Hiệp thông cầu nguyện với Thái Hà - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
18 tháng 10, 2011

Hiệp thông cầu nguyện với Thái Hà


I.- LỜI MỜI CẦU NGUYỆN CỦA CÁC CHỦ CHĂN.

1. Ngày 03.12.2007, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài gòn, đã gởi Tâm Thư đến tín hữu công giáo Giáo phận cho biết việc Người khiếu nại với Chánh quyền về đất đai của Chủng viện Thánh Giuse. Người viết : « … Năm 2004, qua cha Tổng đại diện của giáo phận, Đức Hồng y nhắc lại với Chính quyền Thành phố lời đề nghị của giáo phận mong muốn được hoàn trả lại khu nhà đất 4.000m2 nói trên và Người đã không nhận một câu trả lời nào. Cách đây hai tuần, Uỷ ban nhân dân thành phố gửi cho Người một văn thư, trong đó xác định rằng việc Toà Tổng Giám Mục đòi lại khu nhà đất 11 Nguyễn Du là ‘không có cơ sở xem xét giải quyết’. Đức Hồng y cũng được báo tin rằng Công ty Quản lý nhà quận I cho tiến hành đo vẽ xác định hiện trạng và lập hồ sơ kỹ thuật bán nhà cho các hộ gia đình sinh sống tại đây. » và « … Tôi viết thư này để chia sẻ với anh chị em nỗi băn khoăn của tôi, đồng thời xin anh chị em cầu nguyện cho. Việc xây dựng giáo phận không chỉ là trách nhiệm của riêng tôi nhưng còn là trách nhiệm của tất cả cộng đồng Dân Chúa trong giáo phận. Vì thế tôi tha thiết xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho giáo phận để chúng ta có thể tìm ra giải pháp tốt đẹp nhất. »


2. Ngày 15.12.2007, Đức Cha Giuse Ngô quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà nội, lên tiếng với chính quyền về đất Tòa Khâm Sứ cũ và xin dân Chúa cầu nguyện :

«- Từ nhiều năm qua, sinh họat của Tổng giáo phận bị giới hạn vì thiếu thốn cơ sở vật chất. Có những Thánh Lễ, người tham dự phải tràn ra đường phố.

- Hội đồng Giám mục Việt nam, tổ chức đứng đầu Giáo hội Công giáo tại Việt nam, chưa có một địa điểm để đặt trụ sở chính.

Từ nhiều năm nay, Tòa Tổng Giám mục và Hội đồng Giám mục đã nhiều lần đệ đơn lên Chính quyền các cấp xin giao lại Tòa Khâm sứ để Giáo hội có đủ phương tiện cần thiết cho những họat động tôn giáo tối thiểu. Đề nghị chính đáng của tôn giáo chưa được đáp ứng, trong khi đó Quận Hoàn Kiếm lại dùng Tòa Khâm sứ để kinh doanh buôn bán. Trước đây đã bán phở, nay lại mở ngân hàng. Và ngày 13.12.2007 vừa qua thêm kinh doanh giữ xe với quang cảnh thật hỗn độn.

Vì thế, xin anh chị em hãy tích cực cầu nguyện để những nơi tôn nghiêm của tôn giáo được tôn trọng, nhu cầu chính đáng của Giáo phận và của Hội đồng Giám mục được đáp ứng và những sinh họat tôn giáo được thuận lợi, góp phần xây dựng xã hội, đặc biệt khuôn mặt của thủ đô được tốt đẹp. »

II.- NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC.

Ngày 25.09.2008, Hội đồng Giám mục Việt-Nam đã phổ biến ‘Quan điểm về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay’. Trong đó, các Đức Giám mục đưa ra những nhận định tình hình và quan điểm:

A. Tình hình :

1. Nhiều nguyên nhân dẫn đến những khiếu kiện đất đai kéo dài và chưa được giải quyết thỏa đáng vì : luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Thêm vào đó, nạn tham nhũng và hối lộ càng làm cho tình hình tệ hại thêm.

2. Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường.

Để giải quyết những xung đột trên, một số người có khuynh hướng sử dụng bạo lực và như thế, tạo thêm bất công trong xã hội.

B. Quan điểm.

Các Đức Giám mục có những đề nghị cụ thể:

1. Luật về đất đai nên sửa đổi cho hoàn chỉnh, cần quan tâm đến quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn quốc tế Liên hiệp quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17).

2. Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật vì chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

3. Truyền thống văn hóa và đạo đức của dân Việt vốn nhấn mạnh đến tình tương tương tương ái và sự hài hòa trong xã hội, nên mọi người hãy chấm dứt mọi hình thức bạo lực, trong hành động cũng như trong ngôn từ. Một giải pháp thỏa đáng chỉ có thể đạt được nhờ đối thoại thẳng thắn, cởi mở và chân thành, trong hòa bình và tôn trọng lẫn nhau.

Phát xuất từ ước mong góp phần tích cực vào việc phát triển đất nước cách ổn định và vững bền, những suy nghĩ này mong được gửi đến tất cả anh chị em đồng đạo cũng như mọi người thành tâm thiện chí. Chúng tôi xác tín rằng khi tất cả chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước trên nền tảng công bằng, sự thật và tình yêu, thì quê hương Việt Nam sẽ ngày càng giàu đẹp, mang lại hạnh phúc ấm no cho mọi người, và góp phần kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn.

III.- GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO.

Bổ trợ và Liên đới là 2 nguyên tắc nền tảng trên đó Giáo huấn xã hội của Giáo hội Công giáo được xây dựng lên.

A. Nguyên tắc: Bổ trợ.

Các quyết định của xã hội phải đưa ra ở mức thấp nhất có thể, nghĩa là ở mức gần nhất đối với những ai chịu ảnh hưởng của quyết định. Không thể phát huy phẩm giá con người mà không quan tâm tới gia đình, các thực thể địa phương; nói khác đi, không quan tâm tới toàn bộ các biểu hiện kinh tế, xã hội, văn hoá, nghề nghiệp và chính trị mà dân chúng đã tự động tạo ra vì chúng giúp họ thực hiện việc tăng trưởng xã hội một cách hiệu quả (số 185).

Bổ trợ chính là một nguyên tắc quan trọng nhất của ‘triết học xã hội’. ‘Thật sai lầm khi rút khỏi tay các cá nhân những gì họ có thể làm được dựa vào sáng kiến và sự chuyên cần của họ để trao cho cộng đồng; cũng thật là bất công và tai hại, làm xáo trộn trật tự đúng đắn, khi giao cho một tổ chức cao hơn và lớn hơn những gì mà các tổ chức nhỏ hơn và cấp dưới có thể làm được. Vì chưng, bất cứ hoạt động xã hội nào tự bản chất cũng phải trợ giúp các thành viên trong xã hội, chứ không bao giờ phá huỷ và tiêu diệt họ’. Mọi xã hội thuộc trật tự cao hơn phải giúp đỡ – tức hỗ trợ, đẩy mạnh, phát triển – các xã hội thuộc trật tự thấp hơn (số 186).

Nhờ nguyên tắc này, dân chúng có thể được bảo vệ khỏi những sự lạm quyền của chính quyền cấp cao hơn và chính quyền này cũng được mời gọi hãy giúp các cá nhân và các đoàn thể trung gian chu toàn nghĩa vụ. Nguyên tắc này cũng mang tính đòi buộc, vì mỗi người, mỗi gia đình và mỗi đoàn thể trung gian đều có một điều gì đó độc đáo có thể đóng góp cho cộng đồng. Nguyên tắc này chống lại một số hình thức trung ương tập quyền, quan liêu giấy tờ và cứu trợ an sinh, cũng như sự hiện diện vô lý và thái quá của Nhà Nước trong guồng máy công cộng (số 187).

Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ‘nhấn mạnh các giới hạn cần thiết đối với việc can thiệp của nhà nước và nhấn mạnh bản chất công cụ của nhà nước, vì cá nhân, gia đình và xã hội đã có trước nhà nước, và vì nhà nước tồn tại là để bảo vệ các quyền của họ chứ không phải để áp bức họ’ (Centesimus Annus số 11).

B. Nguyên tắc: Liên đới.

Sự liên đới làm nổi bật một cách đặc biệt bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá và quyền lợi, cũng như con đường chung cho các cá nhân và các dân tộc tiến tới sự thống nhất với một ý thức ngày càng cao hơn (số 192). Đây là một nguyên tắc xã hội và là một đức tính luân lý (số 193). Sự liên đới có những mối tương quan mật thiết với công ích, với mục tiêu phổ quát của của cải, với bình đẳng giữa con người và với hoà bình (số 194).

Sự liên đới có tính cách bắt buộc đối với nhiều chủ thể phải ‘tương trợ lẫn nhau, mỗi người đều có trách nhiệm phải đáp ứng đối với những gì là bổn phận chung, cho công ích, chớ không phải chỉ những gì thuộc bổn phận và lợi ích riêng của mình, khi trách nhiệm chung và công ích đó đòi buộc.

Ghi chú : các số trong bài là những con số trích trong ‘Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo Hội’.

IV. TAI HỌA LẠI ĐẾN CHO THÁI HÀ.

Tu viện Dòng Chúa Cứu thế (DCCT) Hà nội có quyền sở hữu đất từ năm 1928 và đưa vào sử dụng từ 1931 với tất cả giấy tờ hợp pháp, không thể tranh cải (xin xem sơ đồ của Consevation de la Propriété Foncière de Ha Nội – Sở Quản thủ Điền thổ Hà Nội, ngày 16.08.1944).

Sau cuộc cướp chính quyền năm 1945, Hiến pháp năm 1946 có ghi : « Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng » (Điều 10). Các Hiến pháp sau đó đều bảo đảm điều này. Điều 70 Hiến pháp 1992 còn ghi rõ: « Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng được pháp luật bảo hộ ». Hiến pháp năm 1959 quy định: « Chỉ khi nào vì lợi ích chung, nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và điều kiện do pháp luật quy định » (Điều 20).

Bất chấp những quy định đó, khi thực hiện, nhà nước Việt Nam bất chấp những quy định trong Hiến pháp. Tu viện Thái Hà của DCCT đã bị ‘mượn’, không có một văn bản. Đã ‘mượn’ thì phải ‘trả’ là lẽ đương nhiên, khi Thái Hà cần để phục vụ người nghèo trong xã hội. Nhiều lần nhà dòng và giáo dân đã đề nghị trả lại, nhà nước không trả lời, giống như hành động của kẻ cướp vì chúng đã chuyển nhượng và chia chác cho nhau. Sau đó, biến tu viện thành bệnh viện.

Chiều ngày 06.10.2011, Ủy ban Nhân dân phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội gửi giấy mời cho Linh mục Chính xứ Thái Hà, Giuse Nguyễn văn Phượng, đến trụ sở Ủy ban lúc 15 giờ ngày 07.10.2011 để nghe ‘Công bố dự án Trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đa khoa Đống Đa’, nguyên là Tu viện DCCT Hà nội–Giáo xứ Thái Hà bị chính quyền chiếm dụng. Phiên họp đã thất bại vì gặp sự phản đối mạnh mẽ của gần 50 giáo dân giáo xứ Thái Hà trong khuôn viên của Ủy ban phường.

Ngày 07.10.2011, thay mặt các Linh mục Tu sĩ và giáo dân Thái Hà, Cha Chính xứ Nguyễn Văn Phượng đã gởi văn thư đến Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Đống Đa để trình bày những hành vi trái luật về việc chĩa loa phóng thanh công suất lớn vào khu vực Nhà thờ và Tu viện DCCT để phát thanh bất kể giờ giấc cũng như việc vi hiến vì không bảo hộ những nơi thờ tự của tôn giáo. Vũ trường và địa điểm hoạt động karaoke phải cách cơ sở tôn giáo từ 200m trở lên cũng không được tôn trọng. Nay, sử dụng đất bất hợp pháp này để triển khai xây dựng công trình là trái phép. Do đó, Cha kiến nghị:

- Chấm dứt ngay phát thanh bằng loa chĩa thẳng vào nhà thờ và tu viện Thái Hà;

- Dừng việc triển khai thực hiện dự án xây dựng trạm xử lý nước thải Bệnh viện Đống Đa trên khu đất thuộc nhà thờ và tu viện bị lấn, chiếm trái phép.

- Xem xét xử lý và giao trả khu đất cho nhà thờ và tu viện DCCT để sử dụng đúng vào mục đích tôn giáo.

Sau đó, Ban Giám đốc bệnh viện muốn gặp Cha Chính xứ Thái Hà và, với giấy giới thiệu thành phần để bảo đảm gặp đúng người đúng việc, ngày 11.10.2011 lúc 14 giờ, Giáo xứ Thái Hà đã tiếp họ.

Sau khi Đại diện bệnh viện và Sở Y tế cho rằng dự án lắp đặt trạm xử lý nước thải trong bệnh viện hợp pháp và có công nghệ tốt, không cần trao đổi với chủ sở hữu cơ sở, hai Cha Giuse Đinh tiến Đức và Gioan Lưu ngọc Quỳnh, đại diện Tu viện cùng cả trăm giáo dân đại diện giáo xứ Thái Hà, đã trình bày rõ lập trường và có những chất vấn chính như sau:

- Chúng tôi quyết tâm đòi lại Tu viện. Mượn thì phải trả.

- Trong thời gian chờ đợi nhà nước trả lại, chúng tôi không đồng ý bất cứ một hành động can thiệp, xây dựng gì trên cơ sở đó.

- Nhà nước đã có chủ trương dời bệnh viện ra ngoài, yêu cầu thực hiện, trả lại cơ sở để chúng tôi phục vụ người nghèo.

- Tại sao lại đưa một bệnh viện đầy dẫy vi trùng vào khu vực Tu viện? Đây có thể hiểu là một trong các âm mưu hãm hại cộng đồng tôn giáo hay không?

- Căn cứ pháp luật nào để các anh khẳng định quyền sở hữu của các anh trên cơ sở Tu viện này?

- Quý vị hãy dũng cảm đề xuất một vị trí khác để làm bệnh viện to, đẹp, đường hoàng và sẽ trả lại tòa nhà đó cho Tu viện.

- Việc đòi lại tài sản này đã được nêu ra từ lâu. Chúng tôi đã có đơn từ năm 1996 đến nay vẫn chưa được giải quyết! Dù có bị phân biệt đối xử, chúng tôi cũng kiên quyết đòi lại.

Tuy nhiên, sau khi đọc biên bản ghi lại nội dung buổi làm việc thì phía bệnh viện nhất định không chịu ký tên với lý do nội dung làm việc nằm ngoài nội dung ghi trong Giấy giới thiệu : ‘Thông báo về việc lắp đặt trạm xử lý nước thải tại bệnh viện Đa khoa Đống Đa’! Vì thế, phía giáo xứ Thái Hà đã lập một biên bản thứ hai về việc họ đã không ký vào biên bản thứ nhất. Cuối cùng, cả ba đại diện bệnh viện và Sở Y Tế Hà Nội đã ký vào biên bản thứ hai này với Cha Đinh tiến Đức, đại diện Giáo xứ.

Chiều ngày 14.10.2011, Cha Quản Hạt Chính Tòa Hà Nội cùng với 15 linh mục phụ trách các Giáo xứ thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội đã đến Thái Hà dâng lễ tạ ơn, mừng lễ thánh Giêrađô và hiệp thông với Thái Hà.

Qua thư ngày 15.10.2011, Linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Giám tỉnh DCCT gửi cho tất cả các linh mục, tu sĩ DCCT Việt Nam, viết: « Khối nhà tu viện DCCT Thái Hà là di sản của cha ông chúng ta, không chỉ là di sản vật chất nhưng còn là di sản tinh thần cao quí, chuyên chở bao nhiêu tâm hồn thừa sai, bao nhiêu ước vọng về tương lai nhà dòng, bao nhiêu lời nguyện cầu, bao nhiêu những hy sinh nhọc nhằn vất vả kể cả mạng sống của cha ông chúng ta. Khối nhà này là tổ ấm, là cái nôi sinh thành dưỡng dục các thế hệ cha anh chúng ta.

Khối nhà này là giải pháp chính đáng, hợp lý cho các công việc tông đồ mục vụ đang đầy ứ và quá tải tại Giáo xứ Thái Hà, là sự đáp ứng phải có của nhu cầu phục vụ cộng đồng dân Chúa, không chỉ thuộc Giáo xứ Thái Hà nhưng còn của khách thập phương yêu mến Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Dừng ngay dự án xây dựng trạm xử lý nước thải và trả lại tu viện cho DCCT Hà Nội là ý kiến của các linh mục tu sĩ DCCT Hà Nội và cũng là ý kiến của cộng đoàn dân Chúa ở Thái Hà. Tôi ủng hộ ý kiến đó. »

Hiệp thông với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu thế, chúng ta hiệp thông cầu nguyện cho Giáo xứ Thái Hà và, với Giáo xứ Thái Hà, xin Thiên Chúa giúp người cầm quyền biết tôn trọng Hiến pháp và Luật lệ.

Hà Minh Thảo ( Vietcatholic.org )
Hiệp thông cầu nguyện với Thái Hà Reviewed by thanhnienconggiao.blogspot.com on 10/18/2011 Rating: 5 I.- LỜI MỜI CẦU NGUYỆN CỦA CÁC CHỦ CHĂN. 1. Ngày 03.12.2007, Đức Hồng y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn, Tổng Giám mục Sài gòn, đã gởi Tâm ...

Không có nhận xét nào: