Nhân quyền không phải đến từ sự ban ơn của chính phủ, mà đến từ bàn tay của Thượng Đế - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 11, 2011

Nhân quyền không phải đến từ sự ban ơn của chính phủ, mà đến từ bàn tay của Thượng Đế

Nhân quyền không phải đến từ sự ban ơn của chính phủ, mà đến từ bàn tay của Thượng Đế

Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy: Nhân quyền không phải đến từ sự ban ơn của chính phủ, mà đến từ bàn tay của Thượng Đế

Bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy, 20-1-1961

Phó Tổng thống Johnson, ông Chủ tịch Hạ viện, ông Bộ trưởng Tư pháp, Tổng thống Eisenhower, Phó Tổng Thống Nixon, Tổng thống Truman, các Mục sư, Giáo sĩ đáng kính, cùng tất cả đồng bào. Chúng ta cử hành buổi lễ hôm nay không phải để mừng chiến thắng của đảng phái, mà là buổi lễ mừng tự do, tượng trưng cho sự kết thúc, cũng là sự khởi đầu, một sự thay đổi cũng như sự đổi mới có ý nghĩa. Tôi tuyên thệ nhậm chức trước mặt quý vị và Thiên Chúa Toàn Năng, long trọng tuyên thệ trước tổ tiên của chúng ta, quy định cách nay gần 175 năm trước.
 
Thế giới hiện nay đã khác. Nhân loại hiện có sức mạnh trong tay, thủ tiêu mọi hình thức nghèo đói của loài người và mọi hình thức đời sống nhân loại (1). Niềm tin cách mạng (2), mà tổ tiên chúng ta đã chiến đấu, hiện vẫn còn là vấn đề khắp toàn cầu – niềm tin rằng, nhân quyền không phải đến từ sự ban ơn của chính phủ, mà đến từ bàn tay của Thượng Đế (3).

Hôm nay, chúng ta không dám quên rằng chúng ta là những người kế thừa cuộc cách mạng đầu tiên đó. Vào thời điểm này và ở nơi đây, hãy để cho mọi người biết, hãy để cho bạn bè cũng như kẻ thù biết rằng, ngọn đuốc đã được chuyển đến một thế hệ mới của người Mỹ, sinh ra trong thế kỷ này, trưởng thành từ chiến tranh, được rèn luyện từ một nền hòa bình khó khăn và cay đắng, tự hào về di sản cổ xưa của chúng ta và không muốn chứng kiến ​​hoặc cho phép nhân quyền từ từ bị hủy hoại, điều mà đất nước này đã cam kết và điều mà chúng ta cam kết hôm nay, trên đất nước này và trên khắp thế giới.

Hãy để mọi quốc gia biết rằng, cho dù họ cầu mong những điều tốt lành hay những điều tồi tệ đến với chúng ta, rằng chúng ta sẵn sàng trả bất kỳ giá nào, gánh vác bất kỳ gánh nặng nào, chấp nhận bất kỳ khó khăn nào, hỗ trợ bất kỳ người bạn nào, chống lại bất kỳ kẻ thù nào, để bảo đảm tự do được thành công và tồn tại. Điều này chúng ta cam kết nhiều và nhiều hơn nữa.

Đối với những đồng minh cũ có chung nguồn gốc văn hóa và tinh thần với chúng ta, chúng tôi cam kết sự trung thành của những người bạn trung thành. Đoàn kết, chúng ta có thể cùng nhau hợp tác làm được nhiều điều. Chia rẽ, chúng ta sẽ yếu và không làm được gì cả, chúng ta không dám đương đầu với sự thách thức mạnh mẽ nếu chúng ta không hợp tác và bị xé rời ra.

Đối với những chính phủ mới (4), chúng tôi hoan nghênh các bạn đến với nền tự do, dân chủ. Chúng tôi cam kết sẽ không để một hình thức kiểm soát thuộc địa thay thế bằng một chế độ độc tài sắt máu hơn. Chúng tôi không mong những chính phủ mới này luôn ủng hộ quan điểm của chúng tôi, nhưng chúng tôi luôn hy vọng tìm thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ của họ đối với sự tự do của chính họ. Và nên nhớ rằng, trong quá khứ, những kẻ điên rồ tìm kiếm quyền lực bằng cách cưỡi trên lưng hổ, cuối cùng sẽ nằm trong bụng hổ (5).

Đối với những người dân sống trong những túp lều và những ngôi làng trên khắp toàn cầu, đang tranh đấu để phá vỡ xiềng xích của nỗi thống khổ tột cùng, chúng tôi cam kết, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ họ, để họ có thể tự giúp bản thân họ, bất cứ khi nào được yêu cầu, không phải vì lo rằng cộng sản sẽ lôi kéo họ, cũng không phải vì chúng ta muốn kiếm lá phiếu của họ, mà bởi vì đó là điều chúng ta cần phải làm. Nếu một xã hội tự do không thể giúp được nhiều người nghèo khổ, thì xã hội đó không thể cứu lấy một ít người giàu có.

Đối với những người anh em cộng hòa của chúng ta ở phía Nam biên giới (6), chúng tôi có một cam kết đặc biệt, sẽ biến những lời nói tốt đẹp của chúng tôi thành những hành động trong một liên minh mới cho sự tiến bộ, để giúp đỡ những người dân tự do và chính phủ các nước tự do thoát khỏi đói nghèo. Nhưng cuộc cách mạng hòa bình của niềm hy vọng này không thể trở thành nạn nhân của các nước thù địch. Hãy để tất cả các nước láng giềng của chúng ta biết rằng, chúng ta sẽ tham gia với họ để chống lại sự xâm lược hay sự lật đổ, tại bất cứ nơi nào ở châu Mỹ. Và hãy để các nước khác biết rằng, chúng ta [là những nước] làm chủ bán cầu này (7).

Đối với hội đồng các quốc gia trên thế giới, Liên Hiệp quốc, hy vọng tốt nhất của chúng ta trong lúc này, nơi có nhiều khả năng xảy ra chiến tranh hơn hòa bình, chúng tôi tiếp tục cam kết sự hỗ trợ của chúng tôi đối với Liên Hiệp quốc, để ngăn chặn nó trở thành một diễn đàn cho những lời công kích, giúp Liên Hiệp quốc có thêm sức mạnh, để giúp đỡ những nước mới thành lập và những nước nghèo khó và để giúp mở rộng hoạt động của Liên Hiệp quốc.

Cuối cùng, đối với những nước muốn làm kẻ thù của chúng ta, chúng tôi yêu cầu: cả hai phía hãy tìm kiếm hòa bình, trước khi khoa học tung ra sức mạnh của sự hủy diệt đen tối, nhấn chìm tất cả nhân loại, như đã lên kế hoạch hoặc chỉ bất ngờ xảy ra (8).

Chúng ta không thể cho thấy sự yếu đuối. Chỉ khi nào chúng ta có đầy đủ vũ khí, chúng ta chắc chắn rằng cả hai phía, không bên nào dám tấn công (9).

Nhưng hai cường quốc hoặc hai nhóm các nước cường quốc không thể thoải mái làm điều này, bởi vì cả hai phía hiện đã quá tải vì chi phí cho các loại vũ khí hiện đại, cả hai phía đã được báo động do phổ biến bom nguyên tử chết người, nhưng cả hai phía vẫn chạy đua để thay đổi sự cân bằng không chắc chắn về mối đe dọa chiến tranh hạt nhân, sẽ giúp chúng ta không tấn công nhau.

Cho nên chúng ta hãy thử một lần nữa, cả hai phía đều nhớ rằng, lịch sự không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối, và sự chân thành luôn phải được chứng minh. Chúng ta không bao giờ thương lượng vì sợ hãi. Nhưng chúng ta cũng không bao giờ sợ hãi để rồi thương lượng.

Hãy để hai phía tập trung vào những điểm chung có thể làm cho chúng ta đoàn kết, thay vì phải lo lắng đến những vấn đề chia rẽ chúng ta.

Lần đầu tiên, hãy để hai phía đưa ra những đề xuất chính xác và nghiêm túc, xem xét và kiểm soát vũ khí, và đem sức mạnh tuyệt đối hủy diệt các nước khác, đặt dưới sự kiểm soát hoàn toàn của tất cả các nước (10).

Hãy để hai phía sử dụng khoa học vào những mục đích tốt thay vì sử dụng khoa học với mục đích [làm cho thế giới] kinh hoàng. Chúng ta hãy cùng nhau khám phá những ngôi sao, chinh phục các sa mạc, xóa bỏ bệnh tật, khai thác sâu dưới đáy đại dương, cổ vũ nghệ thuật và thương mại.

Hãy để hai phía đoàn kết, chú ý đến mọi nơi trên trái đất, theo lời của tiên tri của Isaiah, để “không phải mang những gánh nặng… và giải cứu mọi kẻ bị áp bức”.

Và nếu bắt đầu hợp tác, chúng ta có thể đẩy lùi cả khu rừng của sự nghi ngờ, hãy để hai phía tham gia tạo một nỗ lực mới, không phải là một sự cân bằng quyền lực mới, mà là một thế giới luật pháp mới, thế giới mà những nước mạnh không thể đánh những nước yếu, và những nước yếu được an toàn, và nền hòa bình được bảo vệ.

Tất cả những điều này sẽ không thể hoàn thành trong 100 ngày đầu tiên [của một nhiệm kỳ tổng thống]. Cũng không thể hoàn thành trong 1.000 ngày đầu tiên, cũng không thể nào thực hiện trong nhiệm kỳ của chính phủ này, thậm chí có thể không làm được trong suốt cuộc đời của một con người sống trên hành tinh này. Nhưng hãy để chúng tôi bắt đầu (11).

Đồng bào của tôi ơi, sự thành công hay thất bại cuối cùng trong tất cả mọi hành động chúng ta đều nằm trong tay của quý đồng bào, nhiều hơn là nằm trong tay của tôi. Kể từ khi đất nước này được thành lập, mỗi thế hệ người Mỹ đã chiến đấu để thể hiện sự trung thành đối với quốc gia. Những ngôi mộ của những người Mỹ trẻ tuổi đã đáp lại sự trung thành đó, phục vụ trên khắp địa cầu.

Bây giờ tiếng kèn lại gọi chúng ta nữa, không phải lời kêu gọi để cầm vũ khí, mặc dù chúng ta cần vũ khí, không phải lời kêu gọi chiến đấu, mặt dù chúng ta đã dàn quân, mà là lời kêu gọi để gánh vác cuộc đấu tranh lâu dài, hàng năm, “vui mừng trong hy vọng, kiên nhẫn trong hoạn nạn“, một cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung của con người: sự chuyên chế, nghèo đói, bệnh tật và cả chiến tranh.

Có thể nào chúng ta cùng nhau chống lại những kẻ thù của một liên minh lớn và toàn cầu, Bắc và Nam, Đông và Tây, để có thể bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả nhân loại hay không? Các bạn sẽ tham gia vào nỗ lực lịch sử đó không?

Suốt chiều dài lịch sử thế giới, chỉ có một vài thế hệ được ban cho vai trò bảo vệ tự do trong giờ phút nguy hiểm tột cùng. Tôi không trốn tránh trách nhiệm này, tôi chào đón nó. Tôi không tin rằng người nào đó trong chúng ta muốn đổi vị trí với bất kỳ người nào khác hoặc thế hệ nào khác. Nghị lực, đức tin, sự hiến thân mà chúng ta mang đến nỗ lực này sẽ thắp sáng đất nước ta và những người phục vụ nó, và sự phát sáng từ ngọn lửa đó có thể thật sự soi sáng thế giới.

Và những người bạn Mỹ của tôi, đừng hỏi đất nước sẽ làm gì cho các bạn, mà hãy hỏi các bạn đã làm được gì cho đất nước mình

Những người bạn trên thế giới của tôi, đừng hỏi nước Mỹ sẽ làm gì cho các bạn, mà hỏi chúng ta có thể cùng nhau làm được gì cho tự do của nhân loại.

Cuối cùng, cho dù các bạn là công dân Mỹ hay là công dân thế giới, hãy yêu cầu chính phủ sống và chịu đựng giống như chính phủ đòi hỏi người dân phải sống như vậy (12). Với lương tri trong sáng, chúng ta biết chắc chắn sẽ được đền bù, lịch sử cuối cùng sẽ phán xét những việc làm của chúng ta. Hãy để chúng tôi đi ra ngoài và lãnh đạo đất nước mà chúng ta yêu quý (13), nhờ thượng đế phù hộ và giúp đỡ, nhưng chúng ta phải biết rằng, công việc của Thượng Đế chính là công việc của chúng ta (14).


Ngọc Thu dịch

———

Ghi chú của người dịch:

Bài diễn văn này cũng như những bài diễn văn của các vị tổng thống khác, đã sử dụng nhiều câu, từ ẩn dụ (metaphor), lối nói so sánh, ví von, cùng những lời nói bóng gió, dùng một hình ảnh để ám chỉ một sự việc khác. Đặt bài diễn văn trong hoàn cảnh lịch sử nước Mỹ và thế giới lúc đó, có thể nhận ra rằng, trong bài có những chỗ TT Kennedy nói tới cuộc chiến giữa hai phe tự do và cộng sản, hoặc có những chỗ nói tới Liên Xô và Việt Nam, nhưng trong toàn bộ bài phát biểu, ông không hề dùng cụm từ Liên Xô hay Việt Nam và chỉ sử dụng cụm từ “cộng sản” duy nhất một lần. Nếu nghe qua bài phát biểu này bằng tiếng Anh mà không biết hoàn cảnh lịch sử vào thời điểm đó, khó có thể hiểu hết những ý mà Tổng thống Kennedy muốn nói.

Trước khi dịch, người dịch đã tham khảo ý kiến của một học giả nước ngoài về những đoạn khó hiểu, cũng như đã đọc qua các bài phân tích về bài diễn văn, để hiểu thêm những thông điệp mà tổng thống Mỹ thứ 35 muốn chuyển tải. Dưới đây là phần ghi chú của người dịch, để độc giả hiểu thêm các ý trong bài.

(1) Ý nói loài người có đủ sức mạnh để làm được những điều tốt nhất hoặc làm những điều tồi tệ nhất cho nhân loại.
(2) Từ “revolutionary” tức “cách mạng”, ở đây muốn nói sự thay đổi tiến bộ trong lịch sử Mỹ. Khi nước Mỹ mới thành lập, người dân Mỹ không có những quyền mà họ đang có vào thời điểm ông Kennedy phát biểu. Trải qua bao cuộc đấu tranh cách mạng mà dần dần dân Mỹ đã có được các quyền đó.
(3) Ý nói con người sinh ra đã được Thượng Đế ban cho các quyền con người, nên nhân quyền không phải do chính phủ ban ơn, mà chính mỗi người đều có kể từ khi được sinh ra.
(4) Ý nói những chính phủ mới thành lập, không cộng sản, ở các nước ĐNA như miền Nam, Việt Nam, Lào, Campuchia…
(5) Các nhà phân tích cho rằng, trong câu này, ông Kennedy muốn nói đến Liên Xô, rằng muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để thống trị thế giới, cuối cùng sẽ tự hủy hoại chính mình. Một ý kiến khác cho rằng, ông Kennedy muốn nói đến số phận của những lãnh đạo độc tài, cuối cùng sẽ kết thúc bi thảm. Nhưng có một ý cho rằng, trong câu này, ông Kennedy cảnh báo chính phủ cộng sản miền Bắc, chớ có tìm kiếm quyền lực bằng cách liên minh với Liên Xô và Trung Quốc, để rồi cuối cùng sẽ bị Liên Xô và Trung Quốc tiêu diệt.
(6) Nói tới những nước ở phía Nam châu Mỹ.
(7) Ông Kennedy muốn nói cho các nước khác biết rằng, Mỹ và các nước ở châu Mỹ, chứ không phải Liên Xô, làm chủ châu Mỹ.
(8) Ông Kennedy muốn nói tới khả năng hai phe sử dụng bom nguyên tử.
(9) Đoạn này ông Kennedy muốn nói đến học thuyết MAD, Mutual Assured Destruction hay Mutually Assured Destruction, nghĩa là “Bảo đảm Hủy diệt Lẫn nhau”, một học thuyết về “chiến lược quân sự”, còn được gọi là “chính sách an ninh quốc gia”. Học thuyết này cho rằng, mỗi bên có đủ số vũ khí hạt nhân để tiêu diệt đối phương, và cả hai phía, nếu bị tấn công, thì sẽ trả đũa mà không bị thất bại, với sức mạnh bằng với phía tấn công hoặc lớn hơn.
(10) Ông Kennedy nói về kiểm soát vũ khí.
(11) Ông Kennedy muốn nói, mặc dù khó khăn, nhưng hãy để cho ông, tức chính phủ Mỹ, bắt tay làm chuyện này.
(12) Hãy yêu cầu chính phủ sống như người dân, nghĩa là chính phủ phục vụ dân, chứ không phải chính phủ sống trên đầu, trên cổ dân.
(13) Tức nước Mỹ.
(14) Câu này có nghĩa là: Để thế giới tốt đẹp hơn, chúng ta phải bắt tay làm việc, chứ không phải phó mặc mọi chuyện cho Chúa.


Nguồn: C-SPAN
Nhân quyền không phải đến từ sự ban ơn của chính phủ, mà đến từ bàn tay của Thượng Đế Reviewed by Admin on 11/30/2011 Rating: 5 Nhân quyền không phải đến từ sự ban ơn của chính phủ, mà đến từ bàn tay của Thượng Đế Tổng thống Mỹ, John F. Kennedy: Nhân quyền không ph...

Không có nhận xét nào: