Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của công giáo (1) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 3, 2012

Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của công giáo (1)

Nguyễn Học Tập(TNCG) - Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (HDXHGH), với tư cách là yếu tố định hướng cho động tác xã hội của Giáo Hội trong lãnh vực lịch sử, xã hội và văn hoá, cung cấp cho nền thần học xã hội và cho tất cả các thành phần cộng đồng Ki Tô giáo

- Các định chuẩn

- Cà đường hướng nền tảng

Cho việc giáo dục, chuẩn định và trung gian điều giải (mediazione) văn hoá.

Để thấy rõ định hướng đó, chúng ta có thể tra cứu tài liệu mới đây Lược Tóm Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (Compendio di Dottrina Sociale della Chiesa, CDSC)

- Ngay ở phần dẫn nhập (nn. 7.10),

- Ở phần đầu (nn. 60-71),

- Nhứt là ở phần thứ 3 chương XII (Con người và các quyền của mình)

- Cũng như ở phần kết luận.

Dưới nhãn quang đứng về phía phẩm giá con người, HDXHGH có khả năng diễn giải phương thức tổ chức xã hội

- Có cấu trúc liên kết hợp nhứt tổng thể toàn phần, chớ không phải theo chi tiết tách rời từng mảnh vụn

- Và đưa ra đề nghị toàn phần để kiến tạo xã hội, đồ án có liên quan đến tất cả các phương diện nền tảng về cuộc sống xã hội: cá nhân, cộng đồng trung gian cũng như tổ chức quốc gia.

Đó là môt đồ án liên hệ nối kết các yếu tố cấu trúc và liên hệ mật thiết với nhau được đặt trên phẩm giá và trên giá trị thượng đẳng của con người.

Trong tiến trình khai triển lịch sử của mình, HDXHGH nhấn mạnh và nói ra một cách minh bạch

-Nhãn quang về con người toàn diện (homo integralis) liên quan những phương diện khác nhau của kinh nghiệm xã hội con người,

- Ngay cả một đôi khi với những khúc quanh phát triển mạnh mẽ và khác nhau, tùy theo những bối cảnh văn hoá, lịch sử khác nhau, trong đó quyền huấn dạy của Giáo Hội phải can thiệp vào.

Nhưng dù sao đi nữa những lần can thiệp vừa kể là can thiệp

- Nhằm phục vụ cho con người được phát triển lớn mạnh trong những gì thiện hảo

- Và xã hội được phát triển chính đáng

1 - Chống thể chế độc tài toàn trị.

Nhãn quang "con người toàn diện trọn hảo" (homo integralis) chính là nguyên lý đã cho phép HDXHGH hơn 100 năm, mặc dầu với những giới hạn của mình, vượt lên trên mọi biến chuyển của thời cuộc, vượt lên mọi quên lãng sơ sót của mình, vẫn còn giữ được nơi mình đặc tính định chuẩn cho cuộc sống xã hội con người.

Nhãn quang nhân loại luận của HDXHGH được Thông Điệp Sollecitudo rei socialis (SRS) đúc kết qua các từ ngữ

- "Con người được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Người và được cứu chuộc bởi Máu Thánh Chúa Giêsu Ki Tô" (SRS, n. 29).

Quan niệm đó đòi buộc các cách hành xử của con người, tư nhân cũng như tổ chức công quyền, phải là những cách hành xử chính đáng đối với phận vụ phải có cho việc tôn trọng phẩm giá con người.

Và cũng từ đó, HDXHGH phát hoạ ra ơn gọi con người như là

- Ơn gọi trở nên trọn hảo, giống như Thiên Chúa

- Và bằng cách thực hiện điều Chúa Giêsu đã làm.

Với những tư tưởng vừa kể, chúng ta được hướng dẫn vào trọng tâm của động tác loan báo Ki Tô giáo đối với xã hội: đó là nguyên lý về phẩm giá con người (HDXHGH 105-159), trong đó chúng ta có thể gặp được

- Mọi nguyên tắc (liên đới hỗ tương, phụ túc bảo trợ, công ích)

- Và nguồn gốc nền tảng của những nguyên tắc đó (HDXHGH 160-208).

Nhãn quang "con người toàn diện trọn hảo" vừa kể, nếu trên lãnh vực quan niệm và thần học có thể được suy nghĩ bằng những cách suy luận khác nhau từ Công Đồng Vatican II trở đi, nhưng đó là nguyên lý nền tảng trong Thông Điệp Rerum Novarum (RN) (ĐTC Leo XIII, 1891). Thông Điệp đúc kết các liên hệ chính trị về phẩm giá con người như sau:

- "Con người có trước quốc gia. Giá trị của con người là khuôn thước, mà dựa vào đó các cơ chế chính trị và luật pháp phải được định chuẩn. Chính trị và pháp luật phải phục vụ con người. Con người không bao giờ chỉ là một giá trị cơ năng để hoạt động. Con người có một giá trị thượng đẳng không thể tùy thuộc vào một mục đích nào khác. Từ đó, giá trị thượng đẳng của con người chống lại bất cứ chế độ tuyệt đối nào" (RN n.6).

Bởi đó nhiều vị thức giả, trong đó có nhà thần học J. Murray, cho rằng điều quan tâm trọng yếu vừa kể của ĐTC Lê-ô XIII là thái độ chống lại mọi ý thức hệ chà đạp và tha hóa con người,

- Không những ý thúc hệ độc tôn, độc tài đảng trị,

- Mà còn cả đối với những ý thức hệ "dân chủ toàn trị" (democrazia totalitaria), tưởng mình có thể giải quyết được hết mọi phương diện của "con người trọn vẹn hoàn hảo" bằng phương thức dân chủ.

Và từ đó, "phẩm giá con người bất khả xâm phạm", chính là lý do tại sao Thông Điệp Rerum Novarum lên tiếng để nói lên giải quyết chính đáng phải có đối với vấn đề "lương bổng công nhân", trong thế giới kỷ nghệ hoá, để bảo vệ mục đích phẩm giá "con người trọn vẹn hoàn hảo"

- Chống lại chủ thuyết tự do tư bản,chỉ nhìn con người dưới khía cạnh kinh tế và hạ cấp con người chỉ còn là một yếu tố của thị trường;

- Đàng khác Thông Điệp cũng lên án chống lại Cộng Sản chủ nghĩa hay Xã Hội chủ nghĩa của Karl Marx, chỉ coi con người là một yếu tố vật chất của cấu trúc kinh tế, làm cho con người

* Mất hết tự do cá nhân

* Và mất đi ý nghĩa chủ thể tính trong chiều hướng siêu việt thần học của mình.

2 - Những vấn đề nan giải luận lịch sử .


Quan niệm về địa vị thượng đẳng của con người như vừa kể trong Thông Điệp Rerum Novarum chứa đựng một bầu không khí căng thảng lúc đó chưa giải quyết được.

Bầu không khí căng thẳng đó thoát xuất từ quan niệm về bình đẳng:

- một đàng xác nhận mọi người đều có phẩm giá như nhau, điều đó hàm chứa mọi người đều có quyền trên sản phẩm việc làm của chính mình (RN n. 40) và bình đẳng trước pháp luật (RN n. 33),

- nhưng đồng thời ĐTC Lêô XIII liên kết kỳ vọng bình đẳng của các phong trào dân chủ với khuynh hướng tự do thoả thích tùy hỷ của Cách Mạng Pháp. Ngài nghĩ rằng đồng hoá bình đẳng trên phẩm giá với quyền thượng đẳng của các nhóm tự do thoả thích vừa kể là hăm doạ chính các nền tảng luân lý của thể chê chính trị. Bởi đó ngài bênh vực tính cách chính danh của các quyền chính trị không đồng đều nhau, bởi lẽ ngài

- "không thể quan niệm về một hình thức dân chủ bình đẳng mà không bắt buộc địa vị của thiểu số phục tùng đa số" (ĐTC Leo XIII, Quod apostolici muneris. QAM n.1).

Nhãn quang thiết thực hàm chứa trong phẩm giá con người phải được cấu trúc bằng những phương thể khả thi để thiết định nên các mối tương quan xã hội.

Một sự hiểu biết có thứ bậc trật tự xã hội chính đáng là thể chế xã hội tiền liệu một cấu trúc, mà trong đó ĐTC Leo XIII tin là phẩm giá con người có thể được bảo vệ.

Trong lãnh vực kinh tế và trước luật pháp, quyền bình đẳng của con người cần phải được khai triển rộng rãì hơn qua các quyền xã hội và kinh tế của người làm việc.

Vấn đề vừa kể chỉ được giải quyết một cách thoả đáng hơn với ĐTC Pio XII, tuy nhiên ĐTC Leo XIII vẫn là người khơi nguồn cho những diễn dịch rộng rãi về xã hội, để đưa đến cách giải quyết thoả đáng trong HDXHGH.

Kết quả của những cố gắng đặt liên hệ giữa phẩm giá con người và các điều kiện thiết thực của các hiện trạng có liên hệ đưa đến việc đề thảo ra một số các quyền cá biệt trong lãnh vực kinh tế.

Trong tiến trình đề thảo ra vừa kể, có hai yếu tố khác nhau được đặt bên cạnh nhau:

- Hiểu biết chính đáng phẩm giá của con người

- Và thiết định nên những tổ chức, cơ chế thích hợp cho mục đích.

Việc bênh vực giá trị thượng đẳng của con người hướng dẫn ĐTC Pio XI đến thái độ phê bình các lý thuyết tổ chức xã hội có liên hệ đến tự do tư bản chủ nghĩa cũng như những cách tổ chức theo xã hội chủ nghĩa mácxít (Quadragesimus annus n. 46).

Mặc cho có những cách suy nghĩ song hành giữa tư tưởng của Marx và nhãn quang của ĐTC Pio XI về hoàn cảnh của giới vô sản và hậu quả tai hại của động tác tự do cạnh tranh vô giới hạn, nhưng ĐTC vẫn khước từ,

- Tẩy chay phương thức tranh đấu giai cấp và việc liên kết chính trị xã hội chủ nghĩa với quan niệm thuần vật chât về con người.

Bởi lẽ những tư tưởng đó sẽ đưa đến những mục đích vô nhân tính về con người, cướp bóc, đánh đập, "trấn nước", "bịt miệng", phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên phải "bán thân nuôi miệng" là điều ai cũng thấy được ở một quốc gia bất hạnh nào đó với XHCN "đỉnh cao trí tuệ"

Đàng khác thái độ của ĐTC Pio XI không phải là thái độ có ý bênh vực cá nhân chủ nghĩa. Đời sống xã hội cũng là yếu tố kiến tạo nên phẩm giá con người, bởi vì con người có bản tính xã hội nơi mình (Divini Redemtoris (DR n.29).

Nhãn quang vừa kể được hiểu là ĐTC mặc nhiên chấp nhận

- Phương thức tổ chức xã hội tập thể có chừng mực

- Và tình liên đới hỗ tương của ngài cũng nhằm ủng hộ phương thức cấu trúc nếp sống xã hội dựa trên nền tảng luân lý, mà ngài đang đứng trước một viễn tượng hoàn toàn xóa bỏ của tự do thị trường.

Nhưng nói như vậy, không phải là ĐTC Pio XI khước từ kinh tế thị trường vừa mới được xuất hiện lúc đó, bởi lẽ kinh tế thị trường nói lên lòng ước muốn tự lập và tự do của cá nhân khỏi chế độ lãnh chúa áp đặt.

Phẩm giá con người càng thể hiện rõ rệt hơn nữa với thái độ dân chúng chống lại các chế độ độc tài Đức Quốc Xã và Phát Xít xuất hiện lúc đó.

ĐTC Pio XI cương quyết đứng ra bênh vực tự do của Giáo Hội trong hai chế độ vừa kể, cho đến khi nào Hitler va Mussolini nhân nhượng những quyền chính đáng của tôn giáo.

Và rồi mặc dầu nhân nhuợng có giấy tờ, Mussolini sau đó lại coi bằng không, như chữ ký của "Đảng và Nhà Nước", mặc nhiên dành quyền giáo dục cho các đồng chí của Đảng Phát Xít tự do tùy hỷ.

Bởi đó ĐTC Pio XI mới phản đối bằng Tuyên Ngôn "Non abbiamo bisogno (1931), Chúng tôi không cần lời cam kết của các ông...), coi đó là những lời xảo trá, ký kết để lường gạt.

Thái độ chỉ trích vừa kể của ngài cũng được nói lên với Đức Quốc Xã trong Tuyên Ngôn "Mit Brennender Sorger". Bởi lẽ Đức Quốc Xã đã tuyệt đối hoá các giá trị tương đối như chủng tộc, Quốc Gia Đức (Deutschland ueber alles), cơ chế quốc gia, mà con người phải vâng dạ, qụy phục.

Tiến trình phát triển quan niệm công bình xã hội cũng quan trọng, bởi lẽ đây là ý niệm lưu tâm đến các mối liên hệ giữa con người với con người và suy nghĩ làm thế nào để biến các mối liên hệ đó thành những giá trị có tầm mức cấu trúc thể chế và cơ chế quốc gia.

Tư tưởng về công bình xã hội như là nguyên lý có liên hệ đến tổ chức cơ chế Quốc Gia được đặt trên xác tính rằng phẩm giá con người là một vấn đề xã hội hơn là đơn thuần chỉ thuộc cá nhân.

Phẩm giá con người đòi buộc phải có một quan niệm luân lý chính đáng để đời sống công cộng được cấu trúc một cách đúng đắn phải có.

Quan niệm về công bình xã hội nói lên những gì các quyền của con người có nền tảng xã hội và cá nhân.

Và việc bảo vệ nhân quyền để con người có được cuộc sống xứng đáng với phẩm giá của mình chỉ có thể thực hiện được qua tiến trình phát triển xã hội.

Hiểu như vậy định chế chính trị có một phận vụ luân lý quan trọng liên hệ trong tiến trình vừa kể.

Dùng quan niệm công bình xã hội đưa đến việc hiểu biết mở rộng hơn thể thức trong đó các tổ chức cơ chế xã hội trung gian điều giải các đòi buộc phải có của phẩm giá con người và sắp đặt thết định nội dung các quyền con người.

ĐTC Pio XII, bằng cách trả lời lại cho những sai trái của chiến tranh thứ hai và cho tính chất đàn áp của Stalin , khi ngài đặc tâm chú ý đến các nguyên tắc trật tự của các quốc gia và thấy đó như là những những điều kiện tiên quyết phải có cho nền hòa bình quốc tế.

Trật tự của các quốc gia là những gì sống động, càng ngày càng phải lớn lên thêm nhờ tầm hiểu biết thêm về phẩm giá con người.

Các tác động, can thiệp của tổ chức quốc tế được chính danh hoá bằng việc kính trọng và bảo vệ phẩm giá con người

Nhãn quang vừa kể được khai triển thêm lên trong khi bàn thảo và khám phá ra nền căn bản luân lý của các cơ cấu pháp luật, cần thiết để bảo đảm cho cuộc sống xã hội đươc đều hoà,

Phận vụ của luật pháp là bảo đảm và nâng đỡ các mối tương quan xã hôi, đươc đặt trên sự nhìn nhận lẫn nhau và trên sự kính trong phẩm giá con người.

Trong bôi cảnh đó chúng ta đừng đánh thấp giá sự góp phần của ĐTC Pio XII trong động tác không ngừng lặp đi lặp lại việc tố cáo thái độ luật pháp thực nghiệm (positismo giuridico),

Thật vậy, nều quốc gia là nguồn mạch tiên khởi cho quyền lực, thì con người cá nhân phải bị giao phó cho lối suy tư trọng tài đối với kẻ nắm quyền,

Như vậy đời sống chính trị và xã hội được sắp đặt theo các lối liên hệ về sức mạnh: Điều đó có nghĩa cần chiếm đạt được quyền lực và thiết định các cơ cấu quốc gia mới để phục vụ nhóm "élites".

Đó chính là lý do tại sao ĐTC nhấn nạnh đến quyền tự nhiên của con người và giá trị luât pháp của quyền tự nhiên đó đối với Hiến Pháp và Luât Pháp, cung như trong mối liên hệ đối với việc hành xử quyền bình.

Đĩnh chuẩn luân lý là con người, chớ không phải luân lý muốn hiểu riêng tư thế nào thì hiểu.

ĐTC nhân thấy luân lý công công nhằm vào con người , bị doạ nạt nặng nê bởi các phương thức tổ chức xã hội của thế giới hiện đại.

Con người có khuynh hướng cuối đầu tùy thuộc vào các đòi hỏi hữu lý của kỷ thuật và của sức mạnh kỷ thuật (Summi Ponticifatus, n 5).

Một nhãn quang tích cực khác được đặt trên quan niêm coi đời sống xã hội như là một công đồng công dân co trách nhiệm luân lý (Pio XII , Discorso di Natale 1952).

Cũng với diễn từ nầy, ĐTC Pio XII xác nhận việc có thể hội nhập việc kính trọng con người giữa nhiều tầng lớp khác nhau vào việc tổ chức xã hội. Việc kính trọng phẩm giá con người không cần phải được coi như là một lý tưởng đem đến dặt gần bên các yếu tố khác, như là những gì ngoại vi, đối với các thể thức tổ chức xã hội, mà là đúng hơn là yếu tố bẩm sinh của con người, yếu tố bẩm sinh của chính tổ chức cuộc sống xã hội cho con người. Mọi hình thức sống xã hội, như là những mối tương quan căn bản luân lý, là những cách tổ chức sống để phục vụ phẩm giá con người, hợp với những gì nội tại của chính con người hay bản thể con người.

Trong cái nhìn vừa kể của ĐTC Pio XII về xã hội, trong đó phẩm giá con người được tôn trọng, cuộc sống xã hội không phải là thiên đàng trần thế phi chinh phủ, cũng không phải là một trạng thái xã hội "thời cánh chung" (escaton) của Marx, mà là một trạng thái cuộc sống xã hội, trong đó có bổn phận luân lý ràng buộc trong các điều kiện và giới mức của cuộc sống nhân loại.

Như vậy việc thực hiện mục đích cuộc sống xã hội, trong đó phẩm giá con người được tôn trọng, không phải là một lý tưởng xa vời quá tầm tay, mà là một mệnh lệnh tính luân lý mọi người đều có thể thực hiện được.

Việc tôn trọng đối với phẩm giá con người được thể hiện bên trong, qua các lằn mức và điều kiện.

Mặc dầu phẩm giá con người là một giá trị thượng đẳng, nhưng vẫn là một của cải được xác định, có giá trị giới hạn.

Mặc dầu là một đòi hỏi luân lý, phẩm giá con người phải được tôn trọng vô điều kiện, nhưng đòi hỏi đó phải đưọc cấu trúc, tùy thuộc điều kiện và khả năng của con người trong xã hội. Điều đòi hỏi đó phải được cấu trúc dưới hình thức xác định của tình liên đới, là hình thức nhân bản của phẩm giá tối thượng của con người.

Trước tình trạng đe dọa của cộng sản chủ nghĩa, ĐTC Pio XII xác quyết một cách nhứt định giá trị và các quyền bất khả xâm phạm của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo (mặc dầu ngài dùng từ ngữ "chấp nhận tôn giáo", cho thấy ngài chưa dứt khoát đồng thuận tính cách tổ chức phi tôn giáo của một Quốc Gia).

Trong khi đó thì các biến cố thảm đạm của thế chiến II sẽ phải làm cho ngài xác tín cần phải có một thể chế dân chủ cho tổ chức quyền lực Quốc Gia.

Những mối lưu tâm vừa kể của ĐTC Pio XII về việc bảo vệ nhân quyền không làm cho chúng ta ngạc nhiên trong thời điểm cần phải lưu tâm để có được một nền luật pháp cá biệt và thực hữu bảo đảm để cho cuộc chung sống nhân loại trở thành khả thi, sau những gì khủng khiếp mà con người đã phải trải qua trong thế chiến II.

Tuy nhiên có được quan niệm về các quyền của con người , như là chủ thể được ban cho phẩm giá cao cả, là điều vẫn còn tùy thuộc vào nhãn quang "siêu hình học" về trật tự xã hội.

Đó là nhãn quang, theo đó các trạng huống, biến cố cá nhân và tập thể phải tùy thuộc vào một bản thể thiên nhiên (natura) của con người, mà chối bỏ đi chắc chắn sẽ đưa đến xã hội bị khủng hoảng và tan vở.

Hiểu như vậy, do bản thể tự nhiên của con người, cần phải có một chuổi các nguyên tắc mà ai cũng phải nhận biết, tự lập đối với lịch sử và các quyết định tự do. Nói cách khác các nguyên tắc phải tôn trọng đó liên hệ đến chủ thể tính của mỗi con người, khiến cho con người là con người với phẩm giá con người của mình.

Bởi đó các nền luật pháp về các quyền của con người phải là định chế chính đáng thể hiện "quyền tự nhiên" của con người, vượt lên trên dòng lịch sử và như vậy, ước vọng của con người phải được khắc ghi lên một định chế bất di dịch và vĩnh viễn.

Những gì bất di dịch và vĩnh viễn vừa kề đã được ĐTC Gioan XXIII, nhân danh Giáo Hội khẳng khái tuyên bố trong Thông Điệp Pacem in terris của ngài.


Nguyễn Học Tập(TNCG)
Phẩm giá con người trong huấn dụ xã hội của công giáo (1) Reviewed by Unknown on 3/12/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập(TNCG) - Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội (HDXHGH) , với tư cách là yếu tố định hướng cho động tác xã hội của Giáo Hội trong l...

Không có nhận xét nào: