BBC - Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đất hiếm được thành lập trên cơ sở Bản thỏa thuận giữa Chính phủ Nhật Bản và Chính phủ Việt Nam về hợp tác phát triển ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yoshihiko Noda ký ngày 31/10/2011.
Ông Lê Bá Thuận, Giám đốc trung tâm được dẫn lời nói vào ngày 16/06 rằng “hai bên sẽ phát triển nguồn nhân lực và các chương trình chuyển giao công nghệ về tuyển, luyện và ứng dụng đất hiếm”.
Bấm Bản tin của Bộ Công thương cho hay “Theo phía Nhật Bản, mặc dù Việt Nam có tiềm năng tài nguyên đất hiếm rất lớn nhưng chưa có mỏ đất hiếm nào được đưa vào khai thác và sản xuất”.
Các thiết bị phục vụ cho chương trình nghiên cứu và phát triển của Trung tâm được Chính phủ Nhật Bản tài trợ thông qua Tổng công ty Dầu Khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản.
Hồi cuối tháng 10 năm ngoái Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký một thỏa thuận hợp tác khai thác, chế biến đất hiếm tại mỏ Đông Pao, Lai Châu, phía tây bắc của Việt Nam, giáp biên giới Trung Quốc.
Mỏ Đông Pao được cho có trữ lượng đất hiếm có các khoáng chất lanthanum, cerium và neodymium rất cần thiết để sản xuất màn hình tinh thể lỏng và bình điện cho xe hơi hybrid (chạy cả xăng lẫn điện).
Giảm lệ thuộc TQ
Đầu năm nay, công ty hóa chất của Nhật Bản Shin-Etsu Chemical Co, Ltd. cho hay họ lên kế hoạch đầu tư 2 tỉ yên (khoảng 25.9 triệu USD) để xây nhà máy tinh luyện đất hiếm cũng như cơ sở chế biến nguyên liệu cho bản phát quang điện tử tại Việt nam.
Nhà máy thứ nhất, dự kiến đặt tại Khu Công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng, sẽ tinh chế 1.000 tấn đất hiếm mỗi năm và là cơ sở đầu tiên của công ty này đặt ở ngoài Nhật Bản.
Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ nâng công suất luyện và tinh lọc “đất hiếm của công ty lên thêm 50%, giúp họ giảm lệ thuộc vào nguồn đất hiếm từ Trung Quốc.
Shin-Etsu Chemical Co., công ty lớn thứ hai trên thế giới sản xuất các bộ phận từ tính từ đất hiếm cũng sẽ cung cấp cho nhà máy ở Hải Phòng những nam châm cũ thu lại từ các xe hơi hybrid, các phần cứng của máy vi tính và những thiết bị khác từ nhà máy của họ.
Nhà máy ở Hải Phòng sẽ không chỉ tinh luyện đất hiếm khai thác được từ mỏ tại Việt Nam mà nhà máy này còn xử lý nhiên liệu từ úc, Ấn Độ và những nơi khác nữa.
Cơ sở thứ hai trong kế hoạch đầu tư của Shin-Etsu là nhà máy tinh chế nguyên liệu cho bản phát quang điện tử, dự kiến đặt tại Khu Công nghiệp Thăng Long 2 tại tỉnh Hưng Yên.
Báo Nikkei và website công ty Shin-Etsu cho hay theo dự kiến cả hai nhà máy sẽ đi vào hoạt động để cho ra sản lượng vào mùa xuân năm 2013.
Không có nhận xét nào: