(J.B Nguyễn Hữu Vinh ) Trong những năm tháng qua, nhiều vụ việc trên đất nước xảy ra kéo theo sự quan tâm của mọi công dân nước Việt. Những bức xúc của nhân dân về lãnh thổ, lãnh hải, về sự xuống cấp của xã hội, của đất nước qua các mặt đạo đức, kinh tế, sự bất công, tham nhũng lan tràn nhiều nơi, nhiều cấp… sự quan tâm và những tiếng nói của công dân Việt Nam đã đưa nhiều người vào nhà tù.
Nhưng, không vì thế mà những tiếng nói lên những sự thật không ai muốn có trên đất nước này bị dập tắt.
Nhu cầu Sự thật và Công Lý
Về mặt tôn giáo nổi bật lên những hành động của nhà cầm quyền Hà Nội về đất đai, tài sản của Giáo hội Công giáo Việt Nam bị chiếm, cướp không theo bất cứ một cơ sở pháp luật dù được chính nhà nước Việt Nam ban hành.
Từ những vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm, Loan Lý cho đến Giáo Hoàng học viện, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Dòng Thánh Phaolo Vĩnh Long, rồi Tu viện kín Camelo, Cầu Rầm… liên tục như những dòng chảy của tội ác được thực hiện một cách có hệ thống. Phương pháp luôn được sử dụng ở đây là bạo lực, bất chấp những tiếng nói đúng pháp luật và đúng quyền, nghĩa vụ của công dân, bất chấp dư luận xã hội và dư luận quốc tế.
Trong tất cả những vụ việc liên quan đến tài sản, đất đai tôn giáo nói trên, hầu như phía Giáo hội Công giáo chỉ yêu cầu một điều đơn giản nhất: Thực thi Công lý, đúng pháp luật.
Với một nhà nước luôn tự xưng là “Nhà nước pháp quyền” lẽ ra không cần phải để công dân, tổ chức xã hội, tôn giáo đòi hỏi mà chính nhà nước phải gương mẫu thi hành điều đó. Nhưng, ở đây đã xảy ra những điều hoàn toàn ngược lại. Những đơn từ, những phản ứng của người dân luôn bị bỏ qua, bị bóp méo nhằm thực hiện cho được việc chiếm và cướp. Những tiếng kêu cứu thất thanh của giáo dân, giáo sĩ đã được xếp vào hàng ngũ thù địch, được đối phó bằng công an, cảnh sát, bằng nhiều thủ đoạn đê hèn.
Với cách xử sự như vậy, thử hỏi mấy ai đủ can đảm để tin vào một nhà nước, đường đường phương diện quốc gia mà nói một đằng làm một nẻo?
Trở lại với Thái Hà, một bệnh viện với đủ loại bệnh tật truyền nhiễm được đưa vào một trung tâm sinh hoạt tôn giáo cũng như những tệ nạn xã hội đã được tổ chức bao vây nhà thờ. Điều đó nhằm mục đích gì, chúng tôi đã phân tích ở bài viết trước.
Trạm xử lý nước thải: Con tem trá hình lừa dối dư luận
Việc Sở Y Tế Hà Nội cho một đoàn vào Nhà thờ Thái Hà để “Thông báo” cho giáo xứ, cho Nhà Dòng việc họ tự quyết định xây dựng, cải tạo Tu viện của Nhà Dòng là việc làm hỗn xược và ngược đời. Không có bất cứ ai mượn nhà người khác ở rồi “Thông báo” với chủ sở hữu rằng ngày nọ ngày kia tôi sẽ phá, sẽ dỡ, sẽ cải tạo… mà được xã hội chấp nhận.
Chắc chắn chẳng có một đất nước, xã hội nào làm theo pháp luật mà có thể chấp nhận được cách hành xử đó nếu như Quốc hội chưa thông qua một bộ luật là “Luật Cướp”.
Tại sao lại là “Trạm xử lý nước thải” mở đầu cho Dự án này?
Chỉ vì ai cũng biết, trong môi trường dân cư, nhà thờ, nhà dòng và là trung tâm sinh hoạt của hàng chục ngàn người công giáo, Bệnh viện Đống Đa do được mượn từ cơ sở Tu viện đã xây dựng 80 năm nay, không thể đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, hàng ngày thải ra biết bao nhiêu vi trùng cho cả khu vực Nhà thờ, nhà nguyện và giáo dân cũng như những người dân xung quanh “hưởng thụ” và lây nhiễm chết dần chết mòn.
Do vậy khi đặt vấn đề “Trạm xử lý nước thải” thì rất dễ lừa bịp giáo dân, nhân dân xung quanh để những người không nắm rõ thông tin ủng hộ việc làm trái đạo đức này.
Đằng sau dự án này là gì?
Tháng 4/2011, người ta thấy báo chí nhà nước đưa tin về việc Đấu thầu Dự án nâng cấp bệnh viện Đống Đa và Bệnh viện Saint Paul Hà Nội. Bản tin như sau: “(DVT.vn) – Dự án được chia làm 6 gói thầu với tổng giá trị gần 104 tỷ đồng.UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch đấu thầu dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa và dự án hiện đại hoá trang biết bị y tế Bệnh viện đa khoa Saint Paul."
Tại dự án nâng cấp Bệnh viện đa khoa Đống Đa, toàn bộ phần xây lắp, thiết bị của dự án được chia thành 5 gói thầu với tổng giá trị hơn 75 tỷ đồng.
…
Dự án hiện đại hoá trang biết bị y tế Bệnh viện đa khoa Saint Paul gồm 1 gói thầu trị giá hơn 28,3 tỷ đồng, gồm toàn bộ phần mua sắm trang thiết bị y tế cho khoa Nội, khoa Sơ sinh và khoa Nhi. (Thanh Thủy)
Như vậy, việc phá dỡ, cải tạo hai cơ sở tôn giáo này có chủ đích và kế hoạch từ lâu. Sẽ chẳng có điều gì đáng nói, việc nâng cấp bệnh viện, xây dựng bệnh viện là nhu cầu bức thiết ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng. Chẳng ai không kinh sợ mỗi khi bước vào bệnh viện ở Hà Nội với cảnh ba, bốn bệnh nhân chung một chiếc giường rộng có khoảng 1 mét. Đến nỗi bệnh nhân nằm dưới đất, dưới nền nhà hoặc ngồi xoay lưng lại với nhau. Người nhà bệnh nhân vạ vật khắp nơi, từ gốc cây cho đến vỉa hè.
Bệnh nhân trong một giường bệnh ở BV Bạch Mai |
Người nhà và bệnh nhân trên hành lang và ngoài sân ở BV Bạch Mai |
Vì vậy việc nâng cấp các bệnh viện, xây dựng mới các bệnh viện là cần thiết và phù hợp lòng dân.
Thế nhưng, với hai dự án này, điều không thể chấp nhận được, là hai nơi mà nhà cầm quyền đã bất chấp pháp luật quy định, bất chấp Hiến pháp rõ ràng để chiếm đoạt của Giáo hội Công giáo. Phàm là những việc công đức, lương tâm mà làm trên cơ sở những việc thiếu đạo đức, thiếu lương thiện thì không thể có ý nghĩa,
Việc biến trung tâm tôn giáo thành nơi phàm tục, nhục mạ những điều Linh thánh của tôn giáo là việc làm mất đạo đức nhất. Điều đó chỉ có thể xảy ra ở Afghanistan trong thời gian trước đây. Đồng thời việc đưa những ổ bệnh tật, tệ nạn xã hội bao vây nhà thờ, nơi tập trung đông người là điều không thể chấp nhận được với đạo đức thông thường, chưa nói đến những vấn đề về quy hoạch, quy định về y tế và sức khỏe nhân dân…
Trở lại vấn đề của Tu viện, sau một thời gian mượn cho bộ đội ở tạm trong thời gian chiến tranh, nhà cầm quyền Hà Nội biến thành trạm xá, rồi bệnh viện Đống Đa.
Thời gian đầu, khi đó chỉ có một mình linh mục Bích già nua, mắt mờ ốm yếu, nhưng bất cứ sự việc gì cần như chặt cái cây, làm một việc gì đó trên cơ sở tôn giáo này, Công ty Thảm len và Bệnh viện đều phải sang xin phép. Nếu không được phép của linh mục Bích cho chặt cây là lập tức ngài phản ứng.
Giáo dân Thái Hà còn nhớ rõ, ngay phía trước Tu viện có một dãy phòng sau này được bố trí cho bảo vệ ở, Bệnh viện muốn xây thêm một tầng để chặn mặt chính Tu viện đối với những người đi đường khỏi nhìn vào thấy xấu hổ và phía trong kín đáo hơn cho họ thậm thụt muốn phá bỏ hay làm gì thì làm. Khi đổ xong mấy cây cột bê tông, linh mục Bích già yếu, chỉ một mình vẫn đã chống gậy ra bắt tất cả dừng lại. Và âm mưu đó đã bị đập tan, phải dừng lại từ đó đến nay. Những cây cột bê tông kia vẫn đứng đó, minh chứng cho một âm mưu biến cải không thành công tại thời điểm khó khăn trước đây.
Những cây cột bê tông khi việc xây dưng buộc phải dừng lại |
Thế nên, thời gian qua, việc Bệnh viện Đống Đa, Sở Y Tế Hà Nội tự lập dự án cải tạo lại cơ sở Tu viện Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà, bất chấp ý kiến của Chủ sở hữu, nhằm xóa dấu tích thực hiện ý đồ chiếm cướp lâu dài không phải không có mục đích.
Câu hỏi cần đặt ra là: Ai chủ trương đưa bệnh viện vào đây, với bao căn bệnh truyền nhiễm vào một cơ sở Dòng Tu không đáp ứng được nhu cầu vệ sinh của hàng loạt bệnh tật để gây khả năng lây truyền cho cộng đồng?
Mấy chục năm qua, những vi trùng, vi khuẩn đó, các bệnh tật đó không được xử lý ai là người đã hứng chịu hậu quả và ai chịu trách nhiệm?
Bây giờ, nhà cầm quyền mới mượn cớ xây dựng “trạm xử lý nước thải” để mở đầu một âm mưu mới, liệu có ai tin rằng nếu bệnh viện còn tồn tại ở đây thì đời sống nhân dân được đảm bảo không bị lây nhiễm? Hãy nghe lời một nhà khoa học xác định khi xác định phải đưa các cơ sở y tế ra ngoại thành như sau: Rác thải y tế mặc dù đã qua những công đoạn xử lý nhưng ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. (GS.TSKH, KTS Nguyễn Thế Bá (Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Thiết kế đô thị)
Không có cơ sở tồn tại cho Bệnh viện Đống Đa trên cơ sở Tu viện Thái Hà
Như đã nói ở trên, Tu viện Dòng Chúa Cứu thế Thái Hà được xây dựng từ những năm 1931 của thế kỷ trước, vốn là một nơi tu hành của Giáo hội, quá trình thiết kế và xây dựng chắc chắn chẳng ai nghĩ đến sẽ ngự trị một bệnh viện sau này. Do đó, từ phần cấu trúc xây dựng, dây chuyền sinh hoạt cho đến bố trí các phòng chức năng của Tu viện không thể đem áp dụng vào cho bệnh viện. Tất cả những ai cố tình áp đặt quy trình bệnh viện là nơi chữa bệnh cho nhân dân vào một nơi không đúng chức năng, không đủ điều kiện chắc chắn sẽ gây nên những hậu quả không tốt cho việc điều trị và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Có phải vì thế mà người dân nơi đây có câu truyền miệng rằng “Vào Đống Đa, ra Văn Điển”. Việc cố tình bố trí sai trái như thế để làm chỗ đùa giỡn với tính mạng nhân dân của nhà cầm quyền, phải được coi là tội ác.
Hệ thống công trình phụ trợ, khu vệ sinh, lây nhiễm của bệnh viện được gò gẵng ép vào cơ sở của Tu viện khi không đủ các điều kiện về cách ly cần thiết cho dân cư, cho cộng đồng xung quanh theo yêu cầu nghiêm ngặt của việc bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong khi chính nhà nước đã công nhận rằng Bệnh viện Đống Đa được coi là một trong các bệnh viện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất . Việc đó vẫn cố tình áp đặt thời gian dài mấy chục năm qua gây những hậu quả lây nhiễm cho nhân dân, những người dân lành vô tội, phải được coi là tội ác.
Với quy mô khu vực Tu viện, chỉ hơn 12.000 mét vuông, đây không thể là một mặt bằng phù hợp để xây dựng một bệnh viện tầm cỡ với những nhiệm vụ như đã được giao. Vì thế việc cố tình đổ tiền đổ của của nhân dân vào những nơi này chỉ nhằm cướp đoạt trái pháp luật bằng được Tu viện của tổ chức tôn giáo, phải được coi là tội ác.
Đăc biệt mới đây UBND Thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời một số bệnh viện và Trường Đại học ra khỏi Trung tâm Hà Nội. Hàng loạt bệnh viện lớn được đề xuất đưa ra ngoại thành, kể cả những bệnh viện hiện đại mới xây dựng như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương… hay ngay cả bênh viện mới xây như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đều có phương án di chuyển ra ngoại thành. Chủ trương của Thành phố Hà Nội ghi rõ: “Trong số các bệnh viện được đề xuất di dời đợt này chủ yếu là các bệnh viện truyền nhiễm nằm trong khu vực mật độ dân cư quá dày đặc, bệnh viên có lượng chất thải y tế lớn không có khả năng xử lý, bệnh viện đa khoa có khoa lây không đủ điều kiện cách ly theo quy định”.
Vậy hà cớ gì một cơ sở Tu viện chật chội và được sử dụng sai chức năng như Bệnh viện Đống Đa thì nhà cầm quyền Hà Nội vẫn quyết giữ lại để “đầu tư”. Trong khi rõ ràng bệnh viện này là nơi truyền nhiễm nguy hiểm như Chức năng của bệnh viện ghi rõ: Tại đây còn được giao nhiệm vụ điều trị “các bệnh truyền nhiễm gây dịch nguy hiểm (tiêu chảy cấp, cúm A(H5N1), cúm A (H1N1), sốt xuất huyết)”.
(Nhà Điều trị HIV và cái gọi là Dự án nước thải trên cơ sở của Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ) |
Ngoài sân của một Thánh lễ ở Thái Hà |
Người ta thừa biết rằng, nếu đây không phải là tài sản của Giáo hội công giáo bị chiếm cướp bất hợp pháp, thì bệnh viện này đã không tồn tại từ lâu. Mỗi chiều, mỗi sáng đứng trước bệnh viện này, nhìn dòng người ra vào tắc nghẽn, cũng đủ thấy sự vô lý của cái gọi là bệnh viện này dù nó vẫn tồn tại và trêu ngươi biết bao thế hệ.
Việc mở đầu âm mưu chiếm đoạt bằng cái gọi là “Trạm xử lý nước thải” của bệnh viện Đống Đa sẽ không lừa bịp được ai, người ta đã quá chán ngán những lời dối trá, lừa mị và ru ngủ nhân dân, ít nhất là ở khu vực Thái Hà.
Sau một thời gian mượn để sử dụng, nay cơ sở Tu viện đã xuống cấp, không thể sử dụng được nữa thì cần trả lại cho chủ sở hữu để người ta lo chăm sóc đời sống của những người nghèo đang rên xiết trong xã hội ngày nay.
“Của Xêda phải trả cho Xêda, của Thiên Chúa phải trả về Thiên Chúa”, những gì không phải của mình, đừng nhầm lần hay cố tình chiếm đoạt.
Đó mới là “Đạo đức, là văn minh” và là thể hiện tính nghiêm túc của một “Nhà nước pháp quyền” “Của dân, do dân và vì dân”.
Làm trái ngược những điều đó, thì tất cả những tiếng hót véo von, những bản hòa tấu lên đồng tập thể tự ca ngợi mình chỉ là những biện pháp thủ dâm chính trị nhằm lừa bịp che giấu những mưu đồ tội ác phía sau mà thôi.
Hà Nội, ngày 17/10/2011
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn: Blog J.B Nguyen Huu Vinh
Ỏ VNam giờ không còn có "chính quyền" nữa, mà chỉ có "Tà Quyền". Đố ai mà tìm được một điểm tốt nào từ cái "Tà Quyền" này.
Trả lờiXóa