BBC - Quốc hội Việt Nam hiện nay sắp kết thúc kỳ họp thứ Ba và có kế hoạch thông qua Dự thảo về Luật Biển được cho là sẽ thu hút sự chú ý của các nước trong khu vực có tranh chấp chủ quyền cũng như giới quan sát quốc tế.
Nhân dịp này, nhà nghiên cứu Dương Danh Huy tại Quỹ Nghiên cứu Biển Đông ở Anh Quốc bình luận với BBC tiếng Việt về Luật Biển của Việt Nam, và lưy ý làm sao để tránh bất lợi cho nước này.
Trước hết, ông cho biết ý nghĩa của việc Quốc hội bàn thảo thông qua đạo luật:
Tiến sĩ Dương Danh Huy: Luật biển có hai khía cạnh, đối nội và đối ngoại. Có khía cạnh đối ngoại là vì trên biển có quyền lợi chung đụng với một số nước khác trên thế giới, và ngoài ra chúng ta còn có tranh chấp biển đảo với một số nước trong khu vực.
Luật biển của VN hiện nay ra đời năm 1982, lúc đó có Chiến tranh Lạnh, xung quanh Việt Nam tứ bề thọ địch. Năm 1982 cũng là năm Công ước Luật Biển ra đời và lúc đó Việt Nam chưa phê chuẩn Công ước này của LHQ, có lẽ lúc đó Việt Nam cũng chưa hiểu rõ về Công ước đó.
Bây giờ trong 30 năm qua, tình hình địa chính trị Thế giới đã thay đổi và các nhu cầu an ninh của Việt Nam cũng thay đổi, vì vậy Việt Nam cần cập nhật và phát triển luật biển mới.
BBC: Có những vấn đề gì cần lưu ý cho việc cập nhật Luật Biển của Việt Nam?
Luật biển năm 1982 của Việt Nam có một số điều không tuân thủ với Công ước Luật Biển của LHQ, ví dụ như Việt Nam vạch đường cơ sở quá xa bờ, lấn ra biển hơi nhiều. Ngoài ra, luật đó cũng không tôn trọng đầy đủ các quyền đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải của Việt Nam và cũng không tuân thủ đầy đủ quyền tự do hàng hải trong vùng tiếp giáp lãnh hải. Thành ra có một số nước, trong đó Mỹ, đã phản đối luật biển 1982 của Việt Nam.
Hiện nay, nếu Việt Nam muốn vận dụng Công ước Luật Biển để chống lại đường chữ U của Trung Quốc, hay muốn dùng vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông để kêu gọi các nước khác chống lại đường chữ U Trung Quốc, thì sẽ bất lợi nếu chính luật biển Việt Nam cũng không tuân thủ công ước đó.
‘Hai luồng quan điểm'
Mở bằng chương trình nghe nhìn khác
BBC: Theo quan sát của ông, luồng quan điểm chính của Việt Nam như thế nào?
Trước đây, theo tôi biết trong giới lãnh đạo Việt Nam và giới hoạch định chính sách có hai ý kiến khác nhau. Một bên cho rằng nên sửa lại luật biển sao cho tuân thủ UNCLOS mà cũng không gây "thiệt hại" đáng kể cho vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng bên kia cho rằng nên đợi thời điểm nào khác sửa đổi. Vì tôi chưa đọc bản dự thảo nên tôi chưa biết bên nào sẽ thắng, tôi cũng chưa biết Quốc hội sẽ quyết định ra sao.
BBC: Ông vừa nhắc tới yếu tố thời điểm, cụ thể hơn là như thế nào?
Phía cho rằng chưa nên sửa đổi Luật Biển Việt Nam về đường cơ sở, lãnh hải, thì họ nói là cần thời điểm nào thích hợp hơn. Nhưng hiện nay chưa rõ thế nào là thích hợp hơn.
BBC: Nếu Luật Biển lần này được thông qua, ông dự kiến phản ứng của Trung Quốc, của các nước có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam trong khu vực như thế nào, ngoài ra phản ứng của các nước khác ngoài khu vực, như Hoa Kỳ, sẽ ra sao?
Chắc chắn là Trung Quốc thế nào cũng sẽ phản đối luật biển của Việt Nam và các nước có tranh chấp với Việt Nam về Trường Sa cũng có thể phản đối. Đó là điều không tránh được vì người ta có tranh chấp với mình thì người ta phản đối. Còn mình cho là chủ quyền của mình thì mình phải làm. Điều đó không tránh được.
Nhưng với một số nước khác ngoài khu vực như là Mỹ, Nhật hay các nước Tây Phương, nếu mình không khắc phục được những điều trước đây không tuân thủ Công ước Luật biển của LHQ, thì người ta cũng sẽ phản đối. Và cái đó cũng là một điều đáng tiếc.
Không có nhận xét nào: