Mạc Khải(TNCG) - Nguồn tin Công Giáo từ Ba Lan cho biết, hôm 28:01/2012 vừa qua, nơi Thánh Địa quốc gia kính Đức Mẹ Đen Czestochowa ở Jana Góra đã diễn ra một cuội tập họp cầu nguyện của nhiều phong trào “bảo vệ sự sống” và một lễ nghi đặc biệt. Đó là “Lễ phó thác trong tay Đức Mẹ: sự bảo vệ nền văn minh sự sống và tình yêu”. Đây là sáng kiến của tổ chức Human Life International (Quốc Tế Nhân Sinh).
Quy tụ về đây cử hành lễ nghi này là các đoàn đại biểu của các phong trào bảo vệ sự sống đến từ 18 quốc gia như : Ba Lan, Biélorussia, Ukraina, Nga, Kazakhstan, Lettonia, Lituania, Slovaquia, Cộng Hòa Séc, Hungary, Áo, Ý, Đức, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Anh và Hoa Kỳ. Các đoàn đại biểu này bao gồm các vị trong hàng giáo phẩm và các giáo dân, và không phải chỉ có người Công Giáo mà còn cả những người thuộc Chính Thống Giáo.
"Lễ phó thác trong tay Mẹ Thiên Chúa" đã diễn ra trong Đền Thánh Đức Mẹ Đen ở Jasna Góra trong Thánh Lễ do Đức Cha Stanislas Nowak, chưởng quản tòa Tổng Giám Mục Czestochowa và Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo của Czestochowa đồng tế. Trong thánh lễ, một bản sao tượng ảnh Đức Mẹ Đen đã được trao đoàn hành hương để rước đi từ Nga tới Fatima, băng qua Châu Á và Châu Âu, cầu nguyện cho “nền văn minh sự sống”.
Những nền văn minh đã chết.
Trên suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, đã có rất nhiều nền văn minh xuất hiện. Tính theo tiến trình phát triển thì chúng ta đã nói đến nền văn minh thời kỳ đồ đá, văn minh thời kỳ đồ đồng… Về các sắc dân thì người ta đã ghi nhận các nền văn minh như văn minh bộ lạc của người da đỏ ở Bắc Mỹ; văn minh Aztèque, Mayas ở Trung Mỹ; văn minh Incas, văn minh các sắc dân Amazone, Argentina ở Nam Mỹ… Châu Âu là cái nôi của các nền văn minh nổi tiếng như văn minh Hy Lạp, văn minh La Mã, văn minh Ai cập, và những nền văn minh của các sắc dân từ Ireland đến Nga, từ Tây Ban Nha đến các dân tộc Bắc Âu vv… Tại Châu Á, đã có những nền văn minh lâu đời ở Trung hoa, Nhật, Hàn Quốc. Ở vùng Đân Nam Á của chúng ta, cũng đã có những nền văn minh được thế giới ghi nhận gồm : văn minh Thái Lan, Khmer, Việt Nam/Đại Việt, Đông Sơn, Phù Nam, Chămpa vv… Có những nền văn minh cổ đại và cũng có những nền văn minh hiện đại, văn minh kỹ thuật số. Có những nền văn minh phương Đông và những nền văn minh phương Tây. Ngày nay, với những phương tiện truyền thông và di chuyển tân tiến, trái đất dường như nhỏ lại, kéo lại gần nhau các dân tộc trên khắp thế giới và chúng ta cùng chia sẻ một nền văn minh chung của nhân loại : Nền văn minh thế giới hiện đại.
Theo sách vở thì để được coi là một nền văn minh, phải có một số đặc tính về tổ chức xã hội như : dân chúng phải định canh, định cư; phải có những nghề nghiệp chuyên biệt tạo được nhiều của cải sung túc; xã hội phải có các tầng lớp hay giai cấp có tổ chức; phải có bộ máy chính quyền quốc gia được tổ chức có lớp lang; phải có những thực hiện vật chất như công trình công cộng, kiến trúc; phải có nền ngoại thương rộng rãi trên thế giới; phải có những công trình nghệ thuật tinh vi, phát triển; phải có chữ viết và phương tiện lưu trữ những biến cố đáng ghi nhớ; phải có những kiến thức tiến bộ, khám phá về khoa học … Tóm lại phải tạo nên một môi trường sinh hoạt nâng cao phẩm chất đời sống, phẩm giá con người và truyền lại cho các thế hệ mai hậu của nhân loại những giá trị tinh thần hay vật chất.
Nhưng, lịch sử nhân loại cũng cho chúng ta thấy, nền văn minh nào thì cũng có một quy trình phát triển giống nhau; tức là phát triển cho đến một mức tiến bộ tột đỉnh rồi bắt đầu suy thoái đến mức biến mất luôn. Người đời sau phải đào bới, tìm kiếm mất rất nhiều công phu mới thấy được một cây cột đá, một bức tượng thần, một tấm ván thuyền một thanh kiếm rỉ…. Tóm lại, những mảnh vỡ vụn của một nền văn minh đã bị trôn vùi trong lòng đất, trong rừng núi, trong cả ký ức con người. Bài hát “Hận Đồ Bàn” của Xuân Tiên có một câu nói lên thực tế phũ phàng này : “Lầu các đâu ? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu…”. Nền văn minh Chămpa huy hoàng như thế nào mà chỉ còn để lại trên miền Trung nước ta và ở vài nơi trên đất Campuchia những ngọn tháp chơ vơ cùng tuế nguyệt. Trên thế giới, chỉ trong hai ngàn năm sau Thiên Chúa giáng trần, chúng ta đã chứng kiến biết bao nền văn minh suy tàn. Điển hình là hai nền văn minh La Mã và Hy Lạp ở Châu Âu có vẻ gần gũi với chúng ta nhiều nhất vì còn để lại rất nhiều dấu tích.
Theo định nghĩa, sống trong những nền văn minh, con người được coi là văn minh. Trái ngược với con người văn minh là “man rợ”. Nói cách khác con người từ man rợ trở thành văn minh khi nền văn minh đó cho họ lối sống văn minh như biết mặc quần áo, biết xây cất nhà cửa, công thự để ăn ở và sinh hoạt, biết sử dụng những vật dụng tân tiến do nền văn minh sản xuất ra. Khi nền văn minh suy tàn, con người nếu không trở lại tình trạng man rợ thì cũng không còn văn minh hơn ai.
Mỗi sự suy tàn của nền văn minh đều có nguyên nhân của nó. Nhưng tuyệt đại đa số những nguyên nhân này đều do con người. Văn minh là công trình con người thì cũng do chính con người phá hủy. Trong một xã hội văn minh, không phải tất cả mọi người đều có nếp sống văn minh hay là người văn minh. Mỗi xã hội văn minh đều có những kẻ man rợ sống lẫn lộn trong đó. “Văn minh cực độ sản sinh ra man rợ cực độ” (Pierre Drieu de la Rochelle). Điều đáng chú ý là không phải những người dân thường có lối sống man rợ, mà nhiều khi chính những kẻ lãnh đạo xã hội đã bộc lộ tính man rợ của mình và đưa ra những quyết định làm sụp đổ nền văn minh. Nhà tâm lý học Sigmund Freud đã nói : “Con số người chấp nhận văn minh vì giả hình nhiều hơn gấp bội những người thật sự văn minh”. Liên quan đến nguy cơ phá hủy nền văn minh, bác sĩ Alexis Carrel người nhận giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1912 đã viết : “Chính là sự yếu kém về văn hóa và luân lý của giới lãnh đạo và sự ngu dốt của họ đã gây nguy hại cho nền văn minh”.
Nền văn minh sự sống?
Cho đến nay, các nền văn minh đã xuất hiện và đã chết đi vì con người có sinh, có diệt. Nhưng một nền văn minh coi thường sự sống thì lại càng mau chóng sụp đổ. Theo văn hào André Malraux thì “Nền văn minh nào cũng đều bị ma ám, hữu hình hay vô hình, vì nó tư duy về cái chết”. Nếu một mặt, văn minh có nghĩa là những khám phá mới, những phát minh mới phục vụ cho con người và xã hội thì mặt khác, nó cũng gây không ít những tác họa đến đời sống con người và xã hội. Trong thế kỷ trước, nhân loại đã chứng kiến hai cuộc thế giới Đại Chiến và hàng trăm cuộc chiến tranh ở khắp các lục địa trên thế giới. Nguy cơ chiến tranh còn đang cao độ trong thế kỷ 21 này. Hàng trăm triệu người đã bị giết hại vì bom đạn. Trái đất đang ngày một bị văn minh nhân loại làm cho nóng lên, là cho ô nhiễm. Nước uống sẽ không đủ cho mọi người, không khí sẽ trở nên độc hại. Các loại vi khuẩn, siêu vi mới lạ xuất hiện, gây ra những dịch bệnh chết người xuyên biên giới. Nhiều phó sản của văn minh đã trở thành thuốc độc đối với con người và các sinh vật khác. Để kiểm soát tỷ lệ gia tăng dân số, ngoài những dụng cụ phòng ngừa thụ thai, người ta còn tận dụng phương pháp phá thai. Tại nhiều nước, hành động tiêu diệt mầm sống con người đã được luật pháp công nhận. Nếu trong chiến tranh hay dưới những chế độ độc tài, phát xít, đã có hàng trăm triệu người chết và thế giới đã lên án nặng nề, thì hàng giây hàng phút vẫn có hàng vạn con người chưa kịp chào đời đã bị giết chết. Tổng cộng, con số vượt xa nạn nhân các cuộc chiến tranh hay thiên tai, bệnh dịch. Chống lại nạn phá thai, bảo vệ môi trường để bảo vệ sự sống trên hành tinh này là cứu lấy nền văn minh hiện đại. Đây là sứ mạng và là lập trường của Giáo Hội Công Giáo trên thế gian này.
Trong suốt thế kỷ trước, trải qua nhiều triều đại Giáo Hoàng, biết bao nhiêu tông thư, tông huấn, sứ điệp và các văn thư từ Tòa Thánh Vatican hay từ các Giáo Hội trên toàn thế giới đã được công bố để nói lên lập trường và lời kêu gọi tôn trọng sự sống. Nhiều phong trào bảo vệ sự sống đã được thành lập ở các quốc gia trên khắp thế giới để loan truyền Tin Mừng bằng cách bảo vệ sự sống con người, được dựng lên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 27). Ở các giáo phận Công Giáo Việt Nam, những nhóm, những hội bảo vệ sự sống cũng đã được thành lập từ nhiều thập kỷ nay. Họ âm thầm làm việc bằng cách tiếp xúc, khuyên can ở ngay tại những nơi phá thai. Họ an táng những thai nhi bị giết hại…. Họ hãm mình, cầu nguyện cho các thai nhi lên đoạn đầu đài, cho những bà mẹ đang tâm bỏ con, cho những bác sĩ và nhân viên y tế trực tiếp giết hại thai nhi. Họ còn là những người tích cực bảo vệ môi trường và cảnh báo việc khai thác quặng mỏ nguy hại đến sức khỏe con người và môi sinh.
Những hoạt động vô cùng ôn hòa, vô cùng khiêm nhượng của họ, đúng là để xây dựng nền văn minh sự sống cho Việt Nam chúng ta. Trong những người đó, chúng ta biết có rất đông các anh chị tín hữu giáo dân, các nam nữ tu sĩ và cả các vị trong hàng giáo phẩm. Điển hình, có các anh chị em thanh niên như các anh Phêrô Nguyễn Xuân Anh, Antôn Đậu Văn Dương, Phêrô Trần Hữu Đức, Phêrô Hồ Đức Hòa, Gioan-Baotixita Hoàng Phong, Antôn Chu Mạnh Sơn… và 11 anh chị em khác. Đáng tiếc là những việc làm bảo vệ sự sống, bảo vệ nền văn minh sự sống này đã bị những người lãnh đạo xã hội quy kết cho những tội trạng mang tính chính trị để bị bắt bớ, tù đày. Phải chăng hiện tượng này ứng với lời tuyên bố của bác sĩ Alexis Carrel trên đây ?
Kết luận: Sống hay chết ?
Trở lại mẩu tin đầu bài viết này, phải chi trong cuộc tập họp cầu nguyện tại Đền Thánh quốc gia của Balan, có cả các đại biểu anh chị em “bảo vệ sự sống” Việt Nam. Chúng ta đang sống trong một nền văn minh hiện đại của nhân loại. Nền văn minh này đang bị đe dọa bởi những tay độc tài có trong tay vũ khí nguyên tử tàn phá thế giới ; bởi những lối sản xuất bất chấp tổn hại môi trường ; bởi những lối sống sa hoa, đồi trụy, loại bỏ luân thường đạo lý, loại bỏ Thiên Chúa ra ngoài xã hội ; bởi chà đạp nhân quyền, nhân phẩm của dân ; bởi coi thường mạng người như cỏ rác… Nếu không có gì thay đổi thì nền văn minh này đang trên đà tuột dốc siêu tốc và ngày tử vong không còn xa nữa.
Để cứu vãn, phải có một nền văn hóa sự sống, một nền văn minh sự sống và tình yêu. Hãy ngưng ngay mọi hình thức bạo lực : bạo lực thể lý, bạo lực tinh thần. Hãy ngưng ngay những hành động xúc phạm sự sống, xúc phạm con người trên mặt nhân quyền, nhân phẩm. "Nền tảng của nền văn minh của chúng ta phải là tự do của mỗi con người về tư tưởng, tôn giáo, chính kiến, công tác, nghỉ ngơi". Câu này là của một tên thực dân trước đây xâm lăng nước ta, Charles De Gaule.
Mạc Khải(TNCG)
05/02/2012
Không có nhận xét nào: