Trách nhiệm người tín hữu Chúa Kitô trong chính trị (1) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
12 tháng 5, 2012

Trách nhiệm người tín hữu Chúa Kitô trong chính trị (1)

Nguyễn Học Tập(TNCG) - Trong thời gian gần đây một bài được đăng trên một vài tờ báo ở Ý Quốc cho thấy có sựđối chọi giữa hai khuynh hướng, - ở Ý Quốc cũng như ở nhiều Quốc Gia khác có truyền thống Kitô giáo -, đối chọi giữa việc các vị mục tử nhấn mạnh đến tầm quan trọng hay đúng hơn đến việc cần thiết người công giáo phải dấn thân vào chính trị, trong khi đó thi dường như lan tràn khắp đó đây dân chúng bỏ lơ lãnh vực vừa kể.

Tệ hơn nữa, thái độ lơ đảng đó cũng lây đến lãnh vực các giáo lý viên, tức là những người đặc trách đào tạo thế hệ công giáo mới (R. çombardi, Per una educazione cristiana all'impegno politica, in A A:VV, Chiesa e politica, Morcelliana, Brescia 2000: Città del Vaticano 2005, 79-112).

Bài báo có thể đưa đến hai nhãn quang đối ngược:

- Thái độ bi quan: đó là các tín hữu Chúa Kitô, nhứt là các giáo lý viên, là những người có dịp tiếp xúc gần gũi với các lời huấn dạy của Giáo Hội, mà lại không nhận thức được cần thiết phải có sự hiện diện của người có cùng đức tin vào các lãnh vực trần thế, nhứt là chính trị, thì thật là uổng công để kêu gọi, tổ chức thêm nữa, tổ chức hội thảo nầy, nhóm hợp kia. Các giáo lý viên là những người phải dạy dỗ đào tạo thiên hạ, nhứt là giới trẻ trong tương lai, mà còn thờ ơ đến như vậy, thì còn phải nói gì với ai nữa?

- Thái độ lạc quan: thái độ thờ ơ trong lãnh vực chính trị có thể được dùng để kích thích thêm đối với việc huấn dạy liên quan trong lãnh vực, cho thấy sự cần thiết phải hiện diện, và nhứt là những đặc tính phải có cho người hoạt động liên hệ. Cần phải kích thích học hỏi sâu đậm hơn, không những là những đặc tính thuyết lý phải có, mà còn là những phương thức áp dụng thiết thực và chính xác để có được kết quả mong muốn.

Về vấn đề vừa kể, chúng ta nên nhớ lại lời ĐTC Phaolô VI trong Thông Điệp Evangeli nuntinad:

- "Loan báo Phúc Âm là một tiến trình phức tạp và đòi buộc nhiều yếu tố khác nhau: đổi mới nhân loại, nhân chứng, loan báo rõ ràng, hiệp nhứt bằng tâm hồn, hội nhập vào cộng đồng, đón nhận những dấu chứng, các sáng kiến tông đồ" (ĐTC Phaolô VI Evangelii nuntiandi, 08.12.75, n. 24).

Như vậy cả việc loan báo Phúc Âm trong xã hội cũng đòi buộc các yếu tố đó:

- Cần được đào tạo trí nảo để biết phải hành động thế nào;

- Canh tân hoá tâm hồn để yêu mến, bền tâm thực hiện, nhân chứng, bằng động tác và bằng lời nói, động tác chuyên cần dấn thân đó, động tác cá nhân hay tập thể cũng vậy;

- Lòng ao ước phổ biến cho người khác chính những lý tưởng về chuyên cần dấn thân xã hội đó.
Để cho bài viết được phân chia rõ ràng, chúng tôi nghĩ rằng chúng ta nên chia thân bài làm hai phần:

- Quyền và bổn phận của người công giáo trước vấn đề chuyên cần dấn thân xã hội;
- Một vài yếu tố giúp cho việc tiến hành công cuộc dấn thân đó được tốt đẹp.

I - Quyền và phận vụ người công giáo trong việc dấn thân xã hội.


Tất cả nhũng ai tham dự vào đời sống xã hội, nghĩa là tất cả mọi người, đều có quyền và nhiệm vụ dấn thân vào lãnh vực chính trị.

Dĩ nhiên, mỗi người hành xử theo phương thức khác nhau, tùy theo tình trạng và năng khiếu, nhưng không ai được dững dưng, đứng ngoài, "ngồi chơi xơi nước" đối với bổn phận quan trọng nầy.

Điều đó còn có giá trị cá biệt hơn nữa đối với người tín hữu Chúa Kitô, theo ba nhãn quang khác nhau, nhưng bổ túc cho nhau dưới đây: công trình Cứu Độ, hoàn hảo hoá cá nhân và hoàn hảo hoá đời sống xã hội.

Nhưng trước khi đề cập trực tiếp đến những phương diện vừa liệt kê, thiết tưởng chúng ta nên xác định rõ: quyền và bổn phận tham gia vào đời sống chính trị thoát xuất từ quyền công dân trong một đất nươc.

Với ý nghĩa đó và về phương diện công dân, người công giáo không ở trong một trạng thái cá biệt nào để có thể đươc tăng thêm hay bị giảm bớt quyền và bổn phận so với phần dân chúng còn lại trong xã hội.

Ngoài ra người công giáo, trước lương tâm mình, còn có thêm lý do để sống có trách nhiệm hơn trong việc chuyên cần dấn thân vào đời sống chính trị.

Nội dung bài viết của chúng ta đặc tâm lưu ý hơn vào phương diện thứ hai nầy, như là tiếng kêu gọi lương tâm của người tín hữu Chúa Kitô, chớ không phải đến các người công dân, đến các tổ chức cơ chế Quốc Gia, để họ cho phép và dành mọi dễ dàng cho việc chuyên cần dấn thân của người Kitô hữu.

Phận vụ dấn thân chính trị của người tín hữu Chúa Kitô dưới nhãn quang công trình Cứu Độ.

Đời sống người tín hữu Chúa Kitô không phải là một học thuyết thuyết lý, mà là một cuộc sống, cuộc sống trong Chúă Kitô, cuộc sống môn đệ đi theo Người, biến đổi mình thành đồng nhứt với Người.

Cuộc sống môn đệ theo Chúa như vậy, phải là cuộc sống thực sự sống trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống con người, cả trong lãnh vực chính trị.

Bởi đó lời huấn dạy của Giáo Hội liên quan đến lãnh vực chính trị gồm cả những gì vượt qua bên kia lằn mức các nguyên tắc, các định chuẩn phán đoán và các chỉ thị định hướng.

Lời huấn dạy của Giáo Hội, là lời mời gọi và trợ lực làm sao để có thể hoà đồng được với Chúa Giêsu - tức là tìm kiếm sự thánh thiện - qua các động tác chuyên tâm chu toàn các bổn phận xã hội của mình.

Chúa Kitô đã cứu độ cả con người, cả trong mối tương quan căn bản với người khác và với xã hội.

Thực tế tự nhiên xã hội đã được đảm lấy trong đồ án cứu độ của Chúa, như những gì Tân Ước đã liên tưởng đến rõ ràng:

- "Xin Thầy cho biết ý kiến, có được nộp thuế cho Cesare hay không ? ...Của Cesare trả cho Cesare, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa " (cfr. Mt 22, 15-22)

Cũng vậy, diễn từ của Thánh Phaolô ở Aeropago cũng nói đến: cho thấy nhân loại từ một nguồn gốc duy nhứt, cho thấy mục đích và các phương tiện họ phải dùng để đạt đuợc mục đích, mà mọi người được tiền định cho:

- "Từ một người duy nhứt, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất. Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẵm mà tìm thấy Người; tuy rằng thực sự người không đi xa mỗi người chúng ta" (Act 27, 26-27).

Cũng vậy, trong Thư gởi các tín hữu Colosseo, Thánh Phaolô cũng dạy chúng ta nguồn gốc duy nhứt của loài người được làm cho vững mạnh thêm bằng công trình cứu độ của Chúa Giêsu:

- " Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra truớc mọi loài thọ tạo, vì trong Người muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình..." ( cfr Col 1, 15-20).

Như vậy tất cả các động tác trần thế có thể được sống như là những đáp ứng lại ơn gọi của Thiên Chúa, trong đó con người sống theo dấu vết của Chúa.

Công trình cứu độ, mà Chúa Giêsu đã thực hiện, chính yếu là giải thoát khỏi tội lỗi, nhằm hướng con người đến đời sống bất diệt và nhân loại chúng ta nhận được ơn cứu độ đó như là một quà tặng từ trời cao.

Tuy nhiên, trong kinh nghiệm của sự cứu độ, con người khám phá ra ý nghĩa đích thực tự do của mình và được giáo dục dùng tự do đó một cách chính đáng.

Như vậy một tầm mức luân lý (dimension éthique) được thêm vào tầm mức cứu độ của sự giải thoát: con người được mời gọi hành động

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc giải thoát khỏi những gì nô lệ hoá con người,

- Cả trong những gì có liên quan đến các mối tương quan xã hội.

Mặc dầu công trình cứu độ của Chúa Giêsu không thể chỉ hạn hẹp vào tầm mức luân lý - xã hội, nhưng vì là một hậu quả của ơn cứu độ, việc phân tích giữa tầm mức ơn cứu độ và luân lý -xã hội không đưa đến việc tách biệt giữa hai tầm mức đó.

Thật vậy, ơn gọi con người đến sự sống vĩnh cửu không loại trừ, mà đúng hơn còn xác nhận, việc con người có bổn phận phải dùng nghị lực của mình và các phương thế mình có để phát triển tốt đẹp đời sống trần thế cho mình và cho anh em mình.

Nói cách khác, con người có ơn gọi phải dùng tài năng và nghị lực Chúa cho tiếp tục công trình tạo đựng của Người, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn về mọi mặt.

Đó là lý do tại sao, sau khi dựng nên con người,

- "Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để trồng trọt và canh giữ đất đai" (Gen 2, 15).

Hiểu như vậy, chúng ta thấy không có lãnh vực nào của thực thể con người, kể cả những gì thuộc lãnh vực chính trị (có mục đích tổ chức tốt đẹp cho cuộc sống con người, từng cá nhân cũng như đoàn thể) là lãnh vực bị loại ra bên ngoài, là xa lại với đồ án cứu rỗi của Chúa và xa lạ đối với việc loan báo Phúc Âm, đến sứ mạng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Chúa Kitô.

Hiểu như vậy,lãnh vực trần thế, cả lãnh vực chính trị, không thể tách rời khỏi lịch sử cứu rỗi, bởi vì xã hội cùng với những gì hàm chứa trong đó, có liên quan đến đời sống thiết thực của mỗi con người, là

- "con đường tiên khởi và chính yếu của Giáo Hội" (ĐTC Gioan Phaolô II, Redemptor hominis, 04.03.1979, n. 23).

Chăm lo cho con người, đối với Giáo Hội và đối với người tín hữu Chúa Kitô, có nghĩa là lôi cuốn cả xã hội vào việc cứu rổi.

Người tín hữu Chúa Kitô, theo gương Chúa Giêsu, có phận sự phải chu toàn trong những lãnh vực khác nhau của đời sống xã hội, và họ không thể có thái độ hành xử dững dưng vô trách nhiệm đối với lãnh vực chính trị. Làm như vậy không khác nào họ tự tách ra khỏi thế giới và khỏi dòng lịch sử, mà trong đó họ được Chúa đặt để vào và mời gọi chu toàn sứ mạng của mình.
Bởi đó chúng ta cần mạnh mẽ xác nhận rằng

- "Huấn Dụ Xã Hội của Giáo Hội thuộc toàn phần quan niệm Kitô giáo về đời sống" (ĐTC Gioan XXIII, Mater et Magistra, 15.05.1961: AAS 53 ( 1961), 453).

- "Tuy nhiên nhiều khi chúng ta cũng gặp được những thái độ thoát xuất từ việc không có khả năng thẩm thấu được vào mầu nhiệm nầy của Chúa Kitô. Ví dụ như tâm trí của những ai chỉ thấy được Kitô giáo như là tổng hợp các tác động thiết thực và các động tác bác ái, mà không nhận ra được mối liên hệ của Kitô giáo với các hoàn cảnh sống thường nhật, với việc khẩn thiết phải đáp ứng lại các nhu cầu của người khác và với việc ra công gắng sức để loại trừ những bất công. Tôi nghĩ rằng ai có tâm thức đó, là người chưa hiểu được sự kiện Con Thiên Chúa nhập thể có ý nghĩa gì, Người đã nhận lấy thân xác, linh hồn và tiếng nói nhân loại, đã chia xẻ số phận của chúng ta, đến nỗi kinh nghiệm được sự tàn phá rách nát tận cùng của cái chết. Có thể vì vô ý, một vài người xem Chúa Kitô như là người không liên hệ gì đến hoàn cảnh sống của con người. Một vài người khác, trái lại, có khuynh hướng tưởng tượng rằng để thực sự sống cho ra người, cần phải bỏ ra ngoài tai một vài khía cạnh chính yếu đức tin Kitô giáo. Bởi đó họ hành động như là đời sống cầu nguyện, tiếp tục chuyện trò với Chúa, là thái độ lẫn tránh trách nhiệm của mình, là thoát tục, lìa bỏ thế giới. Họ quên rằng chính Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta tình yêu và phục vụ phải được đẩy đến cùng mức. Chỉ có khi nào chúng ta tìm hiểu mầu nhiệm tình yêu thương của Chúa, mầu nhiệm tình yêu cho đến kết thúc cuộc đời, lúc đó chúng ta mới sẽ có thể hy sinh hoàn toàn chúng ta cho người khác, không để mình bị các khó khăn hay thái độ dững dưng đè bẹp" (San Josemaria escrivá, È Gesù che passa, / ed., Ares, Milano 2003, n. 98).

Nhãn quang tổng thể của công trình Cứu Độ cho chúng ta thấy rõ rằng chân lý đích thực của động tác chính trị chỉ có thể hiểu được dưới ánh sáng Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng

- "mạc khải hoàn hảo con người cho con người và ơn gọi tối thượng của con người" (Gaudium et spes, n. 22).

Các động tác xã hội, mặc dầu bị tội lỗi làm cho trở nên nặng nhọc, nhưng đã được Chúa Kitô làm cho trở nên vững mạnh như là nơi con người hội ngộ với Chúa, và được nhắc lên một địa vị mới đáng ngưỡng mộ.
Trước khi được Chúa Giêsu tuyên bố rõ rệt trong các lời giảng dạy của Người, điạ vị mới đầy hứng khởi và ngưỡng mộ đó, chúng ta có thể gặp được trong hoàn cảnh sống của Chúa Giêsu.

Người đảm nhận lấy một cuộc sống nhân loại hoàn hảo, thực hiện trọn hảo ơn gọi tiên khởi cội nguồn của con người,

- Qua thập giá Người thánh hoá những gì khó nhọc trong cuộc sống chúng ta

- Và với Phục Sinh Người mở rộng ra viễn ảnh đời sống đời đời.

Còn nữa: Chúa thiết lập nên tình huynh đệ nhân loại trên sự thông hiệp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Nhờ đó nhân loại nhận lãnh được đẳng cấp chính đáng hơn trong gia đình Thiên Chúa, trong đó việc tuân giữ trọn hảo lề luật là tuân giữ trong tình yêu thương. Bởi đó không ai có thể triển nở hoàn hảo con người của mình, nếu không qua động tác chân chính hy sinh, hiến tặng mình cho người khác, cho anh em mình. Chúa Kitô đảm nhận dòng lịch sử nhân loại, bằng cách đánh động, thanh tẩy và tăng cường thêm sức mạnh cho các ước vọng con người, để con người quản trị các thực tại trần thế theo giới răn tình yêu (Gaudium et spes, n. 22.24.32.38; ĐTC Gioan Phaolô II, laborem excercens, 14.0.1981, n. 26-27).

Thật vậy

- "việc chuyên cần dấn thân để có được một xã hội công bình hơn và liên đới hỗ tương hơn là một món nợ tình yêu mà mỗi người tín hữu Chúa Kitô mắc phải đối với mỗi con người và đối với tất cả mọi người, trong mỗi con người đó đều chiếu hiện lên diện mạo của Chúa Cha, mà anh đang tìm kiếm và cầu nguyện" (G. crepaldi, Presentazione, in AAVV. Radicalità evangelica e impegno politico, AVE, Roma 1994, p.7).

Nói ngắn gọn,


- Mặc dầu việc tăng trưởng Vương Quốc của Thiên Chúa và việc thăng tiến con người không phải là hai việc đồng nhứt nhau,

- Nhưng giữa hai sự việc có một sự tiếp nối liên kết sâu đậm và bất khả phân.

Bởi đó việc làm môn đê theo Chúa Kitô

- Đòi buộc bổn phận chu toàn các nhiệm vụ chính trị

- Và các nhiệm vụ chính trị vừa kể có thể được hoàn thành tốt đẹp hơn, nếu là những nhiệm vụ được thúc đẩy năng động hoá bằng tình thần Kitô giáo.

Tất cả những điều đó đặt ra cho người tín hữu Chúa Kitô những đòi buộc xác đáng. Đó là người tín hữu Chúa Kitô

- Không được xem các cấu trúc xã hội, chính trị và kinh tế như là những gì không có gì liên hệ đến lịch sử cứu rỗi,

- Nhưng trái lại đó là những thực thể được Chúa giao phó cho chúng ta như là bổn phận phải chu toàn và được thực hiện bằng việc chọn lựa tự do và có trách hiệm của con người .

Và đó là những sự lưạ chọn tích cực hay tiêu cực đối với các giá trị của Nước Trời.

Trách nhiệm người tín hữu Chúa Kitô trong chính trị (1) Reviewed by Admin on 5/12/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập(TNCG) - Trong thời gian gần đây một bài được đăng trên một vài tờ báo ở Ý Quốc cho thấy có sựđối chọi giữa hai khuynh hướ...

Không có nhận xét nào: