Tòa Hải Phòng chuẩn bị xử vụ Vinashin - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 3, 2012

Tòa Hải Phòng chuẩn bị xử vụ Vinashin

Ông Phạm Thanh Bình cùng 8 người khác
 bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 910 tỉ đồng
 
BBC - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinashin Phạm Thanh Bình sẽ ra trước tòa ở Hải Phòng ngày 27/3 trong phiên xử sơ thẩm vụ án “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên xử bốn ngày được trông đợi sẽ tiết lộ những mảng tối tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), mà năm ngoái gần như phá sản với số nợ hơn 4 tỉ đôla.

Cáo trạng của Viện kiểm soát nhân dân tối cao Việt Nam nói ông Phạm Thanh Bình, 58 tuổi, người từng dẫn dắt Vinashin, cùng một số đồng phạm đã "lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước".

Năm dự án đã bị điều tra với tổng thiệt hại được nói là hơn 910 tỉ đồng.

Truyền thông nhà nước tường thuật các bị cáo đã sai phạm trong việc "cố tình mua tàu Hoa Sen khi Thủ tướng không cho phép, bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang không xin ý kiến tập đoàn, đầu tư dự án tàu Bình Định Star gây thua lỗ, đầu tư hai nhà máy điện Sông Hồng (Nam Định) và diesel Cái Lân (Quảng Ninh)".

Theo cáo trạng, dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen gần thiệt hại gần 470 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng thiệt hại hơn 316 tỉ đồng, dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân thiệt hại hơn 66,5 tỉ đồng.

Những khó khăn ở Vinashin khiến các nhà đầu tư lo ngại bê bối này còn thể hiện những vấn nạn ở các công ty quốc doanh, vốn là chủ lực của kinh tế Việt Nam.

Ông Phạm Thanh Bình, cùng tám người khác, bị truy tố tháng 11 năm ngoái.

Tội danh “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” có mức án tù tối đa 20 năm.

Cả chín người đã bị tạm giam kể từ khi bị bắt vào tháng Tám năm 2010.

Hai người khác, Hồ Ngọc Tùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy) và Giang Kim Đạt (nguyên trưởng phòng kinh doanh Công ty vận tải viễn dương Vinashin) đã bỏ trốn.

Theo truyền thông nhà nước, công an Việt Nam đã ra lệnh truy nã hai người, đồng thời báo cáo cho Interpol, nên cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra.

Sức ép cho Thủ tướng

Vụ bê bối từng tạo sức ép mạnh mẽ lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người đã bổ nhiệm ông Bình và được cho là gần gũi với vị tổng giám đốc này.
Vụ bê bối ở Vinashin từng có lúc tạo sức ép
 lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Khi bê bối lên cao trào hồi năm 2010, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết khi đó đã đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm với Thủ tướng - một ý kiến mà sau đó bị bác bỏ.

Ông Thuyết khi đó nói các thành viên chính phủ "không thể nhận trách nhiệm một cách chung chung và tuyên bố là đã kiểm điểm nội bộ là rũ xong trách nhiệm".

Hồi tháng 12 năm 2010, Vinashin đã không trả nợ náo hạn lần đầu 60 triệu đôla trong khoản vay 600 đôla của một nhóm chủ nợ nước ngoài do ngân hàng Credit Suisse đứng ra sắp xếp.

Từ đó đến nay không có thông tin công bố về việc khoản vay này đã được giải quyết thế nào.

Chính phủ Việt Nam đã nói không có quan chức chính phủ nào bị kỷ luật vì các vấn đề của Vinashin và rằng công ty đang ở trong quá trình tái cấu trúc.

Tòa Hải Phòng chuẩn bị xử vụ Vinashin Reviewed by Hoài An on 3/24/2012 Rating: 5 Ông Phạm Thanh Bình cùng 8 người khác  bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 910 tỉ đồng   BBC - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đố...

Không có nhận xét nào: