Trong các quyền tự nhiên của con người có quyền được sống khỏe mạnh và được săn sóc sức khỏe, khi bị đau yếu và trở thành già nua. Vì vậy song song với việc thăng tiến kinh tế nông nghiệp, phát triển y tế phải luôn luôn là ưu tư hàng đầu của mọi chính quyền biết thương dân thương nước và tôn trọng các quyền con người. Một quốc gia không thể cường thịnh, nếu người dân không khỏe mạnh. Mức văn minh tiến bộ của một dân tộc cũng được đo lường bằng mức độ phát triển y tế, với con số các nhà thương, bệnh xá, trạm phát thuốc và các nhân viên y tế các cấp giỏi, có khả năng, được đào tạo chu đáo. Trong số các nhân viên đó có các bác sĩ thuộc mọi nghành, các y tá, các nhân viên đủ loại phục vụ người bệnh và người già yếu. Họ cần tới lời cầu của chúng ta ít nhất vì hai lý do.
Thứ nhất, các nhân viên y tế phải là những người có sức khỏe tốt, nghĩa là có sự quân bình tâm sinh vật thể lý, và có tương quan liên bản vị phong phú, toàn diện, sẵn sàng phục vụ tha nhân, ủi an, thoa dịu các khổ đau trên thân xác và trong tinh thần của các bệnh nhân và người già yếu. Họ chu toàn nhiệm vụ đó không chỉ như công việc chuyên môn, mà còn trong tư cách là một người bạn, với tất cả tình yêu thương qúy trọng, trìu mến và hơi ấm tình người đối với các ahh chị em đau yếu, tàn tật và già nua, đang trải qua các thời gian khó khăn trong cuộc sống của họ, đang rất cần được nâng đỡ, ủi an, trợ giúp và yêu thương.
Lý do thứ hai là tình trạng mâu thuẫn thường có thể xảy ra trong lãnh vực y tế. Một đàng là các tiến triển kỹ thuật tân tiến trong lãnh vực y khoa đem lại nhiều ích lợi cho các bệnh nhân và người già. Đàng khác y khoa bị đe dọa trở thành một kỹ nghệ kiếm tiền, lạnh lùng, vô nhân, phản ánh sự phân chia tài nguyên không đồng đều, và tình trạng thiếu thốn cùng cực các phương tiện săn sóc sức khỏe cho người dân tại nhiều nơi trên thế giới. Các tình trạng này không chỉ do nghèo đói chậm tiến gây ra, mà cũng thường là hậu qủa của các chính sách cai trị ý thức hệ vô nhân, và các quan niệm văn hóa lầm lạc khinh rẻ phẩm giá và các quyền con người. Điển hình như Bắc Hàn là quốc gia có chính quyền cộng sản độc tài nhắm mắt dồn tài lực vào việc chế tạo vũ khí chiến tranh, kể cả bom và các hỏa tiễn nguyên tử, nhưng lại để cho hàng triệu người dân chết đói thê thảm.
Nhiều chính quyền các nước Á châu, Phi châu và châu Mỹ Latinh cũng thường ưu tiên dành ngân khoản cho việc mua sắm vũ khí, trang bị quân đội, mà chỉ nhỏ giọt cho lãnh vực giáo dục, y tế, phát triển khoa học nghệ thuật, và ít chú ý đầu tư cho việc phát triển kinh tế và nông nghiệp, hay có chăng lại chỉ để cung cấp cho nhu cầu của người dân các nước kỹ nghệ giầu. Cuộc sống nghèo túng, và chậm tiến khiến cho nhiều thứ bệnh tật như Sida, ho lao và sốt rét rừng tiếp tục tàn sát nhiều dân tộc trên thế giới. Thêm vào đó là các tai ương thiên nhiên, dịch tễ, các xung khắc và chiến tranh, khiến cho cái vòng luẩn quẩn ”chậm tiến, bệnh tật, nghèo đói” cứ quay mãi, và quần nát cuộc sống của hằng trăm triệu người trên trái đất. Tại những nơi có chế độc tài toàn trị như Việt Nam chẳng hạn, nhà nước cộng sản tịch thu hết các nhà thương, bệnh xá, các cơ sử bác ái từ thiện của các Giáo Hội; và tuy bất lực không giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội, chính quyền cộng sản vẫn không chịu để cho các Giáo Hội được tự do hoạt động săn sóc các hệnh nhân và người già cả hay giáo dục người trẻ. Cái vô nhân và vô luân của guồng máy chính trị xã hội cộng sản dẫn đưa tới cảnh chỉ những ai có tiền mới được săn sóc sức khỏe, còn dân nghèo thì chỉ được phép chết. Chính vì thế việc cầu nguyện cho các nhân viên y tế lại càng cấp thiết hơn nữa.
Trong sứ điệp gửi các tham dự viên Hội nghị quốc tế về đề tài ”Bác ái trong Chân lý: hướng tới các săn sóc sức khỏe công bằng và nhân bản”, do Hội Đồng Tòa Thánh Mục Vụ Y Tế tổ chức tại Roma ngay 15 tháng 11 năm 2010, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã bầy tỏ lòng biết ơn của ngài đối với tất cả những ai đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để thoa dịu các khổ đau của các anh chị em bệnh tật và người già. Đức Thánh Cha ghi nhận sự kiện ngày nay việc lo lắng cho sức khỏe thái qúa đưa đến chủ trương tiêu thụ dược khoa, y tế và phẫu thuật. Nhưng đàng khác, cũng có hằmg trăm triệu người không đạt được mức tối thiểu để sống, và có các phương tiện độc lập để săn sóc sức khỏe. Đề tài của hội nghị cho thấy cộng đoàn kitô chú ý tới bản vị, phẩm giá siêu việt và các quyền bất khả xâm phạm của con người. Sức khỏe là một thiện ích qúy báu đối với các cá nhân cũng như đối với cộng đoàn. Cá nhân khỏe mạnh hạnh phúc, thì cộng đoàn cũng khỏe mạnh hạnh phúc. Một xã hội bao gồm các các cá nhân thiếu ăn, đau yếu, èo ọt, thì không thể lành mạnh và thinh vượng được. Vì thế cần phải thăng tiến, duy trì và bảo vệ sức khỏe của người dân, bằng cách dành nhiều phương tiện, tài lực, nhân lực và năng lực cho việc phát triển y tế. Nhưng rất tiếc ngày nay vẫn còn có nhiều dân tộc trên thế giới không có các phương tiện và tài nguyên cần thiết để thỏa mãn các nhu cầu nền tảng của họ, đặc biệt trong lãnh vực sức khỏe. Cần phải cương quyết hành động trên mọi bình diện để bảo đảm quyền nền tảng của mọi người được săn sóc sức khỏe cách tối thiểu nhất.
Với các tâm tình trên đây trong tháng hai tới này hiệp ý với Đức Thánh Cha và kitô hữu toàn thế giới chúng ta cầu xin Chúa nâng đỡ cố gắng của các nhân viên y tế trong việc trợ giúp các bệnh nhân và người già yếu tại những vùng nghèo nhất trên thế giới.
Ý chỉ truyền giáo tháng 2
Linh Tiến Khải
Nguồn: vietvatican
Không có nhận xét nào: