Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
19 tháng 3, 2012

Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh

Nguyễn Đức Sự - Đã từ lâu, mỗi khi nhắc đến Phan Châu Trinh chúng ta thường gắn tên tuổi của ông với chủ nghĩa cải lương mà ông theo đuổi trong suốt cuộc đời hoạt động của mình. Mà chủ nghĩa quốc gia cải lương dù mang nội dung yêu nước đi nữa cũng ít gây được thiện cảm đối với mọi người. Điều đó ảnh hưởng đến sự đánh giá vị trí của Phan Châu Trinh trong lịch sử cách mạng nước ta, mặc dầu ông là một sĩ phu thiết tha yêu nước, suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp cứu nước.


Sự thực, chủ nghĩa cải lương của Phan Châu Trinh là một hiện tượng nổi bật trong xã hội Việt nam vào những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Nó chứng tỏ Phan Châu Trinh rất quan tâm đến sự tiến bộ và tương lai của nước nhà. Chính vì vậy mà ông muốn cải tạo xã hội Việt Nam lúc đương thời theo con đường cải lương, nghĩa là dựa vào chính phủ Bảo hộ và nước Đại Pháp văn minh để tiến hành cải cách nhằm đưa xã hội Việt Nam tiến lên phía trước. Nhưng chủ trương dựa vào Pháp để thực hành cải lương của ông đã thể hiện một sự nhận thức không đúng về chủ nghĩa tư bản đế quốc và nền văn minh tư bản chủ nghĩa. Ông không lý giải được tại sao các nước tư bản tiên tiến gắn với nền dân chủ tự do và văn minh tư bản chủ nghĩa như nước Pháp lại có thể câu kết với những thế lực phong kiến lỗi thời và phản động để nô dịch và áp bức nhân dân thuộc địa. Vì thế chủ trương dựa vào Pháp để thực hành cải lương chỉ là ảo tưởng và không thể nào đạt được mục đích. trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch tác giả Trần Dân Tiên viết: "Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương, đó là sai lầm chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương"(1).

Nhưng muốn hiểu đúng chủ nghĩa cải lương của Phan Châu Trinh chúng ta phải thấy rằng, các sĩ phu yêu nước ở Việt nam hồi đầu thế kỷ XX không thể vượt khỏi giới hạn của lịch sử, nghĩa là các ông đang vươn tới ý thưc hệ tư sản và chưa vượt khỏi ranh giới của ý thức hệ. Vì thế các ông không thể giải thích được chủ nghĩa tư bản đế quốc một cách khoa học theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và không thể có được một quan điểm cách mạng triệt để của giai cấp vô sản. Cũng do những giới hạn đó của lịch sử mà nhà yêu nước Phan Bội Châu, đại biểu cho khuynh hướng cách mạng bạo lực là một khuynh hướng thể hiện được ý chí chống ngoại xâm của dân tộc cũng không thấy được bản chất của chủ nghĩa tư bản đế quốc và lực lượng đông đảo của quần chúng. Phan Bội Châu đã nhìn nhận mâu thuẫn giữa dân tộc ta và thực dân Pháp là mâu thuẫn giữa hai chủng tộc da trắng và da vàng. Và ông cũng đã hy vọng nhờ vào sự giúp đỡ của nước Nhật tư bản chủ nghĩa để chống Pháp. Với sự nhận thức không chính xác như vậy về đối tượng và động lực cách mạng nên Phan Bội Châu đã không tránh khỏi những thất bại liên tiếp. Chính vì thế mà khi viết Tự phê phán, Phan Bội Châu đã phải thốt lên: "Than ôi! Lịch sử của tôi là lịch sử một trăm thất bại mà không một thành công" (2). Và cuối cùng một người kiên trì cách mạng bạo lực trong mấy thập kỷ rút cuộc lại rơi vào thuyết "Pháp - Việt đề huề". Điều này chứng tỏ rằng trong khuôn khổ của ý thức hệ tư sản và tiểu tư sản thì một người kiên trì chủ trương cách mạng bạo lực như Phan Bội Châu cũng không khỏi có lúc rơi vào chủ nghĩa cải lương. Nếu chúng ta nhìn thẳng vào những giới hạn đối với Phan Bội Châu như vậy, thì chúng ta càng thông cảm và hiểu rõ hơn chủ nghĩa cải lương của Phan Châu Trinh.

Nhà thờ cụ Phan Châu Trinh. Ảnh : Lê Hồng Thái

Để đánh giá Phan Châu Trinh, việc nghiên cứu một cách nghiêm túc chủ nghĩa cải lương của ông là cần thiết. Nhưng chúng ta không dừng lại ở đó mà điều quan trọng hơn là chúng ta phải xem xét một cách tổng thể yêu cầu khách quan của xã hội Việt Nam trong bối cảnh thế giới đương thời và tìm hiểu xem tư tưởng của Phan Châu Trinh cũng như hoạt động thực tiễn của ông đã đáp ứng những yêu cầu đó như thế nào.
Phan Châu Trinh (1872-1926)
Ông là nhà cách mạng xã hội, có tư tưởng dân chủ đầu tiên, là nhà văn hóa, một nhân cách lớn.
Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể xem ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ.
Đặc biệt hơn nữa, ông chọn con đường dấn thân tranh đấu nhưng ôn hòa, bất bạo động. Ông coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch hủ bại phong kiến.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, gian khó và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ, noi theo ngày hôm nay...
>> Xem trang Tác giả...
Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, nhiệm vụ chống đế quốc nhằm giải

Đầu thế kỷ XX ở Việt Nam, nhiệm vụ chống đế quốc nhằm giải phóng dân tộc được đặt lên hàng đầu. Điều đó phản ánh mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam, tức mâu thuẫn giữa dân tộc Việt nam và đế quốc Pháp xâm lược. Mâu thuẫn đó quy định xu thế phát triển của xã hội Việt Nam đương thời. Nhưng để thực hiện nhiệm vụ chống đế quốc của cách mạng Việt Nam mà lúc này chỉ kêu gọi lòng yêu nước và chí căm thù quật khởi của nhân dân không thôi thì chưa đủ mà phải nêu rõ tiền đồ của đất nước sau khi giành độc lập. Ở vào thời điểm này của lịch sử, giải phóng dân tộc phải đi liền với giải phóng khỏi đói nghèo, lạc hậu và bị kìm hãm bởi những quan hệ phong kiến hà khắc, thì gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mặc dù nước đó có giành được độc lập rồi cũng khó mà đứng nổi trong sự xâu xé của các cường quốc tư bản chủ nghĩa và trong cuộc cạnh tranh sinh tồn của thế giới đương thời.

Chính vì thế mà trong hai thập kỷ của thế kỷ XX, trên đất nước Việt Nam cùng với ngọn cờ chống Pháp bằng lực lượng vũ trang, đã xuất hiện phong trào Duy Tân hô hào đổi mới và cải cách khắp trong Nam và ngoài Bắc nhằm đưa xã hội Việt Nam tiến lên một bước. Phong trào này đã lôi cuốn được đông đảo nhân dân tham gia, nổi nhất là trường Đông kinh Nghĩa thục ở Hà Nội và phong trào Duy tân ở các tỉnh miền Trung. Những hoạt động của phong trào này nhằm cổ vũ ý thức tự cường dân tộc, thúc đẩy những cải cách văn hóa và xã hội trước hết là cải cách giáo dục và thi cử. Trọng tâm của phong trào đặt vào sự đổi mới đầu óc của mọi người, đổi mới tri thức, từ bỏ cái học cũ và những tri thức lỗi thời cổ xưa để hướng tới nền học vấn Âu Tây trong khoa học kỹ thuật. Những nhân vật đại biểu cho phong trào này cũng đã từng kêu gọi các tầng lớp nhân dân cải cách phong tục hăng hái tham gia vào những hoạt động kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên những cố gắng của họ thường hướng vào việc nâng cao dân trí và dân khí. Họ mong muốn dân ta không còn mê ngủ, nghèo nàn, lạc hậu và khao khát một tiền đồ tươi sáng của dân tộc.

Phan Châu Trinh là nhân vật tích cực của phong trào đổi mới và cải cách nay. Ông không những có mặt ở đỉnh cao của phong trào tại mấy tỉnh miền Trung mà còn đến trường Đông kinh Nghĩa thục diễn thuyết biên soạn những áng thờ văn kêu gọi lòng yêu nước và hô hào cải cách. Trong khi phong trào này hầu như ở khắp mọi nơi chỉ đề cập đến cải cách văn hóa xã hội, đến sự đổi mới tri thức và phong tục thì Phan Châu Trinh là người đề xướng cải cách hệ thống chính trị với tất cả tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề này. Ông đả kích hệ thống quan lại mục nát, tham nhũng, hủ lậu và bất lực. Ông nêu ra vấn đề chức trách, phẩm giá và cơ chế hoạt động của cả tập đoàn quan liêu từ triều đình đến những tên nha lại hào lý hằng ngày sách nhiễu đè nén những người dân lương thiện. Nhưng ông không dừng lại ở sự phê phán tầng lớp quan liêu hào lý mà còn phê phán cả quyền chuyên chế của nhà vua, nhất là "tám mươi năm trở lại đây, vua thì dốt nát ở trên, bầy tôi thì nịnh hót ở dưới; hình pháp dữ dội, luật lệ rối loạn, làm cho dân không còn biết sống theo cách nào" (3). Ông còn chỉ rõ một trong những nguyên nhân dẫn đến sự đồi bại của bộ máy quan liêu là sự "dung túng của chính phủ Bảo hộ". Duy ở đây có điều là ông không thấy chính sách sử dụng bộ máy quan liêu sâu mọt như vậy để nô dịch nhân dân là bản chất của thực dân Pháp. Vì thế ông đã cố gắng thuyết phục chính phủ Bảo hộ thay đổi chính sách và tiếp thu những đề nghị của ông về cải cách hệ thống quan lại và mở rộng dân chủ cho nhân dân. Nhưng sự thuyết phục đó không thể thành công.

Nhà số 10 Hàng Đào - nơi xưa kia là phân hiệu 2 của Đông Kinh Nghĩa Thục - có lẽ vẫn còn giữ được nguyên trạng so với cách đây 100 năm. Ảnh: Việt Anh

Khi đề xuất những yêu cầu cải cách chính trị đối với xã hội Việt Nam lúc đương thời, Phan Châu Trinh đã nêu ra tư tưởng dân chủ như một định hướng cho cuộc cải cách này. Nội dung cơ bản của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh là nâng cao dân quyền, là xây dựng thể chế chính trị và hệ thống pháp luật để bảo đảm cho dân quyền. Ông nhấn mạnh: "Theo cái chủ nghĩa dân trị thì từ quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân thế nào thì làm thế ấy" (4).

Trong mấy thập kỷ đầu của thế kỷ này, tư tưởng dân quyền của Phan Châu Trinh như một ánh hào quang rực rỡ. Chính vì thế mà khi ông mất, Phan Bội Châu viết: "Ông Phan Hy Mã ta ra đời nghiên cứu học thuật ông Lưa Thoa, phát minh ra lời ông Mạnh Tử, đem hai chữ dân quyền hò hét trong nước như một tiếng sấm vang, làm cho bao nhiêu giấc mơ phải tỉnh dậy, mà dân tộc ta từ nay dần dần mới biết mình có quyền. Quyền dân cao hơn thì quyền vua sụt xuống... Nay ông đã qua đời rồi mà cái chủ nghĩa ông ngày càng sáng chói. hết cr đồng bào trong nước từ đứa trẻ con cũng lạy ông, khấn vái ông. Vậy là cái nghĩa "dân quyền" dạy bảo con người đã in sâu vào trong óc rồi đó!" (5)

Bước sang thế kỷ XX đất nước Việt Nam không những cần có độc lập dân tộc, mà phải giàu mạnh, có dân chủ và văn minh. Chính yêu cầu đó của lịch sử đã khẳng định vai trò quan trọng của phong trào Duy tân đổi mới và cải cách. Ông là người phát biểu một cách dõng dạc và rõ ràng nhất những sự hủ bại củ hệ thống quan lại và đưa ra những yêu cầu cải cách hệ thống quan lại và những quan hệ chính trị lúc đương thời. Không những thế, ông còn làm sáng tỏ vấn đề dân quyền về mặt lý thuyết và ra sức cổ vũ tuyên truyền cho sự thực hiện dân chủ và dân quyền trong thực tiễn. Tư tưởng dân chủ và dân quyền của Phan Châu Trinh là một đóng góp to lớn không những cho phong trào đổi mới và cải cách mà cả cho sự phát triển của lịch sử tư tưởng Việt nam đầu thế kỷ XX. Nếu chúng ta nhìn Phan Châu Trinh không phải chỉ thấy chủ nghĩa cải lương của ông mà còn thấy những cống hiến của ông về mặt tư tưởng và thực tiễn như trên đã nói thì chúng ta sẽ có sự đánh giá địa vị của ông trong lịch sử cách mạng Việt Nam một cách khách quan và công bằng hơn trước.

Chú thích:

1) Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động cua Hồ Chủ tịch, NXB Sự thật, 1975, tr. 12
2) Phan Bội Châu, Tự phê phán, NXB Văn sử địa, H,, 1955, tr. 27
3) Phan Châu Trinh, Thất điều trần trong Phan Châu Trinh. Toàn tập, t. 3, NXB Đà Nẵng, 2005
4) Phan Châu Trinh, Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, trong Phan Châu Trinh, Toàn tập, t. 3, NXB Đà Nẵng, 2005
5) Phan Bội Châu, báo Tân dân, ngày 24-2-1929


Theo: Kỷ yếu Hội thảo khoa học về Phan Châu Trinh tháng 9-1992
Ý nghĩa lịch sử của tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh Reviewed by Admin on 3/19/2012 Rating: 5 Nguyễn Đức Sự - Đã từ lâu, mỗi khi nhắc đến Phan Châu Trinh chúng ta thường gắn tên tuổi của ông với chủ nghĩa cải lương mà ông theo...

Không có nhận xét nào: