Thư mục vụ Mùa Chay 2012 của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kon Tum. - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
6 tháng 3, 2012

Thư mục vụ Mùa Chay 2012 của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kon Tum.

! Được sống và thể hiện niềm tin tôn giáo là một nhu cầu bức thiết của người tin, cho nên họ tìm mọi cách để “được sống Đạo như được thở”. Cần xin phép, người công giáo không quản ngại. Nhưng xin mãi không được, thì phải “chui”. Cầu nguyện chui! Cử hành phụng vụ chui! In sách đạo chui! Mua đất để làm nơi thờ phượng chui! Làm nhà thờ nhà nguyện chui! Không chui như thế thì chết mất! Chui thì phải chấp nhận thiệt thòi.


TOÀ GIÁM MỤC KONTUM

Office of the Bishop – Diocese of Kontum

146 Trần Hưng Đạo – Kontum – Việt Nam

Số 18/VT/’12/Tgmkt

Kon Tum, ngày 03 tháng 03 năm 2012

THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY 2012

Anh chị em trong gia đình Giáo phận Kon Tum thân mến,

Ngày 22.02, gia đình Giáo phận Kon Tum bước vào Mùa Chay; qua ngày 23.02, Cha Lu-Y Nguyễn Quang Hoa bị đánh trọng thương trên đường đi làm mục vụ về. Cả Giáo phận đều bàng hoàng. Để tránh những bức xúc quá đáng, chúng ta cần đón nhận biến cố này sao cho phù hợp với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu mà chúng ta đang sống ?

1. Sự việc ngày 23.02.2012.

Trưa ngày 23.02.2012 vừa qua, sau khi dâng lễ an táng cho Bà Y Kun ở làng Turia Yốp (thôn 6, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) trở về tới khúc đường qua vườn cao su gần hồ Kon Proh (thôn 9), Cha Lu-Y Nguyễn Quang Hoa, phó xứ Kon Hring, đã bị 3 thanh niên lạ mặt dùng cây sắt đánh trọng thương. Tạ ơn Chúa, dầu bị đánh nhiều nhát chí tử, nhưng Chúa cho cha sức mạnh chịu đựng thật đặc biệt. Nay sức khoẻ của Cha đang bình phục nhanh. Xin cám ơn tất cả bà con xa gần đã thương gọi điện thoại hoặc đến thăm hỏi ủi an, giúp đỡ và cầu nguyện.

Quãng đường từ chỗ dâng lễ về tới Kon Hring chỉ vỏn vẹn độ 10 cây số. Hai bên đường đều có dân sinh sống, chỉ trừ đoạn đường cao su dài độ hai cây số là có vẻ vắng. Sao lại có thể xảy ra chuyện đáng tiếc nhanh chóng và gọn nhẹ đến như thế giữa ban ngày? Nó gây đau thương cho nhiều người, cách riêng gia đình thân nhân và Giáo phận. Làm sứt mẻ tình cảm nhiều bên. Thêm lắm hiểu lầm. Sau nhiều phản ứng theo tính loài người, nay đến lúc phải nhìn sự việc dưới ánh sáng lòng tin vào mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô, để có cách ứng xử cho phải phép và phải đạo.

Hằng ngày, hơn một lần, người Công giáo tuyên xưng: Lạy Cha chúng con! Tuyên xưng chỉ có một Thiên Chúa là CHA, mọi người là anh chị em con một cha. Do đó 3 em đánh Cha Hoa cũng là con cháu, là anh em của Cha Hoa, của mỗi chúng ta. Với cái nhìn đức tin đó, chúng ta dễ dàng cảm thông và quảng đại với các em, lại càng thương hơn cùng nhìn nhận ra phần trách nhiệm thiếu sót của mình. Phải chăng thiếu sót nghiêm trọng này là đã không nghiêm chỉnh thi hành sứ mạng được sai đi loan báo Tin Mừng yêu thương cho mọi người trong đó có ba thanh niên này? Lệnh Chúa truyền vẫn còn đó. Hằng ngày Mẹ Hội Thánh vẫn nhắc lại lệnh truyền này sau mỗi thánh lễ! “Lễ xong, chúc anh chị em ra đi bình an”. Ra đi xây dựng một xã hội bình an, một xã hội biết nhìn nhận và thương yêu nhau như Chúa yêu thương. Nếu 3 thanh niên hôm 23.02 đã được nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu, hẳn các em sẽ không hành xử cách đau thương như thế và các em sẽ thuộc nằm lòng chân lý này: “Sự sống đời đời là nhận biết Cha Thiên Chúa độc nhất và chân thật và Đấng Cha đã sai, Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Chính bản thân chúng tôi phải tự đấm ngực thưa: “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng”. Thật đúng như lời Thánh Phaolô đã nói: “Khốn thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng!” yêu thương này. (1Cr 9,16).

2. Những suy nghĩ tiếp.

Anh chị em thân mến,

Chiều 29.02.2012, chúng tôi đã đến thăm anh chị em giáo dân tại vùng Cha Lu-Y Hoa bị đánh. Phần để an ủi và trấn an anh chị em; phần để tìm hiểu thêm chuyện đáng tiếc đã xảy ra. Chúng tôi cũng đã gặp anh em công an Huyện. Tất cả chúng tôi đều cảm thông và trao đổi chân thành với nhau về chuyện mới xảy ra, về chuyện đạo chuyện đời. Chẳng ai muốn thế! Anh em công an đã nhiệt tình đón nhận và khích lệ các ý kiến của chúng tôi. Tới đây chúng tôi thấy gì?

2.1. Về đời sống vật chất.

Dân vùng này còn nghèo. Từ ăn mặc cho đến nhà cửa. Đường xá còn giới hạn. Cách làm ăn còn thấp. Chuyện học hành của con cái còn chưa cao. Không có sức bật đi lên. Mong được chính quyền quan tâm nhiều hơn. Mong có nhiều nhà hảo tâm giúp những “phương tiện phát triển” hơn là miếng cơm manh áo, đặc biệt giúp việc giáo dục đào tạo con em nên những người có đầu có tim phát triển hài hòa, thống nhất. Mong Giáo hội có điều kiện đóng góp phần mình.

2.2. Về đời sống tinh thần và tâm linh.

Anh chị em ở đây đa phần là Công giáo. Anh chị em ý thức sâu xa: “Con người không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn sống bằng Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4,4). Mặc dầu vật chất còn thấp, nhưng niềm khát khao được thể hiện niềm tin lại thật cao. Vì thế, anh chị em ở đây vẫn cảm thấy “chưa có tự do tôn giáo”. Lý luận của anh chị em thật đơn giản: vì “chưa có ba thứ”(1) chưa có nhà thờ, (2) chưa có linh mục tu sĩ, (3) chưa có các sinh hoạt tôn giáo bình thường. Dẫu vậy anh chị em vẫn một lòng gắn bó với Tin Mừng bác ái yêu thương. Anh chị em vẫn có tâm hồn bình an và quảng đại, cụ thể anh chị em đã đón nhận biến cố vừa xảy ra cách rất Tin Mừng, mặc dầu không thoát khỏi cảnh đau xót! Được sống và thể hiện niềm tin tôn giáo là một nhu cầu bức thiết của người tin, cho nên họ tìm mọi cách để “được sống Đạo như được thở”. Cần xin phép, người công giáo không quản ngại. Nhưng xin mãi không được, thì phải “chui”. Cầu nguyện chui! Cử hành phụng vụ chui! In sách đạo chui! Mua đất để làm nơi thờ phượng chui! Làm nhà thờ nhà nguyện chui! Không chui như thế thì chết mất! Chui thì phải chấp nhận thiệt thòi. Biến cố 23.02 tại Turia Yốp có đúng là câu trả lời cho cái chuyện “chui” không? Có đúng như Văn Thư ký ngày 21.02.2012 của UBND Xã Đăk Hring gửi cho Tòa Giám Mục chúng ta không? Chúng ta chưa dám tin như thế! Mong rằng ở những trường hợp như vậy sẽ không ai chụp cho chúng ta cái mũ “phản động”, “diễn tiến hòa bình” hay “chống đối chính quyền” .v.v…

2.3. Vài đề nghị thiết thực cụ thể.

Để phần nào xoa dịu nỗi đau của anh chị em cũng là của chính chúng tôi, chúng tôi có một vài đề nghị cụ thể như sau.

* Tuần Thánh và đại lễ Phục Sinh 2012.

Chúng tôi có ý đích thân đến cử hành phụng vụ Tuần Thánh và đại lễ Phục Sinh 2012 ngay tại vùng này. Chương trình chi tiết cụ thể, các linh mục tại địa sở Kon Hring sẽ trình bày với chính quyền huyện Đăk Hà và xã Đăk Hring. Đây được coi như một nghĩa cử xoa dịu, an ủi anh chị em Vùng Đăk Hring. Đây cũng được coi như một hình thức thể hiện quyền sống đạo.

* Thăm viếng, ủy lạo và giúp đỡ.

Nhân dịp này, chúng tôi mong có nhiều tổ chức bác ái từ thiện – dĩ nhiên là cần được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện dễ dàng – quan tâm và giúp đỡ nâng cao cuộc sống của anh chị em, đặc biệt là việc học hành của con em trong vùng, để không một em nào thất học, tất cả đều được học đến nơi đến chốn, được tiếp nhận một nền giáo dục phát triển toàn diện.

Anh chị em thân mến,

Đây không còn là lúc ngồi than trách ai, mà là sống. Sống mầu nhiệm mùa chay, mùa sám hối và sống theo Tin Mừng yêu thương. Chỉ có Thánh Thần Chúa soi sáng và đổi mới mỗi chúng ta thực sự trở nên những anh em của nhau và với nhau, để ai nấy đều sống chan hoà yêu thương nhau. Hãy chuyển biến cố hôm 23.02 tại Turia Yốp thành cơ hội giúp mọi người bình tĩnh ngồi lại với nhau, nhìn nhận ra nhau đều là con dân Việt, đều là anh em của nhau và mau chóng quên đi những tiêu cực vừa xảy ra, để cùng nhau hợp lực xây dựng xã hội ngày càng phát triển và tươi đẹp. Sống Mùa chay thiết thực như thế cũng là sống yêu quê hương, yêu đất nước, yêu đồng bào thật cụ thể và thiết thực. Với người Công giáo đích thực, yêu Chúa yêu người yêu quê hương là một, bằng một tình yêu thống nhất và hài hòa. Mong nhờ biến cố hôm 23.2 , vùng này được công khai sinh hoạt tôn bình thường.

“Lạy Thánh Thần Thiên Chúa, xin hãy đến! Xin hãy đến canh tân bộ mặt trái đất và lòng trí chúng con!”

(đã ký và đóng dấu)

+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo phận Kontum.

Thư mục vụ Mùa Chay 2012 của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kon Tum. Reviewed by Hoài An on 3/06/2012 Rating: 5 ! Được sống và thể hiện niềm tin tôn giáo là một nhu cầu bức thiết của người tin, cho nên họ tìm mọi cách để “được sống Đạo như được thở”...

Không có nhận xét nào: