Dưới Chân Tượng Bác - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
30 tháng 12, 2012

Dưới Chân Tượng Bác

Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc
 Tây Nguyên. Ảnh: Lao Động
The Montagnards have been repressed by Vietnam for decades. This has got to stop.
Mike Jendrejczyk

Tưởng Năng Tiến - Ở xứ ta, xem ra, người thực sự (và duy nhất) hiểu thấu tâm hồn đơn sơ của Bác chính là nhà thơ Tố Hữu:

Mong manh áo vải hồn muôn trượng,
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Kỳ dư, không ai thấy được bản tính “khiêm tốn nhường ấy” ấy của Bác nên thiên hạ đã dựng cả đống tượng đồng phơi những lối mòn (tá lả) khắp mọi nơi – theo như ghi nhận của phóng viên Lý Trực Dũng:

“Chỉ trong khoảng 15 năm gần đây đã xuất hiện tới hàng trăm tượng đài trên cả nước. Có địa phương còn lên kế hoạch sẽ xây dựng cả trăm tượng đài sắp tới… Khó có thể tìm thấy một nước thứ hai trên thế giới có phong trào xây dựng tượng đài ào ạt trong một thời gian ngắn như vậy bằng 100% ngân sách nhà nước như Việt Nam. Công chúng đương thời thì bàng quan, thờ ơ với ‘tượng đài’, thứ mà Nhà nước đang hào phóng ban phát cho họ bằng tiền thuế của họ.”

Tuy thế, pho tượng của Người – đặt tại cần Thơ, vào năn 1976 – vẫn được cả nước nhắc đến luôn mồm, qua hai câu ca dao (vô cùng ) duyên dáng vào Thời Cách Mạng:

Chiều chiều trên bến Ninh Kiều
Dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân!

Cái số “nhiều” này, ngó bộ, không được người dân địa phương tán thưởng hay hãnh diện gì cho lắm – theo như tường thuật của ký giả Hoàng Văn Minh, trên báo Lao Động, vào hôm 3 tháng 12 năm 2012:

“Cần Thơ ‘chết tên’ vì gái bán dâm … Một lãnh đạo thành phố Cần Thơ ta thán:‘Ra ngoài, chúng tôi xấu hổ không dám ngẩng mặt lên bởi cả nước ai cũng nghĩ là Cần Thơ của chúng tôi… xuất khẩu gái mại dâm ……”

“Tại sao các tỉnh miền Tây lại có nhiều phụ nữ làm nghề ‘em ở Cần Thơ’ đến thế? Từ cán bộ tỉnh cho đến cán bộ ấp, ai cũng nhìn tôi lắc đầu ‘chịu’, không biết nói làm sao…”

Nói cho đúng ra là xui thôi, chớ chả “làm sao” cả. Bác vốn nổi tiếng là một người cần kiệm, suốt đời chỉ đi dép râu, hút thuốc Điện Biên, mong manh áo vải, và khi vớ rách thì xoay chỗ rách vào bên trong chớ (nhất định) không thay cái khác.

Dựng tượng một ông già hà tiện tới cỡ đó (ngay giữa lòng Tây Đô) thì làm sao mà người dân miền Tây khá lên cho được, hả Trời? May mà cái “huông” của ku Nghệ vừa mới được “dời” qua nơi khác, từ Tây Đô lên tuốt Tây Nguyên – theo như tường trình mới đây của nhà báo Hoa Lư, trên Tuổi Trẻ Online:

“Tối 9-12, tại TP Pleiku (Gia Lai) đã diễn ra lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên… Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên được khởi công xây dựng tháng 10-2010 tại quảng trường Đại đoàn kết, TP Pleiku. Tượng Bác cao 10,8m đặt trên bệ cao 4,5m được đúc bằng chất liệu đồng. Phía sau và hai bên tượng Bác là phù điêu bằng đá tự nhiên có chiều dài 58m, cao 11m, hình vòng cung với nhiều cánh sen, thể hiện nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây nguyên như nhà rông, rượu cần, cồng chiêng…Tổng kinh phí xây dựng công trình là 230 tỉ đồng.”

Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Ảnh: baovanhoa.vn

Cái ông Hoa Lư này, rõ ràng, là một người đểnh đoảng. Viết báo gì mà từ hình ảnh đến bài vở đều copy của thiên hạ hết trơn; đã vậy, còn làm ẩu tả và thiếu sót nữa. Thằng chả quên ghi chi tiết quan trọng này: dưới chân tượng Bác có bức thư của Chủ Tịch Hồ Chí Minh gửi Đại Hội Các Dân Tộc Thiểu Số Miền Nam – được khắc trên một khối đá granite rộng 3m, cao 4,2m, dày 2,5m, nặng hơn 135 tấn – nguyên văn như sau:

Hà Nội, ngày 19 tháng 4 năm 1946

Cùng các đồng bào dân tộc thiểu số!

Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường xá xa xôi, tôi không đến dự hội được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. 

Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. 
Trước kia chúng ta đều xa cách nhau, một là thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi dục để chia rẽ chúng ta. 

Ngày nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ”để chăm sóc cho tất cả đồng bào. 

Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta, vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. 

Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta. 

Xin chúc Đại hội thành công. 

Lời chào thân ái

HỒ CHÍ MINH

Thư Bác viết đã hơn nửa thế kỷ qua mà đọc (lại) vẫn cứ muốn rơi nước mắt: “Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.”

Coi: khi đói thì Cô Gái Pako “con cháu Bác Hồ, gùi trên vai súng đạn ra hoả tuyến, gạo ngàn cân em gùi ra chiến trường. Bộ đội giải phóng ơi yên tâm mà đánh thắng giặc Mỹ.” Mỹ cút rồi thì con cháu của cô gái Pako hàng ngày phải vượt sông Poko bằng dây cáp – theo như lời của hai nhà báo Trí Tín và Sơn Nguyễn:

“Người dân đã phải góp nhau 3 triệu đồng để làm hai đường cáp chạy song song, một dây đi và một dây về. Một bên này cao thì bên kia phải thấp, nên khi lắp ròng rọc vào sẽ tự động chạy một mạch tuồn tuột sang bên kia bờ trong chớp nhoáng. Không chỉ nông lâm sản được vận chuyển qua sông bằng dây cáp, mà hầu hết trẻ em bên kia sông đều phải đi qua dây cáp để đến trường.”

Ảnh: vnexpress.net

Bức thư thượng dẫn cũng đã được in thành 376. 000 bản – trên giấy láng cứng, nền hoa văn đẹp – nếu để ý sẽ thấy chỉ qua một câu ngắn mà hai chữ “chúng ta” được Bác nhắc đi nhắc lại đến ba lần:

“Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta, vậy nên tất cả các dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.”

Tuy thế, ngay sau khi thâu tóm được cả giang sơn thì Chính Phủ tạo một đường ranh rất rõ giữa chúng ta và chúng nó – theo như nhận xét của nhà văn Nguyên Ngọc:

“Từ sau năm 1975, đối với Tây Nguyên chúng ta có hai chủ trương chiến lược:

Xây dựng Tây Nguyên thành một địa bàn vững chắc về an ninh và quốc phòng.
Xây dựng Tây Nguyên thành một vùng trọng điểm kinh tế của cả nước.
Để thực hiện chủ trương chiến lược đó, đã :

Tăng cường lực lượng lao động lớn cho Tây Nguyên bằng cách tiến hành một cuộc đại di dân chưa từng có, chủ yếu từ đồng bằng châu thổ sông Hồng và vùng duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên…

Tổ chức toàn bộ Tây Nguyên thành các đơn vị kinh tế lớn… Toàn bộ đất và rừng ở Tây Nguyên được quốc hữu hoá, được lấy giao cho các binh đoàn làm kinh tế, các LHXNLCN, các nông trường, lâm trường, và giao cho dân di cư từ đồng bằng lên. Người bản địa chỉ còn phần đất thổ cư và một ít đất làm rẫy.”

Hệ quả, hay nói đúng ra là hậu quả của “hai chủ trương chiến lược” này, vẫn theo ghi nhận của Nguyên Ngọc – có những chữ in đậm, trong nguyên bản – như sau:

“Dân số Tây Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ lớn… Đầu thế kỷ XX, các dân tộc bản địa chiếm 95% dân số. Đến năm 1975, tỷ lệ này là 50%. Hiện nay người bản địa chỉ còn 15-20% trên toàn địa bàn…

Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên. Từ sau năm 1975, quyền sở hữu tập thể truyền thống của cộng đồng làng đối với đất và rừng nghiểm nhiên bị xoá bỏ, tất cả đất và rừng đều bị quốc hữu hoá. Như đã thấy ở trên, quyền sở hữu này chính là nền tảng vật chất, kinh tế của làng ; bị bứng mất đi nền tảng này, làng, tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tất yếu tan vỡ…

Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Cho đến nay, trừ một vài vùng nhỏ như một ít khu vực quanh núi Ngok Linh, vùng Komplong…, có thể nói về cơ bản rừng Tây Nguyên đã bị phá sạch, hậu quả về nhiều mặt không thể lường.

Người bản địa bị mất đất. Việc mất đất, không phải trong một xã hội bình thường mà là từ tay người dân tộc bản địa sang tay người nơi khác đến là người Việt, đã khiến vấn đề đất đai trở thành vấn đề dân tộc. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp của sự mất ổn định nghiêm trọng đã và đang diễn ra ở Tây Nguyên.

Văn hoá Tây Nguyên bị mai một. Việc mất rừng, tan vỡ của làng, cơ cấu dân cư bị đảo lộn lớn và đột ngột, người bản địa bị mất đất và mất gốc rễ trở thành lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình… tất yếu đưa đến đổ vỡ về văn hoá.”

Tất cả mọi mất mát và đổ vỡ này được Nhà Nước bù đắp bằng … một pho tượng Bác, trị giá 230 tỉ đồng. Số tiền đủ để bắc ít nhất là 230 chục cái cầu, chấm dứt tình trạng đu dây cáp hay bơi qua sông đến trường, và ngăn được những tai nạn đắm đò xẩy ra hàng năm – nơi những buôn làng heo hút.

Rõ ràng những lời nói tử tế, theo kiểu mật ngọt chết ruồi (Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt) Bác và Đảng chỉ đặt dưới chân – để làm bàn đạp, khi cần. Ở Tây Đô hay ở Tây Nguyên đều cũng thế thôi. Trước đã thế và nay vẫn vậy.

Câu hỏi đặt ra là tình trạng “vẫn vậy” sẽ kéo dài được thêm được bao lâu nữa khi mà nhà đương cuộc Hà Nội – xem ra – hoàn toàn không học hỏi được gì sau những biến động vào năm 2001, 2004 xẩy ra ở Tây Nguyên, và 2011 ở Mường Nhé.

Theo AP, phát đi vào ngày 12 tháng 12 năm 2012 thì “Việt Nam vừa kết án bốn người Hmong tổng cộng 19 năm tù vì tội âm mưu lật đổ chính quyền, với bằng chứng buộc tội là bốn bộ quân phục và một … cương lĩnh chính trị.”

Tranh: Babui

Tiếp tục xây dựng tượng đài cùng với nhà tù, có lẽ, là phương cách duy nhất mà những người cộng sản có thể nghĩ ra để bảo vệ chế độ trong lúc cùng quẫn. Tất nhiên, đây không phải là phương cách tối ưu. Những tượng đài của Stalin, Lenin, và Mao Trạch Đông .. bị giật đổ ngổn ngang khắp nơi minh đã chứng cho điều đó. Những “tượng đồng phơi những lối mòn” của Bác, rồi ra, cũng sẽ chung số phận thôi.

Dưới Chân Tượng Bác Reviewed by Unknown on 12/30/2012 Rating: 5 Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc  Tây Nguyên. Ảnh: Lao Động The Montagnards have been repressed by Vietnam for decades. This has got to...

1 nhận xét:

  1. quê tui nhìn bức tượng đó không ai nói là Bác Hồ đâu mà nói Minh Râu họ mới hiểu

    Trả lờiXóa