Hà Tĩnh: Công An Khởi Tố Vụ Án ‘Gây Rối Trật Tự Công Cộng’ Liên Quan Vụ Việc Phá Dỡ Chợ Kỳ Anh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
16 tháng 11, 2015

Hà Tĩnh: Công An Khởi Tố Vụ Án ‘Gây Rối Trật Tự Công Cộng’ Liên Quan Vụ Việc Phá Dỡ Chợ Kỳ Anh

GNsP (15.11.2015) – Báo Người Lao Động vào ngày 12.11.2015 cho biết nguyên văn: “Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ hình sự vụ án một số đối tượng quá khích có hành vi gây rối gây mất an ninh trật tựại trụ sở UBND thị xã Kỳ Anh vào ngày 10.11.2015.”

Một số ‘đối tượng quá khích’ mà công an Hà Tĩnh nói đến chính là tiểu thương chợ Huyện cũ Thị xã Kỳ Anh đang phản đối nhà cầm quyền địa phương tháo dỡ chợ một cách bất hợp pháp, như GNsP đã loan tin.

Công an xô xát khiến 1 tiểu thương chảy máu đầu và một số người bị thương nhẹ

Bà C., một tiểu thương buôn bán lâu năm tại chợ Huyện cũ, chứng kiến vụ việc ngày 10.11.2015 thuật lại: “Hôm đó, chúng tôi lên Thị xã để đòi hỏi quyền lợi của chúng tôi là tại sao lại áp đảo chúng tôi như thế. Chúng tôi lên đó mong muốn cán bộ giải đáp thắc mắc cho người dân chúng tôi, cán bộ không giải quyết thì chúng tôi biết kêu cứu đến ai bây giờ. Khi chúng tôi lên đến đó thì công an đứng ở cửa chính chắn ngang, khi cán bộ họp xong thì công an mở cửa và xô xát nhân dân, họ mở mạnh cái cửa kính làm đổ máu nhân dân, không tôn trọng người dân một tí nào cả. 4 người bị thương nhẹ được sơ cứu tại chỗ, một người bị thương nặng được đưa đi bệnh viện. Chúng tôi yêu cầu công an lập biên bản và ký vào đó.”

Bà C. cũng khẳng định: “Chúng tôi đi đòi lại quyền lợi của chúng tôi là hoàn toàn đúng, chính cán bộ là người làm sai’.

Một nhân chứng khác là ông N., buôn bán tại chợ Huyện cũ được 23 năm, kể thêm: “Hôm 10.11, tại UBND Thị xã Kỳ Anh họp các Ban ngành đoàn thể để giải phóng mặt bằng và đóng cửa chợ Huyện cũ nên bà con tiểu thương đã rủ nhau lên đó, [bởi vì] chúng tôi nhận thấy việc làm của chính quyền là không đúng nên chúng tôi lên đó để đòi lại quyền lợi. Sau khi các ban ngành họp xong, họ ra về thì bà con đứng trước cổng chính ra vào làm bằng kính của Ủy ban rất đông, công an liền kéo mạnh cái cửa kính đó làm cho 1 tiểu thương bị chảy máu đầu phải đi cấp cứu và 4 tiểu thương khác bị thương. Hiện nay, sức khỏe của những người này đã ổn. [Do đó], chính quyền cho rằng các tiểu thương lên UBND Thị xã để quấy rối là sai, bởi vì chính quyền làm sai nên người dân lên Ủy ban phản đối.”

Kịch bản ‘gây rối trật tự công cộng’ cho tiểu thương

Các tiểu thương chợ Huyện cũ Thị xã Kỳ Anh cho rằng, công an cố tình xây dựng ‘kịch bản’ khởi tố vụ án ‘gây rối gây mất an ninh trật tự’ đối với một số tiểu thương nhằm gây sức ép, tạo nỗi sợ hãi cho các tiểu thương khác để họ chùn bước không được đi khiếu kiện nữa.

Ông N. cho nhận xét: “Nói theo khách quan thì chính quyền sợ chúng tôi đi khiếu kiện nên họ mới khởi tố như thế, thực chất là công an đã gây ra cho một số tiểu thương bị thương. Đây là cách mà chính quyền dùng để cho các tiểu thương không được đi khiếu kiện nữa.”

“Công an làm sai nhưng lại gây sức ép cho các tiểu thương, lẽ ra tiểu thương phải làm đơn tố cáo công an đã xô cánh cửa kính đập vào bà con, khiến họ bị thương. Chúng tôi chưa làm đơn khiếu kiện công an nhưng công an đã khởi tố người dân chúng tôi rồi.” Ông N. nói tiếp.

Tiểu thương kiên quyết giữ chợ

Bà con tiểu thương chợ Huyện cũ Thị xã Kỳ Anh chua xót khi nói rằng, các nhà chức trách không hề quan tâm hay đoái hoài gì đến nỗi thống khổ của những người dân nơi đây khi họ đã đi khiếu kiện từ cấp trung ương đến cấp địa phương, nhưng các quan chức vẫn làm ngơ. Không những thế, nhà cầm quyền đang nắm quyền lực trong tay và họ lợi dụng quyền lực khởi tố một số tiểu thương –là những người dân đen thấp cổ bé miệng, không có tiếng nói- có hành vi ‘gây rối gây mất an ninh trật tự’. Với các áp lực từ phía công quyền đã không làm cho bà con tiểu thương sợ hãi mà tinh thần họ càng ngày mạnh mẽ hơn. Ông N. quả quyết:

“Tinh thần của các tiểu thương càng ngày càng lên cao. Người ta giơ tay thề với nhau là kiên quyết giữ chợ, thà chết tại chợ chứ không đi vào chợ mới mà chết, bởi vì chính quyền làm sai rồi.”

Bà C. bày tỏ: “Tôi mong muốn trung ương xem xét lại cho bà con tiểu thương để họ còn làm ăn sinh sống vì đây là chợ truyền thống lâu đời rồi. Chúng tôi yêu cầu được ở lại chợ và kiên quyết giữ chợ. Ban sáng chúng tôi buôn bán, ban tối chúng tôi ngủ tại chợ để giữ chợ đã hơn 20 ngày rồi. Thời bình cứ như là thời chiến vậy!”.

Hiện nay, công an vẫn ‘ngăn sông cấm chợ’ không cho các tiểu thương buôn bán với người dân tại chợ Huyện cũ Thị xã Kỳ Anh. Đây là lệnh của ông Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh.


Phản ứng của người dân

Một người dân tên là H.T. nói rằng, công an sống từ tiền thuế của nhân dân nhưng lại đi bảo vệ một nhóm lợi ích nhỏ: “Công an vì tiền mà bán rẻ luôn cả lương tâm nghề nghiệp của mình. Lương của công an là do người dân đóng thuế, vậy mà chỉ vì lợi ích của cá nhân mà họ quên đi trách nhiệm cao cả và thiêng liêng là bảo vệ người dân. Họ bị dân chửi, xỉ vả là đúng thôi. Dân bọn tôi tuy không được học nhiều nhưng đúng hay sai thế nào thì chúng tôi biết hết. Tối đến thấy các bà, các mẹ, các chị ngủ vật vờ ở chợ mà đau lòng, thắt ruột. Từ trung ương, tỉnh, huyện, đến thị xã chẳng có một cán bộ vì dân. Ức chế lắm, tức lắm nhưng là người dân thấp cổ bé họng nên không làm được chi. Cán bộ, công an mà lại tầm thường, bỉ ổi và lật lọng hơn cả mấy anh côn đồ.”

Một người dân khác tên là L. nói rằng: “Cán bộ cũng từ dân mà ra, các anh cứ tưởng các anh từ trên trời rơi xuống à. Các anh được làm quan cao cũng là sống bằng tiền thuế người dân chúng tôi mà lại đi không có trách nhiệm với người dân, làm ông to bà nọ rồi chèn ép dân đen chúng tôi. Tôi mong rằng, xã hội này sẽ còn có những người lãnh đạo có lương tâm, có đạo đức và hiểu được luật pháp để những người dân như chúng tôi có niềm tin và có hy vọng.”

Lý do tiểu thương không dời sang chợ mới

Cách đây mấy năm, nhà cầm quyền địa phương triển khai xây dựng một chợ mới có tên là chợ Kỳ Anh với chi phí đầu tư lên đến 72 tỷ đồng.

Đến tháng 04.2015, nhà cầm quyền thông báo chợ đã xuống cấp, không còn khả năng phòng cháy chứa cháy… nên sẽ di dời và giải phóng mặt bằng chợ Huyện cũ, đưa bà con tiểu thương sang chợ mới làm ăn, nhưng các tiểu thương phản đối với lý do sau: Thứ nhất, nhà cầm quyền địa phương chưa có cuộc họp nào với các tiểu thương, để xem ý kiến của họ như thế nào về việc chuyển sang chợ mới. Thứ hai, nhà cầm quyền địa phương làm giả văn bản ‘tham vấn cộng đồng’ với nhiều chữ ký của các tiểu thương đồng ý sang chợ mới. Thứ ba, chợ mới cách xa khu dân cư. Thứ tư, tại chợ mới, giá sạp quá cao các tiểu thương không đủ tiền mua. Thứ năm, đường giao thông ở chợ mới nguy hiểm, chợ mới chưa đưa vào hoạt động nhưng đã có ba tai nạn xảy ra và đường xá không có điện.

Ông N. cho biết: “Có hơn 100 tiểu thương đã mua kiốt của chợ mới, nhưng vào đó không buôn bán gì được nên họ đã kiện chính quyền vì đã lừa dối họ.”

Nguồn gốc chợ

Trước đây, chợ Huyện cũ còn gọi là chợ Hôm có từ thời Pháp và sau này được đổi tên là chợ Huyện Kỳ Anh hoặc chợ Huyện cũ với diện tích là 8000 m2.

Vào năm 1994, chợ Huyện cũ xuống cấp nên nhà cầm quyền cho xây dựng lại chợ. Sau đó, cứ ba năm, các tiểu thương phải đóng tiền mua kiốt và sau này thì cứ một năm phải đóng cho họ một lần.

Hiện tại, nhà cầm quyền địa phương đang sử dụng chiêu bài ‘cấm người dân, cán bộ, học sinh…’ mua hàng hóa ở chợ Huyện. Chiêu bài này cũng được UBND huyện Di Linh áp dụng “cấm cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, người lao động của các cơ quan trong địa phương đi chợ, mua sắm tại khu vực chợ cũ Di Linh” nhằm buộc tiểu thương di dời chợ. Văn bản cấm này được chính truyền thông của đảng gọi là ‘lạ đời’.

Huyền Trang, GNsP
Hà Tĩnh: Công An Khởi Tố Vụ Án ‘Gây Rối Trật Tự Công Cộng’ Liên Quan Vụ Việc Phá Dỡ Chợ Kỳ Anh Reviewed by Unknown on 11/16/2015 Rating: 5 GNsP (15.11.2015) – Báo Người Lao Động vào ngày 12.11.2015 cho biết nguyên văn: “Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ hình sự vụ...

Không có nhận xét nào: