Hội thảo về Biển Đông tại Bangkok - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 8, 2012

Hội thảo về Biển Đông tại Bangkok

Ba vị khách mời của cuộc hôi thảo (từ trái qua):
 Ông Henry Bersuto, Philippines, chuyên gia Kavi
Chongkittavorn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh
Thanh Trúc(RFA) - Với chủ đề Tình Hình Biển Nam Trung Hoa: Tiến Đến Đồng Thuận Mà Không Cần Dùng Đến Bạo Lực, một buổi hội thảo đã được tổ chức tại câu lạc bộ phóng viên nước ngoài ở thủ đô Bangkok của Thái Lan tối thứ Tư 22 vừa qua.

Cần tôn trọng luật pháp quốc tế

Buổi hội thảo về biển Đông có ba vị khách mời, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á thuộc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Việt Nam, Ông Henry Bersuto , chủ tịch Ủy Ban Chuyên Trách Biển Và Hàng Hải trực thuộc Bộ Ngoại Giao Philippines, nhà báo tự do Kavi Chongkittavorn, cũng là bình luận gia kiêm thành viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế đại học Chulalongkorn, Thái Lan.

Theo thông cáo báo chí của FCCT tức Câu Lạc Bộ Phòng Viên Nước Ngoài của Thái Lan, tình hình biển Nam Trung Hoa, mà Trung Quốc giành gần hết chủ quyền, chừng như ngày càng gay cấn hơn trong lúc chưa có giải pháp nào khả dĩ để giải quyết ổn thỏa.

Chính vì thế, trong mục đích tìm hiểu và hợp tác để mang lại hòa bình cũng như ổn định trong khu vực, buổi hội thảo mong đợi các nước, nhất là Philippines và Việt Nam, trình bày rõ quan điểm về chủ quyền của mình trên khu vực tranh chấp mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines và Việt Nam gọi là Biển Đông.

Thông cáo báo chí của FCCT còn cho biết vị khách mời Trung Quốc đã chính thức từ chối tham dự buổi thảo luận này.

Trả lời đài Á Châu Tự Do trước lúc hội thảo bắt đầu, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh khẳng định:

Chủ quyền đối với biển Đông là một vấn đề thiêng liêng và vấn đềquan trọng đối với Việt Nam. Chủ quyền và lãnh thổ luôn luôn là vấn đề quan trọng đối với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Việt Nam mình là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa cũng như quần đảo Trường Sa, và những gì tôi muốn nói ngày hôm nay là muốn thể hiện cái thông điệp Việt Nam là một nước yêu chuộng hòa bình, một nước tôn trọng pháp luật quốc tế, vì thế những gì mà Việt Nam yêu sách là phù hợp với những qui định của luật pháp quốc tế nói chung, luật về lãnh thổ và luật biển.

Những gì Việt Nam mong muốn hướng tới là áp dụng luật quốc tế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau. Những ai, những quốc gia nào có lợi ích liên quan sẽ cùng nhau ngồi lại để giải quyết tranh chấp đó một cách hòa bình chứ không phải là sử dụng những yêu sách mà nó vượt quá phạm vi qui định của luật quốc tế, không phải sử dụng những vũ lực những chèn ép trong quan hệ quốc tế để đạt đến mục đích của mình.

Được hỏi trong nỗ lực giải quyết về mặt song phương với Trung Quốc, tức là phía chèn ép và có những yêu sách vượt quá phạm vi của luật quốc tế như bà vừa trình bày, Việt Nam đã hoặc đang có thể ngồi xuống thảo luận với Trung Quốc chưa, hay chỉ là những lời phản đối qua đường ngoại giao mà thôi, tiến sĩ Lan Anh trả lời:

Việt Nam luôn sẵn lòng áp dụng biện pháp hòa bình và trong biện pháp hòa bình đầu tiên thì bao giờ cũng có đàm phán và thương lượng. Thực ra lịch sử để giải quyết tranh chấp không phải chỉ tranh chấp trên biển mà còn tranh chấp về biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, đã cho thấy là Việt Nam là một trong những quốc gia khá thành công trong việc đàm phán và thương lượng để giải quyết tranh chấp. Thông qua con đường đàm phán trực tiếp đó tôi nghĩ rằng sắp tới Việt Nam vẫn tiếp tục theo con đường này.

Vừa rồi Việt Nam cũng đạt được một thỏa thuận sáu điểm để giải quyết những vấn đề trên biển với Trung Quốc. Đấy cũng là nguyên tắc để xác định giữa hai quốc gia rằng sẽ tiếp tục đàm phán. Tuy nhiên nguyên tắc này cũng xác định rất rõ ràng là những vấn đề tranh chấp giữa hai quốc gia thì hai quốc gia sẽ thảo luận cùng nhau để giải quyết, còn những gì mà đa phương, giống như là tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, thì sẽ phải hội đàm với tất cả các bên có liên quan để giải quyết.

Những điều vừa nói cũng là quan điểm và lập trường mà tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh trình bày trước buổi hội thảo, sau khi đã mạnh mẻ khẳng định chủ quyền và quyền tài phán không thể tranh cãi của Việt Nam trên vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế qua một bản đồ chỉ dẫn chi tiết.

Cần sự đoàn kết của ASEAN

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, phó giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Nam Á thuộc Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Việt Nam. RFA photo
Trong khi đó, diễn giả Philippines Henry Bersuto nhấn mạnh rằng Trung Quốc không phải là kẻ thù của Philippines, Manila luôn muốn hợp tác với Bắc Kinh để phát triển hòa bình ổn định về lâu về dài. Thế nhưng, vẫn theo lời ông, tình hình thực tế trên vùng biển Tây Philippines với những chiếc tàu lớn của Trung Quốc hoạt động ngang nhiên ở đó cho thấy:

Rõ ràng người ta không thể bắt tay nhau khi chân người này cứ cố tình giẫm lên chân người kia tới đau điếng, rằng Philippines không thể cứ cam phận để bị hiếp đáp mà không chịu lên tiếng, và tôi lấy làm tiếc để nói rằng nếu quí vị nghĩ Philippines mạnh miệng vì có Hoa Kỳ đứng đằng sau chúng tôi là quí vị nghĩ sai hết. Người dân Philippines có lòng tự trọng, có lòng yêu nước và có ý thức về chủ quyền của mình.

Theo ông Henry Bersuto, bộ qui tắc ứng xử là chìa khóa để giải quyết vấn đề và duy trì ổn định trên biển cũng như trong khu vực .

Đồng quan điểm với diển giả Philippines, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh phát biểu rằng điều cần phải thực hiện là COC bộ qui tắc ứng xử giữa các bên trên biển Đông. Bằng những biện pháp gợi ý, bà cho rằng cần đưa vấn đề biển Đông vào những chương trình nghị sự của ASEAN, cần xác định vai trò cần thiết và tích cực của ASEAN cũng như cần một tiếng nói chung trong ASEAN đối với việc tranh này.

Từ điểm cần xác định vai trò và sự cần thiết của ASEAN trên biển Nam Trung Hoa, ông Kavi Chongkittavorn cho rằng hiện trạng phân hóa đang xảy ra trong nội bộ ASEAN sau khi đã không đưa ra được bản thông cáo chung qua hội nghị cấp bộ trưởng lần thứ 45 ở Phnom Penh, vì thế:

ASEAN cần một nhóm làm việc chung, phản ảnh sự đoàn kết và tiếng nói đồng nhất của mười quốc gia thành viên. Nếu chỉ để Philippines và Việt Nam đơn phương lên tiếng mà không có một nhóm làm việc chung và một tiếng nói chung của mười quốc gia ASEAN thì không chỉ tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa mà tất cả những việc liên quan của tổ chức trong tương lai cũng sẽ bị khập khiễng.

Vẫn theo lời ông Kavi Chongkittavorn, là một thành viên quan trọng và cũng là một điều hợp viên giữa ASEAN với Trung Quốc, Thái Lan cần giữ vai trò tích cực hơn nữa trong việc giúp giải quyết mâu thuẫn, giúp tái lập ổn định trên biển Đông, đồng thời góp phần mạnh hơn để COC sớm thành hình.

Đó cũng là ý kiến được diễn giả Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, nêu lên trong bài thuyết trình cũng như trong phần thảo luận với báo chí.

Thanh Trúc tường trình từ Thái Lan.

Hội thảo về Biển Đông tại Bangkok Reviewed by Admin on 8/24/2012 Rating: 5 Ba vị khách mời của cuộc hôi thảo (từ trái qua):  Ông Henry Bersuto, Philippines, chuyên gia Kavi Chongkittavorn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan A...

Không có nhận xét nào: