Làm sao để tự tin - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 6, 2012

Làm sao để tự tin

Lê Thăng Long Nguyên nhân căn cơ nhất làm mức độ tự tin và có ý thức sử dụng tối đa quyền công dân (sau đây gọi tắt là ''Mức độ Tự tin'') của người dân Việt Nam còn thấp là vì: đa số người dân - gồm cả dân thường và những người làm công chức trong bộ máy nhà nước - không hiểu và/hoặc hiểu sai về những quyền cơ bản của con người mà mình mặc nhiên được hưởng, về nhà nước pháp quyền, và về những nguyên tắc pháp chế. Có lẽ chính các định nghĩa mang tính học thuật và luật học của các khái niệm này đã làm cho chúng trở nên xa vời, rắc rối đối với quần chúng và cả với công chức.

Thực ra bản chất của các khái niệm này và mối liên hệ giữa chúng rất đơn giản và dễ hiểu:

QUYỀN CON NGƯỜI CƠ BẢN



Quyền cơ bản của con người: đây là những quyền mà con người ở bất kỳ nơi nào trên trái đất đều tự nhiên mà có và không phải đợi bất kỳ một người nào khác hay tổ chức nào đó (kể cả nhà nước) cho họ cả. Để diễn đạt tính chất mặc nhiên này, Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ (1776) nói rằng: Thượng đế cho con người những quyền đó; còn Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam (1945) nói rằng: con người sinh ra đã có những quyền đó. Hay nói cách khác, những quyền này thuộc phạm trù của vũ trụ quan - một sự sẵn có tự nhiên của thế giới, chứ không phải của nhân sinh quan - do ai đó nghĩ ra, sáng tạo ra và sở hữu chúng và có quyền cho, tặng chúng cho người khác hoặc lấy chúng lại. Do các quyền đó là sản phẩm của vũ trụ quan - giống như các quy luật khách quan khác - nên chúng hoàn toàn độc lập với ý chí chủ quan của con người, không thể bị thay đổi bởi ý muốn của bất kỳ một ai hay tổ chức nào, và cũng sẽ không bao giờ thay đổi bất chấp sự khác nhau về không gian và thời gian hoặc bất kỳ sự khác nhau nào mang tính con người như màu da, giới tính, xuất thân, văn hóa, bản sắc, tôn giáo, bối cảnh lịch sử, chế độ chính trị, v.v...

QUYỀN BẤT KHẢ XÂM PHẠM

Chính vì vậy mà những quyền căn bản của con người là bất khả xâm phạm - Không ai hay tổ chức nào có quyền xâm phạm chúng cả. Và những quyền này đã được toàn nhân loại tôn trọng và khẳng định một cách long trọng tại bản Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền con người của Liên Hiệp Quốc từ 1948, và được gọi chung là Nhân quyền. Tuyên ngôn này đưa ra các nguyên tắc căn bản để xây dựng nên các điều khoản của những Công ước Quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam ta đã ký và thông qua vào 24/9/1982. Hai công ước này đưa ra các quy tắc ứng xử bắt buộc và giống nhau về Nhân quyền đối với các nước tham gia. Trong đó nêu rõ: 'Nhân quyền phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền để con người không bị bắt buộc phải dùng đến biện pháp cuối cùng là nổi dậy chống lại chế độ cường quyền và áp bức''.

Cho nên ở nước ta, theo tinh thần của Tuyên ngôn độc lập khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và bởi các qui tắc của các công ước trên, tất cả các quyền căn bản của con người trên đất nước Việt Nam đều được công nhận, tôn trọng và bảo vệ bởi Hiến pháp (chương V, Hiến pháp 1992 hiện hành). Và vì vậy mà tất cả các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của công dân Việt Nam đã mặc nhiên, tự nhiên, có sẵn từ lúc chào đời mà không cần đến sự cho phép của bất kỳ bộ luật, hoặc văn bản luật nào khác dưới Hiến pháp. Và những quyền này không hề khác với những quyền căn bản của con người mà công dân ở các nước khác được hưởng cho dù có khác nhau về màu da, giới tính, xuất thân, tôn giáo, dân tộc, v.v...; cho dù có chênh lệch đáng kể về mức độ dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh; cho dù có khác biệt lớn về chế độ chính trị hay ý thức hệ, v.v... với các nước này đi nữa.

THIÊNG LIÊNG VÀ BÌNH ĐẲNG

Những quyền này là thiêng liêng và tất yếu: sinh ra phải được bú, ngủ; lớn hơn chút thì phải được ăn, bệnh phải được chữa; rồi được học, vui chơi; lớn đủ tuổi thì được làm việc để mưu sinh; rồi lấy chồng vợ, sinh con đẻ cái và có quyền nuôi dạy chúng; rồi quyền được duy trì và bảo vệ sự riêng tư của mình (xây chỗ ở, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín), rồi quyền đáp ứng nhu cầu tinh thần (phát minh, sáng chế, sáng tác văn học, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình, ...); rồi quyền bình đẳng trước pháp luật, v.v... Không chỉ thiêng liêng và tất yếu, những quyền này còn là mặc nhiên, bình đẳng (ai cũng có như nhau) và không cần bất kỳ sự cho phép nào cả, không phải đợi bất kỳ một điều luật nào qui định cho công dân Việt Nam được thực hiện những quyền này cả.

QUYỀN TẤT YẾU KHÁCH QUAN

Không có bất kỳ một con người bình thường nào lại không muốn mình có được những quyền này hoặc tự nhiên mà từ bỏ chúng cả. Điều này thể hiện tính chất tất yếu, khách quan, hiển nhiên của Nhân quyền giống như các quy luật tất yếu khách quan của vũ trụ mà không có bất kỳ một sức mạnh nào thuộc về con người có thể thay đổi được. Sự cường quyền chỉ có thể ép buộc và tước đoạt các quyền này của con người chứ không thể làm con người thôi mong muốn hoặc tự nhiên mà từ bỏ chúng cả. Cũng giống như người ta có thể đắp chặn không cho nước đổ vào một chỗ nào dưới thấp nhưng không bao giờ có thể thay đổi được tính chất tự nhiên của nước là luôn đổ về chỗ trũng cho dù là nước ở châu Mỹ, châu Á hay châu Âu, hoặc ở xã hội phong kiến, tư bản hay xã hội chủ nghĩa đi nữa.

Nhân quyền là những quyền cơ bản của con người mang tính tự nhiên và tính quy luật mặc nhiên khách quan của vũ trụ. Chính những quyền căn bản này hình thành nên con người và tạo nên xã hội loài người, cũng giống như các nguyên tố hóa học tuần hoàn tạo ra vật chất và thế giới vật chất vậy. Ai thay đổi được những quy luật này? Không ai cả!

LÀM NGƯỜI THÂN TỰ TIN

Tóm lại, tất cả mọi người Việt Nam chúng ta đều đã có tất cả mọi quyền công dân của mình qui định tại Hiến pháp và được quyền sử dụng ngay các quyền đó mà không phải chờ đợi bất kỳ điều gì khác. Chúng ta sử dụng các quyền này càng nhiều thì chúng ta càng được tôn trọng, càng giàu có, càng ứng xử có văn hóa, và vì vậy mà xã hội càng dân chủ, càng công bằng, càng thịnh vượng, càng văn minh. Cũng giống như nếu thiếu vắng càng nhiều các nguyên tố hóa học thì vật chất do chúng tạo ra càng kém đa dạng, thế giới vật chất của chúng càng nghèo nàn vậy.

Cho nên, điều kiện tiên quyết để làm tăng mức độ tự tin là mỗi chúng ta cần làm cho người thân hiểu đầy đủ quyền bất khả xâm phạm của mình để mạnh dạn sử dụng chúng, đòi hỏi khi chúng thiếu vắng, phản ứng khi chúng bị xâm phạm.

BẢO VỆ QUYỀN BẰNG LUẬT

Nhà nước pháp quyền. Trước hết cần phải hiểu pháp quyền là sự bảo vệ các quyền của công dân bằng pháp luật (hiến pháp và luật). Các quyền này bao gồm những quyền căn bản của con người (hay Nhân quyền như nói trên) và những quyền khác nữa mà đa số người dân muốn có thêm. Đây vừa là tính chất vừa là ý nghĩa cốt lõi, căn bản của pháp quyền. Có nhiều định nghĩa khác về pháp quyền nhưng đều là sự phát triển bổ sung từ tính chất và ý nghĩa cốt lõi, căn bản này. Do vậy, nhà nước pháp quyền là một kiểu nhà nước mà bản chất trên thực tế của nó đại diện cho từng người dân thuộc mọi tầng lớp để bảo vệ mọi quyền công dân của họ, cho họ và vì họ bằng pháp luật (gồm hiến pháp và các luật dưới hiến pháp). Điều này phù hợp với hai công ước quốc tế về các quyền của con người mà Việt Nam đã ký và thông qua như nói trên (quy tắc bắt buộc: ''Nhân quyền phải được bảo vệ bằng nhà nước pháp quyền'').

Hiến pháp hiện hành (1992) của nước ta ghi rõ: ''Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân'' (Điều 2), và: ''Ở nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến phápvà Luật'' (điều 50). Đây rõ ràng là một sự tiến bộ và người dân Việt Nam chúng ta không những được khẳng định và bảo vệ để có quyền sử dụng ngay tất cả các quyền căn bản của con người quy định trong Hiến pháp và công ước quốc tế, mà còn có quyền đòi hỏi thêm những quyền khác nữa. Và nếu những quyền mới này được đa số người dân đồng tình thì chúng cũng sẽ được bảo vệ (chú ý là bảo vệ chứ không phải cho phép) bằng những luật dưới Hiến pháp. Đây chính là sự mong muốn tốt đẹp của thuộc tính ''xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân'' của nhà nước pháp quyền của chúng ta.

THÚC ĐẨY CỦA NHÀ NƯỚC

Do vậy, chỉ khi nào chúng ta sử dụng hết các quyền của mình như trên thì chúng ta mới có thể ''Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân'' (nhiệm vụ trên hết mà Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định khi phát biểu nhậm chức trước Quốc hội) được trên thực tế. Sự thiếu vắng việc sử dụng các quyền này trong thực tế cuộc sống của người dân sẽ không thể giúp ''ngăn ngừa tệ lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân'' (Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIII mới đây) có hiệu quả được. Tệ này chính là sự cường quyền mà đương nhiên tạo ra nạn tham nhũng.

Cho nên nếu Nhà nước khẳng định rõ ràng những quyền của công dân theo Hiến pháp như trên, đồng thời tuyên truyền rộng rãi và thường xuyên để thúc đẩy nhân dân sử dụng những quyền đó, thì chắc chắn Mức độ Tự tin sẽ tăng cao nhanh chóng. Lúc đó không những các mong muốn như trên của các vị sẽ mau chóng thành hiện thực và đất nước cũng sẽ nhanh chóng đạt được dân chủ, công bằng, thịnh vượng, văn minh. Và lúc đó chính quyền cũng không còn phải vất vả và tốn quá nhiều nguồn lực để chống tham nhũng nhưng không hiệu quả như lâu nay.

CHẾ TÀI BẰNG PHÁP LUẬT

Nguyên tắc pháp chế. Vì trách nhiệm phải bảo đảm cho người dân thực hiện được quyền công dân của mình nên các nhà nước pháp quyền phải ngăn cản sự xâm phạm các quyền này từ bất kỳ đối tượng nào khác. Cũng do tính chất pháp quyền nên các nhà nước pháp quyền phải thực hiện việc ngăn cản này bằng luật pháp. Đây chính là ý nghĩa của pháp chế, tức là chế tài bằng pháp luật. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc của Tuyên ngôn Quốc tế về Quyền Con người: ''Khi thực hiện các quyền và tự do của mình, mọi người chỉ chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục đích duy nhất là đảm bảo sự công nhận và tôn trọng và tôn trọng thích đáng đối với các quyền và tự do của người khác cũng như đáp ứng các yêu cầu chính đáng và đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ.'' (Điều 29.2)

Việc chế tài bao gồm hạn chế và xử phạt. Do vậy công việc pháp chế xoay quanh việc hạn chế và xử phạt sự xâm phạm giữa các loại đối tượng như sau:


- Ngăn cản các cơ quan nhà nước và công chức xâm phạm quyền và lợi ích của công dân (tức là chống lại cường quyền và tham nhũng).

- Ngăn cản các công dân này xâm phạm quyền và lợi ích của những công dân khác (không được bắt người khác làm nô lệ, không được giết người, trộm cắp, buôn người, ...)

- Bắt buộc các công dân phải thực hiện một số các nghĩa vụ vì lợi ích chung (như nộp thuế, nghĩa vụ quân sự, ...)

- Ngăn cản các công dân xâm phạm đến quyền và các lợi ích chung (như cản trở công chức đang thi hành công vụ vì lợi ích cộng đồng; phản bội Tổ quốc, khủng bố, diệt chủng; hạn chế kinh doanh một số lĩnh vực như ma túy, ...)

Mọi sự chế tài trên phải được qui định bằng luật. Không có luật để hạn chế một việc gì đó thì có nghĩa rằng làm việc đó là không phạm luật và không cần phải xin phép ở đâu cả, và cũng không cần phải có luật để cho phép làm việc đó. Trong một nhà nước pháp quyền, bất kỳ một văn bản luật dưới hiến pháp nào mà qui định công dân được phép thực hiện những quyền căn bản của con người đã được hiến pháp ở đó thừa nhận và bảo vệ thì văn bản đó đã vi phạm nguyên tắc pháp quyền của nhà nước đó, vi phạm hiến pháp của nó.

PHÁP CHẾ CỦA VIỆT NAM

Trên đây là những nguyên tắc pháp chế của một nhà nước pháp quyền. Những nguyên tắc này được đảm bảo bởi Hiến pháp nước ta: ''Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.'' (Điều 12). Thuộc tính xã hội chủ nghĩa là để thể hiện tính ưu việt của những nguyên tắc pháp chế mà nhà nước mong muốn. Nên nó chỉ có thể bổ sung làm tốt đẹp hơn cho những nguyên tắc này chứ không thể thay đổi bản chất của chúng, càng lại không được phủ định chúng, mà phải tuân thủ những nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền như nêu trên. Tuy nhiên, trong thực tế nước ta hiện nay đã có nhiều sự diễn dịch thuộc tính XHCN dẫn đến làm sai lệch bản chất này, từ đó tạo ra không ít các văn bản luật vi hiến.

QUAN CHỨC VÀ PHÁP CHẾ

Do vậy, để tăng được Mức độ Tự tin thì chúng ta cần đòi hỏi quan chức phải hiểu rõ và đảm bảo đúng những nguyên tắc pháp chế XHCN theo đúng bản chất của một nhà nước pháp quyền và lý tưởng tốt đẹp của xã hội XHCN. Cần yêu cầu các Đại biểu Quốc hội phải bảo vệ và đảm bảo những đòi hỏi này của chúng ta phải được thực hiện trong thực tế.

Nhân quyền - Pháp quyền - Pháp chế: Chính bản chất và những nguyên tắc của 3 điều này liên hệ với nhau tạo thành nguyên lý cốt lõi của một nền dân chủ: người dân có quyền làm bất kỳ điều gì mà luật pháp không hạn chế và không cần phải xin phép để làm điều đó. Ở các nhà nước pháp quyền tiến bộ, công chức không chỉ bị hạn chế để không được làm một số việc đối với công dân mà còn chỉ được làm những gì luật pháp cho phép. Đồng thời, thay vì xây dựng nhiều luật để hạn chế, các nhà nước này ưu tiên làm ra luật để khuyến khích, tạo động lực cho người dân làm điều tốt để hướng đến thực hiện những lý tưởng xã hội tốt đẹp.

TRÁCH NHIỆM CỦA CHÚNG TA

Chúng ta hoàn toàn có quyền và có lý do chính đáng để mong muốn và đòi hỏi nhà nước pháp quyền của chúng ta phải được như thế. Không chỉ đòi hỏi, mà tích cực hơn nữa là chúng ta cần phải chủ động, tự tin và có ý thức sử dụng tối đa các quyền công dân của mình để xây dựng cho được một nhà nước pháp quyền như thế.

Tóm lại, chúng ta sinh ra là đã có sẵn những quyền cơ bản của con người và cần phải tự tin sử dụng chúng mà không cần phải xin ai cho phép cả (Nhân quyền); Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo vệ các quyền đó (Pháp quyền); và chúng ta chỉ bị hạn chế làm những gì được qui định rõ trong luật pháp, chưa có luật hạn chế tức là không có sự hạn chế chứ không phải chưa được phép, nếu chúng ta vi phạm các hạn chế này thì chúng ta sẽ bị xử phạt (Pháp chế).


Ba điều này tạo thành nền tảng của dân chủ, làm tốt 3 điều này chúng ta sẽ có một nền dân chủ tốt (thực chất và bền vững). Điều thứ nhất - Nhân quyền - là quan trọng nhất và mang tính quyết định. Cho nên, nếu chúng ta không sử dụng các quyền con người cơ bản của mình thì sẽ không bao giờ có Nhân quyền trong thực tế. Và do vậy cũng sẽ không thể có nền dân chủ thực chất, nên cường quyền sẽ lấn át là đương nhiên. Do đó, trách nhiệm đầu tiên và trên hết thuộc về chúng ta.

Rất mong nhận được góp ý của quý vị. Xin chân thành cảm ơn!

Lê Thăng Long

Người khởi xướng phong trào Con đường Việt Nam

Xem thêm NHÂN QUYỀN - PHÁP QUYỀN - PHÁP CHẾ tại đây
Làm sao để tự tin Reviewed by Em Binh on 6/17/2012 Rating: 5 Lê Thăng Long -  Nguyên nhân căn cơ nhất làm mức độ tự tin và có ý thức sử dụng tối đa quyền công dân (sau đây gọi tắt là ''Mức đ...

Không có nhận xét nào: