Ngô Nhân Dụng - Các lý thuyết gia hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc vừa mới họp nhau ở Vịnh Hạ Long trong một cuộc hội thảo hàng năm, với đề tài là: “Ðổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế ở Trung Quốc.”
Về phần Việt Nam, những chữ đáng chú ý là “Ðổi mới mô hình;” về phần Trung Quốc, là câu “chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế.” Cuộc hội thảo này nhắm vào mặt lý thuyết và cũng nhắm vào việc tuyên truyền, nhìn vào hai người trưởng phái đoàn thấy ngay. Bên Việt Nam là ông Ðinh Thế Huynh, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Trung Ương Ðảng, trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, chủ tịch Hội Ðồng Lý Luận Trung Ương. Phía Trung Quốc là ông Lưu Vân Sơn, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Ban Bí Thư, trưởng Ban Tuyên Truyền Trung Ương. Công việc của họ là lý luận, tuyên giáo, tuyên truyền. Không thấy mặt các người lãnh đạo về kinh tế, những người nắm thực quyền trong tay, nắm các quyết định ai được ăn cái gì và ăn bao nhiêu. Những chuyện thực tế đó chắc sẽ diễn ra theo thường lệ không cần biết các nhà lý luận nói cái gì với nhau cả. Nhiệm vụ của các lý thuyết gia thường chỉ là tìm cách “Minh Họa” bằng văn chương chữ nghĩa cảnh chia phần ăn uống trong thực tế; làm sao vẫn “kiên trì” bảo vệ chiêu bài của hai đảng. Cả hai đảng vẫn mang tên là Cộng sản nhưng bản tin chính thức đầu tiên về cuộc hội thảo cho thấy các diễn từ khai mạc không nói gì đến chủ nghĩa Mác, Lê Nin hay tư tưởng Mao Trạch Ðông cả. Cuộc hội thảo của các lý thuyết gia kinh tế nhưng không hề nhắc tới Marx, Lenin, Mao, đó là một điều đáng chú ý. Tuy ông Lưu Vân Sơn có nói đến việc “thúc đẩy sự nghiệp xây dựng hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa;” mà ai cũng biết ở Trung Quốc khi nói đến “hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa” thì người ta cũng nói theo cách khác, là “xã hội chủ nghĩa theo lối người Trung Hoa.”
Nhưng “xã hội chủ nghĩa theo lối Trung Hoa” nghĩa là thế nào? Trong cuộc hội thảo này không biết các nhà lý luận và tuyên truyền người Trung Quốc diễn tả các đặc điểm lý thuyết Trung Hoa về Xã hội Chủ nghĩa ra sao. Và cũng không biết các lý thuyết gia người Việt có quyết tâm học tập theo đường lối Bắc Kinh theo truyền thống vẫn “Học tập Mao Chủ Tịch” từ 50 năm trước hay không. Nhưng ở bên ngoài đảng Cộng sản thì người Việt Nam nào cũng nên biết là trong hành động thực tế thì đảng Cộng sản Trung Quốc đã theo đường lối kinh tế như thế nào, và nó đang “chuyển đổi” ra sao mà ông Lưu Vân Sơn, trưởng đoàn đại biểu Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã chọn nhan đề bài diễn văn khai mạc là “Kiên trì điều phối tổng thể, nắm bắt trọng điểm chiến lược, đẩy nhanh hơn nữa chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế.”
Không biết các lý thuyết gia sẽ nói năng những gì sau cuộc hội thảo này để cho dân ta được nghe đảng Cộng sản Việt Nam lý luận như thế nào khi cố biện minh, bào chữa và bảo vệ một “chế độ kinh tế Vinashin và Vinalines.” Nhưng làm người Việt Nam ai cũng có quyền hiểu các vấn đề kinh tế liên can đến cơm gạo mình ăn, nhà cửa mình ở, nếu có. Cho nên cần giải thích rõ các vấn đề kinh tế và “mô hình kinh tế Trung Quốc” cho đồng bào ta biết.
Người bình dân chúng ta đều biết rằng vấn đề kinh tế chính trị căn bản là “ai làm và ai hưởng?” Tất cả mọi người dân trong một nước làm việc, họ tạo ra của cải, dịch vụ, để tất cả mọi người chia nhau thụ hưởng các thành quả đó. Vấn đề “ai làm gì và ai hưởng bao nhiêu” tùy thuộc cách tổ chức chính trị, đây là điều Karl Marx đã phân tích, làm nền tảng tạo ra phong trào cộng sản quốc tế. Marx thấy trong nền kinh tế tư bản vào thế kỷ 19 ông sống có hai loại người. Ðó là các ông chủ tư bản bỏ vốn, điều khiển, sai bảo; và giới lao động làm việc đổi lấy đồng lương. Người lao động làm việc tạo ra những sản phẩm có giá trị khi được trao đổi như hàng hóa. Các công nhân chỉ được hưởng một phần các giá trị đó để vừa đủ sống và làm việc tiếp. Phần giá trị còn lại, gọi là thặng dư, thì các ông chủ tư bản hưởng hết; họ sẽ dùng một phần các giá trị thặng dư tạo ra tư bản mới, tiếp tục khai thác và bóc lột theo một quá trình như cũ.
Mô hình phân tích của Marx vẫn áp dụng trong tình trạng Trung Quốc và Việt Nam hiện nay. Chỉ có một thay đổi trong thực tế là ở các nước này các ông chủ tư bản thời thế kỷ 19 đã vắng mặt, thay vào đó chúng ta thấy các ông chủ mới, gọi chung là Ðảng Cộng sản. Các ông chủ mới tái lập hệ thống kinh tế thị trường, để cho một số người ngoài có cơ hội ngoi lên đóng vai ông chủ nhỏ. Nhưng các ông chủ lớn, thuộc đảng Cộng sản, vẫn nắm quyền quyết định phần lớn. Họ sử dụng guồng máy nhà nước làm ra luật lệ. Họ dùng hệ thống ngân hàng để phân phối “giá trị thặng dư” dưới hình thức tiền vốn. Họ dùng các doanh nghiệp nhà nuớc để tiếp tục đóng vai ông chủ. Guồng máy nhà nước, hệ thống ngân hàng, các xí nghiệp quốc doanh nằm trong tay một nhóm người lãnh đạo đảng, họ dùng chúng để điều động vốn, điều khiển xí nghiệp, sai bảo, chỉ huy mọi người khác. Và giới lao động tiếp tục làm việc, đổi lấy đồng lương đủ sống để tiếp tục bán sức lao động. Ông Karl Marx nếu sống lại, sẽ phải viết một bản tuyên ngôn mới hô hào làm cách mạng!
Khi phân tích kinh tế tư bản, Karl Marx quá chú trọng đến việc sản xuất, bỏ quên một thành phần quan trọng trong nền kinh tế là những người tiêu thụ. Ðó là tất cả mọi người, nhưng đại đa số là những người lao động. Trong cuộc trao đổi hàng hóa trên các thị trường, chính những người tiêu thụ quyết định những hàng hóa, dịch vụ nào đáng có một giá trị bao nhiêu. Chính người tiêu thụ thúc đẩy các quản đốc xí nghiệp và các ông chủ tư bản của họ lựa chọn kế hoạch sản xuất. Chính người tiêu thụ quyết định giữa hàng trăm các công ty tư bản ai sẽ chiếm địa vị của một General Electrics, một Toyota, một Apple.
Trong những nền kinh tế thị trường đích thực, người tiêu thụ đóng vai quyết định, họ là các “ông bà chủ. Họ bỏ tiền mua, là tưởng thưởng cho những người làm đúng ý “chủ nhân.” Những người như Henry Ford đời xưa hoặc Steve Jobs thành công vì đoán được đúng được nhu cầu, sở thích người tiêu thụ. Có hàng triệu thanh niên Mỹ cùng thời chạy đua trong với Steve Jobs. Người tiêu thụ đã chọn Steve Jobs. Cái máy iPad vừa ra lò đã bán chạy, vì hàng triệu người xếp hàng thưởng công cho nhà sản xuất. Nền kinh tế chỉ huy “hậu cộng sản” kiểu Trung Quốc (mà Việt Nam là một phiên bản) không được tổ chức theo cơ cấu đó. Người tiêu thụ ở Trung Quốc và Việt Nam không nắm phần quyết định. Chỉ nhìn vào các con số chúng ta thấy điều đó. Tại nước Mỹ chẳng hạn, tiêu thụ chiếm hơn 2 phần 3 tổng sản lượng nội địa (GDP). Nghĩa là cả nước Mỹ tạo ra mỗi năm 100 đồng của cải thì 65% hoặc 70% là cho các người tiêu thụ được hưởng. Còn một phần ba là do quyết định của các xí nghiệp đầu tư hoặc do công chức nhà nước, chi tiêu tiền của dân đóng thuế lựa chọn. Kinh tế Trung Quốc có một đặc điểm là số tiêu thụ rất thấp, trước đây 30 năm chiếm được 45% tổng sản lượng nội địa, đến nay lại giảm xuống chỉ còn 35%. Tức là người Trung Quốc làm ra 100 đồng thì đến 65 đồng được trao cho các cán bộ, công chức quyết định việc chi tiêu.
Ðó là căn bản của mô hình kinh tế Trung Quốc. Kết quả là nền kinh tế mất thăng bằng, chính ông Thủ Tướng Ôn Gia Bảo thú nhận như vậy. Vì vậy, số thống kê cứ nói GDP Trung Quốc tăng trưởng 9%, 10% nhưng lợi tức bình quân không tăng được như vậy. Thế thì những thứ hàng hóa, dịch vụ tăng lên đó chúng chạy đi đâu? Một là để nuôi hai guồng máy thư lại của đảng và nhà nước. Hai là tiêu phí, lãng phí; thí dụ dựng lên các cơ xưởng, các ngôi nhà chúng cư, hay xây các xa lộ, các phi trường, mà không được dùng hay không dùng hết.
Làm sao họ cho một guồng máy kinh tế như thế chạy được? Vì họ nắm quyền trong tay, không cho ai phê phán; nhờ thế cứ bắt sao dân cũng phải chịu. Các nhà tư bản đỏ, trong và ngoài đảng hưởng thụ quá nhiều, trong khi 70% dân là các nông dân không được bảo hiểm y tế cũng như không có hưu bổng lúc về già. Trung Quốc hiện nay là thị trường mua đồ xa xỉ lớn nhất thế giới, vì các đại gia đỏ quá nhiều tiền. Hãng xe hơi đắt tiền Bayerische Motoren Werke AG lớn nhất thế giới bán nhiều xe BMW ở Trung Quốc hơn số bán ở Mỹ trong ba tháng đầu năm 2012!
Chính những người lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc đều biết rằng mô hình kinh tế của họ không thể kéo dài như vậy được. Ông Ôn Gia Bảo đã nói nhiều lần: Nếu không cải tổ chính trị thì kinh tế sẽ suy yếu. Ôn Gia Bảo nói rằng nếu dân đã có khả năng chọn người lãnh đạo ở cấp thôn để tự cai quản công việc thôn, thì họ cũng có khả năng bầu cử người lãnh đạo ở cấp xã, cấp huyện, trở lên. Hồi Tháng Ba vừa qua, tạp chí lý thuyết Cầu Thị đăng lại một bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, phó chủ tịch Trung Quốc. Trong đó, người lãnh đạo tương lai của Trung Quốc nhận xét rằng nhiều đảng viên “vào đảng là để có cơ hội vinh thân phì gia, chứ không phải vì lý tưởng hay mục đích cao đẹp” nào cả. Vì thế, ông Tập Cận Bình cũng nói thẳng rằng “nhân dân Trung Quốc gần như mất hết tin tưởng vào đảng Cộng sản!”
Hội thảo Trung Việt ở Hạ Long trong mấy ngày qua chắc không hề nhắc đến những ý kiến của các ông Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình. Chắc chắn ông Lưu Vân Sơn không nói một câu nào về nhu cầu cải biến kinh tế Trung Quốc chính là phải giảm bớt vai trò quá lớn của guồng máy nhà nước và chuyển bớt các quyết định kinh tế cho người tiêu thụ. Ðó mới là hướng đi cần thiết cho Trung Quốc trong thập niên sắp tới; mà thế hệ lãnh đạo mới sắp lên trong năm nay sẽ phải thực hiện. Ông Lưu Vân Sơn không cần nói đến điều đó. Ðối với đảng Cộng sản Trung Quốc thì kinh tế Việt Nam cứ chạy ỳ ạch như hiện nay, thì Trung Quốc cũng không lo lắng. Hội thảo về lý thuyết chỉ là một màn kịch cần để trình diễn vậy thôi; còn các quan chức cán bộ Việt Nam cứ tiếp tục tham nhũng và hối lộ như hiện nay thì cũng không hại gì đến quyền lợi của Trung Quốc cả. Biết đâu, còn có lợi cho Trung Quốc nữa!
Không có nhận xét nào: