Tổng Hợp Ý Kiến Của Các Đại Biểu Về Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, Ngày 13/11 - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 11, 2015

Tổng Hợp Ý Kiến Của Các Đại Biểu Về Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, Ngày 13/11

Dưới đây là ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, ngày 13/11, thảo luận Luật Tín ngưỡng Tôn giáo Việt Nam. Đa số các đại biểu cho rằng dự thảo luật vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.

Đại biểu Vĩnh Long
ĐB Nguyễn Thanh Bình cho rằng: “ Dự thảo luật quy định, người tín ngưỡng, tín đồ tôn giáo, người bị tạm giữ, tam giam, đang chấp hành hình phạt tù có quyền sử kinh sách tín ngưỡng tôn giáo. Việc này tôi cho là không phù hợp, bởi nếu họ mang kinh sách vào nơi tạm giam, tạm giữ đọc thì chấp nhận được, còn nếu họ đòi tụng kinh, gõ mỏ sẽ giải quyết thế nào, cần hết sức cân nhắc.

Còn việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo, không nên kéo dài thời gian quy định. Người theo tôn giáo có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo tôi đề nghị cần phải có cấp huyện trở lên xác nhận chứ không để cấp xã, vì chưa đủ trình độ chuyên môn. Còn nếu cấp xã chấp thuận thì phải xin ý kiến cấp huyện.”

ĐB Nguyễn Văn Thanh cho rằng: Riêng Luật TNTG, tôi cho còn chung chung. Bởi người theo tín ngưởng khá đông, có tổ chức có nguyên tắc. Tuy nhiên, thực tế có nhiều tranh chấp, nội bộ, kinh tế, tài chính, đất đai..cần quy định rõ để có những chế định. Tôn giáo tôi đề nghị đưa về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý phù hợp hơn.

ĐB Lưu Thành Công: “Trong dự thảo Luật TNTG các hiến chương, điều luật rất nặng nề, có hơn 20 lần nhắc tới việc các tổ chức tôn giáo, tổ chức phải xin phép khi thảo luận các hoạt động tín ngưỡng giáo lý pháp luật của mình. Đề nghị ban soạn thảo thực hiện đúng tinh thần quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong tờ trình. Trong Điều 2, có 3 khái niệm về giải thích từ ngữ tôi cho chưa thỏa đáng.
Khái niệm “nhà tu hành”- là tín đồ tự nguyện thực hiện thường xuyên nếp sống riêng theo giáo lý, giáo luật của tôn giáo. Thực tiễn chưa đúng, vì có nhiều tín đồ theo đạo, thực hiện tốt giáo lý, giáo luật và rất ngoan đạo, thờ cúng tại nhà nhưng không tu hành, họ tìm đến đạo pháp để tìm sự yên bình. Giải thích vậy không phù hợp.

Còn chức sắc, chức việc ở đây gộp chung lại cũng không đúng. Chức sách là chức phẩm được quy định trong Hiến chương giáo luật tôn giáo, căn cứ vào thời gian cống hiến, đức độ mà sắc phong.

Nhà nước không có quyền can thiệp vào, còn chức việc là người bầu cử, suy tôn, đại diện tôn giáo thực hiện mối quan hệ tôn giáo với chính quyền. Trước bầu cử có hiệp y, sau bầu cử có phê chuẩn của mặt trận tổ quốc, việc kỷ luật phải có sự đồng ý cơ quan Nhà nước. 2 khái niệm này khác hoàn toàn nên không thể gộp chung, cần nghiên cứu.

Cũng trong dự thảo luật này, cơ sở tôn giáo là nơi thờ tự, đào tạo người tôn giáo. Không đúng, vì đối với người tu tại gia thì nhà là nơi thờ tự của họ.”

ĐB Phạm Tất Thắng nhận xét: “Tín ngưỡng và tôn giáo là 2 phạm trù khác nhau, vì vậy phải tách ra và làm rõ 2 khái niệm này. Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là phù hợp. Tuy nhiên, quản lý luật này còn mang tính chất xin- cho, cần hạn chế. Về cơ quan quản lý nhà nước, hiện có 2 cơ quản lý khác nhau.

Tôn giáo hiện do Bộ Nội vụ quản lý, còn luật tín ngưỡng, chủ yếu lễ hội cùng với di tích công nhận xếp hạng do Bộ Văn hóa thể thao và du lịch quản lý. Tôi cho rằng nên giao Luật Tôn giáo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý thì phù hợp hơn, tạo đầu mối gọn nhẹ, tránh phân tán.”
(Nguồn: http://www.baovinhlong.com.vn/…/tao-hanh-lang-phap-ly-dam…/… )

Đại biểu Quảng Ninh, Hải Dương
Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng: Cần tách tôn giáo và tín ngưỡng thành 2 chương, bởi tín ngưỡng có từ lâu đời, ra đời rất sớm cùng với sự xuất hiện của loài người. Do đó, quản lý tín ngưỡng đồng nhất với quản lý tôn giáo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi cơ sở tín ngưỡng không phải là nơi của một tập thể người, một cộng đồng người hay nhà nước xây dựng lên, mà do tư gia xây dựng.

Ngoài ra, có các đền thờ linh thần như: thờ thần núi, thần biển… và người quản lý các đền không phải chức sắc tôn giáo, năm nay quản lý đền này, năm sau có thể nghỉ để người khác thay. Đồng thời, tín ngưỡng là nội sinh, không phải do ngoại nhập và gắn chặt chẽ với đời sống người Việt, do tâm tư người Việt tôn thờ và xây dựng. Vì vậy, nếu ghép quản lý tín ngưỡng với quản lý tôn giáo sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, Ban soạn thảo cần dẫn khoản 3 của Điều 24 Hiến pháp năm 2013 vào Điều 3 của dự thảo Luật.

Theo đại biểu, đối với quy định của Nhà nước về quản lý hoạt động tôn giáo phải xác định tạo thuận lợi nhưng không buông lỏng quản lý để phát huy được giá trị văn hóa của các tôn giáo. Đại biểu cũng cho rằng, công tác quản lý tôn giáo được thiết kế khá chi tiết, cụ thể, với xu hướng Nhà nước "với tay" sâu vào hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và hành chính hóa thêm nhiều quy định. Vì vậy, cần có sự rà soát kỹ nội dung này và thiết kế theo hướng tôn trọng quyền tự quyết của tôn giáo và tổ chức tôn giáo.

Đồng thời, vấn đề quản lý tôn giáo, dự thảo luật quy định một số thủ tục phát sinh không cần thiết, khó thực hiện trong thực tế. Đại biểu Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh: Một số thủ tục phát sinh thêm sẽ không thực hiện được khi triển khai trong thực tế. Điều 9 quy định các cơ sở tôn giáo hàng năm gửi bản đăng ký lần đầu, kế hoạch hoạt động tới UBND cấp xã.

Đại biểu đặt câu hỏi, đình, đền, miếu, nhà thờ chi, nhà thờ gia đình… có được coi là cơ sở tín ngưỡng không và hàng năm có phải đăng ký với UBND xã? Và UBND cấp xã căn cứ vào đâu để công nhận hay không công nhận khi mà hoạt động tín ngưỡng đa dạng như vậy?

(Nguồn:http://www.bienphong.com.vn/cac-quy-dinh-phai-ton…/35044.bbp )

Đại biểu Đà Nẵng
Về Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị trong phần nội dung cần tách bạch các quy định liên quan đến tín ngưỡng và các quy định liên quan đến tôn giáo, không nên ghép chung hai khái niệm này vào một nội dung như dự thảo Luật.

Theo ĐB Thân Đức Nam, mặc dù cụm từ “tôn giáo” có nội hàm tín ngưỡng và nền tảng tồn tại của tôn giáo là từ tín ngưỡng, nhưng tôn giáo hoàn toàn khác với tín ngưỡng. Vì tín ngưỡng gắn liền với truyền thống văn hóa, lịch sử của một dân tộc, đất nước với nhiều loại hình hoạt động, mà phổ biến là thờ cúng tổ tiên, cúng đền, lễ hội dân gian...

Tín ngưỡng là tâm linh nên không thể quản lý, mà chỉ hạn chế, khắc phục các hành vi mang tính chất mê tín, dị đoan, gây tác động xấu đến đời sống xã hội. Trong khi đó, tôn giáo được tổ chức thành những tổ chức chặt chẽ. Nhiều tôn giáo mang tính quốc tế, có ảnh hưởng đến xã hội mạnh mẽ, đôi khi ảnh hưởng đến cả hệ tư tưởng của một quốc gia. Có tôn giáo thành quốc giáo như các nước hồi giáo, nên cần đặt ra một khuôn khổ pháp lý để các tôn giáo hoạt động, bảo đảm quyền của những người theo hoặc không theo tôn giáo như Điều 24 Hiến pháp đã quy định.

Về công nhận tổ chức tôn giáo và pháp nhân tôn giáo quy định tại các Điều 18, 19, 20, 21, ĐB đề nghị xem lại điều kiện “hoạt động ổn định trong 10 năm”, vì thiếu thuyết phục. Bởi thời gian 10 năm không có cơ sở khoa học nào để xác định. ĐB cho rằng, nếu một loại tôn giáo nào đó đã tồn tại, hoạt động ít hơn 10 năm, tức là trước khi đủ điều kiện để công nhận, thì trong thời gian này có xem là hoạt động bất hợp pháp không? Do đó, ĐB đề nghị nghiên cứu, quy định lại các điều luật này.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị luật quy định rõ việc có cho phép tổ chức, cá nhân tôn giáo mở trường tư, bệnh viện tư không? Đồng thời, ĐB đề nghị bổ sung các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ cũng được thực hiện các hoạt động y tế, bảo trợ xã hội với tư cách cá nhân như pháp lệnh hiện hành, miễn sao việc thực hiện các quyền này của cá nhân tôn giáo không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác như quy định tại Khoản 4 Điều 15 Hiến pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) nhận định, thời gian qua các tôn giáo đã làm được nhiều việc tốt, phát huy có hiệu quả tinh thần tốt đời, đẹp đạo. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, các thế lực thù địch đang tích cực lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại. Do đó, ĐB đề nghị Ban soạn thảo cần chỉ ra được mặt trái của tín ngưỡng, tôn giáo để điều chỉnh, quản lý, đảm bảo các tín ngưỡng, tôn giáo đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, ĐB cũng nhất trí với nhiều đại biểu khác, đề nghị luật quy định tín ngưỡng riêng, tôn giáo riêng nhằm thể hiện rõ tính độc lập, riêng biệt giữa hai chế định này.
(Nguồn:http://cadn.com.vn/…/102_140340_ky-ho-p-thu-10-quo-c-ho-i-k… )

Đại biểu Bình Định
Thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng tôn giáo, ĐB Trần Du Lịch cho biết sau khi đọc báo cáo thẩm tra dự luật này, ông cảm nhận dự luật có thể sẽ bị phá sản bởi có quá nhiều quy định chưa hợp lý. Theo đại biểu này, quyền tự do tín ngưỡng là quyền con người. Khi triển khai Hiến pháp 2013, một số quyền con người đã được thể chế hóa rất tốt, chẳng hạn như quyền tự do kinh doanh. “Quyền tự do báo chí và tự do tín ngưỡng tôn giáo làm sao phải tương xứng với nguyên tắc về quyền con người là: được làm những gì mà luật không cấm, giống như quyền tự do kinh doanh. Chúng ta đưa đủ thứ chuyện như thế này là không ổn. Luật chỉ cần quy định thứ nhất là tín ngưỡng tôn giáo cái gì cấm, thứ hai cái gì hoạt động có điều kiện” – ĐB Trần Du Lịch góp ý.

Theo ĐB Nguyễn Phước Lộc, chúng ta luôn muốn tín ngưỡng tôn giáo hoạt động theo hướng “tốt đời đẹp đạo”, đồng hành cùng dân tộc. Muốn vậy phải tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do tôn giáo. Không thể xây dựng luật lại tạo ra quá nhiều rào cản cho hoạt động tín ngưỡng tôn giáo. ĐB Nguyễn Phước Lộc cũng lưu ý rằng một số nội dung luật còn né tránh, chẳng hạn như vấn đề đất đai liên quan đến tôn giáo, trong khi đây là vấn đề đang ngày càng diễn biến phức tạp, khiếu kiện…
(Nguồn: http://www.baobinhdinh.com.vn/viewer.aspx… )

Đại biểu Thanh Hóa, Hải Dương, Hà Nam
Nhất trí với quan điểm “mọi tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”, song đại biểu Lê Minh Thông, đoàn Thanh Hóa cho rằng, những nội dung quy định trong luật phải cụ thể hóa được quan điểm này: “Mọi tôn giáo bình đẳng trước pháp luật có nghĩa là về phương diện xã hội là phải ứng xử với các tôn giáo như nhau. Không có tôn giáo nào đứng trên tôn giáo nào, phải khẳng định được quan điểm đó. Thứ hai là ứng xử của Nhà nước phải bình đẳng. Nếu không tôn giáo khác người ta nói luật quy định tôi bình đẳng trước pháp luật và tôi bình đẳng trước Nhà nước. Điều này phải rõ. Doanh nghiệp có thể người ta ủng hộ cho nhà chùa hoặc ủng hộ cho nhà thờ, nhưng nhà nước là phải giống nhau. Phải làm rõ chỗ này. Dự án luật chưa rõ lắm”.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương cho rằng, để quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, không nên phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Đại biểu Phạm Xuân Thăng nêu ý kiến: “Các cơ sở tín ngưỡng hàng năm phải báo cáo với ủy ban cấp xã về các hoạt động diễn ra trong năm, cơ sở tín ngưỡng đó hoạt động gì, nội dung ra sao, thời gian thế nào, đối tượng ra sao. Một là người ta sẽ không làm, nếu có làm ủy ban cấp xã sẽ không biết đằng nào là có công nhận hay không công nhận. và cũng chỉ là hình thức. Tương tự như vậy, các cơ sở tôn giáo hàng năm phải đăng ký hoạt động của mình đối với ủy ban nhân dân cấp xã và được ủy ban cấp xã cho phép mới được hoạt động theo đăng ký này. Tôi thấy cái này phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết, tôi đề nghị rà soát lại những thủ tục hành chính mới phát sinh mà làm phức tạp hóa thêm quan hệ giữa nhà nước với các cơ sở tôn giáo theo tôi nên bỏ”.

Đại biểu Lê Văn Tân, đoàn Hà Nam nói: “Nếu trong 1 nhà thờ, 1 ngôi chùa, vị linh mục, nhà sư giảng đạo sai, sai tôn chỉ mục đích của tổ chức tôn giáo đó, thì cái này sai phạm của ai?Trong cái này nếu vi phạm mục 5 điều 6 là thu hồi đăng ký hoạt động. Nếu xác định như vậy đây là hành vi sai, của vị linh mục hoặc nhà sư là cá nhân. Ghép sai như vậy thu hồi hoạt động đăng ký hoạt động tôn giáo là không đúng. Phân biệt rõ hành vi này của cá nhân hay tổ chức. Nếu hành vi tổ chức thu hồi đăng ký, đình chỉ hoạt động, còn cá nhân thì xử phạt cá nhân đó”
(Nguồn:http://vovgiaothong.vn/…/quoc-hoi-thao-luan-du-an-lu…/179965 )

Đại biểu Thừa Thiên-Huế, Bà Rịa-Vũng Tàu, Sơn La, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu
Thảo luận Luật tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu Hòa Thượng Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên-Huế), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phùng Khắc Đăng (Sơn La) nhất trí về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo để tiếp tục thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo; cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; nội luật hóa các Điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập

Về lĩnh vực tín ngưỡng, các đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận), Nguyễn Tấn Tuân (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Bạch Ngân (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, tên gọi cũng như phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã bao quát cả lĩnh vực tín ngưỡng song chưa giải thích rõ thuật ngữ “tín ngưỡng” được sử dụng trong phạm vi dự thảo Luật này.

Nội dung về tín ngưỡng trong dự thảo Luật còn đơn giản, sơ sài, chưa bao quát được đầy đủ hoạt động tín ngưỡng đang diễn ra một cách đa dạng và phức tạp như hiện nay.

Dự thảo Luật mới đề cập đến các cơ sở tín ngưỡng và hoạt động tín ngưỡng tại các cơ sở này mà chưa làm rõ các hình thức tín ngưỡng khác nhau. Thực tiễn hoạt động tín ngưỡng hiện nay đang hình thành các thiết chế tương tự như tôn giáo, có tổ chức, quy tắc, lễ nghi… song dự thảo Luật còn thiếu các quy định điều chỉnh những nội dung này.

Lễ hội tín ngưỡng các cấp được tổ chức trên phạm vi cả nước với quy mô, hình thức và nội dung hoạt động đa đạng; quá trình tổ chức lễ hội cũng phát sinh nhiều tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận đòi hỏi phải có những quy định pháp lý chuyên biệt để điều chỉnh.

Do đó, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu để bổ sung những quy định cụ thể về lĩnh vực này, nhằm bảo đảm hoạt động tín ngưỡng vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tinh thần của một bộ phận lớn quần chúng nhân dân, vừa phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời hạn chế các hoạt động tín ngưỡng lạc hậu, thiếu tính nhân văn.

Góp ý về các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu cho rằng cần thiết phải quy định nội dung này trong dự thảo Luật, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời làm căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, một số hành vi bị nghiêm cấm còn khái quát, khó định lượng. Mặt khác, dự thảo Luật mới chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân; hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức; do vậy, sẽ dễ dẫn đến việc áp dụng tuỳ tiện và khó xác định chế tài xử lý. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng quy định này cũng như pháp luật có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Ngân đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm việc cấm lợi dụng quyền tự do tôn giáo để hoạt động mê tín dị đoan, xâm hại thuần phong mỹ tục. Đồng quan điểm, đại biểu Trương Minh Chiến (Bạc Liêu) đề nghị cần thiết lập thêm các hành vi bị nghiêm cấm để không lợi dụng tự do tín ngưỡng vào hoạt động mê tín dị đoan, chuộc lợi.

(Nguồn:http://www.vietnamplus.vn/can-luat-hoa-chi-tiet-…/355088.vnp )

Đại biểu TP HCM: Điều 11 của Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có các quy định về tổ chức lễ hội tín ngưỡng. Quan tâm nội dung này, một số đại biểu cho rằng, luật còn đặt ra nhiều quy định rườm rà, chưa rõ ràng, thậm chí nặng cơ chế “xin-cho”. Vì vậy, Ban soạn thảo nên tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung nội dung này theo hướng đơn giản, rõ ràng, quy định cụ thể các cơ quan chức năng sẽ trả lời việc tổ chức lễ hội như thế nào, trong thời gian bao lâu. Không nên đặt ra quá nhiều quy định nhưng không thể triển khai trong thực tế cuộc sống. Có đại biểu nêu rõ, Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo chưa có nhiều đổi mới về quản lý hoạt động tôn giáo, chưa đáp ứng được thực tế.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, có một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo chưa rõ ràng về tư cách pháp nhân, cho nên gặp nhiều khó khăn, trở ngại khi giải quyết những công việc trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, Dự thảo luật cần có những quy định xác định rõ tư cách pháp nhân của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Có đại biểu đề nghị tên gọi của luật là: Luật Tổ chức, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ đúng với nội dung xuyên suốt của Dự thảo luật; tuy nhiên, có đại biểu cho rằng, tên gọi là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo như Chính phủ trình đã rõ ràng và đầy đủ.
(Nguồn:http://www.nhandan.com.vn/…/27970202-quan-tam-bao-ve-va-gia… )

Đại biểu Thừa Thiên-Huế, Sơn La, Hải Dương, KonTum : Các ĐB Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế), Phùng Khắc Đăng (Sơn La), Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương)… cũng chỉ rõ, việc hiểu sai về bản chất của tín ngưỡng, tôn giáo đã khiến cơ quan soạn thảo chưa xác định được cách thức quản lý phù hợp. Thực tế, tín ngưỡng và tôn giáo là con đường sống, đi vào giáo dục văn hóa sống cho mỗi cá nhân, nên sẽ bị vênh nếu như áp dụng cách thức của một tổ chức hành chính như quy định trong Dự thảo Luật. Nếu áp dụng cách thức quản lý như Dự thảo Luật quy định sẽ phải chỉ ra và nêu rõ hướng điều chỉnh với từng hoạt động, mà tín ngưỡng và tôn giáo lại có rất nhiều hoạt động, thậm chí là những hoạt động phức tạp

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là những quyền mang yếu tố tinh thần, tâm linh, nên lẽ đương nhiên quản lý nhà nước phải mang tính đặc thù. Nếu áp dụng cứng nhắc cách quản lý như với một tổ chức hành chính, mang nặng tính kiểm soát, áp đặt xin - cho trong Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thì sẽ không thực hiện được mục tiêu ban đầu của việc xây dựng Dự thảo Luật này. Mặt khác, ĐB Phạm Thị Trung (Kon Tum) chỉ rõ, khi giải quyết các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ quan quản lý nhà nước hiện đang ưu tiên sử dụng các biện pháp tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, chỉ sử dụng cưỡng chế và quyết định hành chính trực tiếp với những vi phạm nghiêm trọng. Thực tế như vậy thì cớ gì khi soạn thảo các điều luật để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Nhà nước với tín ngưỡng, tôn giáo lại không chú trọng các biện pháp vận động, hướng dẫn, hạn chế sử dụng biện pháp cưỡng chế? - ĐB Phạm Thị Trung nên vấn đề.
(nguồn: http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx… )

Đại biểu Khánh Hòa:
Tham gia ý kiến đối với dự thảo Luật tín nguõng tôn giáo, đ/c Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ sự đồng tình với dự thảo luật và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội; đ/c đánh giá cao sự ra đời của luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đảm bảo quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng của công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013 cũng như tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Đồng chí đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn nữa khái niệm tín ngưỡng để phân biệt với mê tín dị đoan; đề nghị luật cần quy định cụ thể hơn về việc xây cất cơ sở thờ tự, đăng ký hoạt động tôn giáo để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động tuân thủ theo pháp luật.

Góp ý cho dự thảo luật này, đại biểu Đặng Đình Luyến – Phó Chủ nhiêm Ủy ban pháp luật đề nghị Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo và nên giao cho Bộ Nội vụ thống nhất phụ trách công tác này.
(Nguồn:http://daibieunhandankhanhhoa.gov.vn/… )

Đại biểu Bắc Giang: Thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng tôn giáo, nhiều đại biểu cho rằng đối với các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 6 (Dự thảo) là điểm mới so với Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo, tạo cơ sở pháp lý để người dân biết mình được làm gì, không được làm gì, đồng thời là căn cứ để cơ quan chức năng quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Tuy nhiên, một số hành vi nghiêm cấm tại Điều 6 dự thảo còn khái quát, khó định lượng như hành vi "xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của người theo tín ngưỡng, tôn giáo" (Khoản 3), "cản trở tổ chức, cá nhân thực hiện hoặc tham gia hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp" (khoản 4) hay quy định "lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để: trục lợi" (điểm d,khoản 5) sẽ rất khó chứng minh và xác định trong thực tế.

Mặt khác, các hành vi nghiêm cấm tại Điều 6 lại được dẫn chiếu trong các trường hợp thu hồi đăng ký hoạt động tôn giáo (Điều 16), tạm đình chỉ hoạt động tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc (khoản 1, Điều 28), tạm đình chỉ hoạt động đào tạo của cơ sở tôn giáo (khoản 1, Điều 29). Việc quy định không cụ thể, rõ ràng các hành vi này có thể dẫn đến khó xác định trong trường hợp cụ thể, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện trong thực tế, hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân

(Nguồn:http://baobacgiang.com.vn/…/tan-thanh-nang-do-tuoi-tre-em-l… )
(Ảnh Báo Nhân Dân)
Tổng Hợp Ý Kiến Của Các Đại Biểu Về Dự Thảo Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo, Ngày 13/11 Reviewed by Unknown on 11/15/2015 Rating: 5 Dưới đây là ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13, ngày 13/11, thảo luận Luật Tín ngưỡng Tôn giáo Việt Nam. Đa số cá...

Không có nhận xét nào: