JM. Lam Thy ĐVD(Lamhong) - Con người sống ở trên đời thì cái “nhân tính” (人性: đức tính, tính chất, bản tính của con người) là do Trời (Thiên Chúa) ban tặng, ai cũng như ai (人之初性本善: “nhân chi sơ tính bản thiện”: Người mới sinh tính vốn lành); nhưng cái nôi, cái môi trường mà hạt giống “nhân tính” đó được gieo vào thì lại mỗi người mỗi khác và vì thế nhân tính thì giống nhau nhưng “nhân cách” (人格) có thể khác nhau (Từ nguyên: Theo tâm lí học thì “nhân cách” chỉ tính cách riêng biệt của từng cá thể trong lịch trình sinh hoạt đối với chính mình, người khác, sự, vật, hoàn cảnh; còn theo pháp luật thì “nhân cách” chỉ tư cách của chủ thể về phương diện quyền lợi và nghĩa vụ). Tuy nhiên, có 2 con người được sống ở 2 môi trường khác nhau, được giáo dục bởi 2 chiều hướng khác nhau, nhưng lại có chung một nhân cách: Đó là Thánh Phê-rô và Thánh Phao-lô, mà Giáo Hội mừng kính cách trọng thể vào ngày 29/6 hàng năm.
Về Thánh Phê-rô thì tôi đã có một bài “Người Rất Người” (Thanhlinh.net 01/9/2008). Sở dĩ tôi dám bạo gan nói rằng ngài là một con người “rất người” cũng chỉ vì nơi xuất thân của ngài, nghề nghiệp của ngài và nhất là cái tính tình bộc trực của ngài (thấy sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy, thẳng thắn, chính trực). Khi thấy Thầy bảo sẽ lên Giê-ru-sa-lem, biết là Thầy chuẩn bị bước vào cuộc thương khó, vì thương Thầy sẽ phải chịu khổ nạn, nên Phê-rô đã “xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy phải gặp cảnh ấy” (Mt 16, 25). Thương Thầy đến độ bị Thầy gọi là Xa-tan! (“Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy… ” – Mt 16, 23). Khi quân dữ tới bắt Thầy, cũng vì yêu thương Thầy, thấy Thầy không có một lỗi lầm nào dù rất nhỏ, nên giận quá, chém đứt phăng một cái tai của một tên quân. Bị Thầy quở mắng và thấy Thầy chấp nhận để quân dữ bắt đi, tuy không dám cãi lời Thầy, nhưng Phê-rô vẫn lẽo đẽo theo từ xa xa để xem họ sẽ làm gì đối với người Thầy mà mình rất mực yêu thương, kính trọng. Cho đến khi chối Thầy, thì Phê-rô vẫn rất thật với lòng mình. Bởi vì Phê-rô chỉ là một con người với bản tình người 100%, mà là con người thì ai chẳng sợ sự dữ. Đến Thầy mình là Thiên Chúa, khi bản tính loài người trỗi dậy cũng rất sợ cuộc khổ nạn, sợ đến độ đổ cả mồ hôi máu ra nơi vườn Ghết-sê-ma-ni, huống hồ! Sợ bị bắt như Thầy nên phải chối, trong lòng nghĩ chối là thượng sách nên nói thẳng ra, “nghĩ sao nói vậy” mà! Thánh Phê-rô đã “rất người” khi bộc lộ chân tính của mình (xuất thân từ một làng quê ven biển mộc mạc, làm nghề chài lưới chất phác, và tính tình thật thà, ngay thẳng). Cái bản tính rất người ấy của ngài đã được củng cố, phát triển và thật sự thăng hoa vào ngày lễ Ngũ Tuần, sau khi Đức Giê-su Ki-tô phục sinh. Thánh Thần đã biến đổi căn tính của ngài trở nên can trường, dám nói lên Sự Thật về Chân lý Cứu Độ mà Thầy của ngài vâng mệnh Chúa Cha thực hiện tại trần gian này. Ngài đã được đền đáp bằng hồng ân Tử vì Đạo.
Còn Thánh Phao-lô thì tôi cũng đã viết một bài (“Giáo dục gia đình theo gương Thánh Phao-lô” – Thanhlinh.net ngày 18/02/2009) nhân dịp Năm Phụng Vụ 2008-2009, Giáo Hội Việt Nam cử hành “Năm Thánh Phao-lô và giáo dục gia đình”. Thánh Phao-lô tuy xuất thân và môi trường sống khác với Thánh Phê-rô, nhưng tính cách thì rất giống nhau. Ngài cũng thấy sao nói vậy, nghĩ sao nói vậy, thẳng thắn, bộc trực. Chỉ có một điều khác là Thánh Phê-rô thì theo Đức Giê-su, còn Phao-lô thì lùng giết Giê-su và những kẻ theo Người (Ki-tô hữu). Tuy nhiên, xét cho cùng thì ở giai đoạn đầu, 2 vị thánh nhân tuy có những hoạt động và hành động đối nghịch kháng nhau, nhưng cùng chung một xuất phát điểm, đó là lòng yêu mến Thiên Chúa. Phê-rô vì yêu mến Thiên Chúa nên theo Đức Giê-su vì tin rằng chính Người là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Còn Phao-lô – mà trước đó là Sao-lô – cũng yêu mến Thiên Chúa hết lòng, nhưng vì bị ảnh hưởng bởi giáo lý sai lạc của Giáo quyền Do thái thời đó, không những không tin Đức Giê-su là Thiên Chúa mà còn cho Người là kẻ phản nghịch, phạm thượng. Chung quy cũng chỉ vì yêu mến Gia-vê Thiên Chúa, đồng thời muốn bảo vệ Do thái Giáo, nên thánh nhân mới quyết tâm bách hại Ki-tô Giáo. Thánh nhân đã mắc phải căn bệnh “mù nội tâm” mà không tự biết. Và qua biến cố Đa-mat, ngài đã được chính Đức Ki-tô Phục Sinh chữa lành căn bệnh trầm kha đó (“Một cuộc trở lại như thế có nghĩa là được sinh ra một lần nữa. Biến cố này mang lại một sự mới mẻ tận căn. Phao-lô bị mù lòa trước sự mạc khải của Đức Ki-tô. Phép Rửa phục hồi thị giác cho Ngài (Cv 19,8), một biểu tượng đầy uy lực. Con người cũ kỹ không thể nhìn thấy tỏ tường trước khi được sinh ra trong sự sống mới. Một thế giới mới đã được mạc khải cho Thánh Tông Đồ. Toàn bộ tư tưởng của Phao-lô đặt nền tảng trên kinh nghiệm này.” – ĐTC Bênêđíctô XVI, “Sứ Điệp Ngày Cầu Nguyện Cho Ơn Gọi 2008”, phần 2). Từ đó, ngài đã trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Cuối cùng, ngài với Thánh Phê-rô trở nên như 2 cột trụ nền tảng vững chắc của Giáo Hội.
Hai thánh nhân đã là những “người rất người”, sống rất thực, sống hoàn toàn như mình nghĩ, Các ngài có chung một nhân cách: rất nhiệt thành, năng nổ, dễ bức xúc, thuộc vào hạng người “máu nóng”; nhưng lại có tinh thần phục thiện (biết sai thì hối cải, sửa chữa), không cố chấp; đặc biệt là cùng có chung một lòng mến sắt son. Các ngài có đủ cả sự yếu đuối của con người, nhưng đồng thời cũng có đủ cả những đức tính cao thượng của một bậc “chính nhân quân tử” – cốt cách của một thánh nhân giữa cõi đời ô trọc. Các ngài đã nêu gương sáng cho nhân loại, cho Hội Thánh, cho từng Ki-tô hữu về lòng nhiệt thành, sự can đảm và ý chí quyết tâm thi hành sứ vụ truyền giáo. Các ngài còn cho nhân loại thấy dù yếu hèn, tội lỗi, dù tài năng kém cỏi, Chúa vẫn luôn dùng tới nếu con người biết tin, cậy và quay trở về với Chúa. Mỗi một con người đều có chỗ đứng trong trái tim Chúa. Chúa thương yêu con người không chung chung, ước lệ, nhưng Người gọi tên từng người một vì “Ta biết chiên của Ta và chiên của Ta biết Ta”. Chúa dùng mọi người, dùng mỗi người với tất cả những gì họ đang có, kể cả những khuyết điểm, những yếu kém của con người. Chúa không chê con người bất toàn, mà Người lại luôn luôn “dùng sự bất toàn của con người để công bố Lời Toàn năng, dùng miệng lưỡi nhơ uế của con người để nói Lời Chí thánh”.
Lễ kính hai thánh Phê-rô và Phao-lô là dịp cử hành mầu nhiệm Hội Thánh Chúa đặt nền móng trên “tảng đá Phê-rô” và “cột trụ Phao-lô”, để Giáo Hội bền vững và phát triển đến thiên thu vạn đại. Ôi!. “Lạy Chúa! Chúa đã ban cho chúng con được vui mừng hoan hỷ nhân ngày đại lễ kính hai Thánh Tông đồ Phê-rô và Phao-lô. Chính nhờ các ngài, Hội Thánh đã bắt đầu đón nhận đức tin, xin cho Hội Thánh cũng luôn trung thành tuân giữ lời các ngài giảng dậy” (“Lời nguyện nhập lễ” – lễ kính hai thánh Phê-rô và Phao-lô). Cúi xin Chúa củng cố niềm tin nơi mỗi tâm hồn chúng con, đừng để một biến động nào có thể làm cho chúng con nao núng. Ôi! Lạy Chúa! Chúa chính là “ Đá Tảng”, là “tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4, 1-12). ”Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng” (1Pr 2, 6). Cúi xin Chúa ban Thần Khí soi sáng và thêm sức giúp chúng con biết xây dựng đức tin của mình trên nền tảng vững bền chắc chắn đó, để mãi mãi Giáo Hội Chúa luôn trung thành và đứng vững trước những thử thách nghịêt ngã của mọi thời đại, Amen.
JM. Lam Thy ĐVD
Không có nhận xét nào: