Người dân thì thầm cầu nguyện bên tai bức tượng cha Diệp. (Hình: Yến Châu/Người Việt) |
BẠC LIÊU (NV) - Tọa lạc tại ấp 2, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, đền thờ cha Trương Bửu Diệp bề thế với khu nhà thờ, phần mộ, khu nhà trọ, bãi đậu xe... tấp nập khách viếng thăm, hầu như mỗi ngày.
Ðền thờ Cha Diệp sừng sững gồm nhiều công trình xây dựng mới, cao vọi, khang trang, đầy cây xanh bóng mát và nhất là duy trì được trật tự, dù có lúc quy tụ đến hàng ngàn người.
Phần mộ của ông ở góc trái khu đền thờ có rất nhiều người đến quỳ sụp, nằm dài ôm lấy chân mộ.
Người ta ước tính có khoảng 80% khách viếng thăm là người lương giáo, tức không phải tín đồ Công Giáo đến viếng Cha Trương Bửu Diệp. Nhìn cách họ thắp nhang vái lạy cũng đủ hiểu họ là Phật tử.
Trong những đoàn khách đến thăm đền lũ lượt từ khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung, miền Nam và có cả người dân ở ngoại quốc đến từ các tiểu bang khác nhau của nước Mỹ, từ các quốc gia Châu Âu, Châu Úc...
Một Việt kiều Mỹ tên Nguyễn Cường ở Nam California cho biết, khi đến viếng đền thờ Cha Diệp, anh cố hốt một nắm đất mang về nhà.
Ở phía phải ngôi đền thờ có một góc nhỏ thu hút đến lạ kỳ.
Ít ai chú ý đến một tủ kính lớn trưng bày những miếng ván hòm đã chôn cất thi thể của vị linh mục quá cố, được coi là “người tử đạo” vào ngày 12 tháng 3 năm 1946 tại Cây Gừa, tỉnh Bạc Liêu. Ai đến đây cũng đều tỏ lòng tôn kính ngài một cách kỳ lạ.
Ngồi vây quanh phần mộ cha Diệp. (Hình: Yến Châu/Người Việt)
Người ta phủ phục dưới chân bức tượng đồng của ông, sờ lấy tay, vai, bàn chân trìu mến. Phần lớn đứng khom người thủ thỉ vào tai ông những lời mà người đứng cạnh khó nghe rõ.
Thời gian “thủ thỉ” của từng người kéo dài từ 3 đến 5 phút. Người “thủ thỉ” cũng phải xếp hàng chờ đến lượt.
Tuy không nghe được, nhưng ai cũng hiểu, đó là những lời cầu khẩn, xin cha ban một quyền năng, giúp họ được lành một chứng bệnh, bán được một ngôi nhà, mua được mảnh đất... Người nào cũng lầm bầm cầu nguyện, miệng kề sát vào tai bức tượng Cha Diệp một cách chân thành, tôn kính và đầy lòng yêu thương...
Tôi không thấy có ai tỏ thái độ như thế với cha ruột của mình kể cả với một ông thầy giáo, hoặc một người đáng kính trọng khác trên thế gian này. Còn ở khu nhà thờ Cha Trương Bửu Diệp, đi đâu tôi cũng nhìn thấy cảnh tượng đó.
Tôi còn nhớ cách nay một năm, bức tượng của cha làm bằng gỗ sơn đen. Bây giờ được thay thế bằng một pho trượng kim loại sơn màu vàng. Có thể vì mỗi ngày có hàng ngàn, hàng vạn bàn tay sờ vào tượng cha, khiến gỗ bị phai mòn.
Ở phần mộ của ông đầy những chai nước lọc. Phần lớn người hiện diện ở đó nói với chúng tôi rằng họ đặt chai nước ở đấy trong vòng năm - ba phút. Mọi người thành kính cầu nguyện cha rồi quay lại cầm chai nước lên uống, để được “sở cầu như ý nguyện”.
Bức tượng cha Diệp bằng gỗ bên trong nhà thờ Tắc Sậy. (Hình: Yến Châu/Người Việt)
Phía sau ngôi đền thờ có một dọc những tấm bia đá chi chít những tên tuổi của cá nhân hay của một gia đình được gắn vào đó gọi là “dâng lễ tạ ơn” cha đã biến mơ ước của họ thành sự thật. Cùng với “bức tường đá nhiều màu” này là hàng ngàn ghế đá có ghi tên những người dâng cúng. Sau này, người ta không làm trên bia đá hay ghế đá - vì không còn chỗ chứa đựng, mà làm trên đường đi.
Tuy đông đúc người ra vào nhưng mọi thứ diễn ra có vẻ trật tự, an toàn. Chúng tôi gặp ba em gái bán vé số đi vào khu nhà vệ sinh. Khi bước chân vào khuôn viên khu đền thờ, các em không được phép “hành nghề” tức là không được mời mọc và bán vé số cho khách... Các em nói chỉ được vào nhà vệ sinh tắm rửa... rồi đi ra ngoài. Cũng nhờ vậy mà thân thể, quần áo của các em có vẻ tươm tất, sạch sẽ hơn.
Một em nói: “Tụi con không được phép bán vé số trong khuôn viên đền thờ.” Khách thập phương chỉ nghe nói, chứ không thấy lệnh này được dán lên gốc cây hay được đọc loa ầm ĩ, thế mà các em nhỏ bán vé số tuân hành răm rắp. Nhờ vậy mà người ta không thấy cảnh du khách bị níu áo, nắm tay... bên trong khuôn viên ngôi đền thờ.
Bên cạnh và trước mặt ngôi đền thờ là khu vực buôn bán sầm uất. Quán ăn, nhà hàng, khách sạn... đua nhau mọc lên. Du khách sang trọng thì vào khách sạn chỉ cách ngôi đền chừng vài chục thước, với giá thuê phòng mỗi đêm chừng 15 đôla, có Internet miễn phí. Nhiều gia đình không thuê khách sạn thì vào trú ngụ miễn phí ở khu nhà trọ của ngôi đền.
Cha Diệp sinh ngày 1 tháng 1 năm 1897 và qua đời từ rất lâu, mà theo câu chuyện kể nói rằng cha không chịu di tản theo yêu cầu của quân đội Pháp khi bị Việt Minh bao vây. Cha quyết định ở lại với tư cách cha xứ họ đạo Tắc Sậy, Bạc Liêu với câu nói hùng hồn: “Tôi sống giữa đoàn chiên và chết cũng giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết.”
Cha bị bắt cùng với 70 giáo dân họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt chung tại lẫm lúa của ông giáo Sự tại Cây Gừa. Cuối cùng thì người ta tìm thấy thi thể của cha dưới một cái ao của ông giáo Sự với một vết chém sau ót ngang mang tai và thân xác trần truồng. Thi hài của ông được chôn cất trong phòng Thánh nhà thờ Khúc Tréo.
Khu nhà thờ được xây dựng từ sau năm 2011. (Hình: Yến Châu/Người Việt)
Năm 1969, hài cốt của ông được đưa về nhà thờ Tắc Sậy, là nơi mà cha làm chủ chiên trong suốt 16 năm, từ đó đến nay.
Năm 1989, ngôi nhà thờ được trùng tu lần đầu và được khánh thành ngày 4 tháng 6 năm 1989.
Nhiều giai thoại nói rằng ngôi đền thờ cha tại họ đạo Tắc Sậy - địa điểm hiện nay, từ sau năm 1969 rất lụp xụp, nghèo nàn.
Chuyện kể rằng, vào một đêm tối, một chủ ghe thương hồ chở đầy vật liệu xây dựng như gạch, cát, đá, xi măng... dừng chân bên dòng Hậu Giang, cạnh khu nhà thờ vô tình chạm mặt một linh mục từ phía trên đi xuống bờ sông.
Vị linh mục này nói muốn mua lại ghe vật liệu xây dựng để tu sửa ngôi nhà thờ. Sáng sớm hôm sau, ông chủ ghe bước vào nhà thờ nói xin gặp người hồi hôm muốn mua gạch, cát, đá... Ông chưng hửng khi được biết người đàn ông mà ông gặp vào đêm hôm trước là hồn ma của Linh Mục Trương Bửu Diệp, đã tạ thế vài chục năm về trước. Quá đỗi bàng hoàng, kinh ngạc, ông chủ ghe xin được hiến tặng cả chiếc ghe chở đầy vật liệu cho họ đạo Tắc Sậy.
Truyền thuyết cũng nói rằng trên đường thương hồ dong ruổi, ông chủ ghe gặp nhiều may mắn, làm ăn phát đạt, cuối cùng quay trở lại để trả lễ cho cha. Tin đồn lan dần khiến ngày càng có nhiều người đến cầu nguyện. Khi đạt được lời nguyện thì họ lại đến trả lễ. Số tài vật được sử dụng vào việc trùng tu, và cuối cùng là “đại xây dựng” khu đền thờ khổng lồ. Tiền cúng dâng lễ Cha Trương Bửu Diệp vẫn chưa dừng lại, mỗi ngày một nhiều hơn.
Hiện nay, còn có một ban tiếp nhận tiền dâng lễ do các nữ tu của họ đạo Tắc Sậy tiếp nhận.
Hầu hết những người trực tiếp đến dâng lễ đều cho biết, họ đã cầu xin cha một điều gì đó hoặc liên quan đến sức khỏe hoặc tài chính, của cải, tình cảm gia đình... Khi đạt được ước nguyện, hoặc họ đăng lên báo ở hải ngoại để tạ ơn. Còn đa số người ở Việt Nam thì đích thân đến dâng lễ tạ ơn ngài.
Ðiều kỳ bí ở đây là không hiểu tại sao cùng một lúc mà cha có thể nghe và giúp hàng triệu người đạt được lời nguyện cầu để mà lôi kéo họ cứ quay trở lại với ngôi nhà thờ cha.
Vì nếu không được “đắc cầu sở nguyện” thì họ đã không quay trở lại.
Yến Châu
Không có nhận xét nào: