Hơn 5000m2 đất canh tác của gia đình
ông Ngọc chỉ được đền bù 2,2 triệu đồng
|
Nguyễn Quang Vinh - Đó là điều rất đáng báo động. Chính phủ sinh ra là để xử lý những công việc quốc kế dân sinh, ở tầm quốc gia, không thể hàng ngày cứ phải làm thay các cấp chính quyền, thậm chí đến cấp chính quyền xã cũng đến tay Thủ tướng. Vừa đấy vụ Tiên Lãng, nay là vụ ở xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Tính chất hai vụ việc cơ bản giống nhau. Chính quyền cấp xã sai bét nhè, huyện bảo vệ, tỉnh ngó lơ, cuối cùng người dân lại phải nhờ đến Thủ tướng.
Nguyên nhân sai phạm cũng giống nhau, như kết luận của Thủ tướng ở vụ Tiên Lãng: cưỡng chế trái pháp luật và trái đạo lý.
Trái pháp luật ở vụ Tiên Lãng thì rõ rồi.
Trái pháp luật ở xã Tiên Tân là: Khoảnh đất 5000 mét vuông ấy cách đây 30 năm giao cho người dân nào cũng không nhận vì đất trũng, lổm nhổm, hoang hóa, ruộng bị đào thùng đấu, ăn lác nhiều, không có bờ ngăn nước, khó gặm như thế nên ông Lê Hồng Ngọc mới đứng ra nhận, khoán nộp, thuế má 30 năm qua đầy đủ hết. Ngần ấy thời gian đổ mồ hôi sôi nước mắt, gia đình ông Ngọc đã san lấp, cải tạo thành những thửa ruộng chuyên canh, lập nhiều thành tích trong sản xuất, thành người nông dân tiên tiến, nhận bằng khen của Thủ tướng, cứ tưởng thế là yên ổn. Ai dè, xã lại đè ngửa ông Ngọc ra cưỡng chế đất, nói là làm đường. Ngân ấy diện tích mà đền bù hơn 2 triệu bạc thì đến như con mèo hen nó cũng chẳng nghe nữa là người nông dân. Không nghe thì cưỡng chế. Cưỡng chế chẳng cần quyết định. Lại nhè đúng 26 tết. Trắng trợn, vô đạo, vi phạm pháp luật rõ như ban ngày, và sau cái lệnh cưỡng chế này chắc chắn ẩn chứa nhiều khuất tất, chính quyền xã huyện chà đạp lên mồ hôi nước mắt nhân dân đến thế thì không thể bình luận được gì hơn nữa.
Xã sai, huyện lao vào bảo vệ, tỉnh thì ngồi im, dân khiếu kiện lên cũng vô tăm tích.
3 năm khiếu kiện.
Cho tới khi đơn đến tay Thủ tướng.
Thủ tướng lại phải chỉ đạo.
Một xã Vinh Quang Tiên Lãng cũng phải đến tay Thủ tướng mới phân rõ trắng đen, đúng sai.
Một xã Tiên Tân, Duy Tiên cũng đến tay Thủ tướng.
Còn bao nhiêu xã nữa, bao nhiêu huyện nữa, chắc lại phải đến tay Thủ tướng xử lý thì may ra người dân mới chạm tay được vào công lý.
Cần phải đặt một câu hỏi, vì sao xã sai thì huyện che, huyện sai thì tỉnh che?
Cần phải đặt một câu hỏi nữa, vì sao cấp chính quyền cơ sở lại có thể nhẫn tâm với người dân như vậy, vì sao những cán bộ được dân bầu lên lại có thể ra những quyết định trái khoáy, thu hồi đất mà như ăn cướp đất của dân như vậy?
Vì sao hàng ngàn, hàng chục ngàn vụ khiếu kiện cứ phải đùn đẩy lên Thủ tướng? Tỉnh không biết pháp luật? Huyện không biết pháp luật? Xã không biết pháp luật?
Không biết hay cố tình đạp lên pháp luật để trục lợi bè nhóm, để biến mình thành cường hào?
Vì sao người dân ở nông thôn lại khốn khổ khốn nạn với các cấp chính quyền như thế?
Và khi vụ việc xảy ra, sai phạm đã rõ, vì sao lại xử lý sai phạm nhọc nhằn đến như thế?
Việc gì ở đâu bây giờ cũng phải đè lên vai Thủ tướng, phải có ý kiến Thủ tướng, may ra các cấp chính quyền mới biết sai.
Báo động về chất lượng chính quyền các cấp. Báo động về phẩm chất cán bộ. Báo động về sự phẫn nộ của nhân dân với các cấp chính quyền.
Một vụ việc, chỉ nghe thôi, chưa cần đọc tài liệu, đã biết chính quyền sai, mà tại sao chính quyền vẫn làm ngơ trước cái sai của mình để hành hạ dân đến cùng như thế.
Một Đoàn Văn Vươn chưa đủ sao?
Không có nhận xét nào: