Tìm hiểu phúc âm - Phúc âm thánh Mat thêu (1) - Thanh Niên Công Giáo

728x90 AdSpace

Trending
24 tháng 8, 2012

Tìm hiểu phúc âm - Phúc âm thánh Mat thêu (1)

Nguyễn Học Tập - 1- Những dòng giới thiệu sơ khởi. 

Trong lịch sử Kitô giáo, Phúc Âm Thánh Matthêu là Phúc Âm được nhiều người biết đến nhứt, được đọc và chú giải nhiều nhứt, mặc dầu Phúc Âm Thánh Marco vẫn được coi là quyển Phúc Âm tiên khởi, theo thời gian tính. 

Phúc Âm Thánh Matthêu thể hiện là Phúc Âm chính yếu trong nội bộ Giáo Hội, bởi đó thường được Giáo Hội đề cập đến trong Phụng Vụ và trong các tài liệu học hỏi Giáo Lý. 

Trong cách xếp đặt cấu trúc của mỗi Phúc Âm, mỗi tác giả Phúc Âm có 

- một viễn ảnh của mình,
- đi theo đồ án dự định của mình,
- thể hiện diện mạo con người của mình trong hình ảnh Chúa Kitô,
- đáp lại các đòi hỏi của cộng đồng mà Phúc Âm nhằm gởi đến. 

Đối với Thánh Matthêu, chúng tôi nghĩ rằng các tín hữu mà ngài nhằm viết Phúc Âm cho là những người thuộc cộng đồng Do Thái, đã trở lại Kitô giáo, có liên hệ chặt chẽ với gốc rễ Do Thái của mình, nhưng rất thường gặp phải những mối căng thẳng với hoàn cảnh còn nghiêng về truyền thống Do Thái, trong đó họ đang sống. 

Biết như vậy, chúng ta hiểu được trong Phúc Âm Thánh Matthêu đầy dẫy những trích dẫn, những liên tưởng và những lần nhắc đến Cựu Ước. 

Trong chiều hướng đó, chúng ta có thể hiểu được tại sao Thánh Matthêu diễn giải tầm quan trọng của năm quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh (Pentateuco, Ngũ Kinh), bởi vì là những quyển sách chứa đựng tất cả lề luật của truyền thống Do Thái. 

Các lời giảng dạy của Chúa Giêsu được thu tóm trong năm bài giáo huấn: 

- loạt bài diễn văn dầu tiên được đặt trong bối cảnh một ngọn núi - bởi đó được gọi Bài Giảng Trên Núi (chương 5-7) - và có thể được giải thích quy chiếu về những gì đã xảy ra trên núi Sinai, trong cuộc xuất hành của dân Do Thái: Chúa Giêsu không đến để xoá bỏ lề luật Moisen, mà để làm cho trở nên hoàn hảo hơn. 
- Nước Thiên Chúa là chủ đề tâm điểm của lời giảng dạy và động tác của Chúa Giêsu, chủ đề của loạt bài diễn văn thứ hai. Đó là bài giảng huấn được gọi là "truyền giáo" (chương 10) : Nước Thiên Chúa được loan báo, được lắng nghe đón nhận hay khước từ. 
- loạt bài giảng huấn thứ ba được thể hiện dưới hình thức các "dụ ngôn" (chuơng 13). Nước Thiên Chúa được diễn tả như một thực thể lớn lên tuần tự, mà không thể bị chận đứng trong dòng lịch sử của mình. 
- loạt bải giảng huấn thứ tư (chương 18) là loạt bài nói về Giáo Hội - một để tài rất được cảm nhận trong tâm thức Thánh Matthêu- Giáo Hội trở thành dấu chỉ của Nước Thiên Chúa qua cuộc hành trình trong lịch sử, khi chờ đợi Vương Quốc đó của Thiên Chúa đạt đến thời kỳ viên mãn trong việc cứu độ cuối cùng (hay nói đúng hơn, lịch sử Giáo Hội là lịch sử tiến đến ngày cánh chung (chương 24). 
Lối cấu trúc nền tảng nầy (được thể hiện bằng năm loại bải giảng huấn, được khởi đầu trước đó bởi hai khối bài tường thuật quan trọng: 
- Phúc Âm thời niên thiếu của Chúa Giêsu (chương 1-2), 
- và biến cố trình diện Chúa Giêsu trước công chúng, qua biến cố phép rửa và các cơn cám dỗ sau đó (chương 3-4) 

Đây là tác phẩm của Thánh Matthêu: môt cuộc khởi đầu cao cả về lịch sử của Chúa Kitô, của Giáo Hội và của Nước Thiên Chúa. 

2 - Tác giả - địa danh- thời điểm viết lên Phúc Âm. 

Truyền thống Giáo Hội thời tiên khởi đều đồng thuận gán quyển Phúc Âm đầu tiên cho Thánh Matthêu, cũng được gọi là Levi, vị môn đệ mà Chúa Giêsu đã kêu gọi hãy theo Người, khiến Matthêu phải bỏ đi nghề thu thuế của mình, tức là người siết thuế cho lực lương chiếm đóng lúc đó (Mt 9, 9-13). 

Cũng chính truyền thống đó xác nhận từ thế kỷ II, cho rằng Thánh Matthêu đã viết lên quyển Phúc Âm đầu tiên, có lẽ giữa các năm 40 và 50, viết ở Palestine cho các người từ gốc Do Thái Giáo đã trở lại Kitô giáo 

Ngài viết bằng tiếng aramaico, ngôn ngữ chung của dân chúng Palestina thời Chúa Giêsu. Nhưng bản văn khởi đầu đó, chúng ta không còn có được dấu vết gì. 

Trái lại chúng ta có được bản văn tiếng Hy Lạp của Thánh Matthêu, có lẽ viết giữa các thập niên từ 70 dến 80 sau Thiên Chúa Giàng Sinh. 

Nếu bản Phúc Âm được viết ra sau năm 70 (sau Thiên Chúa Giáng), chúng ta có lý chứng vững chắc rằng bản văn được viết ở ngoài vùng Palestine. 

Nhiều học giả cho rằng được viết ở Antiochia, ở Syria, một thị xã có nhiều tín hữu Do Thái Kitô giáo (từ Do Thái giáo hoán cải trở thành Kitô giáo) và các tín hữu bản xứ Kitô giáo (dân bản xứ Syria hoán cải thành Kitô hữu). Các tín hữu Kitô giáo vừa kể, gốc Do Thái hay gốc bản xứ Syria, gặp gỡ nhau , cùng chung sống với nhau và cũng do đó mà vấn đề liên hệ giữa lề luật và Phúc Âm có lẽ là những vấn đề nóng bỏng. 

Hiểu như vậy, chúng ta thấy được nội dung cá biệt của Phúc Âm Thánh Matthêu là nhằm giải thích, mặc dầu nhiều phần nội dung được xem là có liên hệ trực tiếp với truyền thống Palestine, nhưng vẫn là những điều có thể áp dụng dược cho Syria. 

3 - Nguồn mạch cấu tạo thành Phúc Âm Thánh Matthêu. 

Ngoài ra các nguyên liệu của Thánh Marco và Q. (Qumran) mà Thánh Matthêu có được, còn có nguồn nguyên liệu của riêng mình. 

Tài liệu của Thánh Marco và Q. là những tài liệu được viết thành văn bản, nhiều nhà bình luận cho rằng còn có một nguồn tài liệu thứ ba riêng tư của Thánh Matthêu. Không có lý do nào có thể cấm cản chúng ta nghĩ rằng nguồn tài liệu thứ ba đó là những đoạn văn được viết lại từ những nguồn tư tưởng truyền khẩu, được chính Thánh Matthêu viết thành văn lần đầu tiên. 

4 - Đặc tính văn chương. 

Xác tín chung ngày nay là xác tín cho rằng những kỷ niệm về Chúa Giêsu, tức là các lời nói và động tác của người, không phải là những gì được lưu truyền lại một cách máy móc, mà là những gì được thu góp, xếp đặt thứ tự, khai triển thêm tùy theo các nhu cầu đòi hỏi khác nhau của đức tin nhiều cộng đồng Kitô giáo khác nhau, tức là tùy theo nhu cầu mục vụ, phụng vụ và các nhu cầu khác nữa. 

Tất cả những điều đó làm cho các tác giả Phúc Âm đặc tâm lưu ý đến, trước khi đặt bút ghi nhận lại những gì mình biết được trong tác phẩm của các ngài, để định hướng và lựa chọn những nội dung đó dưới ánh sáng nhãn quang cá biệt của mình. Bởi đó chúng ta hiểu được sự khác biệt giữa Phúc Âm Thánh Matthêu, Thánh Marco, Thánh Luca, đôi khi trình bày cùng một biến cố, cùng một lời huấn dạy của Chúa Giêsu. 

Chúng ta có thể nói rằng những kỷ niệm mà các ngài có, đều có căn cội từ Chúa Giêsu, được lưu truyền lại với hai mục đích: 

- để tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, mà mình vẫn trung thành
- để cho các người đương thời mà mình muốn loan báo cho biết. 

Như vậy lịch sử và đức tin, kỷ niệm và thần học, là phương diện kết hợp nhau không thể tách rời. 

Bởi đó trong Phúc Âm chúng ta nghe được tiếng của Chúa Giêsu, tiếng của truyền thống (tức là lời giảng dạy của các Tông Đồ) mà tác giả Phúc Âm ghi lại cho mọi người bằng ngòi bút, bằng cách thể hiện hoá sứ điệp và sau cùng là tiếng nói của Giáo Hôi đã huấn dạy về chủ đề đang bàn. 

Như vậy, để đọc và thấu hiểu được Phúc Âm, cần lưu ý một vài định luật: 

- Để đọc một đoạn Phúc Âm, cần kiến tạo lại nền tảng Cựu Ước nằm bên dưới, mặc nhiên hay minh nhiên có liên hệ. Việc kiến tạo lại như vừa kể dùng để xác nhận, một đàng đặc tính tiếp tục lời huấn dạy của Chúa Giêsu với truyền thống, đàng khác cũng cho chúng ta thấy được những gì mới mẻ được Chúa Giêsu đem đến. Đặc tính vừa kể có tầm quan trọng đặc biệt đối với Phúc Âm Thánh Matthêu. 
- Định luật thứ hai là học hiểu mỗi đoạn Phúc Âm dưới ánh sáng của bối cảnh trong đó chủ đề của đoạn được đề cập đến, và ở đâu có thể, so sánh đoạn Phúc Âm liên hệ với các đoạn song song của các tác giả Phúc Âm khác. Việc đối chiếu so sánh vừa kể là điều không thể thiếu, để cho việc đọc đoạn Phúc Âm có cảm nhận được những đặc tâm cá biệt mà tác giả Phúc Âm đương cuộc có ý làm nổi bậc, các chú tâm nhấn mạnh của ngài, các mối ưu tư, đồ án thần học của ngài và phương thức các ngài trình bày chủ đề, tính cách tân kỳ của các ngài để rao giảng mầu nhiệm Chúa Giêsu. 
- Định luật thứ ba, cần phải đặt đoạn Phúc Âm đang bàn vào đời sống Chúa Giêsu và vào đời sống của cộng đồng Giáo Hội. Chúng ta đã nói lời huấn dạy của Chúa Giêsu đang sống trong Giáo Hội và đang được Giáo Hội tiếp tục huấn dạy cho dân chúng, tiếp tục suy niệm và tìm hiểu sâu xa hơn, tùy theo các nhu cầu và các vấn đề mục vụ của nhiều cộng đồng khác nhau. 
- Sau cùng, định luật thứ tư, cần đọc đoạn Phúc Âm dưới ánh sáng đời sống hiện tại của chúng ta. Như vậy, chúng ta có thể lập lại, khởi đầu từ các vấn đề và hoàn cảnh của chúng ta, điều mà các cộng đồng Giáo Hội lúc đó đã làm từ những vấn đề và hoàn cảnh thời đó. 

5 - Đặc tính giáo lý. 

Thánh Matthêu rất đặc tâm chú ý đến lời huấn dạy của Chúa Giêsu. Trong Phúc Âm Thánh Matthêu có nhiều lời huấn dạy được khai triển rộng rãi hơn, so với các Phúc Âm khác. Cũng vậy, chính thứ tự sắp xếp cũng theo trật tự giáo huấn dựa trên năm huấn dụ quan trọng. Đó là các 

- bài giảng trên núi,
- bài giảng về sứ mệnh truyền giáo,
- bài giảng bằng dụ ngôn,
- bài giảng về Giáo Hội và
- bài giảng về thời cánh chung. 

Về phương diện nầy, Phúc Âm Thánh Matthêu có nhiều khác biệt so với Phúc Âm Thánh Marco, ít khi đề cập đến các bài huấn dạy và đặc tâm chú ý nhiều hơn đến các sự kiện, biến cố. 

Tuy nhiên, mặc dầu chú tâm đặc biệt hơn đến các lời huấn dạy của Chúa Giêsu, Thánh Matthêu không có ý chỉ thu gọn Phúc Âm thành lời huấn dạy, bởi lẽ ngài xác tín rằng Phúc Âm trước tiên là một con người và một dòng lịch sử. 

Bởi đó chúng ta thấy được, mặc dầu cấu trúc văn chương được đặt nền tảng trên năm bài giảng được đề cập, chúng ta vẫn thấy được lịch sử của Chúa Giêsu như trong Phúc Âm Thánh Marco, từ Galilea đến Giudea, từ biến cố chịu phép rửa trên sông Giordano đến cuộc khổ nạn và phục sinh. 

Thánh Matthêu kết nạp một cách khôn ngoan điều tường thuật với phần giáo lý, lịch sử và lời huấn dạy. Bởi lẽ lời huấn dạy nảy sinh từ lịch sử của Chúa Giêsu, làm sáng tỏ và bình luận, chú giải dòng lịch sử đó. 

Nói rằng giáo lý của Thánh Matthêu giải thích lịch sử, điều đó có ý nghĩa trước tiên rằng Phúc Âm ngài là một tác phẩm Kitô luận (Christologica). Nhân vật chính duy nhứt, chính là Chúa Giêsu. Định lý trước tiên của Thánh Tác Giả Phúc Âm là chứng tỏ cho chúng ta thấy ý nghĩa cứu độ con người của Chúa Giêsu và lời huấn dạy của Người. 

Chúa Giêsu và Vị Thầy mới, là Moisen mới cao cả hơn nhân vật cũ, vị Tiên Tri đem đến lời Chúa cuối cùng và quyết định. 

Với ý nghĩa đó, Do Thái giáo được kêu gọi hãy vượt lên chính mình, bởi lẽ lời cuối cùng không phải là lời của Moisen, cũng không phải truyền thống của các tổ phụ, mà là lời của Chúa Giêsu. 

Nhưng Phúc Âm Thánh Matthêu cũng có cảm nhận đến hoàn cảnh của Giáo Hội và Thánh Matthêu là tác giả Phúc Âm duy nhứt ghi nhận từ miệng Chúa Giêsu từ ngữ "Giáo Hội" (Ecclesia) (Mt 16, 18; 18, 17). 

Thánh Matthêu là một vị đặc tâm chăm lo cho Giáo Hội, bởi lẽ các chủ đề được ngài đề cập đến, là những chủ đề được chọn lựa, tùy theo các đòi hỏi của cộng đồng Giáo Hội. 

Một đặc tính không kém phần quan trọng khác đó là Phúc Âm Thánh Matthêu đề cập nối tiếp với Cựu Ước. Tính cách liên tục tiếp nối đó có vẻ như bị đặt thành vấn đề trước thái độ khước từ của dân chúng Do Thái đối với Chúa Giêsu. 

Thánh Matthêu đặc tâm liên tục chứng tỏ rằng lịch sử của Chúa Giêsu và của cộng đồng Giáo Hội Ngưòi là những gì hoà hợp với Thánh Kinh. Đó chính là lý do tại sao Thánh Matthêu thường xuyên trích dẫn Cựu Ước. 

Chúng ta đang ở giữa cộng đồng Do Thái - Kitô giáo vào thập niên 80, đang bị Do Thái giáo bao vây, sau khi đã bị mất đi ảnh hưởng chính trị sau đại họa trong thập niên 70. Dân chúng Do Thái giáo đó đang siết chặt hàng ngũ chung quanh Lề Luật và một lòng trung thành mới đối với các nguyên tắc và thực hành Do Thái. 

Trước tình trạng đó, Thánh Tác Giả Phúc Âm ưu tư chăm lo chỉ cho họ thấy điều mới lạ và các đặc tính của nền công lý Kitô giáo. 

Đó là lý do tại sao chúng ta thấy được Thánh Matthêu khai triển Phúc Âm ngài qua việc không ngừng thảo luận và so sánh với giáo lý các văn sĩ, giáo sĩ người Do Thái. 

Trong nội bộ cộng đồng Giáo Hội cũng không thiếu vấn đề. 


- Có nhiều tình trạng cần phải được làm sáng tỏ: làm thế nào phải quan niệm được sứ mạng truyền giáo giữa các dân ngoại và phải định hướng như thế nào ?
- Làm sao giải quyết được, trong ánh sáng các đòi buộc của Chúa Giêsu, một vài truờng hợp trong đời sống, hôn nhân, của cải, quyền lực phải được hiểu như thế nào ?
- Cần có thái độ nào trước các chia rẻ đang chạm đến cộng đồng Kitô giáo, trước tội lỗi và gương mù gương xấu tiếp tục xảy ra?
Đó là những câu hỏi được đặt ra, mà Thánh Matthêu không thể làm thinh khi viết Phúc Âm ngài.

Đó cũng chính là lý do mà Phúc Âm Thánh Matthêu làm cho chúng ta cảm thấy sống động và hiện đại.

Tìm hiểu phúc âm - Phúc âm thánh Mat thêu (1) Reviewed by Admin on 8/24/2012 Rating: 5 Nguyễn Học Tập - 1- Những dòng giới thiệu sơ khởi.  Trong lịch sử Kitô giáo, Phúc Âm Thánh Matthêu là Phúc Âm được nhiều người biết đ...

Không có nhận xét nào: