Những người đã và đang cố tình giấu đi lịch sử mới là người có lỗi. Những ngày cuối tháng Tám 2011, Hà Nội ngột ngạt sau cái thông báo không số, không dấu, không người ký của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cấm người dân không được biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn trên biển Đông. Tôi muốn tìm một nơi nào đó để thoát ra khỏi cái bầu không khí như đặc quánh lại đó sau cả một mùa hè rực lửa. Vừa muốn tìm một nơi đi nghỉ trong dịp 2-9 bù cho mùa hè sôi động vừa muốn tìm một nơi để ngẫm lại mình. Đọc trên blog của nhà văn Trang Hạ thấy Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa (Hoangsa.org) có tổ chức buổi gặp mặt "Vòng tròn bất tử - Vòng tay đồng đội" để lần đầu tiên sau bao nhiêu năm 8 anh (anh Nguyễn Tiến Hùng quê Thanh Hóa đã mất vì ung thư trước đó) còn sống sót trong trận Gạc Ma ngày 14.3.1988 được gặp lại nhau tại Khu du lịch Suối Lương, Đà Nẵng.
Chưa biết các bạn ở Trung tâm Dữ liệu Hoàng Sa, chưa biết làm cách nào để đăng ký tham gia cuộc gặp mặt của các anh cựu binh trận Gạc Ma. May quá, thấy trong một cái còm trên blog của Trang Hạ có số điện thoại của một thành viên Hoangsa.org, gọi điện vào số máy này để đăng ký tham gia thì được bạn đó trả lời là phải viết email cho Hoangsa.org để đăng ký. Viết email gửi Hoangsa.org xong, cả buổi chiều chỉ ngồi chờ phản hồi xem có được đồng ý cho tham dự hay không. Chờ đến gần cuối buổi chiều ngày 1.9 mà vẫn chưa thấy các bạn trả lời đành cứ liều ra phòng vé đặt mua vé chuyến bay chiều tối vào Đà Nẵng. Trong trường hợp Ban tổ chức không đồng ý cho tham dự thì cứ đến và ngắm các anh từ xa cũng được.
Sáng ngày 2 tháng Chín, qua Facebook biết Mẹ Nấm cũng đang trên đường từ trong Nha Trang ra cùng với hai bạn ở Sài Gòn. Vui quá, thế là có bạn đồng hành đỡ cô đơn. Trước đó, chỉ nhìn thấy Mẹ Nấm trong cuộc biểu tình ngày 7.8 tại Hà Nội chứ chưa gặp bao giờ. Hơn 9 giờ thì Mẹ Nấm và hai bạn Sài Gòn tới Đà Nẵng. Cả bọn nói vui "Thế này là bốn anh em ta là đại diện cho 3 miền Bắc - Trung - Nam" rồi cùng bắt taxi tới điểm hẹn Suối Lương - nơi tổ chức cuộc gặp mặt. Suốt cả ngày 2.9, cả hội bốn anh em ngồi chờ ở Khu du lịch Suối Lương chỉ để đăng ký với Ban tổ chức được tham dự cuộc gặp mặt trong buổi sáng hôm sau. Tới chiều, sau khi Ban tổ chức Hoangsa.org và ông chủ Khu du lịch Suối Lương đã làm việc xong xuôi đâu đấy với an ninh Đà Nẵng thì bốn anh em cũng được gặp và được đồng ý để sáng hôm sau tham dự với điều kiện không được hỏi chuyện và viết bài đưa tin. Cả bốn anh em đều đồng ý ngay vì mục đích chỉ cần được gặp mặt các anh là đã toại nguyện.
Sáng ngày 3 tháng Chín, cả bốn anh em hẹn nhau tới điểm hẹn rồi lại cùng nhau bắt taxi tới Suối Lương để tham dự cuộc gặp mặt. Tới nơi mới biết là Mẹ Nấm không được tham dự. Còn lại 3 anh em hồi hộp chờ được vào hội trường tham dự cuộc gặp mặt. Tới giờ tổ chức, các khách mời và các anh cựu binh tiến vào hội trường. Đến lúc này mới biết chỉ còn lại 3 anh là các anh Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa và Dương Văn Dũng tham dự cuộc gặp mặt cùng quan khách, 5 anh cựu binh khác vì một lý do nào đấy đã bỏ về trong đêm 2.9. Sau phần giới thiệu thành phần tham dự cuộc gặp mặt, Ban tổ chức chiếu phim tài liệu về Trường Sa trong đó có clip trận Gạc Ma mà phía Trung Quốc đã quay và tung lên mạng Youtube.
Cả hội trường lặng im chỉ còn những tiếng nấc nghẹn ngào. Nhìn hình ảnh các chiến sỹ ta đầm mình dưới nước biển đứng thành hàng trên đảo chìm bị tàu Trung Quốc xả súng bắn, chị Mai Thị Hoa, vợ anh Trần Văn Phương ôm mặt khóc nấc lên, các anh Trương Văn Hiền, Lê Minh Thoa, Dương Văn Dũng cũng ôm mặt nghẹn ngào không nói nên lời. Vũ Khoa, con trai thuyền trưởng HQ 604 Vũ Phi Trừ cũng rưng rưng nước mắt khi chứng kiến cảnh tàu của cha mình chỉ huy bị giặc bắn, chìm dần xuống biển. Xem lại giờ phút oanh liệt đó, cả hội trường ai cũng đau đớn, nghẹn ngào không nói nên lời. Tiếp theo, các anh cựu binh được mời lên để trò chuyện cùng các khách mời tham dự cuộc gặp mặt.
Sau cuộc gặp mặt, Ban tổ chức mời các khách mời và các anh cựu binh dùng bữa cơm trưa thân mật. Qua vài lần nâng cốc, câu chuyện trở nên thân mật và cởi mở hơn. Mọi người hỏi và lặng người khi nghe các anh kể lại những câu chuyện trong những giờ phút bi tráng đó. Anh Dương Văn Dũng kể cho Vũ Khoa nghe giây phút cuối cùng của người cha Vũ Phi Trừ trước khi tàu bị đắm và anh bị bắn văng xuống biển. Anh Lê Minh Thoa kể chuyện bị thương và bị lính Trung Quốc chĩa súng bắt giơ tay hàng trước khi bị bắt lên tàu địch nhưng lại chỉ giơ 1 tay, tay kia vẫn bám vào vật nổi sau khi tàu đắm chứ nhất quyết không chịu giơ hai tay. Anh Trương Văn Hiền kể về chuyện bị thương mê man rồi bị lính Trung Quốc dùng câu liêm móc giật lên tàu, chuyện anh Nguyễn Văn Thống bị thương quá nặng tưởng phải cắt một phần thân thể nhưng anh nói với bác sỹ Trung Quốc là thà chết nguyên thân xác chứ nhất quyết không để mất một phần nào của cơ thể. Anh Dương Văn Dũng còn kể chuyện bị ngâm mình trong biển dưới cái nắng từ sáng tới chiều tối nên toàn thân bị phồng rộp và vài hôm sau da bị lột như rắn lột xác. Các anh còn kể chuyện khi bị giam giữ ở đảo Hải Nam, các anh còn tìm cách qua mặt giám thị Trung Quốc để dò sóng được đài Tiếng nói Việt Nam để nghe trộm. Khi phát hiện ra, giám thị tra hỏi ai là người làm, anh Dương Văn Dũng mặc dù không làm nhưng giơ tay nhận thay bạn và bị tống giam vào phòng tối. Các anh còn lấy lò xo bật lửa chế thành dây may xo để đến tối cắm điện vào chậu men, nấu cá chép mà các anh ban ngày đã bắt dưới ao và giấu vào trong phòng. Các anh cười khoái trá khi kể lại chuyện cả ao cá các anh nuôi bị các anh ăn hết mà người Trung Quốc không phát hiện ra "Bọn nó trông vậy mà cũng ngu lắm!" Anh Lê Minh Thoa còn kể chuyện mỗi người được phát 14 nhân dân tệ một tháng để mua đồ dùng, anh mua 1 bánh xà phòng Mỹ và 1 bánh xà phòng Mỹ là hết số tiền. Khi giám thị hỏi sao không mua đồ Trung Quốc cho rẻ để được nhiều thì anh trả lời "Quen xài đồ Mỹ chớ không xài đồ Trung Quốc". Còn nhiều lắm các câu chuyện các anh kể về những người đồng đội, những tình huống đối mặt với người Trung Quốc trong và sau trận chiến. Những câu chuyện các anh kể về trong và sau trận chiến đậm chất anh hùng. Ai dám cả gan không giơ cả hai tay khi quân thù bắt giơ tay đầu hàng và sẵn sàng xả súng bắn chết như vừa mới bắn các đồng đội trước đó? Ấy vậy mà anh Lê Minh Thoa chỉ giơ một tay chứ nhất quyết không chịu giơ hai tay đầu hàng. Chỉ một hành động trong hoàn cảnh đó thôi các anh cũng thật anh hùng!
Sau khi được trao trả, các anh chẳng được bất kỳ một chế độ nào ngoài chế độ ra quân như bao quân nhân bình thường khác cho dù nhiều anh như anh Thoa, anh Hiền... vẫn mang trong mình thương tật từ trận chiến đó. Tin tức về trận Gạc Ma chỉ vỏn vẹn xuất hiện ngắn ngủi trên báo Nhân dân năm 1988. Từ đó về sau, thông tin về các anh - những người lính đã bỏ mình dưới đáy biển và cả những người lính còn sống sót rất ít khi xuất hiện trên phương tiện truyền thông. Mọi chuyện như chìm vào quên lãng. Thật đắng lòng khi biết chuyện đến vợ các anh còn sống cũng không tin là chồng mình đã tham gia trận đó! Các chị không có lỗi. Những người đã và đang cố tình giấu đi lịch sử mới là người có lỗi.
.
Ngày mười bốn tháng Ba,
Trận Gạc Ma, Gạc Ma,
Hỏi rằng ai có nhớ?
Các anh còn nơi xa.
Ơi Gạc Ma, Gạc Ma!
Xin thắp một nén hương tưởng nhớ tới các anh hùng còn nằm sâu dưới đáy biển trong trận Gạc Ma!
Hà Nội, 2h00 ngày 14 tháng Ba năm 2012
các anh nghẹn ngào khi xem lại cảnh các đồng đội bị giặc bắn |
Chị Mai Thị Hoa và em Vũ Khoa không ngăn nổi nước mắt khi chứng kiến giờ phút hy sinh của chồng, cha mình |
Anh Chí chụp ảnh lưu niệm cùng 3 anh (Từ phải sang): Anh Dương Văn Dũng, anh Lê Minh Thoa, anh Trương Văn Hiền |
Ban tổ chức Hoangsa.org chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu binh và thân nhân
Anh Chí
|
Không có nhận xét nào: