Đừng Để Chết Vì Thiếu Hiểu Biết! - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
15 tháng 11, 2015

Đừng Để Chết Vì Thiếu Hiểu Biết!

Trong những ngày qua những thông tin về cuộc chiến thắng của đảng Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi trước đảng Cầm Quyền Myanma đã thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận thế giới. Dưới những bản tin về sự kiện này có rất nhiều những lời chúc mừng cho nền dân chủ mới của đất nước Myanma. Mọi người hy vọng rằng chiến thắng này sẽ mở ra một trang lịch sử rực rỡ cho nhân dân và đất nước Myanma, bởi lẽ người lãnh đạo cuộc chiến thắng này- bà Aung San Suu Kyi- là người từng đoạt giải Nobel Hòa Bình từ năm 1991 và đã trở thành biểu tượng cho ước vọng dân chủ của người dân Myanmar, chắc chắn sẽ đem lại hạnh phúc cho người dân

Trong bài viết “ Vì sao Myanmar lại thành công?” Tác giả Paulus Lê Sơn có chia sẻ một nhận định về các bạn trẻ của Myanma như sau : “Các bạn trẻ Myanmar nhìn nhận được vấn đề chính trị và xã hội ở tuổi đời còn rất trẻ. Và họ đã không ngần ngại đấu tranh rất kiên cường, rất sáng tạo. Hầu như họ nói tiếng Anh rất tốt. Có quan hệ với các nhóm, tổ chức xã hội trong nước rất rộng. Phải nói là kiến thức của các bạn rất tuyệt vời, không chỉ am hiểu tường tận về lịch sử nước nhà mà lịch sử về thế giới hay trong khu vực ASEAN cũng rất thấu đáo. Họ nói về các lãnh tụ thực sự vĩ đại trên thế giới như nắm trong lòng bàn tay”.

Như vậy, một trong những chìa khóa để mở cửa cho sự thành công đó là kiến thức. Và điều kiện không thể thiếu để có kiến thức là chúng ta phải yêu thích việc đọc sách. Với sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, trong thời buổi @ này, việc thu nhập thông tin, kiến thức không đòi buộc chúng ta phải có một cuốn sách. Ngược lại, chúng ta dễ dàng tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại qua mọi thời đại bằng nhiều phương tiện, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Vấn đề là chúng ta có tinh thần ham học hỏi hay không mà thôi.

Trong bài “Thanh Niên Việt Nam đang đọc gì?” đăng trên báo Dân Trí vào ngày 09-01-2013, tác giả Thanh Huyền nhận định về tình trạng văn hóa đọc đang xuống cấp một cách thê thảm trong giới trẻ VN, nhất là học sinh, sinh viên như sau: “Văn hóa đọc xuống cấp, mai một từ chục năm trở lại đây vẫn luôn là một trăn trở của thế hệ đi trước, của những người làm giáo dục, các văn nghệ sĩ… Ngày nay cụm từ “đọc sách” không biết được xếp thứ vô cùng nào trong cái danh sách học tập, giải trí của thanh niên khi bên cạnh họ xuất hiện đủ các công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, chất lượng của “văn hóa đọc” ở việc chọn thể loại sách đọc cũng thảm hại không kém”. Và hệ quả của việc lười đọc hoặc chỉ đọc những loại sách không có giá trị về mặt văn chương, tư tưởng, chỉ quan tâm đến những bài viết khêu gợi tính thị hiếu, tò mò vào đời sống riêng tư của những ngôi sao nghệ thuật đã khiến đại bộ phận dân chúng, đặc biệt là giới trẻ trong xã hội ngày nay không “am hiểu tường tận về lịch sử nước nhà” chứ chưa nói đến việc nắm bắt “một cách thấu đáo về lịch sử về thế giới hay trong khu vực ASEAN ” như các bạn trẻ Myanma.

Hẳn là chúng ta vẫn chưa quên phần ứng xử hồn nhiên của người đẹp tỉnh Đồng Nai trong đêm Chung kết cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014 diễn ra vào tối 25/5 tại TP. Phan Thiết. Với câu hỏi của người mẫu quốc tế Elizabeth Thủy Tiên là: "Trước việc xâm phạm chủ quyền Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc với việc đặt giàn khoan 981 vào vùng biển VN, em có suy nghĩ thế nào?" Người đẹp mang SBD 18 đã trả lời: "Khi biết về việc Trung Quốc đặt giàn khoan 981 tại vùng biển Việt Nam mình, em cảm thấy rất là bức xúc, nó xâm phạm về lãnh thổ, về vùng kinh tế của đất nước Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra, và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn" (Thí sinh hoa hậu Việt trả lời ngô nghê về giàn khoan 981 - news.zing.vn )

Đứng trước thực trạng này, hội sinh viên Việt Nam đã đưa ra chương trình Sinh viên với biển đảo tổ quốc năm 2014, khởi đầu cho một loạt hoạt động nhằm nâng cao kiến thức về biển đảo cho giới trẻ. Vì thế, sáng 12/5, trong buổi họp báo chương trình Sinh viên với biển đảo Tổ quốc năm 2014, ông Bùi Quang Huy Phó chủ tịch trung ương Hội sinh viên Việt Nam bày tỏ: “Việc các sinh viên thể hiện quan điểm cá nhân về tình yêu nước, chủ quyền biển đảo là điều hoàn toàn đúng đắn và cần được khuyến khích. Nhưng để có thể bảo vệ lý lẽ của mình, các bạn phải hiểu biết về pháp lý, lịch sử vấn đề biển đảo” ( Giới trẻ phải hiểu rõ Trung Quốc sai ở chỗ nào' - BaoDoi.com )

Và khi được trang bị kiến thức về pháp lý, lịch sử, giới trẻ sẽ có những nhận thức đúng đắn về tình trạng bị đe đọa về chủ quyền biển đảo của Việt Nam hiện nay. Họ sẽ nhận ra bản chất thực sự trong những tuyên bố “ gọi là "xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, kiểm soát và xử lý bất đồng thông qua thương lượng hòa bình" khi Việt Nam đặt vấn đề đàm phán, giải quyết các mâu thuẫn tồn tại giữa hai nước ở Hoàng Sa cũng như với các bên khác ở Trường Sa, Biển Đông” trong chuyến viếng thăm vừa qua của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình như đánh giá của trang Giáo Dục Việt Nam chỉ là “chót lưỡi đầu môi”, khi mà “phát biểu tại Đại học Quốc gia Singapore sau khi đến thăm đảo quốc Sư tử hôm 6/11 kế tiếp chuyến thăm chính thức Việt Nam, ông Tập Cận Bình lại lặp lại tuyên bố sai trái cho rằng "các đảo ở Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc từ thời cổ đại" và Bắc Kinh sẽ phải bảo vệ cái gọi là chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình”. (Chót lưỡi đầu môi- Giáo Dục Việt Nam ngày 06-11-2015) .

Đằng khác, “Trong thực tế, chúng ta đang sống trong một xã hội đầy dẫy bất công và áp bức, một xã hội phẩm giá và nhân quyền bị chà đạp” như nhận định của cha Vinh Sơn – cựu Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, thì việc thu nạp kiến thức về chính trị, xã hội để có những nhìn nhận đúng đắn về lĩnh vực này như các bạn trẻ Myanma càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Vì đó là lý do khiến họ đã thành công trong việc đưa đất nước họ thoát khỏi sự điều hành của đảng Cầm Quyền Myanma. Những ngày qua các giới truyền thông nóng lên với những thông tin liên quan đến vụ việc ngày 3/11/2015, luật sư Lê Văn Luân và Trần Thu Nam trên đường đến nhà bà Đỗ Thị Mai - mẹ của Đỗ Đăng Dư, thiếu niên 17 tuổi bị đánh chết sau khi bị tạm giam 2 tháng – để tác nghiệp. Khi ra về, hai luật sư bị 8 người lạ mặt bịt khẩu trang chặn ô tô tấn công tại khu vực huyện Chương Mỹ, xã Đông Phương Yên, Hà Nội. Mặc dù theo luật sư Lê Văn Luân, trong lúc công an lập biên bản anh có nhận ra kẻ đánh mình nhưng có người bảo tên này đi chỗ khác, thế nhưng chiều 10/11 Công an Hà Nội đã tổ chức họp báo công bố về thông tin điều tra về vụ hành hung và mô tả nguyên nhân hai luật sư bị đánh là do “xe chạy gây dính bụi”. Theo tờ nld.com.vn thì “giới luật sư và cả đại biểu Quốc hội đều tỏ ra không đồng tình với kết luận của Công an TP Hà Nội về việc 2 luật sư bị 8 đối tượng hành hung là do làm bắn bụi bẩn” và vì thế dự kiến là sẽ có khoảng 200 luật sư sẽ tuần hành đến đến Bộ tư pháp, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao và Công an TP. Hà Nội, theo thông báo từ luật sư Trần Thu Nam. Nhiều ý kiến cho rằng trong vụ việc này, công an Hà Nội đã “gặm phải xương Voi”, bởi lẽ đối tượng mà họ đang muốn thực hiện những kịch bản theo ý của họ là các luật sư- tức những người hiểu biết rất rõ về luật pháp. Dĩ nhiên, trong một xã hội mà “Công Lý chỉ là một diễn viên hài” đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng và trong thực tế việc “ngồi xổm” trên luật là hành động khá bình thường của một bộ phận không nhỏ của những “đầy tớ nhân dân” trong bộ máy chính quyền tại Việt Nam hiện nay thì chúng ta cũng không lường trước được chuyện đổi trắng thay đen ở chốn công đường. Tuy nhiên, dẫu sao thì phản ứng của những người biết cách đấu tranh cho công lý và sự thật, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc ngăn chận sự thao túng của dối trá và độc ác .

Một thực tế không thể phủ nhận là đã một thời gian khá lâu, một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam thậm chí còn không hiểu biết về những quyền căn bản của con người rằng “tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ xin-cho” ; rằng thực thi quyền tự do ngôn luận là điều kiện không thể thiếu để có phản biện xã hội, vì người dân chỉ có thể phát triển dân trí của mình sau khi tiếp cận được nhiều quan điểm, nhiều thông tin khác nhau trong cùng một sự kiện; rằng sự thiếu vắng xã hội dân sự chính là lý do trong xã hội ngày nay các giá trị cá nhân của con người không được tôn trọng vv và vv… Và vì không biết nên cứ “ngu si hưởng thái bình” hoặc ngay khi bản thân phải chịu đựng sự áp bức bất công, người dân không có khả năng phản ứng bởi tự trong vô thức họ đã hình thành một sự chấp nhận.

Đã qua rồi cái thời mà vấn đề tiếp cận thông tin, kiến thức của con người giống như con Ngựa bị bịt mắt, chỉ biết cắm đầu chạy về cái hướng mà người chủ đã điều khiển. Thiên Chúa đã ban cho con người những lợi ích và tiện nghi mới qua các phương tiện truyền thông rất hiện đại. Chúng ta không thể và không cho phép bản thân được mù thông tin, thiếu kiến thức. “Tri thức là sức mạnh ”. Muốn có sức mạnh đó hãy trang bị cho mình một “văn hóa đọc ”. Đừng dễ dãi với bản thân khi chọn lựa món ăn tinh thần này vì nó sẽ là hình chiếu giá trị tự thân của chúng ta. Hãy sử dụng nén bạc Chúa ban một cách có hiệu quả để góp phần làm cho chúng ta “được sống và sống dồi dào” như lòng Chúa mong ước. Và nếu có chết thì cũng “ đừng để chết vì thiếu hiểu biết”.

Điền Phương Thảo

Đừng Để Chết Vì Thiếu Hiểu Biết! Reviewed by Unknown on 11/15/2015 Rating: 5 Trong những ngày qua những thông tin về cuộc chiến thắng của đảng Liên Minh Quốc Gia vì Dân Chủ dưới sự lãnh đạo của bà Aung San Suu Kyi ...

Không có nhận xét nào: