BBC - Chủ tịch Trương Tấn Sang vừa có bài sáng 23/8 nêu định hướng chỉnh đốn bộ máy sau khi các vụ bắt nghi phạm cao cấp trong ngành ngân hàng ở Việt Nam khiến dư luận chú ý đặc biệt đến công tác 'chống tham nhũng' của Đảng Cộng sản.
Phát biểu trước dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9, ông Trương Tấn Sang nói đến các 'áp lực gay gắt' và 'khó khăn khốc liệt', thậm chí không kém thời Kháng chiến, của nhiệm vụ chỉnh đốn, tìm giải pháp cơ bản cho nhiều vấn đề của Việt Nam hiện nay.
Như thời Kháng chiến
Nhắc lại truyền thống cách mạng của đảng cầm quyền, nêu cao tinh thần của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ông Trường Tấn Sang, ủy viên Bộ Chính trị, người mới lên làm Chủ tịch nước tháng 7/2011, đã xác tín lại con đường Đổi Mới của Việt Nam mấy chục năm qua.
Nhưng ông cũng nhanh chóng đi vào các vấn đề mà ông gọi là các 'đòn khốc liệt' nền kinh tế thị trường giáng vào đời sống xã hội.
Không hề nhắc đến Chính phủ hay các bộ ngành có trách nhiệm về nhiều vụ việc gây bức xúc dư luận hiện nay nhưng ông Trương Tấn Sang, ở vị trí nguyên thủ quốc gia, nêu rõ tên những vụ đó:
"Mới đây thôi, những vấn đề đặt ra từ Tiên Lãng - Hải Phòng, Văn Giang - Hưng Yên, Vụ Bản - Nam Định... đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại các cơ sở pháp lý về đất đai. Hoặc, những đổ vỡ, kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước,"
Ngoài ra, theo ông, là "những suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và cả trong nhân dân, đòi hỏi phải chỉnh đốn".
Như để vận động dư luận, Chủ tịch Sang nói các thách thức kinh tế đang tạo ra sức ép mạnh đối với toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam và làm người dân nghèo đi:
"Ngân sách Nhà nước thì còn rất eo hẹp, nợ công tăng lên, hàng loạt doanh nghiệp phá sản, hàng hóa tồn đọng nhiều, lạm phát đang ăn vào thu nhập của phần đông người lao động... Đó thực sự là những áp lực không nhỏ, không chỉ với bộ máy Đảng, Nhà nước mà với toàn xã hội."
Khác với nhiều phát biểu của quan chức cao cấp khác thường đổ lỗi cho yếu tố khách quan, ví dụ như suy thoái toàn cầu hay khủng hoảng tài chính ở châu Âu, Chủ tịch Trương Tấn Sang cho rằng các yếu tố tiêu cực mang tính nội bộ Việt Nam, có màu sắc nhóm lợi ích và phá bỏ là không dễ:
"Công việc đòi hỏi chúng ta phải điềm tĩnh, tỉnh táo, kiên trì tìm giải pháp giải quyết căn cơ, không chỉ nhất thời"
"Có những việc tưởng như đơn giản, tưởng như dễ giải quyết, không phải là khó khăn, nhưng khi thực hiện thì đụng đâu cũng vướng vì nó không phải là một bài toán trên lý thuyết đơn thuần mà là xã hội với đủ sắc màu, với những cách nghĩ, những quyền lợi, những ứng xử khác nhau, chằng chịt, cái này níu bám và kìm giữ cái kia."
Bài phát biểu thuộc loại dài và tổng thể nhất từ trước tới nay của ông Trương Tấng Sang được đưa ra sau vụ Tổng cục Cảnh sát bắt ông Nguyễn Đức Kiên, tức Bầu Kiên, chiều 20/8 để điều tra về cáo buộc 'Kinh doanh trái phép', theo điều 159 Bộ Luật Hình sự.
Vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên, theo sau bằng tin hôm 22/8, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn lệnh bắt tạm giam 4 tháng với ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB, làm nổ ra hàng loạt bình luận về một chiến dịch có chỉ đạo từ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ủng hộ, đánh vào đường dây "thao túng, lũng đoạn hệ thống ngân hàng" ở Việt Nam.
Vụ bắt giữ Bầu Kiên gây chao đảo trên thị trường chứng khoán, làm sụt giá cổ phiếu của một số ngân hàng như ACB và Eximbank.
Trong tình hình này, những người chủ trương quyết tâm đánh vào các nhóm lợi ích thuộc ngành huyết mạch của kinh tế Việt Nam phải suy tính có tiếp tục nghị trình đó hay không nếu thị trường phản ứng quá xấu.
Sống còn của Đảng
Bài phát biểu của ông Sang có thể là tín hiệu rằng ông các lãnh đạo đồng thuận với ông đang muốn dư luận thấy rõ là họ kiên quyết trong chiến dịch này.
Trước ông Sang, Tướng Lê Khả Phiêu đã từng nêu quyết tâm chống các nhóm lợi ích nhưng không thành |
Tuy thế, các ý kiến trong và ngoài nước vẫn tiếp tục đánh giá vụ Bầu Kiên theo hai cách.
Một cho rằng đây chỉ thuần tuý là một cuộc đấu đá nội bộ, nhằm vào những người thân tín của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Một cách khác tin rằng Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Trương Tấn Sang thực sự muốn phá bỏ các nhóm lợi ích đang có nguy cơ lũng đoạn kinh tế, đưa tới bất ổn và nguy hiểm cho chính sự cầm quyền của Đảng.
Các phát biểu trước đây của ông Sang cho thấy ông không chỉ coi việc chống tham nhũng hay minh bạch tài sản là chuyện mang tính cá nhân, hay luân lý theo kiểu 'đạo đức cách mạng' bị suy thoái.
Trong bài trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ hôm 25/6/2012, Chủ tịch Sang nói:
"Việc kiểm soát, minh bạch tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức là chuyện đại sự."
Nâng cấp vấn đề lên thành chính trị, ông nói tham nhũng không chỉ còn là chuyện nhà đất, mà có các tuyến tinh vi như "rửa tiền thông qua kênh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng thương mại", và cho rằng "các biện pháp kiểm soát như đã áp dụng còn hạn chế".
Ông Sang khi đó cũng nói về nghị quyết mới của Đảng Cộng sản, "trực tiếp nắm giữ thẩm quyền chỉ đạo, điều hành và Tổng bí thư là người đứng đầu bộ máy phòng chống tham nhũng".
Cho tới khi đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thuồc về Chính phủ, và đến hôm 22/8 này, vẫn do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì.
Dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của đảng"
Đây là cuộc họp trong lúc giao thời, khi Ban Nội chính của đảng còn chờ được tái lập để nắm bộ máy phòng chống tham nhũng.
Trong bài trả lời phỏng vấn hồi tháng 6, Chủ tịch Sang cũng nói về chống tham nhũng là "dù phải chấp nhận những biện pháp đau đớn cũng phải làm, vì đó là sự sống còn của #ảng, của chế độ và tương lai đất nước".
Một trong những vấn đề được nói đến nhiều ở Việt Nam thời gian qua, sau khi hàng loạt tổng công ty, tập đoàn kinh tế bị thua lỗ nặng, điển hình như Vinashin và Vinalines là trách nhiệm thủ trưởng của người đứng đầu các bố, và thủ tướng chính phủ.
Trong một động thái gần đây nhất từ phía Đảng, báo Việt Nam trích lời ủy viên Bộ Chính trị Tô Huy Rứa nói "không thể để tồn tại mãi tình trạng bổ nhiệm, đề bạt người yếu kém mà không ai chịu trách nhiệm".
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc chiều 21/8, ông Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nói rằng người bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm về cán bộ yếu kém.
Sang ngày 22/8, báo Việt Nam đưa tin về hội nghị đã trích lời một bộ trưởng nói về trách nhiệm của thủ tướng.
Vụ bắt Bầu Kiên đang tạo ra sóng gió chính trị ở Việt Nam |
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đã nêu ra ví dụ rằng "hiện Thủ tướng vừa là người quyết định bổ nhiệm vừa là người phê duyệt hội đồng thành viên, điều lệ cho các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, và các bộ chuyên ngành nhiều khi không nắm hết hoạt động của các đơn vị này vì họ báo cáo thẳng lên Thủ tướng".
Trước đó, hồi tháng 6, ông Sang cũng đã phát biểu:
"Trách nhiệm của người bổ nhiệm trong trường hợp này là đánh giá sai con người...đương nhiên người ký quyết định bổ nhiệm trường hợp như thế phải chịu trách nhiệm".
Tuy thế, cũng còn khá sớm để biết các quyết tâm này có vượt qua được hạn chế mang tính thể chế tại Việt Nam hay không khi va chạm với hiện thực.
Có vẻ như hiểu được tầm vóc của vấn đề, ông Sang, trong bài phát biểu hôm nay đã viết "công việc đòi hỏi chúng ta phải điềm tĩnh, tỉnh táo, kiên trì tìm giải pháp giải quyết căn cơ, không chỉ nhất thời".
Không có nhận xét nào: