng khoán phải hội đủ những tiêu chuẩn rất khắt khe. Không ai biết các tiêu chuẩn của các thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến là gì. Giá các cổ phiếu cũng không tùy thuộc ở thành quả và tiềm năng của các công ty mà theo sự đầu cơ, người ta mua một cổ phiếu vì tin rằng nó sẽ lên giá, và niềm tin này do tin đồn hay do báo chí nhà nước. Những xảo thuật truyền thông này đã tạo ra cả một cơn sốt chứng khoán. Chỉ số SSE Composite tăng gần 150% trong vòng mười tháng, trước khi tuột dốc.
Biến thiên của chỉ số SSE trong một năm từ 8-2014 đến tháng 8/2015
Dĩ nhiên trò chơi này không qua mắt được các quỹ đầu tư và họ đồng loạt quyết định rút khỏi Trung Quốc. Sau Kingdon Capital Management, Elliott Management, Perry Capital,Pershing Square Capital Management, đến lượt BridgeWater, quỹ hedge fund lớn nhất thế giới. Ngay cả tư bản Trung Quốc cũng tháo chạy. Trong hai tuần lễ cuối tháng 6, thị trường chứng khoán đã xuống hơn 30% và chính quyền Bắc Kinh đã dùng những biện pháp rất mạnh để trấn tĩnh, như ra lệnh cho các ngân hàng đổ ra 20 tỷ USD để mua cổ phiếu, cấm bán khống, cấm các cổ đông có trên 5% số cổ phần trong một công ty bán cổ phiếu của công ty đó, ngưng niêm yết hơn 1/3 số công ty v.v. Đồng thời đưa ra con số tăng trưởng hoang tưởng 7%. Nhưng thị trường chứng khoán vừa chứng tỏ mọi xảo thuật đều vô ích, kinh tế Trung Quốc đã hoảng hốt. Cơn chấn động 27/7 vừa qua tuy không quan trọng lắm về tầm vóc nhưng có ý nghĩa lớn: thị trường chứng khoán Trung Quốc, và kinh tế Trung Quốc nói chung, không thể phục hồi.
Tại sao Bắc Kinh lại lao vào cuộc phiêu lưu chứng khoán này?
Có ba lý do: thứ nhất là kích động giả tạo cho thị trường chứng khoán lên để khuyến khích những chủ bất động sản chấp nhận bán lỗ để kiếm lời bằng chứng khoán, nghĩa là giải tỏa số nhà mới xây ứ đọng quá nhiều; thứ hai là tạo cảm tưởng rằng kinh tế Trung Quốc vẫn còn vững mạnh vì thị trường chứng khoán lên mạnh; và thứ ba là tham vọng biến Thượng Hải và Thẩm Quyến thành những trung tâm tài chính lớn ngang tầm với New York, Tokyo và London để lôi kéo tư bản nước ngoài. Bắc Kinh đã chỉ đạt được một phần mục tiêu thứ nhất nhưng đã thất bại đã rất thê thảm trên hai mục tiêu sau.
Hậu quả sẽ ra sao?
Nhiều người nói tuy thị trường chứng khoán Thượng Hải đã sụt gần 40% nhưng vẫn còn cao hơn 70% so với một năm trước. Nói như thế là quên rằng tuyệt đại đa số những người chơi chứng khoán mới chỉ vào cuộc chơi từ vài tháng gần đây khi thị trường chứng khoán đã lên rất cao do thao tác giả tạo của chính quyền. Họ vay tiền để mua cổ phiếu và khánh tận, nhiều người cầm cố cả nhà và mất hết tài sản. Họ là thành phần trung lưu. Theo nhiều ước lượng, Trung Quốc hiện có khoảng gần 100 triệu gia đình được coi là trung lưu, tương đương với số người chơi chứng khoán. Trong vòng một tháng trung bình mỗi gia đình mất 30.000 USD. Điều này có nghĩa là thành phần trung lưu mà Bắc Kinh tự hào là đã tạo ra được và coi là hy vọng của Trung Quốc đã gần như bị xóa bỏ. Một mất mát bi đát. Hậu quả tức khắc là tiêu thụ nội địa vốn đã thấp một cách bệnh hoạn ở mức 30% GDP sẽ còn sút giảm mạnh hơn nữa.
Họ sẽ còn mưu thuật nào khác để che đậy sự thực trước khi thú nhận phá sản?
Đại loại cũng sẽ chỉ là những hành động gây tiếng vang, như giành tổ chức Thế Vận Mùa Đông 2022. Nhưng từ nay ai còn tin vào phép lạ Trung Quốc? Những khoa trương sẽ chỉ có tác dụng mở cửa xã hội Trung Quốc ra với thế giới và giúp người Trung Quốc ý thức rằng họ đã bị thông trị một cách quá tàn bạo trong thời gian quá lâu bởi những người rất tầm thường.
Cuộc phiêu lưu chứng khoán này có thể là cố gắng thoát hiểm qui mô cuối cùng. Nó đã thảm bại và cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" đã lộ chân tướng của nó: một sai lầm lố bịch vì giao toàn quyền quyết định kinh tế cho những người chỉ có hiểu biết rất sơ sài
Tương lai Trung Quốc sẽ ra sao?
Đừng nên quên rằng kinh tế không phải là mối nguy lớn nhất của Trung Quốc. Hai mối nguy lớn hơn nhiều là sự hủy hoại của môi trường và tiềm năng bất ổn chính trị vì bất công và tham nhũng. Suy sụp kinh tế có thể châm ngòi cho một sự bùng nổ toàn diện làm Trung Quốc tan vỡ. Cho tới nay khi nói tới Đặng Tiểu Bình đại đa số người Trung Quốc đều cung kính ông như một vĩ nhân đầy viễn kiến. Họ sẽ nhận ra rằng ông là một trong những lãnh tụ Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn nhất.
Đảng CSVN đã lấy Trung Quốc làm quan thầy, mẫu mực và chỗ dựa trong suốt ba thập niên qua. Sắp tới Trung Quốc sẽ không còn là một mẫu mực và cũng không còn là một chỗ dựa.
(*) Không phải ai cũng thán phục mô hình Trung Quốc. Các bạn đọc dự án chính trị 2015 Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai sẽ thấy anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên coi "Đẩy mạnh sự phát triển của thị trường nội địa" là một trong 12 định hướng lớn của mô thức Việt Nam (chương 5). Đây là một ý kiến có sẵn trong dự án chính trị 2001 Thành Công Thế Kỷ 21 của chúng tôi. Ngay vào năm 2001, khi mô thức Trung Quốc đang được đa số các chuyên gia ca tụng, chúng tôi đã coi đó chỉ là một sai lầm. Chúng tôi cũng dứt khoát bác bỏ mô hình tăng trưởng bất chấp môi trường của Trung Quốc. Năm 2007 vào lúc "phép mầu Trung Quốc" đang huy hoàng nhất tôi đã sang tham quan Trung Quốc và viết bài "Những Vạn Lý Trường Thành mới" phản bác chính sách kinh tế của Bắc Kinh. Tháng 8-2009, trả lời một cuộc phỏng vấn của nhà báo Đinh Quang Anh Thái tôi cũng đã dự báo mô hình kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn tới khủng hoảng.
Không có nhận xét nào: