Mai Khôi(TNCG) - Ca lên bài ca chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết
Rôma, 06-04-2012 (ZENIT.org) – Trong bức thư Phục Sinh 2012, Đức Gregorios III, Thượng Phụ của miền Antioche và Phương Đông, của Thành Alexandrie và Giêrusalem, mời gọi tín hữu, mặc dù “nỗi đau” thắt ở cổ họng, “hãy cất tiếng hát từ đáy lòng mình bài ca chiến thắng của Đức Kitô trên thần chết. Ước gì bài ca này mãi mãi là bài ca của Đức Tin, của Đức Cậy và Đức Mến của chúng ta !”
Rôma, 06-04-2012 (ZENIT.org) – Trong bức thư Phục Sinh 2012, Đức Gregorios III, Thượng Phụ của miền Antioche và Phương Đông, của Thành Alexandrie và Giêrusalem, mời gọi tín hữu, mặc dù “nỗi đau” thắt ở cổ họng, “hãy cất tiếng hát từ đáy lòng mình bài ca chiến thắng của Đức Kitô trên thần chết. Ước gì bài ca này mãi mãi là bài ca của Đức Tin, của Đức Cậy và Đức Mến của chúng ta !”
Sau đây là những trích đoạn chọn lọc của Thông Điệp Phục Sinh:
Tình Yêu mạnh hơn cái chết. Ai yêu mến sẽ không chết ! “Thiên Chúa thực sự đã yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một Ngài, để ai tin vào Con của Ngài khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3, 16).
Sự Phục Sinh của Đức Giêsu-Kitô là một dấu hiệu chiến thắng của tình yêu Ngài, là sự chiến thắng của sự sống trên sự chết. Đó chính là điều Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói trong bài giảng lễ Phục Sinh, và chúng thường hát: “Đừng ai sợ cái chết, vì cái chết của Đấng Cứu Thế đã giải thoát chúng ta ! Hỡi thần chết, đâu là nọc độc của ngươi ? Hỡi hỏa ngục, đâu là chiến thắng của ngươi ? Đức Kitô đã phục sinh và chính ngươi, hỡi hõa ngục, ngươi đã bị quật ngã. Đức Kitô đã phục sinh, và đây là thời đại trị vì của sự sống”.
Đức Tin của chúng ta là như thế đó, mặc dù thực tế đau thương của cuộc đời. Mặc dù sự yếu đuối của chúng ta.
Các môn đệ Chúa Giêsu đã sợ hãi khi Ngài báo trước cho họ cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài; “Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới được vào trong vinh quang của Ngài sao ?” (Lc 24, 26) Và Thánh Phêrô đã trách cứ Ngài “Xin Thiên Chúa đừng để chuyện này xảy ra!” (Mt 16, 22). Gần tới cuộc khổ nạn và cái chết của mình, chính Đức Kitô cũng đã hấp hối, đến độ chảy mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu. Ngài cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26, 42).
Các Thánh Tông Đồ đều là những con người yếu đuối trước cơn khổ nạn và cái chết của Thày Giêsu. Nhưng tình yêu của họ đối với Đức Kitô cũng như tình yêu của Chúa Giêsu đối với họ đã cho họ một niềm hy vọng mới, vì Ngài đã phán với họ: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20).
Vì thế, Lễ Phục Sinh nhắc nhở chúng ta về Đức Tin, Đức Trông Cậy và Đức Ái và về cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu phục sinh từ kẻ chết, kích động trong chúng ta mối tình này mạnh mẽ hơn cả sự chết.
Đức Thượng Phụ Gregorios III đã nhắc lại lời lẽ trong bài diễn văn của ĐGH Biển Đức XVI ở Cotonou (Cộng Hòa Bênin) vào tháng 11/2011: Thất vọng là cá nhân chủ nghĩa. Hy vọng là hiệp thông.
“Giáo Hội, Đức Thánh Cha phán, không mang lại một đáp án kỹ thuật nào và cũng không áp đặt một giải pháp chính trị nào. Giáo Hội xin nhắc lại: Đừng sợ! Nhân loại không cô đơn đối mặt với những thử thách trên thế giới. Thiên Chúa có mặt. Đây quả là một bản thông điệp hy vọng, một niềm hy vọng phát sinh năng lượng, kích động trí tuệ và trang bị cho ý chí tất cả động lực của nó… Giáo Hội đi kèm với Nhà Nước trong sứ mạng của mình; Giáo Hội muốn như linh hồn của cái thân xác này để không ngừng chỉ dẫn cho nó điều cốt yếu: Thiên Chúa và con người. Giáo Hội muốn hoàn thành, một cách công khai và không sợ hãi, nhiệm vụ bao la này của Giáo Hội là giáo dục và điều trị, và nhất là của Giáo Hội không ngừng cầu nguyện (x. Lc 18, 1), Giáo Hội chỉ dẫn cho thấy Thiên Chúa ở đâu (x.Mt 6, 21) và con người chân chính ở đâu (x. Mt 20, 26 và Ga 19, 5). Sự thất vọng là cá nhân chủ nghĩa. Hy vọng là Hiệp Thông. Đây chẳng phải là một con đường tươi đẹp được đề nghị cho chúng ta đó sao ?...”
Hiệp thông là một trong những dấu hiệu của tình yêu. Chính vì thế mà Thánh Phaolô đã nói: “Nếu một bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau” (1Cr 12, 26). Hiệp thông có nghĩa là liên đới, nhất là trong những ngày tháng đầy thử thách, khốn quẫn, đau buồn, bệnh hoạn này. Trước những khủng hoảng của thế giới người Ả-rập, trước sự lung lay của tình yêu và hy vọng giữa các dân tộc của thế giới Ả-rập, trước những cơn khủng hoảng tài chính và kinh tế, trước những cơn khủng hoảng về giá trị và thuần phong mỹ tục, và cả những giá trị của Đức Tin Thánh của chúng ta… chúng ta đều cậy nhờ vào tình yêu.
Những nỗi sợ hãi và các cuộc cách mạng đang tràn ngập thế giới ả-rập chúng ta, có thể người kitô hữu sẽ cảm nhận một cách đặc biệt hơn những người khác, dù rằng tất cả chúng ta đều có sự yếu đuối, mỏng giòn và dễ tổn thương. Trong mọi cảnh huống và trước mọi thực tế, chúng ta, những người kitô hữu, phải tìm được chỗ đứng của chúng ta, tái khám phá ơn gọi của chúng ta và phân biệt đâu là chương trình của Thiên Chúa (kinh tế cứu rỗi) cho chúng ta.
Cách riêng, chúng ta phải liên đới với thế giới ả-rập này, vì nó cũng là thế giới của chúng ta, nơi đây có những gốc rễ của chúng ta. Chúng ta đã thực hiện trong thế giới này bao nhiêu điều, trong lãnh vực lịch sử, văn học và văn minh. Hơn nữa, chúng ta đã là những người tiên khởi và người thực hiện kiến trúc văn minh ả-rập ; chúng ta là kiến trúc sư, những nhà tư tưởng, những người tiên phong, những lý thuyết gia và những người truyền bá.
Đây là thời đại mà người kitô hữu phải, như từ trước đến giờ, khám phá sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa “đã được đổ vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5, 5). Và từ đó khám phá sức mạnh của Tin Mừng, và tính xác thực của những giáo huấn của Đức Giêsu-Kitô. Người kitô hữu phải khám phá và nhớ rằng họ là “con cái của Đấng Phục Sinh”. Hơn nữa, họ phải khám phá rằng sự phục sinh của họ bắt buộc họ phải liên đới với những thực tế và những vấn nạn của đất nước họ, của vùng đất họ sống, của dân tộc họ, của đồng bào họ. Chính họ là những người phải đóng góp vào sự phục sinh của xã hội hội họ đang sống, mặc dù họ chỉ là một “đàn chiên nhỏ bé”, đàn chiên mà Chúa đã trao ban cho ơn gọi và sứ vụ vĩ đại và bất diệt, chắc chắn và không hao mòn, là trở thành ánh sáng, muối và men trong xã hội của chúng ta.
Như vậy chúng ta chia sẻ với các quốc gia của chúng ta sự yếu đuối, sự mỏng manh và sự dễ hư tổn của các quốc gia này, để cùng tìm ra sức mạnh và những triển vọng phục sinh. Trong những hoàn cảnh khó khăn mà thế giới ả-rập đang sống hiện nay, chúng ta thấy rằng thật là đúng lúc và thời sự để viện dẫn thư gửi Giognète.
“Người kitô hữu không khác gì những người khác, dù là vì đất nước của họ, dù là vì tiếng nói của họ, hay dù là vì cách sinh sống của họ ; họ không có thành phố nào khác ngoài thành phố chúng ta, cũng không có ngôn ngữ nào khác ngoài ngôn ngữ chúng ta đang nói; chẳng có gì cá biệt trong tập quán của họ ; chỉ có cái là họ không đâm đầu vào nghiên cứu những hệ thống vô dụng, kết quả của sự tò mò của con người, và không quan tâm, như nhiều kẻ khác, đến việc bảo vệ những học thuyết nhân bản. Như thiên ý của Đấng Quan Phòng, họ sống trải rộng trong các thành phố văn minh hay man rợ, họ hội nhập cách ăn mặc, cách ăn uống, cách sinh sống, với lề thói mà họ coi là đã được ấn định trước ; nhưng họ đã thể hiện dưới con mắt của mọi người cảnh tượng đời sống của họ hết sức thần tiên và đáng kinh ngạc. (…)
“Họ sống trong thành thị như những người xa lạ… Đối với họ, mọi vùng đất xa lạ đều là tổ quốc, và mọi tổ quốc dưới thế này đều là vùng đất lạ.
“… Họ sống trên trái đất mà nói chuyện trên trời. Được đặt dưới luật pháp định sẵn, với lối sống của họ, họ ở trên các luật pháp này. Họ yêu mến mọi người và mọi người bách hại họ… Bị xử chết, họ sinh ra trong đời…
“Nói tóm lại, người kitô hữu sống trên thế gian cũng như linh hồn sống trong thân xác: linh hồn trải rộng trong mọi bộ phận của thân thể; người kitô hữu sống trong thế gian mà không phải của thế gian. Linh hồn, tự bản chất là vô hình, được đặt để trong thể xác hữu hình như nơi cư ngụ của mình… Xác thịt, tuy không bị tâm linh xúc phạm điều gì, nhưng lại thù ghét tâm linh và luôn gây hấn với tâm linh, bởi vì tâm linh là kẻ thù của lạc thú. Như vậy, thế gian bách hại người kitô hữu, không có gì đáng than phiền, vì người kitô hữu xa lánh lạc thú. Linh hồn yêu thương thể xác mà xác thịt thì lại chống đánh linh hồn và các chi thể luôn nổi lên chống lại linh hồn. Linh hồn, bị giam hãm trong thể xác, gìn giữ thể xác; người kitô hữu, bị giam cầm trong thế gian như một nhà tù, ngăn cản không cho thế gian bị tử vong.
“Linh hồn bất tử cư ngụ trong một nhà tạm dễ hư hỏng… Linh hồn tăng lực nhờ chay tịnh, người kitô hữu gia tăng nhờ bách hại : vị trí mà Thiên Chúa đã trao gửi cho họ vinh quang biết bao, đến nỗi họ coi như một tội ác nếu họ rời bỏ vị trí đó”.
Trong bức thư tuyệt vời này, chúng ta tìm ra được sức mạnh của Đức Tin kitô giáo. Đức Tin này là nền tảng của cách hành xử kitô giáo đối với xã hội, với các phát triển, với các thay đổi, với luật pháp, với hiến pháp, với pháp lệnh, là những thứ có thể biến thành trở ngại cho sự thực hành Đức Tin Thánh. Như thế, ví dụ điển hình và thời sự là luật Charia hay luật Hồi Giáo, luật Fiqh hay pháp chế, trong Hồi Giáo hay đặc biệt là trong xã hội ả-rập mà đa số là người theo đạo Hồi. Làm cách nào, trong bối cảnh của những luật lệ này, và với luật Charia hay pháp chế ngoài kitô giáo, tìm được một không gian để sinh sống và thực hành Đức Tin cũng như những giá trị kitô giáo của mình ?
Người kitô hữu, hơn nữa, phải tìm cách nào để trở thành tương tác với những luật lệ này, kể cả làm cho chúng phong phú lên, phát triển chúng và ghép vào những giá trị Đức Tin và những giáo huấn của Thày Giêsu-Kitô trong Phúc Âm, cũng như các nguyên tắc của Giáo Hội với những xác tín của Đức Tin về quốc gia và nhân bản. Như vậy người kitô hữu sẽ gặp gỡ những anh em đồng bào của minh thuộc một tôn giáo khác, thuộc một tín ngưỡng khác hay của một nền văn hóa khác.
Đừng sợ! Đó là lời nói làm vững lòng, lời an ủi, lời nói đầy sinh khí và tình yêu thương mà Chúa Giêsu đã nhắc lại với các môn đệ của Ngài… Thiên sứ đã nói với các phụ nữ, đang sợ hãi trước nấm mồ trống rỗng: “Này các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh. Nguời không còn ở đây, vì Ngài đã trỗi dậy như Ngài nói ” (Mt 28 5-6). Chúng ta không có một Đức Kitô bị đóng đinh. Chúng ta có một Đức Kitô Sống Lại !
Như vậy, giữa những thời khắc khó khăn nhât và đầy đau buồn, Đức Giêsu đã trao cho các môn đệ của Ngài sứ vụ cao cả nhất, tế nhị nhất và can trường nhất. Đó là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15)
… Chúa Giêsu dã phán cùng các môn đệ: “Mọi người sẽ nnhận biết anh em là môn đệ của Thày ở điểm này : là anh em có lòng thương yêu nhau” (Ga 13, 35). Định nghĩa thứ nhì của người kitô hữu là danh hiệu trao cho các tín hữu ở Syrie: Con Cái Phục Sinh… Qua hai hình ảnh này… chúng ta thấy có trách nhiệm với Tình Yêu và Phục Sinh trong thế giới người ả-rập, trách nhiệm về sự tham gia của thế gian vào niềm vui Phục Sinh, trong niềm vui của sự sinh ra và sống lại của một thế giới mới và tốt đẹp hơn.
Chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người, nhất là những người đang đau khổ, những người đang nghi nan, những người đang sợ hãi, những người yếu đuối, những người đã chết trong các cuộc giao tranh, nhất là những người kitô hữu, trong những biến cố đau buồn và thê thảm ở các đất nước chúng ta: ở Palestine, ở Irak, ở Ai-cập và cách riêng ở Syria… (và) mặc dù sự đau buồn đang làm chúng ta nghẹn họng, chúng ta hãy cất tiếng hát từ đáy lòng bài ca chiến thắng của Đức Kitô trên cái chết. Ước mong bài ca này mãi là bài ca của Đức Tin, Đức Trông Cậy và Đức Ái của chúng ta.
Patriarche Grégorios III
Mai Khôi(TNCg) phỏng dịch
Không có nhận xét nào: