Hoa Kỳ: Nạn buôn người tại Việt Nam vẫn tồi tệ - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
21 tháng 6, 2012

Hoa Kỳ: Nạn buôn người tại Việt Nam vẫn tồi tệ

3 thanh niên bị công an Hà Nội khởi
tố về hành vi mua bán người
năm 2011. (Hình: VNExpress)
WASHINGTON DC 19-6 (NV) - Tệ nạn buôn người ở Việt Nam vẫn diễn ra khá phổ biến, hệ quả của nghèo đói, sự thiếu hiểu biết của quần chúng trong khi nhà cầm quyền chỉ có những nỗ lực rất giới hạn để đối phó.

Bản phúc trình về tình hình nạn buôn người trên thế giới được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phổ biến hôm Thứ Ba 19 tháng 6 năm 2012, gồm cả Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ chia tình trạng buôn người trên thế giới làm 3 loại. Loại 1 (Tier 1) là nước không có nạn buôn người. Loại 2 (Tier 2) là nước có nạn buôn người, tuy nhà nuớc có ngăn chặn, đối phó nhưng không hết lòng. Loại 3 (Tier 3) là nước có nạn buôn người phổ biến mà nhà nước không làm gì để đối phó hay ngăn cản.

Trong loại 2, Bộ Ngoại Giao Mỹ còn chia ra làm hai. Loại 2 tồi tệ được xếp vào loại cần theo dõi (Watch List) vì có một số lượng nạn nhân khá lớn với những hình thức buôn người nghiêm trọng và có khuynh hướng còn gia tăng. Nhà cầm quyền tuy có luật lệ ngăn chống nhưng đã thất bại hoặc không chứng minh được là có gia tăng nỗ lực để đối phó.

Việt Nam bị Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp vào loại 2 tồi tệ này, tức là “Tier 2 Watch List”.

Trong phần phúc trình riêng về Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ nói đàn ông, đàn bà và trẻ em người Việt Nam không những bị buôn bán ra nước ngoài để cưỡng bách lao động hoặc mại dâm mà còn bị cưỡng bách như vậy ngay ở trong nước của mình.

Ðàn ông, đàn bà và trẻ em Việt Nam bị các tổ chức buôn người, phần lớn núp dưới hình thức xuất cảng lao động hợp pháp thuộc các cơ quan nhà nước CSVN đưa ra nước ngoài. Họ bị nói dối là đi lao động nước ngoài với lương cao nhưng khi ra khỏi nước thì bị bán cho các động mãi dâm hoặc các tổ chức bóc lột sức lao động. Họ bị tịch thu hộ chiếu, giấy tờ tùy thân nên trở thành những người sống bất hợp pháp nếu bỏ trốn.

Những nước được nêu tên chính yếu trong bản phúc trình mà người Việt Nam bị buôn bán tới đó mãi dâm là Cam Bốt, Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Mã Lai, Singapore và đến cả Âu Châu.

Các tổ chức xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền CSVN cùng các kẻ môi giới đòi lệ phí có khi lên tới 10,000 đô la hoặc có thể nhiều hơn tùy địa điểm đến. Vì vậy, các nạn nhân và gia đình của họ mang những số nợ rất lớn.

Phúc trình nói khi tới nơi (bị bán) nạn nhân bị cưỡng bách làm việc trong những điều kiện vô cùng tồi tệ với tiền công rất thấp hoặc không được trả công dù người ta mang những món nợ rất lớn. Nhiều công ty còn không cho nạn nhân đọc bản hợp đồng lao động cho tới ngày sửa soạn lên máy bay. Rất nhiều người còn bị ép ký vào các bản hợp đồng bằng ngoại ngữ mà họ không hiểu.

Bản phúc trình kể thêm một vài trương hợp người Việt được vận chuyển đến Anh Quốc qua ngả Nga rồi đường bộ băng ngang Âu Châu, để trồng cần sa. Các nạn nhân này được hứa hẹn lương rất cao nên đã chịu những phí tổn lên đến 32,000 đô la.

Bản phúc trình cũng đề cập đến một số phụ nữ được thuê để mang bầu đẻ con cho một số người ở Thái Lan.

Không những bị lừa gạt đi bán dâm hoặc cưỡng bách lao động tại các nước khác, phụ nữ và trẻ em Việt Nam còn bị lừa gạt bán dâm hoặc cưỡng bách lao động ngay trong nước mình.

Bản phúc trình đề cập đến tình trạng cưỡng bách lao động tại các trung tâm cai nghiện nhưng nhà cầm quyền Hà Nội phủ nhận.

Trẻ vị thành niên Việt Nam bị bán cho những tổ chức phục vụ tình dục bệnh hoạn đặt tại Cam Bốt dành cho các du khách đến từ Nhật, Nam Hàn, Anh Quốc, Úc, Âu Châu và cả Hoa Kỳ nữa.

Phúc trình cho biết nhà cầm quyền CSVN tuy có làm luật chống buôn người nhưng “không hoàn toàn tuân thủ theo các tiêu chuẩn tối thiểu để trừ diệt tệ nạn buôn người”. Bản phúc trình cho rằng Hà Nội cần phải có những luật mới chống buôn người với các cơ chế cần thiết để bảo đảm mọi hình thức buôn người đều bị cấm đoán và trừng phạt.

“Trong khi nhà cầm quyền CSVN chứng tỏ có một số cố gắng đối phó với nạn buôn người phục vụ mãi dâm xuyên quốc gia, họ cũng chứng tỏ không có các cố gắng thi hành luật đầy đủ để chống mọi hình thức buôn người trong năm được phúc trình (2011), bao gồm luôn cả nạn buôn người cưỡng bách lao động”, phúc trình của Bộ Ngạoi Giao Hoa Kỳ viết.

Một số tổ chức nhân quyền người Việt ở hải hoại từng trợ giúp pháp lý cho hàng trăm công nhân Việt Nam bị bóc lột sức lao động ở Mã Lai và Trung Ðông. Chế độ Hà Nội có tòa đại sứ hoặc đại diện ngoại giao ở những nước đó nhưng quay mặt đi.

“Luật lệ hình sự CSVN không có những điều khoản trừng phạt đích xác các tội buôn người. Trong năm (2011) nhà cầm quyền CSVN báo cáo truy tố hầu hết các vụ buôn người lao động không theo điều 119 (buôn bán phụ nữ) mà lại chỉ theo các điều khoản trừng phạt lừa gạt theo luật lệ lao động mà như vậy, lại không có truy tố hình sự về tội buôn người”, bản phúc trình Bộ Ngoại Giao Mỹ viết.

Theo bản phúc trình này, năm 2011, chế độ Hà Nội đã đưa ra nước ngoài 85,000 công nhân “xuất khẩu lao động” tại 40 nước và lãnh thổ khắp thế giới. Tổng số người Việt Nam đang lao động ở các nước khác trong năm qua ước lượng khoảng 500,000 người.

“Không biết các thỏa thuận ký giữa Việt Nam và các nước nhận người lao động Việt Nam có các điều khoản chống buôn người hay không và có bảo vệ các nạn nhân của các vụ buôn người hay không”, phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ viết. “Nhiều phái bộ ngoại giao (CSVN) bị cáo buộc là lờ các khiếu nại của công nhân khi người ta kêu cứu là bị bóc lột, bị hành hạ hay là nạn nhân của vụ buôn người.”

Theo bản tin báo điện tử VNExpress ngày 27 tháng 4 năm 2012, trong khoảng thời gian 5 năm từ 2007 đến 2011 “cả nước xảy ra gần 2,600 vụ buôn bán người, với gần 5,800 nạn nhân, tăng gấp 3 lần so với 6 năm trước. Trong đó, hơn 60% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% sang Campuchia, số còn lại bán sang Lào, qua tuyến đường biển, hàng không tới một số nước khác”.

Hoa Kỳ: Nạn buôn người tại Việt Nam vẫn tồi tệ Reviewed by Em Binh on 6/21/2012 Rating: 5 3 thanh niên bị công an Hà Nội khởi tố về hành vi mua bán người năm 2011. (Hình: VNExpress) WASHINGTON DC 19-6 (NV) - Tệ nạn buôn ngư...

Không có nhận xét nào: