(DienDanCTM) - Dư luận toàn quốc đang xôn xao về bản tin ngày 22/8/2012 vừa xuất hiện trên trang web Chinhphu.vn, tức trang mạng trực tiếp nằm dưới quyền của văn phòng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI vào tháng 5/2012, chính ông Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tuyên bố quyết định lập lại Ban Nội Chính Trung Ương và ông Trọng sẽ thay thế ông Dũng trong chức vụ Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên trong bài báo nêu trên, văn phòng thủ tướng ghi rõ bên dưới hình ảnh và trong bài viết:“Chiều 22/8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng BCĐ và Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng BCĐ, đồng chủ trì phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.”
Vậy ai thực sự đang nắm ghế Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng?
Vẫn theo bài báo trên, mục tiêu của buổi họp là để: “biểu dương Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, đã nghiêm túc chấp hành sự chỉ đạo của Chính phủ; đã khởi tố, điều tra để đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng.” Nghĩa là khen ngợi việc bắt ông Nguyễn Đức Kiên, tức Bầu Kiên, ngày hôm trước, theo lệnh của thủ tướng, về các tội liên quan đến hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin khác được tiết lộ từ bên trong thì việc bắt ông Kiên đã do chính Bộ trưởng công an Trần Đại Quang chỉ huy và được giữ bí mật đến phút chót, để các quan chức thuộc các bộ khác (ngoài bộ Công an) không thể xen vào và kiếm đường thoát cho ông Kiên, như đã từng giúp Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng lẩn trốn cho đến nay. Điều này có nghĩa là chính ông Nguyễn Tấn Dũng, người đứng trên các bộ liên hệ, cũng không được cho biết.
Có lẽ cũng chính vì thế mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã phải gấp rút tổ chức buổi họp nêu trên và tung ra hình ảnh, tường thuật trên mạng ngay sau buổi họp. Theo giới phân tích tình hình thì mục tiêu là để:
(1) Cố tạo ấn tượng ông Dũng đang nắm toàn bộ sự việc, nhằm trấn an đội ngũ những người theo ông không bỏ chạy; và
(2) Gấp rút lùi xa khỏi ông Bầu Kiên để tránh các liên lụy. Đặc biệt là các liên lụy đến các doanh nghiệp của gia đình ông Dũng.
Văn phòng thủ tướng nay gọi các việc làm của ông Nguyễn Đức Kiên là “các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định hoạt động ngân hàng”. Nhưng theo giới phân tích, các hành vi đó, nếu thực sự đã xảy ra, phải là một tiến trình kéo dài trong nhiều năm, xuyên qua các thủ tục với đủ loại ban ngành nhà nước, chứ không phải chỉ một vụ việc vừa xảy ra hoặc vừa bị phát hiện. Tuy nhiên bài báo kể trên được xem là lời tuyên bố chính thức của ông Dũng bỏ rơi Bầu Kiên và như thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần những quan chức vốn đang cậy dựa vào sự bảo vệ của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Cũng cần nhắc lại ông Nguyễn Tấn Dũng từ 3 tháng trước đã rút con gái của ông là Nguyễn Thanh Phượng ra khỏi các vị trí đại diện pháp luật tại các công ty và quỹ đầu tư mà bà đứng đầu trong nhiều năm qua.
Không có nhận xét nào: