LÒNG YÊU NƯỚC LÀ BẢN CHẤT CỐT LÕI ĐỂ TỒN TẠI CỦA MỌI DÂN TỘC
LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân Việt Nam hôm nay là kết quả của một quá trình hình thành Đất và Nước đầy cam go, còn mất trong trường kỳ lịch sử. Và vì vậy LÒNG YÊU NƯỚC mang đậm giá trị của văn hóa người Việt, nhân hậu, vị tha, nhưng cũng rất kiên cường, bất khuất, nhất là khi Tổ quốc lâm nguy thì sự xả thân là nét đặc thù của dân tộc. Đấy cũng chính là nhân cách, là bản lĩnh của người Việt trước lịch sử hình thành dân tộc và phát triển đất nước. Vào thời điểm còn mất ấy, người Việt không có lựa chọn thứ hai, chỉ có sự đồng thuận. Ai đi ngược lại thì đấy là kẻ bán nước.
Chính văn hóa ấy, nhân cách ấy, bản lĩnh ấy đã giúp chúng ta không bị đồng hóa trước một gã khổng lồ phương Bắc gian manh, xảo quyệt và tham lam vô độ. Và ngay thời hiện đại với học thuyết Mác-Lê, vô sản toàn thế giới liên hiệp lại, đồng chí, anh em, môi răng… nhưng thời gian đã hé lộ tâm địa gian manh của con cháu đại Hán: Dùng học thuyết Mác –Lê khống chế ta, hết mình giúp dân tộc ta lao vào đầu sóng ngọn gió của ba dòng thác cách mạng, làm anh lính tiên phong trên chiến trường chống đế quốc để chúng đi đêm với đế quốc!
Hãy nhìn lại lịch sử: Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký, và quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Năm 1974 người Trung Hoa đã thực hiện kế hoạch chiếm Hoàng Sa của ta! Gần 70 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng hy sinh dưới họng súng của người đồng chí môi răng của những người cộng sản miền Bắc! Và cuộc chiến chiếm một số đảo Trường Sa giết hại 64 chiến sĩ cách mạng… ở thời điểm chủ nghĩa xã hội chuẩn bị sụp đổ hoàn toàn – 1988.
Nguyên nhân sâu xa của sự sụp đổ này là nhận thức học thuyết Marx nặng cảm tính mà bỏ qua những bất cập, những mâu thuẫn giữa lý luận với thực tiễn! Điều đơn giản là Marx chưa bao giờ chỉ ra phương thức sản xuất của chủ nghĩa cộng sản là gì. Nhưng người Tàu thì nhanh chóng xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc! Dân thì thấy khôi hài nhưng những nhà lãnh đạo VN lúc bấy giờ thì lại coi đó là cái phao cứu mạng. Cuộc họp ở Thành Đô vẫn còn được giấu kỹ, nhưng những nhà ngoại giao thời ấy qua những hồi ký đã cho thấy những trang buồn trong lịch sử giữ nước oai hùng của dân tộc. Duy có điều chính LÒNG YÊU NƯỚC đã giúp người Việt Nam sẵn sàng dấn thân cho nền độc lập tự chủ của dân tộc mình. Nền độc lập của ta có được hôm nay bắt đầu từ đây chứ không phải từ một lý tưởng, một học thuyết cao xa nào cả.
Nhìn về phương Bắc, hãy còn đó Nội Mông, Tây Tạng , Tân Cương… những khu tự trị của đại Hán vốn là những quốc gia từng có cương vực, lãnh thổ, tiếng nói riêng, văn hóa khác biệt… Còn chúng ta, Giao Chỉ, Nam Việt, Đại Việt và hôm nay là Việt Nam vẫn là một quốc gia, dù chậm nhưng vẫn đang trên đường hội nhập. Sức mạnh thần kỳ nào giúp chúng ta không bị đồng hóa, không thành khu tự trị của đại Hán? Xin thưa: Đấy là LÒNG YÊU NƯỚC!
Một dân tộc mang trong mình dòng máu yêu nước cháy bỏng, thì đấy chính là sức mạnh mềm vô địch. Sức mạnh ấy đôi khi cô sắc lại trước sức mạnh của kẻ xâm lăng truyền thống phương Bắc, hay sức mạnh hiện đại của phương Tây, nhưng chưa bao giờ kẻ thù dập tắt được. Nó âm ỉ như lửa trong đống trấu, trong mồi rơm, chờ cơ hội là bùng lên để giành lại Đất và Nước. Có Đất và có Nước thì sẽ có Độc lập, Tự do. Suy cho cùng, LÒNG YÊU NƯỚC là cái gốc của một dân tộc. LÒNG YÊU NƯỚC của dân tộc ta là giá trị tinh thần tuyệt đối được kế thừa từ đời này qua đời khác trong trường kỳ lịch sử chống ngoại xâm.
KHÔNG ĐƯỢC ĐỒNG NHẤT YÊU NƯỚC VỚI YÊU THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ
Không ai yêu nước Sở bằng Khuất Nguyên. Nhưng cuối cùng nước Sở đã mất vào tay Tần và nhà thơ yêu nước nồng nàn ấy đã phải ôm đá nhảy xuống sông Mịch La. Nguyên nhân mất nước Sở thì có nhiều, nhưng nguyên nhân sâu xa chính là LÒNG YÊU NƯỚC Sở của Sở Hoài vương đã đặt dưới lòng yêu ngu muội đối với Trịnh Tụ.
Ở ta, hôm nay vẫn còn không ít người quy tội cho triều đình nhà Nguyễn bán nước. Đấy là sự quy chụp mang tính áp đặt chủ quan, thiếu cơ sở khoa học. Các vua triều Nguyễn từ Minh Mệnh đến Thiệu Trị, Tự Đức đều là những người yêu nước. Đất nước do tiền nhân họ gây dựng, sao họ lại không yêu, không giữ? Nhưng điều quan trọng là họ đặt ý thức hệ lên trên quyền lợi của Đất-Nước. Điều đó không cho phép họ dám có cái nhìn như Minh Trị Thiên hoàng. Sợ canh tân vì canh tân không bảo đảm sự vững chắc cho ngai vàng.
Trung quân ái quốc, Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội… Mọi sự đồng nhất những giá trị khác nhau đều mang lợi ích nhóm hoặc phe phái đều để lại hệ lụy!
Đấy chính là bài học vô giá cho hôm nay. Thể chế chính trị trong lịch sử chưa bao giờ trường tồn cùng Đất Nước và Dân Tộc. Thể chế chính trị mang giá trị nhất thời trong từng giai đoạn cụ thể, nó phát triển cùng với thời gian mà tư duy con người đạt tới. Chế độ nô lệ cuối cùng rồi cũng đi vào dĩ vãng đầy tối tăm của nó. Thay thế nó là chế độ phong kiến. Khi chế độ phong kiến đang cực thịnh cũng là lúc chế độ tư bản lộ diện.
Lịch sử phát triển loài người đơn giản là vậy. Không có thể chế chính trị nào là vĩnh cửu. Chỉ có Đất và Nước mà linh hồn của nó là LÒNG YÊU NƯỚC là trường tồn cùng năm tháng.
Học tập Hồ Chí Minh không thể không thấy sức mạnh về LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân, càng không thể chà đạp lên LÒNG YÊU NƯỚC khi nhân dân thấy vận nước chênh vênh, thấy biển đảo đã bị con cháu nhà đại Hán dùng vũ lực đánh chiếm, thấy nhân dân mình bị kẻ thù dân tộc bắt bớ đánh đập tra tấn, giam cầm, thu giữ tàu thuyền, đòi tiền chuộ, chỉ vì họ đánh cá trên vùng biển đảo của cha ông họ để lại.
Tôi thật sự xúc động khi nhìn thấy cụ Nguyễn Đình Đầu, suốt đời cặm cuội trong các tàng thư để cho công trình về bản đồ ViệtNamchính xác nhất ở từng hòn đảo nhỏ như những gì tiền nhân để lại. Ở tuổi ngoài 90 vẫn gắng gượng từng bước chân trong đoàn biểu tình chống Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, và cạnh cụ là nhà thơ suốt đời gầy gò, khắc khổ: Đỗ Trung Quân, rồi nữa, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học: Tương Lai. Ông đang bị bạo bệnh! Nhìn mái tóc ông sau lần xạ trị, nhìn gương mặt hốc hác nặng ưu tư của ông xuất hiện trong đoàn biểu tình đả đảo Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam! Tự nhiên tôi thấy mắt mình nóng ran và lệ đã trào…
Ôi LÒNG YÊU NƯỚC của những trí thức chân chính đẹp quá, như một tấm gương cho những thế hệ nối tiếp. Và cạnh ông lại một tấm gương nữa: nhà thơ bách bệnh Nguyễn Duy. Không ngày nào ông không đến bệnh viện… để kéo dài cuộc sống có trách nhiệm của mình. Rồi hình ảnh nhà văn tuổi ngoài 80 bên cạnh một GS tuổi ngoài thất thập mắc chứng rối loạn tiền đình cả chục năm nay, đầu vẫn ngẩng cao, mắt vẫn long lanh sáng. Sau các ông là những thế hệ nối tiếp…
Chính LÒNG YÊU NƯỚC đã quy tụ ngay cả những con người như thế vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù chiếm biển đảo của mình! Có một cái gì đó lâng lâng trong tôi. Và tôi kịp nhận ra đó chính là niềm tự hào về dân tộc tôi…
Nhưng, niềm tự hào ấy chưa kịp ngấm trong tôi thì… tôi phải cúi đầu xuống nuốt nỗi đau, nỗi nhục đến tận cùng xương tủy! Những đoàn biểu tình đã bị chặn lại! Vì ai? Lịch sử rồi sẽ hỏi tội !!!
Thú thật ở tuổi cổ lai hi này tôi chưa bao giờ thấy một chính quyền nào mượn tên Nhân Dân mà lại dùng 5 thanh niên, kẻ nắm tay, kẻ nắm chân, còn tên thứ năm thì giơ chân đạp vào mặt người biểu tình đòi lại biển đảo đã bị kẻ thù mang danh đồng chí chiếm giữ và tự cho đó là của mình, “không thể tranh cãi”!
Rồi vụ cưỡng bắt chị Minh Hằng vào trại phục hồi nhân phẩm chỉ vì tội yêu nước, phản đối Trung Quốc chiếm Hoàng Sa,Trường Sa Việt Nam! Tôi chỉ nghe bà Trưng cỡi voi đánh Tô Định, tôi chưa thấy bà Định cầm quân đánh Mỹ, nên không tưởng tượng được vẻ căm giận của họ như thế nào, hôm nay tôi thấy được nét căm hận trên gương mặt phừng phừng của chị Bùi Hằng trong cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ngang nhiên chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của ta, bất chấp sự đe dọa của cường quyền. Đẹp quá hình ảnh người phụ nữ Việt Nam. Tôi hy vọng mai kia sách giáo khoa sẽ có những bài văn, bài thơ hay về hình ảnh người phụ nữ này cho các thế hệ con em ta học.
Và đây nữa, một vị tướng mượn danh Nhân dân VN lại đi hứa với kẻ thù sẽ không để những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược tiếp diễn? Nếu đúng vậy thì tôi xin hỏi ông là tướng của Việt Nam hay tướng của Trung quốc vậy? Là tướng, ông phải nung nấu trong tim mình nỗi nhục mất Hoàng Sa năm 1974, một số đảo Trường Sa năm 1988… từ vũ lực của người đồng chí môi răng của ông chứ! Thấy nhục để giành lại cho bằng được, đấy chính là trách nhiệm của ông và quân đội dưới quyền ông. Chừng nào Tổ quốc chưa toàn vẹn, chừng ấy ông và quân đội mang tên Nhân Dân sẽ còn mang nợ với Nhân Dân, còn mang tội với Nhân Dân. Lẽ nào ông không nhận ra điều đơn giản ấy, mà lại hứa với kẻ thù sẽ trấn áp những cuộc biểu tình thể hiện LÒNG YÊU NƯỚC của Nhân Dân mình?!
Học tập Hồ Chí Minh sao không biết trân trọng, gìn giữ, nuôi dưỡng LÒNG YÊU NƯỚC trong nhân dân lại đang tâm chà đạp nó theo cách man rợ của thời trung cổ? Ai đã nói câu này: “…mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy (tinh thần yêu nước) lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn… nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Chính Hồ Chí Minh đã nói như thế. Có phải ông đang cảnh cáo những ai nhẫn tâm dùng quyền lực chà xát, dập cho tắt hẳn LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân đã được nuôi dưỡng qua nghìn năm đô hộ giặc Tàu?
Mai đây, dù kẻ đạp vào mặt người thanh niên yêu nước biểu tình kia có ra tòa lãnh án chung thân đi nữa,
Mai kia chị Minh Hằng dù có được minh oan sau khi phải thả ra vô điều kiện đi chăng nữa,
Mai kia vị tướng nọ dù có uốn lưỡi hàng trăm lần đi nữa,
Thì cái nhục hôm nay cũng không có cách gì rửa sạch được! Những hành động man rợ, vô học này, những nhành động của kẻ bán nước này sẽ là một vết nhơ, một vết nhục của một thời mà hai từ Nhân Dân được lợi dụng triệt để nhất.
Sự đánh tráo khái niệm: Yêu nước và Bán nước có phải bắt đầu từ đây?
Lẽ nào! Lẽ nào một dân tộc từng có nghìn năm văn hiến đang biến dạng từ thể chế chính trị mang học thuyết Mác – Lê để trở thành tội đồ của lịch sử?
Lẽ nào một chính quyền coi những người yêu nước là kẻ thù, là đối trọng cần phải dùng bạo lực trấn áp bằng mọi giá? Và trước kẻ thù cướp biển đảo, Tổ quốc lại khom lưng cúi đầu vâng dạ như những tên nô lệ?
QUỐC HỘI PHẢI RA LUẬT TRỪNG TRỊ NHỮNG KẺ CHÀ ĐẠP LÒNG YÊU NƯỚC!
Không gì quí hơn LÒNG YÊU NƯỚC, nó phải được trân trọng như những thứ của quý. Bổn phận những nhà cầm quyền chân chính là phải tìm cách trưng nó ra chứ không phải dìm nó trong bạo lực! Bổn phận những nhà cầm quyền chân chính là đưa những kẻ đang tâm đạp vào mặt người biểu tình yêu nước kia ra tòa, đưa những kẻ bắt nhốt chị Bùi Hằng vào trại phục hồi nhân phẩm ra trước vành móng ngựa, đưa vị tướng nọ ra hỏi tội vì sao lại đồng mưu với kẻ thù cướp biển đảo của Tổ quốc ta! Chính quyền Nhân Dân không thể dung tha hay cho chìm xuồng những kẻ đã ngang nhiên chà đạp LÒNG YÊU NƯỚC truyền thống của Nhân Dân như vậy được!
Ai cũng hiểu cuộc tranh chấp ở Biển Đông đang lộ diện một chân tướng mà người Việt Nam nào cũng nhận ra từ năm 1972, từ việc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, từ cuộc chiến với Pon Pot, Yengxari, từ bài học Đặng Tiểu Bình “dạy” cho Việt Nam năm 1979. Chính những cuộc chiến nối dài ấy đã tiếp thêm hồng cầu cho trái tim tưởng nguội lạnh của người Việt Nam sau 30 năm khói lửa.
Và cũng chính từ đây người Việt Namdễ dàng nhận ra người yêu nước và kẻ bán nước! Lão Tử nói: trong họa có phúc. Phúc vì chúng ta sớm nhận ra sự lừa dối, gian manh của kẻ thù truyền kiếp, sớm nhận ra đám tay chân của kẻ thù của chúng ta đang tâm chà đạp LÒNG YÊU NƯỚC của nhân dân theo kiểu thời trung cổ!
Một chính quyền nhân dân phải đồng hành cùng nhân dân trong cuộc chiến giữ nước này, chứ không bao giờ xúc phạm đến nhân dân, thậm chí coi nhân dân là tội đồ để dùng xã hội đen trừng trị!
Đất nước đang đứng trước những thử thách còn mất. Chính quyền của nhân dân mau chóng trở về với nhân dân, lấy nhân dân làm điểm tựa, cương quyết xử lý nghiêm minh những tên đồ tể hãm hại những người yêu nước nếu không muốn đứng chung trận tuyến với kẻ thù của nhân dân!
Trong tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh viết : “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi , và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Trong mọi thứ tự do, thì tự do yêu nước là cao đẹp nhất. Một chính quyền của dân không thể dung tha những bọn chà đạp nhân dân yêu nước như thế mà không bị pháp luật trừng trị.
Cũng chính Hồ Chí Minh viết trong “Chính phủ là công bộc của dân”: “Ủy ban nhân dân là ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”(HCM Toàn tập – Tập 4).
Xin những nhà lãnh đạo thuộc lớp con cháu cụ đừng lấy những lời dạy chân tình của cụ làm thứ trang sức cho chiếc ghế quyền lực của mình, càng không được tếu táo, đùa cợt trước những lời dạy ấy.
H.L.G.
–
* Xem thêm: – Về Hoàng Lại Giang (Văn chương Việt); - Số phận của ‘Chân dung Nhà văn’ (BBC, 5/6/2008); - Nhà văn Hoàng Lại Giang: “Lội ngược dòng” bằng ngòi bút cá tính … (PLTP, 29/8/2010); - 344. Đừng tiếc nuối những gì mà loài người đã loại bỏ đi (30-05-2011); - 355. Trao đổi qua bài viết của Hoàng Lại Giang (13-09-2011); - 744. Từ Chiếu Lập học của hoàng đế Quang Trung nghĩ về nền giáo dục nước ta hôm nay (18-02-2012).
Không có nhận xét nào: