Ðừng ai vô cảm Hoàng Sa: Tâm thư gửi các bạn trẻ Việt Nam - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
17 tháng 6, 2012

Ðừng ai vô cảm Hoàng Sa: Tâm thư gửi các bạn trẻ Việt Nam

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử họcTiến sĩ Nguyễn Nhã hiện đang ở Mỹ để thực hiện một công việc mà ông đã dày công nghiên cứu thực hiện trong mấy chục năm qua, nhằm đưa Hoàng Sa - Trường Sa ra với thế giới.

Từ Mỹ, ông đã vừa gửi một bức tâm thư cho các bạn trẻ Việt Nam, trình bày công việc mà theo ông, đó là sự nghiệp mà ông theo đuổi cả đời người, cụ thể là dịch các công trình nghiên cứu chứng minh chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa và biển Đông.

Trong phần cuối lá thư ông đã bày tỏ rằng: "Không có cách nào khác, trước những nguy cơ chưa từng có tại biển Đông, các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, hãy cùng nhau dẹp bỏ những gì 'xấu xí' của người Việt Nam như quá ham những tư lợi, thiếu đoàn kết… mà phải có lòng yêu nước chân chính, có tâm, có tầm như người Nhật Bản để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường.

Dưới đây là nguyên văn: 

Tâm Thư Của Tiến Sĩ Sử Học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
Gửi Các Bạn Trẻ Việt Nam.

Tháng 8 năm 2011, tôi cùng nhà cựu ngoại giao Dương Danh Dy nói chuyện về Hoàng Sa & Trường Sa tại Trường Đại Học Ngoại Thương ở Hà Nội. Một nữ sinh viên đã phát biểu một câu nói bất hủ: “Bất cứ ai vô cảm với Hoàng Sa & Trường Sa đều có tội với Tổ tông và Dân tộc”, sau khi nghe tôi nói: “Bất cứ ai làm cho Đất nước suy hèn đều có tội với Tổ tông và Dân tộc!

Tôi cũng đã từng nói: “Sự thật lịch sử chỉ có một. Lịch sử rất công bằng và nghiêm khắc với bất cứ ai kể cả nhà sử học!”

Gần đây xảy ra câu chuyện giữa một du học sinh Việt Nam với các du học sinh Trung Quốc, du học sinh Việt Nam trên đã tỏ ra rất lúng túng khi trao đổi về Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông!

Từ hồi tôi còn trẻ, hơn 30 tuổi cho đến nay đã bảy mươi tư tuổi, tôi vẫn đeo đuổi đi tìm sự thật về chủ quyền tại Hoàng Sa & Trường Sa.

Ngày 20 tháng 1 năm 1975, nhân kỷ niệm một năm ngày Trung Quốc dùng võ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa, tôi cùng Võ sư Trần Huy Phong và GS Ngô Gia Hy tổ chức triển lãm trưng bày Tư liệu lịch sử minh chứng chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa ở Thư viện Quốc Gia tại Sài Gòn. Với tính cách Trưởng Ban tổ chức, tôi phát biểu, đã xúc động không cầm được nước mắt và như Báo Sóng Thần hồi ấy đưa tin mọi người ôm nhau khóc ròng!

Trong cuộc hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ ba tại Hà Nội cuối năm 2011 vừa qua, một học giả Trung Quốc đã phát biểu rằng trong các thế kỷ vừa qua Trung Quốc đã bị các nước Phương Tây xử ép và làm nhục; thời nay đã khác và kêu gọi các nước Á Đông đòan kết với Trung Quốc! Tức thì tôi đã phát biểu rằng vậy thì Trung Quốc có chia xẻ với Việt Nam đang bị xử ép và làm nhục không? Cũng trong hội thảo quốc tế trên, để phản bác một học giả khác của Trung Quôc phát biểu rằng sự kiện Trung Quốc đăng ký với Ủy Ban đăng ký Thềm lục địa LHQ “Đường lưỡi bò” ở Biển Đông chỉ là sự kế thừa lịch sử. Tôi đã hỏi rằng vậy quí học giả đã kế thừa, tiếp cận được hay không sự kiện lịch sử năm 1909, chính quyền Quảng Đông cho là Paracels tức Hoàng Sa là đất vô chủ (res-nullius), đã tổ chức chiếm hữu theo phương cách Phương Tây như đem tàu chiến đến bắn 21 phát súng, cắm cột mốc chủ quyền…, và đã tiếp cận được hay không biết bao tài liệu của Phương Tây bằng nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ đào Nha…, Paracel đã thuộc về từ lâu chủ quyền của xứ An Nam hay Cochin China – Xứ Đàng Trong của Đại Việt hay chưa? Và có biết đến luận án tiến sĩ sử học của tôi về “Quá trình xác lập chủ quyền cuả Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa” hay không? Và để lấp đầy sự khác biệt về lịch sử, tôi đề nghị nên có một hội thảo quốc tế về chủ quyền tại Hòang Sa & Trường Sa.

Ngày 16 tháng 6 năm 2012, từ Việt Nam, mặc dù tuổi đã cao, tôi vẫn cố lặn lội đến Boston, chỉ cốt nói với các du học sinh tại trường đại học Harvard, một đại học uy tín chất lượng cao nổi tiếng trên thế giới về sự thật lịch sử chủ quyền tại Hoàng Sa &Trường Sa với ước mong các bạn du học sinh ở trường Harvard giúp tôi hoàn chỉnh bản Tiếng Anh hơn 500 trang Hồ sơ tư liệu về Chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa & Trường Sa, cùng giúp tôi đưa đến các thư viện có trong danh sách mà năm 1960, Headquarters, U.S. Pacific Broadcasting and Visual Activity AP0331 đã gửi tài liệu “Analysis on The Spratley-Paracel Islands Dispute,” no 010660.

Trong hơn 500 trang tư liệu kể trên, tôi chỉ mong các bạn lưu ý, tập trung thảo luận và quảng bá 3 thông tin chi tiết cụ thể sau đây:

Một là Đại Việt sử ký tục biên (1676-1789) do các sử thần thời Lê – Trịnh biên soạn theo lệnh của Trịnh Sâm năm 1775, đã nói rõ về hoạt động của Đội dân binh Hoàng Sa kiêm quản đội Bắc Hải và có đoạn viết: “Đặt đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người xã An Vĩnh xung vào đội ấy, cắt lượt nhau đi thuyền đến đảo mò tìm sản vật. Mỗi năm cứ tháng ba ra đi, mang lương ăn sáu tháng, đi thuyền ra biển ba ngày ba đêm mới đến đảo.”.… “Họ Nguyễn lại đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, miễn cho tiền sưu cùng các tiền tuần đò, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên, tìm lượm vật của tàu và các thứ đồi mồi, hải ba, bào ngư, hải sâm, cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản. Chẳng qua là lấy các thứ hải vật, còn vàng bạc của qúy ít khi lấy được… (quyển 2, từ tờ 82b – 85a).

Hai là Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 52 (đời vua Gia Long) một lần nữa lại ghi rõ ràng: “Năm Bính Tý, niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), vua Gia Long ra lệnh cho thủy quân và đội Hoàng Sa đi thuyền ra Hoàng Sa để xem xét và đo đạc thủy trình…”. Trong khi những tài liệu của những người Phương Tây từng hoạt động trong Triều Gia Long như Chaigneau, Taberd đã công bố những hành động của vua Gia Long cụ thể hơn. Chaigneau, đã viết trong hồi ký “Le mémoire sur la Cochinchine” “Chỉ đến năm 1816, đương kim hoàng đế đã chiếm hữu quần đảo ấy” hay giám mục Taberd viết: “Chính là vào năm 1816 mà Ngài (vua Gia Long) đã long trọng cắm tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong. Gutzlaff năm 1849 đã cho biết chính quyền Việt Nam thời Gia Long đã thiết lập một trại quân nhỏ để thu thuế và bảo trợ người đánh cá Việt Nam". Đặc biệt năm 1838 giám mục Taberd đã vẽ bản đồ có tọa độ An Nam Đại Quốc Họa Đồ đính kèm trong cuốn tự điển Latin – An Nam ghi rõ Paracel seu Cát Vàng; seu tiếng Latin có nghĩa hay là.

Ba là Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836) trong tập châu bản Minh Mạng 55 trang 336, ghi lời châu phê của vua Minh Mạng: “Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ (cột mốc) dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc, khắc sâu hàng chữ: “Năm Bính Thân (Minh Mạng thứ 17), họ tên cai đội thủy quân phụng mệnh đi đo đạc, cắm mốc ở Hoàng Sa để lưu dấu”. Vua cũng phê rằng “thuyền đi đâu, phải cắm cột mốc đến đó để lưu dấu. Phúc tấu cũng còn ghi chánh đội trưởng Phạm Hữu Nhật được phái từ Thuận An vào Quảng Ngãi để đi công tác Hoàng Sa.

Trong khi chính sử, Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165 (đời vua Minh Mạng),viết rất rõ quan điểm của Bộ Công và hoạt động của Bộ này tại Hoàng Sa: “Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ 17 (1836) (năm Đạo Quang thứ 16 đời nhà Thanh) Bộ Công tâu: “xứ Hoàng Sa thuộc cương vực mặt biển nước ta, rất là hiểm yếu, từng sai vẽ bản đồ riêng về hình thế xa rộng, ta mới chỉ vẽ được một, rồi lại cũng chưa biết vẽ nên làm thế nào. Hàng năm, thường phái người đi xem xét cho khắp để thông thuộc đường biển. Xem từ năm nay về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chọn phái thủy quân biền binh và giám thành đáp 1 chiếc thuyền ô nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, giao cho 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, thuê 4 chiếc thuyền của dân hướng dẫn ra xứ Hoàng Sa. Không cứ là đảo nào, bãi cát nào, phàm khi thuyền đến nơi, tức thì cứ chiếu chiều dài, chiều ngang, chiều cao, chiều rộng, và nước biển, bãi biển xung quanh nông hay sâu, có bãi ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở bình dị thế nào, phải xem xét đo đạc rõ ràng, vẽ thành bản đồ… Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ, quyển 165 còn chép: “Vua Minh Mạng đã y theo lời tâu của Bộ Công sai suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật điều binh thuyền đi đem theo 10 cái bài gỗ dựng bàn dấu mốc, chủ quyền”. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài khắc những chữ Hán: “Minh Mạng thập thất niên (1836), Bính Thân, thủy quân chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa đương độ chí thủ lưu chí đẳng tự” .

Với kiến thức về pháp lý quốc tế từ đầu thế kỷ đến nay cùng những thông tin lịch sử cụ thể trên thì chắc chắn các bạn không thể lúng túng khi tranh luận với các bạn trẻ Trung Quốc về Hoàng Sa & Trường Sa. Dù thế nào đi chăng nữa, dù lý của kẻ mạnh như thế nào chăng nữa thì lịch sử dân tộc ta không cho phép chúng ta hèn yếu. Như tôi đã từng nói: “Muốn lấy lại Hoàng Sa, giữ những gì còn lại của Trường Sa thì mỗi người Việt Nam phải có một kế hoạch nhỏ xây dựng nội lực đất nước hùng cường”.

Đầu thế kỷ 20, cụ Phan Bội Châu đã khởi xướng phong trào Đông Du hầu canh tân đất nước hùng cường để cứu nước. Nay chúng ta đang có phong trào thế giới du. Không có cách nào khác, trước những nguy cơ chưa từng có tại Biển Đông, các bạn trẻ Việt Nam không phân biệt chính kiến, hãy cùng nhau dẹp bỏ những gì “xấu xí” của người Việt như quá ham những tư lợi hại nước hại dân, thiếu đoàn kết, đố kỵ khích bác lẫn nhau… mà phải có lòng yêu nước chân chính có tâm, có tầm như người Nhật Bản để cùng nhau xây dựng nội lực đất nước hùng cường. Mong vậy thay!

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ sử học
Email: hannguyen1940@yahoo.com.

Hoàng Sa ơi, Việt Nam ơi,
Hoàng Sa mãi mãi cuả người Việt ta
Đừng ai vô cảm Hoàng Sa
Để mà mang tội ông cha muôn đời
Cũng đừng làm nước suy đồi,
Lịch sử phán xét ôi thôi còn gì!
Mỗi người kế hoạch khả thi
Sao cho nội lực ai bì kịp ta!
Xâm lăng, tàm thực tránh xa
Đừng hòng làm nhục nước nhà Việt Nam,
Biển Đông bắt nạt ngư dân!
Đừng hòng xử ép, nào thân nỗi gì!

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã

* * *
Được biết, một buổi Hội thảo với chủ đề “BIỂN ĐẢO VIỆT NAM” sẽ được tổ chức tại:

Đại học Harvard, số 2 Divinity Ave, Cambridge, MA 02138, USA

Thời gian: 9-12 giờ sáng ngày 16/6/2012

Diễn giả:

1. Tiến sĩ Nguyễn Nhã sẽ trình bày về các bằng chứng “Xác lập chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
2. Tiến sĩ Tạ Văn Tài sẽ trình bày chủ đề “Góp ý về giải pháp cho Biển Đông: nội lực quốc gia, ngoại giao đa phương và luật pháp quốc tế”.
3. Ông Thomas Vallely sẽ trình bày về vấn đề địa lý chính trị trong khu vực.

Ðừng ai vô cảm Hoàng Sa: Tâm thư gửi các bạn trẻ Việt Nam Reviewed by Em Binh on 6/17/2012 Rating: 5 Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học -  Tiến sĩ Nguyễn Nhã hiện đang ở Mỹ để thực hiện một công việc mà ông đã dày công nghiên cứu thực...

Không có nhận xét nào: